Đọc tập thơ “mình mắc cạn vào nhau” của Trần Đức Tín

Tập thơ “mình mắc cạn vào nhau” đã gây ấn tượng từ nhan đề của nó. Và càng đáng chú ý hơn khi tác giả là Khét – một tên tuổi còn mới trong làng văn. Thực ra, đây là bút danh của Trần Đức Tín, một thi sĩ đã được biết đến từ lâu qua những bài thơ khởi đăng trên các trang web. Và gần đây, tên tuổi của Trần Đức Tín / Khét đã bắt đầu xuất hiện đều đặn trên nhiều tờ báo. Anh đã tập hợp những bài thơ đăng trên các báo để in vào tập thơ này.

Đọc tập thơ, có thể thấy khá rõ lai lịch và con người tác giả. Những hình ảnh quen thuộc của Cà Mau, U Minh, Cửu Long… đeo bám vào các trang thơ. Trong bài vác ba lô lên cha sẽ đưa con về quê, Khét nói với cậu con trai:

rồi con sẽ nhớ tô canh chua ngoại nấu
súng tím biếc, cá rô đồng
trái me quê mình chua theo mùa nước nổi (…)
vào U Minh tát đìa trưa nắng hạ
con cá lóc nướng chui ngủ vùi trong sợi rơm ửng đỏ
bẻ đọt choại rừng thơm phức cả làng ta

Cũng như nhiều văn thi sĩ đất Mũi, giọng thơ của Khét đặc sệt chất quê. Những từ ngữ Nam Bộ mộc mạc đã qua một cuộc cải trang để óng ánh “chất thơ”: “ví dầu cầu ván đóng rập rình nỗi nhớ, lời mẹ ru tím cái đợi cái chờ”, ““má ơi đừng gả con xa” / lời ru tím bầm chiều rơm rạ””, “quê tôi xứ biển ầu ơ… / mẹ ơi bão nổi”, “cho những ngày ta nhiễm mặn vào nhau”, “đồng đã mặn hơn nước mắt nàng”, “trái mù u vừa tròn cuộc tạ từ cho những giấc đi hoang”… Người ta chỉ nhớ thương quê hương khi có dịp đi xa. Tập thơ được viết trong những ngày tác giả gói bưng biền tôi vào ba lô để lưu lạc xứ người:

anh sẽ mang nỗi nhớ bưng biền gói vào ba lô cho thỏa ngày xa xứ
cái sóc, cái phum, cái chài, cái cối
ơi lý xàng xê còn đê mê ngày mở cõi
quẫy máy chèo bẻ chênh chếch ánh trăng

Ở tuổi 30, Khét cùng vợ lên Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây, anh cũng sản xuất thơ đều đặn với những bài: “mình ơi bão qua rồi”, “đã dư thừa nỗi buồn”, “chạy trốn phố phường”, “Sài Gòn và những bất chợt mưa”, “đóa sen vừa nở”, “lý lịch thị thành”, “cánh cam tôi”… Dưới mắt của thi sĩ chân quê, Sài Gòn là “thành phố buồn như chiếc lá rơi”. Trong những ngày đầu gian khó, hai vợ chồng nương tựa, dìu dắt nhau đi giữa những cơn giông bão xứ người:

Sài Gòn vào mùa bão rồi em
cơn bão đầu tiên anh đón nơi đất khách
nghe là lạ từng hạt mưa giăng mắc
lắm lúc trở mình đau hơi gió xa xôi (…)
chạy tìm em trong chập chũng phận người
anh vấp ngã giữa minh mông sóng phố
khản đến buốt lòng anh cố gọi:
mình ơi !

Trần Đức Tín có nhiều bài thơ cảm động về tình cảm gia đình. Trong bài con có ổn không ?, người cha trẻ tâm sự: “cha chỉ muốn biết rằng con có ổn không / mấy hôm nay Sài Gòn chợt lạnh / thai nghén con / mẹ co quặm người ướt gối / cha đi rồi / mẹ con tự núm níu lấy nhau / trời trở giông / gió giật quanh mùng / mẹ đau thắt / phố tăng ca / phố đỏ đèn gọi bóng / cha sương gió xứ người đau xanh mắt mây xanh (…) mưa / xứ người / không chỗ trú lời ru”. Những tháng dài thành phố bị cách ly, hình ảnh quê nhà hiện lên chập chờn trong giấc mơ của Khét. Thi sĩ muốn thoát khỏi căn nhà trọ chật hẹp để về quê dạo chơi trên những cánh đồng rộng mênh mông. Anh làm một cuộc chạy trốn phố phường trong tâm tưởng:

mình đã từng chạy trốn phố phường phải không em
bất lực quá những khoảng vuông góc tối
nhốt phận mây, phận gió
hóa mồ côi (…)
rồi đôi lần mình bỏ ra đi
mặt trời đã mọc lại trên dòng kênh thơ ấu
sao vẫn nghe tiếng thở dồn nhịp tim xa xứ
gác trọ phố phường
neo vào gác lòng ta

