Một ngọn núi nhỏ độc đáo với ngôi bảo tháp cổ kính rêu phong đã góp phần khai sinh một lễ hội văn hoá quan trọng: Ngày Thơ Việt Nam. Gần 35 năm qua, cứ mỗi dịp Nguyên tiêu, khách thơ bốn phương hội tụ về đây để cùng “bay” lên trong không gian thi ca hoành tráng và kỳ ảo…

Không trực tiếp làm ra lương thực, thực phẩm nhưng thơ có khả năng chia sẻ vui buồn, nuôi dưỡng tâm hồn, ước mơ cho con người. Ở một đất nước gánh chịu nhiều thiên tai, chiến tranh như Việt Nam, mọi người thường tìm đến thơ như một chỗ dựa tinh thần, nuôi lấy tình yêu và khát vọng. Thơ xuất hiện khắp nơi, từ ruộng đồng tới công xưởng. Ngày Thơ Việt Nam ra đời trên nền tảng truyền thống ấy. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng nơi góp phần quan trọng cho sự hình thành lễ hội văn hoá sôi động này lại là một ngọn núi nhỏ với ngôi tháp cổ sừng sững ngàn năm nằm giữa lòng một thành phố xa xôi tận duyên hải miền Trung.

src=http://nhavantphcm.com.vn/userfiles/image/Thap%20Nhan%20-%20tho%20Nguyen%20tieu.jpg

Tháp Nhạn thắp lửa cho thơ

Ngọn núi nhỏ ấy chính là núi Nhạn ở bên bờ bắc sông Đà Rằng (hạ nguồn sông Ba) thuộc thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Với chiều cao khoảng 60m so với mặt nước biển, đường chu vi quanh núi khoảng hơn 1km, tuy nhỏ thấp nhưng nhờ có ngôi tháp cổ kính nên núi Nhạn có hình thế độc đáo và được ghi trong địa chí nhà Nguyễn. Núi xưa kia cây cối rậm rạp, ngoài chim nhạn thì còn nhiều loài cò và khỉ sinh sống nên còn được gọi núi Khỉ. Thời chiến tranh, cây cối trên núi bị chặt trụi để phục vụ quân sự, nay đã trồng lại thành một vườn thực vật có nhiều loài cây được đánh giá phong phú bậc nhất Việt Nam. Tháp Chăm cổ kính độc nhất trên đỉnh núi được gọi là Tháp Nhạn, nên núi còn được dân địa phương gọi là núi Nhạn Tháp, núi Bảo Tháp, hay núi Tháp Dinh.

Theo chuyên gia khảo cổ Phan Đình Phùng, Tháp Nhạn được người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ 11, có lối kiến trúc khối hình chóp vuông cao 25m, gồm tất cả 4 tầng thu nhỏ dần khi lên cao. Dù trải qua gần ngàn năm nhưng cấu trúc tháp còn khá nguyên vẹn, được trùng tu bảo dưỡng kỹ lưỡng. Năm 1988, Bộ Văn hoá thông tin đã công nhận Tháp Nhạn là Di tích Kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia. Ngoài ra, một đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ cũng được khánh thành trên đỉnh núi Nhạn năm 2007, nhìn từ xa như một chiếc thuyền buồm, gồm bảo tàng trưng bày ở bên dưới và phần trên là tháp đài cao 30m, tựa lưng vào tháp là cụm tượng đài.

Từ đỉnh núi Nhạn có thể bao quát cả thành phố Tuy Hoà và cánh đồng Tuy Hoà rộng lớn nhất miền Trung được bao bọc ba mặt là núi non, một mặt là biển cả, với ba chiếc cầu đường bộ và một chiếc cầu đường sắt nối hai bờ sông Đà Rằng. Mỗi chiếc cầu dài hơn 1km như những con rồng uốn lượn qua lòng sông. Xa xa ở phía nam là ngọn Đá Bia nổi tiếng mờ mờ trong mây. Đặc biệt, từ đỉnh Tháp Nhạn này, những người yêu thơ đã hình thành nên Hội Thơ truyền thống Nguyên tiêu Phú Yên mà rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ này sẽ diễn ra lần thứ 34, tức ra đời trước Ngày Thơ Việt Nam tới 22 năm.

src=http://nhavantphcm.com.vn/userfiles/image/Tho%20nguyen%20tieu%20p-yen.jpg

Hoành tráng Hội Thơ Nguyên tiêu truyền thống ở núi Nhạn, Phú Yên. Ảnh: Lê Minh

 Điểm hẹn văn hoá

Phú Yên là mảnh đất duyên hải miền Trung gắn liền với sự nghiệp nhiều nhà thơ tên tuổi như Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Văn Công, Vĩnh Mai, Nguyễn Mỹ, Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Liên Nam,… Từ đêm rằm Nguyên tiêu năm 1982, các nhà thơ ở đây như Trần Huiền Ân, Phan Long Côn, Nguyễn Kim Ngân, Ngô Thạch Ủng, Nguyễn Tường Văn, Hoàng Đình Huy Quan, Phạm Thị Hồng,… cùng nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Dương Thái Nhơn đã đứng ra tổ chức đêm thơ mừng xuân. Càng về những năm sau đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên thu hút càng đông khách thơ và chọn đỉnh núi Nhạn làm nơi cố định.

