/

1/ TÔI ĐÃ NGHĨ…
Vì những lý do rất…kỳ cục, tôi dù đã mua cuốn truyện này của Nguyễn Nhật Ánh lâu rồi nhưng tới giờ vẫn chưa đọc. Thật điên rồ khi nghĩ vì cái tên truyện quá “thơ” mà tiếc không dám đọc, chỉ sợ đọc xong, trái tim mình sẽ chênh vênh vì hoa vàng và cỏ xanh, chỉ sợ mình sẽ tiếc mãi không thôi vì…hết truyện!!! Rồi một ngày tình cờ đọc báo thấy Victor Vũ chuẩn bị dự án chuyển thể truyện dài thành phim, thế là quyết cái “rụp”: không đọc nữa, ráng chờ xem phim. Để cảm xúc của mình không bị chi phối bởi truyện. Nhưng thật lòng, tôi có ý chờ xem Victor Vũ sẽ làm gì với tác phẩm này. Lục lọi trên mạng tìm thông tin về Victor Vũ, tôi tin một đạo diễn tài năng đã được chứng thực bởi nhiều bộ phim có tiếng thừa sức “cảm” được cái tinh thần và linh hồn văn chương Nguyễn Nhật Ánh. Nhưng tôi nghi ngại không hiểu một người sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ sẽ “cảm” như thế nào về cái không khí, bối cảnh của Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX để chuyển tải lên phim (mà mình lại là đứa trẻ sống ở thời đó). Và cũng bởi chỉ mới 3 ngày công chiếu đã có những tranh luận trái chiều về bộ phim, nên tôi quyết đi xem với tâm thế “Để coi sao…”!!!
2/ TÔI ĐÃ THẤY…
Tôi và con đi xem phim: 1 trạc tuổi các nhân vật Thiều, Mận, Tường nhưng là của mấy mươi năm về trước, 1 trạc tuổi của chính các nhân vật ấy bây giờ. TÔI ĐÃ THẤY từ cửa phòng vé cho đến trong rạp (đã kín hết chỗ) là đủ mọi lứa tuổi: có người đã hơn 70, có nhiều bé tầm 3 đến 6 tuổi đi cùng cha mẹ mà tôi đồ rằng họ cũng muốn tìm 1 vé về tuổi thơ như tôi, phải dẫn con theo cùng vì chắc không có ai trông giúp, hoặc cũng có thể chỉ vì muốn các con thấy cuộc sống ngày xưa cha mẹ đã từng trải qua… Bước qua cửa kiểm soát, liếc nhìn 2 chiếc kệ để nệm đôn cao dành cho trẻ em, tôi thấy khuyết chừng trên chục cái, thế nghĩa là có khoảng hơn chục đứa trẻ còn rất nhỏ trong rạp. Tự dưng lòng dậy lên một nỗi ái ngại: giữ cho chúng yên lặng trong suốt 102 phút để cha mẹ coi phim yên thân (và tất nhiên mình cũng được yên thân) chắc là một kỳ tích! Những cảnh phim đầu tiên lướt qua, âm nhạc nổi lên, tôi bắt đầu thấy mình như đang bay trên những cánh đồng xanh rộng khoáng đạt. Đầu tôi vẫn vang vang “Xem cho kỹ nhé, để coi Victor Vũ làm gì!!!”. Nhưng dù đã rất cố gắng…tỉnh táo để “soi” từng cảnh một, cảm xúc bắt đầu lấn át. TÔI ĐÃ THẤY những khung cảnh tuyệt đẹp của vùng đất Phú Yên trải ra, đẹp đến từng centimet. Từ những chiếc cọc rào bằng tre xô lệch, từ những mái nhà liêu xiêu loang lổ vệt rêu mốc, từ cảnh rệu rã của những túp lều, đến cả cảnh bầy trâu chết trương vì lụt… tôi cũng thấy đẹp – vẻ đẹp khiến bất cứ ai lặng người. Sự chân thực của cuộc sống nơi quê nghèo đã được tái hiện bằng một cách không thể đẹp hơn. Ngoài sự trong trẻo, đáng yêu đến ngỡ ngàng của những đứa trẻ như Thiều, Tường, Mận (vâng, là những đứa trẻ, chứ chưa một giây nào khi xem phim tôi nghĩ rằng đó là những diễn viên), TÔI ĐÃ THẤY bi kịch của những phận người. Dường như bất cứ ai trong phim cũng đều có những bi kịch của riêng mình. Ai đó bảo mạch phim còn rề rà chậm chạp, nhưng tôi lại cảm ơn sự chậm rãi đó của Victor Vũ, bởi dường như nó cho người xem có đủ thời gian để “ngấm” mọi thứ, điều mà chỉ bước chân ra khỏi rạp, tôi biết, sẽ chẳng bao giờ còn được sống chậm như thế nữa. TÔI ĐÃ THẤY giọt nước mắt lăn trên những gương mặt trẻ măng cạnh tôi, cả trai lẫn gái. Điều lạ nhất là cả khi cười và khóc, những gương mặt ấy dường như vẫn bừng sáng…
.
/
.
3/ TÔI ĐÃ NGHE VÀ CẢM NHẬN…
Tôi hoàn toàn mù tịt những kiến thức chuyên môn thuộc về điện ảnh. Nhưng có hề gì, đây chỉ là những cảm xúc cá nhân khi xem phim, và sự chia sẻ lúc này chỉ nhằm để thỏa mãn những gì dạt dào nhất về ký ức tuổi thơ mình qua phim. Tôi không đủ khả năng để nhận xét, bình phẩm nhưng tôi có quyền được chia sẻ cảm xúc của mình, tôi nghĩ vậy. Xin không nói về cốt truyện trong phim rằng đã bớt gì, bỏ gì so với truyện, TÔI ĐÃ NGHE tiếng gắt nhỏ của 1 chàng trai với bạn gái “Xem đi, kể gì mà kể hoài, đây đang coi phim chứ có phải coi truyện đâu”. TÔI ĐÃ NGHE tiếng các bé thì thào “Ba ơi, sao lại chơi với cóc hả ba?” (À, bạn của anh Tường đấy), “Quả gì đấy hả mẹ?” (Quả chùm ruột), “Anh Tường khóc tội ghê…” (khi Tường biết chắc người bạn cóc tên Cu Cậu của mình đã không còn). Tôi có cảm giác dường như các bé cũng sợ làm kinh động đến cảm xúc của những người khác; các bé đã không hỏi cho bằng được như lứa tuổi ấy vẫn thường làm. Một đạo diễn có tiếng đã nhận xét lối kể chuyện của Victor Vũ rời rạc, đứt đoạn làm 2 phần, kỹ thuật điện ảnh còn nhiều điểm chưa tốt… nhưng sao tôi không cảm thấy vậy. Hồn cốt văn chương Nguyễn Nhật Ánh vẫn rất duyên và đậm, nhưng cũng nghe ra cái cách kể chuyện rất riêng của Victor Vũ. Sự diễn xuất trong trẻo, hồn nhiên tuyệt vời của dàn diễn viên nhí hòa quyện với những khung hình đẹp mãn nhãn, âm nhạc tinh tế từ lời hát đến giai điệu, tất cả cộng hưởng lại, chạm thẳng đến trái tim, “đánh” mạnh vào cảm xúc của người xem, nó khiến người xem nhiều lúc lặng người… Âm nhạc lặng…hình ảnh quay chậm…cả rạp yên lặng đến chao đảo… Giây phút ấy, không hiểu hơn chục đứa bé nhỏ xíu theo cha mẹ vào rạp kia đang làm gì, tại sao chúng lại có thể yên lặng như thế… Những nốt lặng ấy trong phim đã bóp nghẹt bao trái tim người xem; chưa bao giờ tôi cảm nhận thấy cơn nghẹn ấy trong tim rõ như vậy. TÔI ĐÃ NGHE có nhiều tiếng khóc nghẹn cố ghìm ở xung quanh, tôi cũng thấy chàng trai ngồi kế bên, 1 tay giữ chặt tay bạn gái, 1 tay vịn chặt vào thành ghế như cố ngăn tiếng thổn thức không bật ra khỏi lồng ngực mình. Ai đó nói rằng xem bộ phim này mà khóc e là quá dễ dãi về cảm xúc, rằng khóc giống như 1 thứ trào lưu để chứng tỏ mình giàu cảm xúc, tôi không nghĩ vậy. Cảm xúc là cái tự nó đến, khóc khi xem phim cũng vậy. Không ai khóc trong tối đen ấy chỉ để chứng tỏ 1 điều gì đó về mình với người khác. Mà tôi tin rằng bộ phim đã chạm đến tận cùng cảm xúc mỗi người. Hẳn là họ đã tìm thấy một sự đồng điệu nào đó mãnh liệt lắm. Cũng như tôi…
4/ VÀ TÔI TIN: “NGỒI IM TRONG GIÓ NGHE ĐÊM RỚT/CHỢT THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH…” (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Nguyễn Nhật Ánh). Rời phòng chiếu sau 102 phút, tôi thấy mình không phải chỉ đã được ngắm lại tuổi thơ mình mà chính xác là đã được sống trong giấc mơ rực rỡ đầy hoài niệm, thấy trái tim mình đã rung lên một cách mãnh liệt về những điều bình dị, trong trẻo, tốt đẹp nhất của tình người. TÔI TIN khi phần trong trẻo, tốt đẹp nhất ấy được đánh thức, được khơi dậy từ bộ phim, mỗi chúng ta sẽ sống tử tế, nhân hậu với nhau hơn. TÔI TIN bộ phim đã và sẽ sống một đời sống của riêng nó. Và tôi cũng tin rất nhiều người xem đều cảm nhận từ phim CÁI ĐẸP ám ảnh, SỰ TRONG TRẺO ám ảnh. Và NHẸ NHÕM đến ám ảnh!!! Tôi chưa bao giờ bị ám ảnh đến vậy…
.
/