THI PHÁP HỌC ROMAN JAKOBSON TRONG PHÊ BÌNH CỦA HOÀNG THỤY ANH
                                                                                                          
Thơ cũng giống như cuộc đời con người, cội nguồn của nó, phát ra từ những tranh luận phong phú của toán học và âm nhạc (Christopher Caudwel).
 
Roman Jakobson là người đã chỉ ra được mối quan hệ giữa ngôn ngữ học và thi pháp học, khẳng định thi pháp học là một phần của ngôn ngữ học. Lý thuyết thi pháp học của R. Jakobson đề cao tính tự trị của nghệ thuật, giúp người đọc tiếp cận với thi ca từ các cấp độ ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, cú pháp, ngữ nghĩa, những thủ pháp nghệ thuật. Ông đã đề xuất phương pháp phân tích thơ ca, chỉ ra những vấn đề cơ bản của thi học. Các bài viết về thi pháp học của của R.Jakobson được trình bày trong hai công trình Luận về ngữ học đại cương và Những vấn đề về thi pháp học đã trở thành nguồn tư liệu quý báu cho lý luận hậu hiện đại. Vận dụng lý thuyết thi pháp học Roman Jakobson,Hoàng Thụy Anh đã giải mã nhiều thông điệp văn bản thành tác phẩm nghệ thuật thực sự. Những bài phê bình thơ “Mưa hai mặt – nơi sấp ngửa những trò chơi” (thơ của Nguyễn Khắc Thạch), “Thế giới và những lát cắt siêu thực trong thơ Trương Đăng Dung”, “Hồn muối trong thơ Lê Xuân Đố”, “Năng lượng siêu thực trong Bóng của con nhân sư” (thơ của Trần Hoàng Phố)… gần đây của tác giả đều khai thác tận cùng chức năng của thơ và chỉ ra nguyên lý song hành của thi ca. Nhưng việc vận dụng và soi chiếu lý thuyết thi học của Roman Jakobso đầy đủ nhất của Hoàng Thụy Anh vẫn là công trình Thơ Hoàng Vũ Thuật nhìn từ Thi pháp học của Roman Jakobson, Nxb Thuận Hóa, 2010. Qua chuyên luận này, Hoàng Thụy Anh giúp người đọc có cái nhìn mới hơn về một nhà thơ tưởng đã trở nên quá quen thuộc sinh ra trên mảnh đất Quảng Bình. Những âm vang, những giai điệu, những khoảng lặng vô ngôn của con chữ trong thơ Hoàng Vũ Thuật đã được Hoàng Thụy Anh khai mở theo một con đường mới. Con đường liên thông giữa thông điệp, người gửi, người nhận, bối cảnh, bản mã, tiếp xúc.  
Vận dụng phương pháp cấu trúc – hệ thống, phương pháp so sánh – đối chiếu, phương pháp phân tích loại hình, phương pháp thống kê, phân loại, tác giả chuyên luận đã trình bày được một số phương diện căn bản về lý thuyết thi pháp học của Roman Jakobson. Trên cơ sở khai thác những nét đặc sắc về cấu trúc hình thức, ngôn từ, nhạc tính và các biện pháp nghệ thuật, chuyên luận khẳng định những đóng góp cơ bản của thơ Hoàng Vũ Thuật đối với thơ đương đại Việt Nam. Hệ thống nguyên tắc phương pháp luận thể hiện sự tin cậy về phương diện khoa học. Đây là nền tảng cơ bản giúp tác giả triển khai và giải quyết hiệu quả mục đích nghiên cứu đặt ra từ phần I: thi pháp học của Roman Jakobson và Hoàng Vũ Thuật – người thơ. Kết hợp với các phương pháp nghiên cứu đặc thù về thơ, tác giả khéo léo triển khai nội dung chuyên luận trong 3 chương. Chương 1: Thơ Hoàng Vũ Thuật – từ cấu trúc đến biểu tượng thi ca. Trong chương này, Hoàng Thụy Anh đánh giá khái quát về lý thuyết tổ chức văn bản thi ca của R.Jakopson. Trên cơ sở đó, tác giả phân tích cấu trúc hình thức và biểu tượng của thơ Hoàng Vũ Thuật. Trong cấu trúc hình thức, Thụy Anh đã chỉ ra cấu trúc chặt – nguyên lý của sự cân đối, cấu trúc lỏng – sự hỗn độn của tổ chức, cấu trúc đứt gãy mạch thơ. Từ biểu tượng, tác giả tìm ra biểu tượng hồn quê, biểu tượng văn hóa, biểu tượng tình yêu. Từ cấu trúc đến biểu tượng, Thụy Anh giới thiệu với người đọc một hồn thơ nặng lòng với quê hương, với con người, với cuộc đời, với những duyên nợ nhân gian. Văn hóa sống, bản lĩnh của nhà thơ nhờ vậy càng được hiện hình rõ qua phê bình của Thụy Anh. Đây là chương vừa đặt nền tảng lý thuyết, vừa gợi mở nội dung cho những chương tiếp theo. Chương 2: Nhạc tính trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Thơ Hoàng Vũ Thuật được phân tích