Đọc tập thơ mình mắc cạn vào nhau, bạn đọc không chỉ “nhiễm” cái buồn của người U Minh xa xứ mà còn thưởng thức một giọng thơ lạ. Nhiều câu từ mới mẻ được tạo ra từ cách kết hợp lạ thường: “thèm uống nửa trưa đồng nắng hạ, nứt nẻ chân đất soi bóng những hố bom / con thia lia vẫy đuôi không trôi được nỗi buồn”, “con trâu, con đò đi ăn những ảo ảnh / mình cũng ăn mình trong gác tối quạnh hiu”, “nụ hôn sâu đến độ chạm vỡ sự cô đơn”, “nó còn nợ mùa hè nửa chiếc lá long đong”, “tự mồ côi mình trong cơn bấc chiều nay”… Qua thơ của Khét, ta gặp lại Cà Mau qua những hình ảnh vừa quen vừa lạ. Cũng viết về đề tài người mẹ, nhưng cách viết của tác giả không giống ai:

có phải mẹ đã đan cái nia bằng mảnh vụn thời gian
chuốt từng sợi xát vào tim cái nhớ
(Cái nia của mẹ)

đưa mẹ về qua đồng sau nhà ngoại
rơi một cánh cò mà loạng choạng cả quê hương
(Ngày mẹ về quê)

cánh cò điệu cả quãng đồng no gió
ta cõng tuổi đời về đắp mộ tương tư
(Về bên mẹ ta thôi)

Phần lớn sáng tác của Khét thuộc thể thơ tự do với nhạc điệu phóng khoáng như bản chất con người phương Nam. Cách ngắt nhịp thơ có nhiều sáng tạo với những câu dài và ngắn xen kẽ nhau (“cho bóng”, “lạy mẹ, con đã lưu vong”, “sinh nhật mẹ”…). Nhiều chỗ ngắt nhịp bất ngờ, đột ngột: “em thấy không trái mù u còn cúi đầu mắc cạn / có lẽ nào / có lẽ nào cứ thế mãi / để cả đời mình mắc cạn / vào nhau…”, “ai nhốt sợi sầu / vào góc lớp / tiếng thở dài động đến cõi mây bay (…) tôi mang mùa tôi / qua cửa / đóng / nghe mối sầu đắp mộ dưới lòng tay”. Tác giả sắp xếp các dòng theo lối thơ thị giác. Cách trình bày các dòng thơ lên – xuống, lồi – lõm cũng tạo nên những hình ảnh lạ mắt. Ví dụ như hai bài: “à ơi” và “tháng 4 buồn như cỏ”:

“à ơi
là cái võng ru
cò đi chợ vắng
cá bơi lên bờ

à ơi
ngày tháng đưa nôi
lỗi anh mắc cạn
giữa lời em ca”

“mà thôi em
mẹ ta rồi cũng trả về với đất
anh em mình như nghé
lạc
đàn
chiều rạn nứt thị thành trên lưng con cúm núm
em hờn dỗi làm gì
dẫu cỏ
cũng biết đau”

Tập thơ không chỉ chứa đựng nhiều điều kỳ lạ, mới mẻ mà đôi chỗ còn khó hiểu, như nhan đề “mình mắc cạn vào nhau”. Từ “mắc cạn” thường được nông dân Cà Mau dùng để chỉ ghe xuồng bị nằm trên mặt đất khi nước triều rút xuống. Nhưng ở đây, tác giả nói đôi trai gái “mắc cạn” vào nhau. Đây là niềm vui hay nỗi buồn, hay trong cái rủi có cái may ? Tác giả chỉ gợi chứ không giải đáp. Khép tập thơ, bạn đọc như có cảm giác bị “mắc cạn” vào cái duyên của Đất và Người Cà Mau. Gỡ mãi vẫn không rút chân ra khỏi những vuông thơ màu mỡ, bạt ngàn của miền quê xa lạ.

Phạm Ngọc Hiền

Vannghemoi.com.vn − 20:02, ngày 23/11/2023, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền
Từ khóa: