NHÀ VĂN NGÔ PHAN LƯU

Thương hiệu là mỗi ngày bắt đầu từ số 0 
 
 
ĐÀO ĐỨC TUẤN
 
Lai rai, rả rích ôm cả nàng Thơ và nàng Văn gần hết đời ruộng rẫy; sang thế kỷ 21, ông dứt hẳn mộng thơ và dồn dập với truyện ngắn, rồi được mọi người biết đến. Ngô Phan Lưu không phải là người hoạt ngôn nhưng… chịu khó nghe thì thấy “lão” này có duyên! Người thích những cuộc nói náo động sẽ cảm thấy trò chuyện với Ngô Phan Lưu… chán chết, bởi cái “duyên” của ông nằm trong những đối đáp rời rạc, giật cục nhưng giàu chất học giả đồng quê. Đối với ông, chuyện gì cũng có… giải đáp, dù đôi khi chả “trúng trật” gì nhưng cũng đem lại điều gì đó ý vị…
 
Bỏ ruộng…
 
Khoảng mươi năm nay, cái tên “nhà văn nông dân” Ngô Phan Lưu thường xuất hiện trên văn đàn với giọng truyện ngắn và tạp văn “dễ đọc, khó quên”. Khá nhiều báo chí đã liên tục đặt hàng và giới thiệu tác phẩm Ngô Phan Lưu. Bây giờ, phần nhiều thời gian ông cày… báo; chẳng biết có khá hơn so với hồi cày ruộng…
* Trên năm mươi tuổi, ông mới dứt hẳn tay cày chuyển sang “ruộng” văn. Sự muộn màng này “lợi, hại” ra sao đối với ông?
– Tôi tin vào vận mạng. Càng lớn tuổi càng tin vào vận mạng. Và, như thế không có chuyện “lợi, hại” đối với tôi. Lúc cày ruộng thì cày ruộng. Lúc hết cày thì nghỉ cày. Làm văn cũng thế…
* Có vẻ rất ít người ở tỉnh mà “sống hẳn được” bằng văn chương như ông?
– Làm sao “sống hẳn được” vào văn chương? Anh cứ áp đặt việc không tưởng ấy vào tôi. Tôi cố tập sống chung với văn chương bằng cách viết văn mà thôi. Cũng như mình tập sống chung với lũ vậy mà.
* Thời nay, muốn chen chân vào văn đàn, ai cũng phải nhờ báo “đàn”. Ông nghĩ thế nào?
– Chen chân vào làng văn? Làng văn cũng như phụ nữ, sấn tới, nó trốn mất. Phải nỗ lực với chính mình, đừng có chen chân. Khi nỗ lực đúng mức sẽ có một vùng từ trường đủ chỗ để đặt chân.
* Sách ông bây giờ thuộc loại bán chạy. Vậy thuở ban đầu, tác phẩm của ông “từng phát, từng phát” gởi đăng các báo ra sao, có gian nan lắm không?
– Tôi là một người tầm thường, có chút đóng góp được văn học chấp nhận, cũng phải da mồi tóc bạc ấy chứ. Phải gian nan. Gian nan đã quen rồi.
* Cảm giác có tác phẩm đăng báo ngày “chưa ai biết” với giờ này của ông có gì khác nhau?
– Có khác nhau. Ngày chưa ai biết, tôi viết dễ dàng vì nghĩ có ai đọc đâu. Nay tôi viết khó khăn vì nhiều con mắt xung quanh dòm vào.
* Nhiều anh em biên tập báo chí rất ngán ngại cánh văn chương nửa mùa “tiếp cận, tấn công bằng mọi phương diện”. Ông có suy nghĩ về chuyện đó?
– Tôi không làm biên tập báo chí nên không biết việc này. Riêng tôi cũng thuộc cánh văn chương nhưng không bao giờ “tiếp cận tấn công bằng mọi phương diện” đối với anh em biên tập.
* Nhà văn các ông sướng thật, muốn “chơi” với báo nào thì chơi, không ai gò bó, miễn là đừng “chạy sô trùng bài hát”, “tắm hai lần trên một dòng sông”…
– Nhà văn không bao giờ sướng. Anh động vào sẽ tởn. Chờ đấy, nếu anh sa vào nhà văn…
* Theo ông, “đất” dành cho văn chương trên báo chí nước ta hiện nay “rộng” hay “hẹp”?
– Trung bình.
 