từ yếu tố đặc thù: nhạc tính. Biết rõ đây là ưu điểm của thơ Hoàng Vũ Thuật, Thụy Anh đã khai thác sâu về hiệu ứng nhạc tính, cách tổ chức ngắt dòng, vắt dòng, khoảng lặng của ngôn từ thơ. Từ hiệu ứng nhạc tính, tác giả phát hiện những cuộc hòa phối, trật khớp của thơ tạo đa dạng ngữ điệu. Về cách tổ chức ngắt dòng, vắt dòng, Thụy Anh khái quát: ngắt dòng thơ – một bẻ gãy ám ảnh; vắt dòng hay sự bỏ lửng nghệ thuật. Những trang viết về khoảng lặng ngôn từ thơ qua những khoảng trắng của không gian văn bản, những khoảng trắng của sự va đập ngôn ngữ đã khẳng định rõ thêm tài năng biến hóa ngôn từ trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Con tắc kè hoa ẩn mình đâu đó trong thơ Hoàng Vũ Thuật đã được Thụy Anh phát hiện bằng trái tim nhạy cảm. Đây là một điểm đặc trưng của thơ Hoàng Vũ Thuật mà không phải ai cũng có thể hiểu được. Nói như Christopher Caudwelthì: Thơ cũng giống như cuộc đời con người, cội nguồn của nó, phát ra từ những tranh luận phong phú của toán học và âm nhạc. Chương 3: Ngôn từ và biện pháp nghệ thuật trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Ở đây, Thụy Anh giải mã bằng sự nổi loạn ngôn từ, phép chuyển nghĩa có tính ẩn dụ, một số biện pháp tu từ cấu tạo trên trục lựa chọn. Để chứng minh cho sự nổi loạn ngôn từ, Thụy Anh đưa ra hai luận điểm: Phá vỡ trật tự con chữ hay là kỹ thuật lắp ghép lạ; Tỉnh lược – một nét khuyết nghệ thuật. Trong phép chuyển nghĩa có tính ẩn dụ, tác giả phân tích trò chơi ẩn dụ kép, hiện tượng chập đôi của ẩn dụ. Từ một số biện pháp tu từ cấu tạo trên trục lựa chọn, tác giả phân tích sâu vào phép chuyển nghĩa có tính hoán dụ, phép chuyển nghĩa có tính so sánh. Thành công nhất ở đây là tác giả đã chỉ ra được các quy luật trong thơ Hoàng Vũ Thuật từ biểu hiện của cấu trúc câu thơ (cấu trúc A như B, A hơn B, A là B, A A thành B, A/B). Cho dù khai thác yếu tố nghệ thuật nào, Thụy Anh cũng luôn hiểu rằng, tất cả các tác phẩm của Hoàng Vũ thuật đều có một mạch ngầm tư tưởng, chứa đựng ý nghĩa triết học văn chương. Thơ ông nói lên cốt cách, bản lĩnh, nhân cách nghệ sĩ và trở thành biểu tượng văn hóa sống trong một giai đoạn xã hội nhất định. Dù ở dạng nào, tác phẩm của Hoàng Vũ Thuật cũng chứa đựng văn hóa sống, chứa đựng những lớp sóng ngầm có khả năng nối kết vững bền với độc giả qua nhiều thế hệ.
Lý thuyết thi pháp học của Roman Jakobson có khả năng giúp người đọc giải mã được tính chất đa nghĩa, phức hợp của tác phẩm văn học. Vận dụng lý thuyết này, người nghiên cứu có thể đi sâu vào cấu trúc, biểu tượng, nhạc tính, sự lạ hóa ngôn từ, biện pháp nghệ thuật… của tác phẩm. Đây cũng là những vấn đề cơ bản của nghệ thuật thơ ca mà hàng chục năm nay, các nhà lí luận văn học đã bỏ ra không ít công sức để nghiên cứu, tranh luận. Từ góc độ tiếp cận này, Hoàng Thụy Anh đưa ra một cách nhìn khoa học về vai trò thơ Hoàng Vũ Thuật trong nền thơ ca Việt Nam. Chuyên luận của Hoàng Thụy Anh nhờ vậy mang ý nghĩa thời sự rõ rệt. Nó không chỉ có ý nghĩa lý thuyết mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong nghiên cứu văn học. Kết cấu các chương phù hợp với logíc nội tại của những vấn đề khoa học được triển khai trong chuyên luận. Điểm thu hút nhất của công trình là tác giả đã phân tích được kết cấu mời gọi trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Khai thác triệt để ưu điểm trong thi pháp học của Roman Jakobson nhưng Hoàng Thụy Anh hiểu rõ trong thơ Hoàng Vũ Thuật luôn thường trực một kết cấu vẫy gọi. Đó là biểu hiện của những điểm trắng, những khoảng lặng, những điểm chưa nói hết, lập lờ, nhiều bè, nhiều tầng bậc, tình tiết. Chính những điểm trắng ấy đã kích thích Thụy Anh sử dụng trí tưởng tượng của mình để lấp đầy văn bản, biến những văn bản ngôn từ của Hoàng Vũ Thuật trở thành tác phẩm văn học. Nói như W.Iser thì văn bản vừa phải đáp ứng sự quen thuộc của người đọc, vừa phải phủ định nó để kích thích người đọc