Cải lương đã “Bắc tiến” như thế nào ? – Phạm Ngọc Hiền

Cải lương được khởi phát từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Từ sau năm 1920, cải lương bước lên các sân khấu lớn ở Sài Gòn. Chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã làm mưa làm gió các đô thị miền Nam. Không dừng lại ở đó, các gánh hát cải lương còn tiến ra Bắc – nơi có rất đông dân cư và luôn ngóng chờ xem những điều mới lạ từ xứ Nam Kỳ năng động.

Nhiều tài liệu cho rằng người dân miền Bắc tiếp xúc với cải lương từ năm 1919. Đó là năm gánh hát ông Sáu Súng (Nguyễn Văn Súng) ra Hà Nội vừa diễn xiếc vừa diễn ca ra bộ (tiền thân của cải lương). Sau đó, khoảng 1921, có gánh Phước Hội Ban (của Bảy Hội – Nha Trang) cũng ra Hà Nội diễn cải lương. Trong khoảng thời gian này, dân miền Bắc còn nghe những vở cải lương của gánh thầy Năm Tú qua đĩa hát của hãng Pathé-phono. Trong những dịp đám tiệc, nhiều nhà giàu đã mở đĩa hát cho bạn bè nghe “Cải lương Nam Kỳ”. Lúc bấy giờ, các trường Cao đẳng ở Hà Nội có khá nhiều sinh viên quê miền Nam. Họ đã tổ chức các buổi diễn cải lương để gây quỹ từ thiện. Người ta đã được trực tiếp xem các vở cải lương như: Bội phu quả báo (1923), Châu Trần tiết nghĩa (1925), Trang Tử cổ bồn (1926)… Ngoài ra, còn phải kể đến một số nhóm cải lương tài tử ở các phố: Hàng Giấy, Hàng Than, Hàng Nón, Lò Đúc… Trước năm 1926, ở Hà Nội vẫn chưa có một gánh hát cải lương chuyên nghiệp nào.

Năm 1927, xảy ra một sự kiện lớn trong lịch sử cải lương Bắc. Nghĩa Hiệp Ban là gánh hát quy mô lớn ở miền Nam đã ra tới miền Bắc. Họ quảng cáo ầm ĩ: “Có đến non năm chục người, dạo khắp trong Nam Kỳ và Trung Kỳ nơi nào cũng được nhiệt liệt hoan nghênh. Nay mới là lần thứ nhất ra đến xứ Bắc Kỳ ta (…) đào kép đã từng lừng lẫy tiếng tăm cả. Bài trí nhiều cảnh rất lạ ! Phục sức nhiều bộ rất đẹp ! Ca xoang nhiều bài rất lý thú. Âm nhạc nhiều khúc rất du dương. Có vai mặc theo lối tuồng, lại có đánh võ toàn đồ thiệt. Thiệt là một ban tuồng cải lương lạ lùng, xưa nay chưa hề có ở Hà Nội ta bao giờ”. [2, tr.53-54]. Quả đúng như họ quảng cáo, khán giả Hà Thành chứng kiến những vở diễn cải lương hoành tráng, nhân vật đông đảo và ăn mặc đủ kiểu trang phục kim cổ, Ta, Tàu, Tây… Phông màn cũng vẽ nhiều cảnh đẹp mắt, theo lối sân khấu tả thực phương Tây. Các diễn viên biểu diễn màn đánh nhau bằng gươm giáo thật, kêu chan chát chứ không phải múa cây gậy gỗ như trong tuồng, chèo. Đặc biệt, diễn viên có giọng ca rất mùi, nói năng giống như ngoài đời chứ không nói lối la hét to tiếng như trong hát bội.