Bỏ rượu
 
Ngô Phan Lưu vốn là kẻ ham vui. Thế nên tôi rất ngờ khi đang “tưng bừng”, ông bỗng dưng xa rời hẳn tất cả các cuộc bù khú, bù lại, ông lại viết rất khỏe. A, ông này lại đổi rượu lấy văn…
* Anh em rất bất ngờ và bất mãn khi các cuộc vui chỉ thấy ông uống nước suông?
– Xin anh em thông cảm. Sau khi tôi mua một gói khám sức khỏe tổng quát ở trung tâm chẩn đoán y khoa MEDIC (Hòa Hảo) mới biết rõ sức khỏe mình có vấn đề. Thế nên, giữa sự sống dài lâu và bia rượu nhất thời, tôi buộc phải chọn sự sống. Bệnh tình phải uống thuốc và kiêng bia rượu. Vậy là hết bệnh.
* Chắc là ông tiếc dữ những ngày “hoành tráng”?
– Theo tôi, những ngày “bia rượu” bạt mạng lúc trước không phải là những ngày hoành tráng. Đó là những ngày “ma đưa lối quỉ đưa đường”. Nay không dùng bia rượu mới là những ngày hoành tráng. Do đó, phải mừng chứ không tiếc.
* Hơn một năm… lùi xa, ông thấy lợi – hại của những “chiến trận ngày xưa”?
– Chuyện bia rượu uống tràn cung mây quả thật tai hại về mọi phương diện. Bây giờ thì “bia rượu” bỏ tôi và tôi cũng bỏ nó. Đồng ý “ly dị” rồi.
* Khi trước, tôi vẫn thấy ông năng đi nhậu và tập thể dục. Phải chăng ông sợ mình… xuống sức văn? Sức khỏe đối với nghệ sĩ có gì… khác người không, thưa ông?
– Sức khỏe rất quí, quí hơn kim cương. Khi tôi biết quí như thế là tôi đã đối diện với nguy cơ mất nó.Phải giữ gìn thôi. Không có cách nào khác.
* Nhiều văn nghệ sĩ cho rằng phải có men mới thăng hoa sáng tạo. Còn ông thấy chuyện này thế nào?
– “Phải có men mới thăng hoa sáng tạo” à? Đó là chuyện ngớ ngẩn đến mức khôi hài. Có “men” chỉ được mỗi một việc là viết dở mà vẫn cứ thấy hay. Ngoài ra chẳng được việc gì nữa.
* Thực tế, những ông chồng hay nhậu nhẹt thì thường bị vợ kiểm thảo, đôi khi “lay động” xấu đến cả chuyện hôn nhân. “Kinh nghiệm chiến trường” của ông trong những chuyện này?
– Câu hỏi của anh quá mù mịt, không rõ ràng, nhưng cũng xin trả lời những nét chính. Thời tôi sa đà nhậu nhẹt, vợ tôi không kiểm thảo tôi. Và, đấy chính là cách vợ tôi kiểm thảo tôi. Còn tôi nghe kiểm thảo kiểu ấy lại ngủ rất yên giấc.
 
