NHÀ THƠ NỔI TIẾNG VÌ… KHÔNG LÀM THƠ !

                                                                 width=259

 Tương truyền rằng khi nghe tin thi sĩ nổi tiếng Trung Quốc thời bấy giờ là Bạch Cư Dị sắp ngoạn cảnh Núi Vu Sơn – Một dãy núi ở Trung Quốc- Một fan hâm mộ nhà thơ tên là Bà Tri Nhất đã tới trước đề lên vách núi một bài thơ như sau :

                                         Sứ quân họ Bạch là tài tử

                                        Đi tới Tô Châu ắt ghé đây

                                        Báo trước Cao Đường thần nữ biết

                                        Mây mưa bày gấp đợi thơ hay

Vừa bước chân tới dãy núi Vu Sơn huyền thoại, tác giả lừng danh của Tỳ Bà Hành đã thấy bài diễn văn chào đón mình nên rất khoan khoái cho mời Bà Tri Nhất đến cùng mình thưởng ngoạn Vu Sơn.

Sau khi nâng ly đàm đạo và thưởng ngoạn thơ đề trên vách núi,thi sĩ họ Bạch đã nghe rằng:

Lang Trung thi sĩ Lưu Vũ Tích làm quan ở gần núi Vu Sơn ba năm, muốn làm một bài thơ về  Vu Sơn mà không làm được, đến khi nghỉ chức đi ngang qua Vu Sơn đã xóa sạch hơn ngàn bài thơ tạp nham đề trên vách núi Vu Sơn chỉ để lại có bốn bài sau:

1.Thơ của Thẩm Thuyên Kỳ:

(Một dãy Vu Sơn cao chót vót

Phô bày cảnh vật vẻ thanh tân

Hang sâu mờ mịt hồn mưa gió

Núi kín âm u ý quỷ thần

Trăng chiếu đêm ngời Tam Giáp rạng

Triều dâng nước rẫy Cửu Giang Xuân

Mơ màng hỏi khách Dương Đài trước

Có khứng đưa nhau tới mộng chăng)

2.Thơ của Vương Vô Cạnh:

(Chiều buông Thần nữ hướng Cao Đường

Để lại Vu Sơn lặng tịch dương

Bịn rịn gieo tràn mưa luyến ái

Êm đềm ruổi giữa mộng Kinh vương

Sấm vang ngoài núi thanh rền rĩ

Chớp sáng đầu sông ánh tỏ tường

Mây sớm bơ vơ không chốn ngụ

Quán đài xanh ngắt buổi tinh sương)

3. Thơ của Hoàng Phủ Diễm

(Vu sơn cao ngất cõi Ba Đông

Hiện giữa trời xanh dáng lạ lùng

Mây giấu đền Vu Thần nữ vắng

Mưa rơi cung Sở cố nhân mong

Sáng chiều tiếng suối gieo châu ngọc

Ấm lạnh màu cây biếc trúc thông

Vượn hú não nùng nghe chẳng nổi

Giọng buồn riêng ngập bóng thu trong)

4. Thơ của Lý Đoan

(Một dãy mười hai ngọn chập chùng

Vu Sơn sừng sững giữa hư không

Mây quanh cuộn cuộn vầng dương lịm

Mưa tuyết giăng giăng nét gió cong

Tiếng vượn lạnh vang trong tiếng suối

Màu cây chiều xuống lẫn màu không

Cao Đường nghĩ xót khi ly biệt

Tình ý ngàn thu gởi Sở cung)

Thi nhân Bạch Cư Dị đọc xong bốn bài thơ trên phất áo cùng Bà Tri Nhất xuống thuyền không đề thơ ở Vu Sơn nữa ! Là một nhà thơ tài hoa dù không làm được một bài thơ thật đặc sắc về Vu Sơn nhưng Bạch Cư Dị chắc chắn có thể viết một bài được nhưng ông đã không làm , vì hai lý do:

-Thi nhân đã hiểu thâm sâu mấy chữ đơn giản: Trọng người người trọng!

-Thi nhân đã Biết bằng cái Biết của Khổng Tử rằng: Danh Sĩ Lưu Vũ Tích đã trăn trở ba năm mà không làm nổi một bài thơ cho núi Vu Sơn- Trăn trở đến nổi nhập tâm thuộc lòng hơn ngàn bài thơ đề trên vách núi và cuối cùng của sự bất lực này là một hành động sáng tạo kỳ quặc…Xóa thơ người ta!

Mà không phải xóa hết ; chỉ xóa hơn ngàn bài thơ dở  chừa lại bốn bài thơ hay!

Than ôi ! Tha hồ cho đám thi sĩ tạp nham bị xóa thơ kia kêu gào than khóc !

Thiên địa một phen kinh hoàng vì kẻ bứt tóc chửi trời, người nghiến răng dậm đất !

Bằng chứng là những Thi nhân đương đại có mấy ai chịu ai sửa thơ mình dù một chữ chứ đừng nói xóa hết cả bài !

Điều kỳ thú là :

-Thi nhân Lưu Vũ Tích đã nổi tiếng và được hậu thế lưu truyền qua hành động sáng tạo không đề thơ mà tuyển chọn thơ của người khác qua bốn bài đặc sắc có kết cấu hoàn chỉnh tả cảnh và tình núi Vu Sơn qua bốn mùa Xuân , Hạ , Thu , Đông !

-Thi sĩ lừng danh Bạch Cư Dị cũng nổi tiếng và được lưu truyền qua hành động Tự trọng, Tự biết không cố gắng vô ích !

Dẫu tài hoa đến mấy thi sĩ họ Bạch cũng hiểu mình khó lòng vượt qua nổi năm thi sĩ nổi danh thời bấy giờ. Vả chăng bốn bài thơ trên cùng sự sáng tạo của Lưu Vũ Tích đã là quá đủ, quá tuyệt vời cho Danh Thắng Vu Sơn !

                                                                                                                                       TẤN QUY

                                                                                                                         XUÂN NHÂM THÌN 2012

            *Tài liệu tham khảo : GIAI THOẠI THƠ ĐƯỜNG Của Cao Tự Thanh