Khán giả Hà Thành nô nức kéo tới rạp Quảng Lạc để xem hết vở này đến vở khác. Rạp không đủ vé để bán, không còn chỗ để ngồi. Cuối đợt diễn, xảy ra xích mích trong chia chác tiền bạc giữa ông chủ rạp hát và chủ gánh hát. Tức giận, chủ gánh hát chuyển sang diễn ở rạp Sán Nhiên Đài. Nội bộ gánh hát Nghĩa Hiệp Ban cũng chia rẽ. Hơn nửa diễn viên bị Quảng Lạc lôi kéo ở lại. Một số ký hợp đồng với Sán Nhiên Đài. Trước khi vào Nam, ông chủ Nguyễn Văn Đẩu đăng báo : “Tôi đã ký giấy hùn cổ phần với Hội Sán Nhiên Đài chấn hưng là hội hát có giá trị ở Hà Thành để gọi là một chút ghi tích ở Bắc Kỳ. Bao nhiêu đồ đạc thiết dụng (quần áo…) tôi đã để lại cả cho hội Sán Nhiên Đài. Không những thế, tôi lại còn chọn mấy đào kép nhất như đào Ba Xuân (tức đào Vần), kép Tư Bố, kép Hữu, kép Phượng… để lại cho rạp Sán Nhiên Đài” [2, tr. 60]. Các diễn viên ở lại Hà Nội đợt này đã trở thành những hạt giống cho cải lương Bắc sau này.

Sau đó, có hàng loạt gánh hát ở miền Nam ra diễn ở miền Bắc. Những gánh hát lớn được ghi vào lịch sử cải lương là: An Lạc Ban (1930-1931), Tân Hí Ban (1931-1932). Phước Cương (1932), Trần Đắc (1933), Tân Thinh (1935), Phi Phụng (1935), Phụng Hảo (1936), Đại Phước Cương (1937)… Người dân miền Bắc được nghe giọng ca vàng và tài biểu diễn của các kép: Năm Châu, Ba Du, Ba Vân, Tư Chơi, Bảy Nhiêu, Tám Danh, Tư Hợi… Và được ngắm các cô đào xinh đẹp, hát hay: Ba Xuân, Phùng Há, Bảy Nam, Năm Phỉ, Kim Thoa, Năm Sa Đéc, Sáu Ngọc Sương, Bảy Vĩnh Long, Bảy Lựu, Tư Huê… Sau mỗi lần lưu diễn, một số đào kép ở lại miền Bắc, ký hợp đồng với các rạp Quảng Lạc, Sán Nhiên, Hiệp Thành… Đào kép các rạp này đến từ nhiều gánh hát khác nhau, ra Hà Nội vào nhiều thời điểm khác nhau. Họ ghép lại để diễn tập, luôn cho ra mắt những vở mới, không phụ lòng mong đợi của khán giả.

Đã từ lâu rồi, tuồng và chèo cứ diễn đi diễn lại các vở cũ, với những làn điệu cũ. Dân chúng thành thị đã ngán hai món ăn tinh thần này. Họ háo hức đón xem một thể loại mới mẻ, hiện đại, được hình thành từ sự hôn phối giữa sân khấu phương Đông và phương Tây. Cải lương luôn mang đến cho người ta nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn. Ngay từ cái tên gọi các vở cải lương đã đầy tính khiêu gợi: Sở Vân té lầu, Anh hùng náo, Võ Tam Tư chém cáo, Giọt máu chung tình, 20 năm bí hiểm, Tội của ai ?… Cải lương không chỉ khai thác tích cũ mà còn có cả đề tài xã hội, liên quan tới cuộc sống đương đại: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lá ngọc cành vàng (Trần Hữu Trang), Viên đạn vô tình (gánh An Lạc), Thế lực kim tiền, Mồ cô Phượng (gánh Tân Hí), Lỡ tay trót nhúng chàm (gánh Trần Đắc)… Đặc biệt, có nhiều tuồng cải lương được dịch và chuyển thể từ phương Tây: Tơ vương đến thác, Áo người quân tử, Màn hạnh phúc, Sắc giết người, Túy hoa vương nữ (gánh Phước Cương / Đại Phước Cương), Giá trị danh dự, bằng hữu nhung binh, Những kẻ phạm pháp (gánh Trần Đắc), Sỹ Vân công chúa (gánh Phi Phụng)… Những kịch bản của cải lương Nam Kỳ đã được các đoàn cải lương Bắc sau này tiếp thu biểu diễn.