Với phụ nữ…
 
Một trong những chuyện tôi quan tâm khi tiếp xúc với bất kỳ người đàn ông nào: anh nghĩ gì về phụ nữ? Và thắc mắc này xin ấn vào tay ông “nửa ruộng, nửa văn”…
* Người đọc thường tò mò cuộc sống đời thường của nhà văn có gì “hấp”. Vợ chồng ông hiện có cả thảy bao nhiêu con, cháu?
– (bấm đốt tay, lẩm nhẩm)… Có 5 con, ba trai, hai gái. Bốn cháu ngoại và hai cháu nội. Dĩ nhiên vợ thì chỉ một. Mẹ cũng một.
* Luôn cập nhật và tìm tòi sáng tạo nhưng phải chu toàn sự vụ lễ nghĩa gia đình, dòng họ. Ngô Phan Lưu phải là người “nửa cổ, nửa kim”…
– Càng lớn tuổi, ân nghĩa càng nhiều. Điều này có nghĩa là “càng kiếm ít tiền, càng chi ra nhiều tiền”. Phải cố gắng, cố gắng và cố gắng. Phải cố gắng cũng là một truyền thống tốt đẹp của tổ tiên truyền lại. Thế nên, tôi không phải “nửa cổ, nửa kim” mà là “tân cổ giao duyên”.
* Không dễ dàng gì để làm một người đàn ông chu toàn. Ông “luyện công” như thế nào để đủ sức vượt qua…
– Ông bà vẫn nói “nhân vô thập toàn”, vấn đề là ráng chu toàn chút nào mừng chút nấy. Nhưng tôi rất biết ơn Thiền học. Nhờ thấm nhuần Thiền học mà tôi vượt được nhiều bế tắc và ngã lòng để thanh thản vươn lên.
* Nhiều người muốn trở nên vui tính nhưng vui… không đều. Ông thì lúc nào cũng “Xoa tay và cười”,
chất hài hước luôn được ông tung hứng thoải mái…
– Vui tính và khôi hài là hai việc khác nhau. Tôi khôi hài chớ không vui tính. Nhưng nhờ khôi hài làm tôi vui tính.
* Phụ nữ khá ưa người dí dỏm. Ngô Phan Lưu có vẻ không phong độ lắm nhưng lại hấp dẫn phụ nữ, thời trẻ và cả về… chiều?
– Tôi mà hấp dẫn phụ nữ cái gì! Phụ nữ hấp dẫn tôi thì có. Hãy nghe Claude Lévis – Strauss nói: “Chúng ta (đàn ông) là vật bất ly thân của người phụ nữ”. Đừng có ảo tưởng nhé.
* U70 rồi, xin một chút triết lý về phụ nữ đối với đời ông?
– Không nên cãi với họ. Cãi họ là tát cạn biển Đông.
 
Thương hiệu nhà văn là con số không
 
Ông có vẻ khoái khi tôi đặt vấn đề: tác phẩm của nhà văn là một mặt hàng; mặt hàng đó phải có thương hiệu hấp dẫn người mua thì các báo, nhà làm sách mới nhiệt tình sử dụng và trả nhuận bút…
* Trong truyện ngắn và tạp văn, những câu chuyện sâu sắc được ông thể hiện một cách nhẹ nhàng và lôi cuốn, phảng phất triết lý khá tự nhiên. Hình như ngày xưa ông có học triết, bí quyết học và đưa vào truyện của ông?
– Ngày trước tôi có học Triết, nhưng chủ yếu là con người tôi có máu triết. Máu triết mách tôi rằng, đơn giản hóa được vấn đề là vấn đề được sâu sắc hơn lên. Theo tôi, không có bí quyết cho truyện ngắn hoặc nói rộng ra là sáng tác văn học. Tôi đã viết khá nhiều truyện ngắn, nhưng mỗi lần viết truyện mới tôi đều xuất phát từ con số O. Vẫn mò mẫn tìm tòi. Hay “xuất phát từ con số O” có thể là bí quyết. Tôi không biết gì cả về chuyện này.
* Là con nhà giáo-thầy thuốc Ngô Thượng Đạm nổi tiếng một vùng, ông được học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng sự khẳng định nghề nghiệp của ông có vẻ như không được thuận lợi. Làm nông, thầy thuốc, chụp hình, kinh doanh nhỏ,… Cuối đời mới trụ với nghề văn. Ông thấy nghề nào khó hơn nghề nào?
– Nghề nào cũng có cái khó riêng. Không có cái khó nào giống cái khó nào. Một khi mình quen với cái khó ấy thì thành dễ thôi. Nghề nào đưa mình lên, cũng chính nghề ấy kéo mình xuống. Tôi không lạc quan lắm vào tương lai.
* Nhiều người muốn giấu cái “gốc rạ” của mình, riêng ông có vẻ tự hào?
– ở đời có bốn thứ không thể giấu. Đó là giàu có. Đó là nghèo nàn. Đó là thông minh. Đó là ngu đần. Nếu không thể giấu thì đem khoe là thừa. Thế nên, tôi là nông dân vậy tôi là nông dân. Nghèo nàn và thông minh. Rất gọn nhẹ.
* Làm nông dân thực thụ đã giúp cho ông nhiều nhỉ! Ví như hồi nhận giải thưởng Báo Văn Nghệ năm 2007, cái mác “nhà văn nông dân” đoạt trạng nguyên của ông đã làm cuốn hút cánh báo chí…
– Người ta muốn gọi tôi như thế, và đấy cũng là sự thật. Họ gọi được một sự thật như thế, tôi rất cảm kích và trân trọng.
* Nhiều người nhận xét: nhân vật nông dân trong truyện ông nói triết, nói lý cứ như trí thức, thế nhưng đọc rất “vào”. Quan niệm của ông về chuyện này và ông có sợ bị nhàm chán không?
– Dĩ nhiên tôi rất lo bị độc giả nhàm chán.Thế nên, giữ được bản sắc mình là tốt, nhưng tốt hơn nữa là phải vượt lên trên bản sắc mình để bắt gặp mẫu số chung nhân loại. Có như thế mới thắng được sự nhàm chán của người đọc. Người nông dân không nói triết học. Người nông dân nói quá đúng. Nói đúng quá nên giống triết học thế thôi.
* Muốn bán sản phẩm thì phải tiếp thị. Nhà văn Ngô Phan Lưu đã tiếp thị hình ảnh và tác phẩm của mình ra sao?
– Đó là việc của báo chí và nhà xuất bản, và cả của bạn bè, tôi không can thiệp.
* Nghề nào cũng cần có thương hiệu. Không thể chối cãi Ngô Phan Lưu là nhà văn đang có thương hiệu. Vậy thì phải có “hành trình xây và giữ thương hiệu”?
– Tôi cần có hy vọng để sống.Muốn có hy vọng, tôi phải làm việc. Làm sao làm được việc? Phải chịu khó hết mình, mỗi ngày phải bắt đầu từ con số O. Đó là hành trình xây và giữ thương hiệu.
* Hình như chuyện viết văn đối với ông không lấy gì làm nặng nhọc lắm?
– Viết văn thì khổ tâm, khổ trí chứ sao lại nặng nhọc. Khổ sở dĩ nhiên phải có, còn nặng nhọc thì không.
 