tìm hiểu, khám phá. Thơ Hoàng Vũ Thuật đã chứa đựng những dự phóng, một số kiến tạo trước như thể nhà thơ đã từng có mong đợi một thế hệ người đọc tiềm ẩn sẽ lộ diện như kiểu của Hoàng Thụy Anh. Chỉ có kiểu người đọc này mới chỉ ra được sự ăn khớp giữa lời thơ, ý thơ và nhạc thơ làm nên âm chủ riêng của Hoàng Vũ Thuật khi nói về yếu tố nhạc tính. Thụy Anh đã rất tinh tế khi phát hiện trong thơ Hoàng Vũ Thuật bên cạnh cung trầm còn có cung bổng, mạnh mẽ, không chấp nhận thực tại, vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Bè trầm quay quắt nỗi nhớ và bè cao với cám cảnh đời đan xen tạo nên kênh riêng trong thơ…Quan niệm cô đơn thuộc phạm trù của cái đẹp, nhà thơ trở thành hành nhân kiếm tìm cái đẹp trong nỗi buồn, trong những câu thơ tứa máu (1). Nếu không có ý thức về quá trình nối kết khách quan giữa tác giả và người tiếp nhận cùng với các mối liên hệ khác trong sáng tạo nghệ thuật, Thụy Anh khó có thể hiểu được thơ sâu sắc đến vậy. Trong tầm đón nhận của một bạn đọc tri âm, Thụy Anh cũng có một số nhận định gợi cho người đọc những ý nghĩ muốn đối thoại, tranh luận. Ví dụ cách viết: Jakobson đã xây dựng lý thuyết thi pháp học lẫy lừng của mình, hoặc nhận định thơ Hoàng Vũ Thuật đã vượt ra khỏi những gì nhàm chán, quen thuộc… Hẳn chúng ta cũng phải đặt câu hỏi có thể khẳng định tất cả những tác phẩm của Hoàng Vũ Thuật đều vượt ra khỏi sự quen thuộc được không? Nói như R.Jakobson thì phép làm thơ chỉ là một sự hiện hình đặc thù và được thể chế hóa của nguyên lý tổng quát nhất về sự lặp lại. Đoạn điệp, câu thơ, chủ đề quán xuyến, tiếng vọng, cách láy đầu, phép loại suy, khổ thơ, vần cuối, vần thông, nhịp phách, nhịp điệu – phần lớn những thuật ngữ dùng để chỉ những hình thức của thơ ca về mặt từ nguyên nó phản chiếu cái ý tưởng về sự trở lại, nhắc lại của một cái giống nhau. Cùng với những biểu hiện phong phú như thế ở cả ba chương của công trình, tác giả đã khẳng định những đóng góp riêng của thơ Hoàng Vũ Thuật trong quá trình phát triển thơ đương đại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là công trình mở ra hướng ứng dụng việc nghiên cứu thơ nhìn từ thi pháp học của R. Jakobson. Nhiều luận điểm trong chuyên luận được diễn giải sâu sắc. Văn phong chuyên luận chặt chẽ, ít nhiều có tư chất nghệ sĩ. Những bình luận trong chuyên luận không phải là để khen, chê hay liệt kê các thành quả sáng tạo của nhà thơ mà là để khẳng định sự khác biệt của một tác giả trẻ trong nghiên cứu phê bình.
Trong khi việc vận dụng thi pháp học chung chung để nghiên cứu thơ ở Việt Nam đã trở nên quá quen thuộc, không ít người đã nhìn thấy được chỗ bế tắc của nó thì thi pháp học của R. Jakobson được vận dụng một cách xuất sắc qua bút pháp phê bình của Hoàng Thụy Anh. Với kiến giải thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó (Jakobson), cấu trúc đứt gãy mạch thơ, nguyên tắc song song; hoà phối, trật khớp đa giọng điệu và âm nhạc; cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp… Hoàng Thụy Anh đã gửi cho chúng ta một thông điệp về thơ và quá trình tiếp xúc, quá trình đọc, quá trình nối kết tâm lý giữa hai người: người gửi – người nhận, hướng đến quá trình liên văn văn bản, liên chủ thể.
Tôi muốn dành câu nói tuyệt đẹp của Goethe cho Hoàng Thụy Anh: đứng trước những chỗ vượt trội của người khác, không có cách gì tốt hơn là lòng yêu quý (2).
                                                                                                           
TS. Mai Thị Liên Giang
Chú thích và Tài liệu tham khảo:
(1). Hoàng Thụy Anh, Thơ Hoàng Vũ Thuật nhìn từ Thi pháp học của Roman Jakobson Nxb Thuận Hóa, 2010, tr 201.
(2). Phần II, G.W.Hegel, Bách khoa thư các khoa học triết học I, Khoa học Lôgíc – Học thuyết vê  bản chất và hiện tượng, Bùi Nam Sơn dịch, tr 561.
(3). Roman Jakobson, Thi học và ngữ học, Trần Duy Châu dịch, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2008.