Bạn thơ từ các tỉnh cũng tề tựu về Tuy Hoà đọc thơ, thưởng thức thơ ngày càng nhiều, như Giang Nam, Cao Duy Thảo, Nguyễn Gia Nùng, Lê Khánh Mai từ Khánh Hoà; Lê Văn Ngăn, Lệ Thu, Nguyễn Thanh Mừng từ Bình Định; Thanh Thảo, Nguyễn Kim Huy từ Quảng Ngãi; Văn Công Hùng, Thu Loan từ Tây Nguyên; rồi Nguyễn Văn Phương từ Huế, Hoàng Vũ Thuật từ Quảng Bình, Bằng Việt từ Hà Nội, Mai Phương từ Quảng Ninh,… Đặc biệt, qua cầu nối của nhà thơ Phan Hoàng, một người con gốc Phú Yên, những nhà thơ từ TP.HCM gần đây năm nào cũng thay nhau về tham dự như Thanh Tùng, Lê Thị Kim, Triệu Từ Truyền, Bùi Chí Vinh, Lê Xuân Đố, Bùi Thanh Tuấn, Phạm Phương Lan,… Từ lễ hội thơ núi Nhạn, nhà thơ Nguyễn Gia Nùng sớm viết một công trình nghiên cứu khá công phu và một cuộc hội thảo qui mô cũng đã diễn ra tại Trường đại học Phú Yên.

Có thể nói hiếm có nơi đâu thơ trở thành một lễ hội có bề dày truyền thống và được háo hức chờ đón như Hội Thơ Nguyên tiêu Phú Yên. Núi Nhạn đêm thơ chật kín người từ đỉnh tới chân núi. Những quan chức đứng đầu tỉnh cũng luôn hiện diện đông đủ. Không phải ai đến đây cũng để nghe thơ, cảm thụ được thơ nhưng lễ hội thơ thực sự là điểm hẹn văn hoá cho họ có cơ hội giao lưu, gặp gỡ và “tắm mình” trong không gian kỳ ảo sau một năm bận rộn cặm cụi trên ruộng đồng hay xưởng máy, chợ búa, bàn giấy.

Trao đổi với chúng tôi, Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Quang – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên cho biết, năm nay Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 12 được tổ chức ở tất cả tỉnh thành trong cả nước, riêng Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên lần thứ 34 sẽ được tổ chức với nhiều nét mới trên đỉnh núi Nhạn trong 2 đêm 15 và 16 tháng Giêng. Đêm 16 tháng Giêng là cuộc hội ngộ của các nhà thơ đến từ 3 thành phố: TP.HCM, Choeng Ju của Hàn Quốc và Tuy Hoà. Ngoài ra, còn có một số nhà thơ đại diện cho các thành phố Đà Nẵng, Hải Dương, Hạ Long tham dự. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi cũng đã nhận lời cùng nhà thơ Nguyễn Quyến từ Hà Nội lần đầu bay vào hoà trong không gian thơ núi Nhạn.

Nhạc sĩ Ngọc Quang còn cho hay, Hội Nhà văn TP.HCM đã quyết định cử nhà thơ Phan Hoàng làm trưởng đoàn đưa các nhà thơ “máu mặt” như Lê Thị Kim, Nguyễn Thái Dương, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Lương Hiệu, Phùng Hiệu, Hoa Nip,… và cả nhà văn lão làng Lê Văn Thảo, nhà văn trẻ Trần Nhã Thuỵ cũng về tham dự. Ngoài ra, còn có nhạc sĩ Quỳnh Hợp cùng các hoạ sĩ trong Câu lạc bộ Nữ hoạ sĩ Ngân Hà về đây giao lưu, triển lãm hứa hẹn một cuộc hội ngộ văn hoá thú vị.

Với việc liên tục đổi mới hình thức tổ chức sinh động, mời gọi và thu hút sự tham gia của các nhà thơ trong và ngoài nước, Hội Thơ Nguyên tiêu truyền thống Phú Yên đang hướng tới hình thành một festival văn hoá thi ca đầy tính nhân văn, có sức quyến rũ đông đảo khách thơ từ bốn phương về với xứ sở của những danh thắng gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, mũi Điện, núi Đá Bia, Vũng Rô…

NGUYỄN ĐĂNG