Với tôi, gian nan cũng là một thứ hạnh phúc
 
Có thể nói giải nhất truyện ngắn Báo Văn Nghệ 2007 đã làm ông “rũ áo nông dân” và đang được yêu chuộng trên văn đàn. Thế là có… danh và gánh thêm phiền phức. Không hiểu ông thấy mình có gì khác…
* Làng văn vốn đa sự, làng văn địa phương nào cũng có “lùm bùm” riêng. Thói thường, ai đó có chút ít danh vọng thường hay bị xoi xét, thậm chí bị “đánh”. Tôi biết ông đã gặp cảnh ngộ từ chuyện này, ông ứng xử ra sao để vượt qua?
– Thiền học đã khuyên tôi: Coi như gió thổi mây bay. Coi như bong bóng ao đìa. Và, tôi triệt để nghe lời. Dưng mà làng văn phải có chuyện này chuyện nọ, nó mới là… làng.
* Nghề văn chương luôn gắn nhiều với thị phi, ảnh hưởng đến cuộc sống đời thường của nghệ sĩ. Nhiều chuyện “tai bay vạ gió”, tôi biết ông buồn nhưng rồi vẫn thấy ông thản nhiên lao vào cuộc sống và viết như chẳng hề có chuyện gì xãy ra…
– Thì phải như thế chớ biết làm sao. Chuyện chẳng đặng đừng. Với tôi, gian nan cũng là một thứ hạnh phúc.
* Làm một người nổi tiếng ở tỉnh có khó không? Ông thấy mình có bị sức ép gì?
– Chẳng có sức ép gì. Cuộc sống cứ bình thường.Có điều hơi cô đơn.
* Có người tâm sự với tôi, vì nhiều lý do cố hữu, anh ở tỉnh nhỏ thường không dám nghĩ về những điều to tát, đột phá trong sáng tạo. Có phải ông là một trong những ngoại lệ?
– Sáng tạo văn học không lệ thuộc vào tỉnh to hay tỉnh nhỏ, mà nó lệ thuộc vào trí to hay trí nhỏ và tâm to hay tâm nhỏ. Vấn đề sáng tạo văn học này không bao giờ là ngẫu nhiên cả. Thậm chí, đột phá trong sáng tạo, đó cũng là một quá trình liên tục gian nan.
* Tự do trong tư duy sáng tạo, nghệ sĩ bao giờ cũng phải dũng cảm từ cuộc sống cho đến trang viết. Ông thấy mình đã đủ dũng cảm để trình bày những ý tưởng của mình?
– Chưa dũng cảm, còn hèn nhát.Tỷ lệ hèn nhát trội hơn.