Giới nghệ sĩ miền Bắc không chỉ bằng lòng ở việc xem các đoàn cải lương miền Nam biểu diễn. Họ cũng bắt đầu xây dựng nền tảng sân khấu cải lương Bắc. Những hạt nhân của cải lương Bắc là các diễn viên từ Nam ra. Các diễn viên Nam và Bắc kết hợp diễn chung vở. Cho nên, trong nhiều đoàn cải lương có cả giọng Nam và giọng Bắc. Gánh Nam Thinh được thành lập ở Hà Nội nhưng phần lớn diễn viên là người Nam. Gánh Tân Hí Ban có đa số là diễn viên người Nam nhưng có Sĩ Tiến là người Bắc thủ vai kép chính. Một số diễn viên của tuồng và chèo cũng chuyển sang hát cải lương. Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy giọng Bắc không thích hợp cho cải lương. Bởi vậy, các rạp hát lớn như Quảng Lạc, Sán Nhiên và một số ban hát đã có chiến lược đào tạo trẻ em hát cải lương từ nhỏ. Vào những năm 1930, ở miền Bắc có khoảng 15 gánh hát đồng ấu. Trong gánh hát đồng ấu của Trần Phềnh, các diễn viên được đào tạo hát cải lương giọng Nam Bộ từ nhỏ. Trần Phềnh làm quản lý, kiêm sáng tác vở theo phong cách cải lương Hồ Quảng, vẽ trang trí sân khấu cải lương theo lối tả thực phương Tây.

Cải lương Bắc được manh nha hình hành vào năm 1926. Đó là năm ra đời của nhóm Đồng Ấu Quảng Lạc. Người huấn luyện cho các em ở đây là ông Sáu Cương (người miền Nam ra Bắc biểu diễn rồi ở lại). Rạp Quảng Lạc trở thành một trong những trung tâm đào tạo diễn viên cải lương của miền Bắc. Từ năm 1926 trở đi, Hà Nội có các ban chuyên hát cải lương như: Ca kịch đoàn, Càn Long hội, S.Y.A.A , U.C.A.H, Tân Thanh, Hiệp Thành, Ái Liên, Quảng Thanh… Không chỉ có ở Hà Nội, các tỉnh khác cũng thành lập các đoàn cải lương: Tân Việt (Lạng Sơn), Ứng Lập Ban, Lạc Xuân Đài, Ánh Ngọc (Hải Phòng), Bình Minh (Nam Định)… Tính từ khi ra đời cải lương Bắc 1926 đến 1954, có gần 80 đoàn cải lương đã từng hoạt động trên miền Bắc [3, tr. 260]. Trong số này, có cả những gánh hát nhỏ, hợp tan theo nhiều thời điểm khác nhau.

Sau năm 1954, trong số bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, có nhiều văn nghệ sĩ sân khấu như: Ba Du, Tám Danh, Thanh Nha, Ngọc Cung, Chi Lăng, Phạm Ngọc Truyền… Chính phủ tổ chức thành lập các đoàn cải lương với quy mô lớn, nằm trong biên chế nhà nước. Ngoài những đoàn của các địa phương miền Bắc, còn có những đoàn có thành phần chủ lực là diễn viên miền Nam như: Đoàn Cải lương Trung ương, Nam Bộ, Liên khu V, Bến Tre… Có thể xem đây là lần Bắc tiến thứ hai của cải lương.

Phạm Ngọc Hiền

Tài liệu tham khảo

  1. 100 năm nghệ thuật cải lương, Hoàng Chương, NXB Văn hóa – Thông tin, H. 2013
  2. Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương, Sỹ Tiến, NXB TP.HCM. 1984
  3. Lịch sử cải lương, Tuấn Giang, NXB Sân khấu, H. 2008
  4. Lịch sử sân khấu Việt Nam, tập 2, Viện Sân khấu, H. 1987
  5. Nghệ thuật cải lương Bắc, Viện Sân khấu, H. 1997
  6. Nghệ thuật cải lương những trang sử, Trương Bỉnh Tòng, Viện Sân khấu, H. 1997

Nguồn: Văn nghệ Cần Thơ, số 3+4 / 2024

Vannghemoi.com.vn − 19:08, ngày 12/05/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền
Từ khóa: