Từ nhỏ, tôi thấy bà và mẹ mua về từng mớ cá, thau tháu như chuôi dao, gọi là cá đục. Lớn lên, tôi biết ở Việt Nam, cá đục phân bố rộng khắp, chủ yếu ở vùng biển Phan Thiết (Bình Thuận) được gọi là cá đục vàng. Ngoài món cá đục tươi, món khô đục ở đây luôn được ưa chuộng thu hút khách tứ phương tìm đến. Tôi đã câu đục ở biển, người câu thường chọn bãi vắng, có người lội ra tận ngoài bãi xa nước ngập ngang hông, có người vắt vẻo trên xuồng câu. Tôi cũng đã câu đầm, theo những người đứng trên bờ, câu rê đến khi có cảm giác cá ăn mồi là giựt. Câu đục ở biển tuy cực hơn câu đầm nhưng lại tự do, tự tại ung dung, chả phải quen ai xin ai hay nhớn nhác như đi câu đầm.
Trong nhiều năm lang thang cùng gió nước, vào tháng ba biển lặng, mùa săn đục bắt đầu. Hẹn nhau mong ngóng đỏ mắt, tôi cùng nhóm bạn chuyên câu đục ở đầm. Họ rủ nhau từ ba đến năm người mang xe máy câu khi trời tờ mờ sáng. Từ TP HCM, họ đã lặn lội về tận vùng biển Tiền Giang, Bến Tre… để câu đục. Vui vì tò mò thì đi theo họ có khi cả tháng. Đầm câu ở sâu trong bưng nên phải thuê xuồng vài mươi phút mới tới. Cứ từ ba đến năm người vừa đủ một xuồng. Cá đục bống ngon và nhiều nhất, đặc sản nổi tiếng vùng biển Lagi. Một vùng bãi còn mang vẻ đẹp yên bình, hoang sơ, với biển xanh, cát trắng, thành nỗi nhớ cho bất kì ai đặt chân đến Bình Thuận.
Các đầm câu ven sông Thị Vải xã Phước An (Nhơn Trạch. Đồng Nai) cá đục nhiều vô kể lại to con vì đầm ở đây sâu, cửa cống lớn, nước chảy ồ ạt. Đi câu ở đây trúng luồng cứ buông cần là dính. Mỗi chuyến mỗi người dăm mười cân đục không phải là chuyện hiếm. Đi câu đục bãi (câu ở biển) thường khó hơn và vất vả hơn câu đầm bởi gió mạnh khiến lưỡi câu hay bị bạt, khó đưa ra đúng tầm nước và lưỡi câu rất dễ rối. Để khắc phục, người đi câu thường hay gắn chì nặng ở đầu dây hòng chống chọi với gió biển. Thêm nữa do chì nặng, bạt lưới ra xa nên cần câu vì thế cần đủ cứng nhằm kéo trở vào cả chì lẫn cá.
Câu đục ở biển, người câu thường chọn bãi vắng, lội ra tận ngoài bãi xa nước ngập ngang hông, có người vắt vẻo trên xuồng câu, lại cũng có người đứng trên bờ, câu rê đến khi có cảm giác cá ăn mồi là giựt. Câu đục ở biển tuy cực hơn câu đầm nhưng lại tự do, tự tại, ung dung, chả phải quen ai xin ai như đi câu đầm. Từ vùng biển Phan Thiết, Nha Trang, ngược ra thành phố Vũng Tàu, thị trấn Long Hải (Long Điền. Bà Rịa – Vũng Tàu) hoặc theo chân các cần thủ vui thú câu đầm về miệt Cần Giờ là huyện duy nhất giáp biển ở Thành phố Hồ Chí Minh hay ra Nhơn Trạch (Đồng Nai)… chúng ta dễ dàng cảm thấy không khí chộn rộn một mùa câu đục mới.
Ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) mùa cá đục bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng ba (âm lịch). Họ thả lưới dài vài trăm mét. Hàng chục tàu thuyền gỗ từ ngoài khơi về đậu san sát bên bờ kè với khoang đầy ắp cá đục.
Loài cá đục hình dáng nhỏ nhắn, thân thon, dài chừng gang tay người lớn, vảy óng ánh, mắt trong, sắc nhạt ánh vàng. Loài nhỏ hơn, chừng mươi, mười lăm phân, thon, có vảy ánh màu xà cừ nên còn gọi là cá đục bạc. Chúng thường sinh sống ở vùng nước cạn ven biển có cát trắng sạch, ăn tôm tép nhỏ và đám phù du rong rêu trôi nổi.
Khi nướng vàng, mùi thơm và vị ngọt cá ăn kèm với rau sống chấm thêm một chút nước mắm me thì vô cùng hấp dẫn. Thịt cá đục khá ngon, tương tự cá bống nước ngọt. Chúng được chế biến rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, vị ngọt và mùa nào cũng có. Cá đục ăn sống với mù tạt, nướng mọi ăn với mắm me, muối ớt xanh. Có nơi còn làm gỏi cá đục.
Kho tộ, thân cá đục săn cứng lại, tròn căng trông đã thấy ngon. Món kho tộ tuyệt hảo là ướp cá trước với muối, đường, mắm, tiêu, tỏi… cho đến khi đường tan trong mắm. Bắc nồi kho lên bếp, đun liu riu, không đổ nước cho đến khi nước cá quẹo lại, đổi màu vàng nâu đẹp mắt là nhắc xuống, rắc hành lá, ớt xắt miếng, thêm chút tiêu, ăn với cơm trắng ngon không nói hết. Thêm vào nồi kho đôi ba lát thịt ba chỉ hay chút tóp mỡ thì tuyệt cú mèo.
Cá đục có nhiều tại các vùng bãi ngang ven biển miền Trung. Vào mùa, cá đục chắc thịt, trắng thơm, ngọt béo, lại dễ chế biến nên được nhiều người yêu thích. Giá thuờng nhỉnh hơn so với các loại cá biển khác như cá thu, cá cơm, cá phèn, cá trích, cá kho…
Dân đi câu trúng bữa, cá đục nhiều ăn không hết, họ đem xẻ dọc sống lưng, banh ra ướp tiêu, tỏi, ớt bột, muối, đường, bột ngọt, phơi vài nắng thành món khô đục ngon hảo hạng. Mỗi khi bạn bè ghé qua thăm, nướng ít khô đục lai rai ngày mưa với rượu trắng! Chao ôi ngon không nói nên lời.
Với đặc trưng vùng đất biển, chả cá ở đây vô cùng đa dạng với nhiều loại cá khác nhau từ cá mối, cá thu, cá thởn… đến cá chuồn, cá cờ. Phần chả cá dai ngon, thơm ngọt sẽ là một món quà vô cùng quý giá. Quý giá nhất là được trải nghiệm câu cá đục La Gi.
Bắt nhất phải kể đến món gỏi đục, món ngon nổi tiếng vùng Phan Thiết. Chế biến gỏi đục không quá khó chỉ đòi hỏi khéo tay và sự tỉ mẩn. Cá đục tươi rói vừa câu lên làm sạch, đánh vảy, lạng lấy hai bên sống lưng làm hai lát philê, đem ngâm nước cốt chanh cho bớt mùi tanh.
Quan trọng nhất là khâu chế biến nước trộn gỏi thường gồm ớt, tỏi, riềng, xả … đem giã thiệt nhuyễn đảo chút muối, đường. Khi trộn cá, các gia vị sẽ hòa quyện thấm vào làm tan biến mùi tanh biển cả, chỉ còn lại mùi gia vị thơm nồng nàn. Muốn gỏi thêm béo bùi, người ta nạo ít dừa khô, ít đậu phộng rang vàng giã nhỏ rắc lên phía trên đĩa gỏi.
Thêm các loại rau có vị thơm và chua chát như đinh lăng, xoài non, lá sung cùng với chuối xanh, khế chua xắt mỏng… Gắp gỏi cá đưa vào miệng, nhẩn nha nhai cùng các loại rau thơm. Món ăn hòa hợp ngũ vị: ngọt, đắng, bùi, béo, chua, cay. Nhai thêm miếng bánh tráng chiên giòn, nhấp ngụm rượu cay, món gỏi đục quả thực mê đắm thực khách.
Xương, đầu cá đục còn lại đem ninh cháo hay nấu nước lèo chan bún. Cả mớ cá đục tươi xanh được thưởng thức hết không chừa lại thứ chi.
Mồi câu đục bắt nhất là trùn biển nhưng trùn biển giá mắc, chế biến thành mồi lại khá cầu kỳ. Mặt khác, giống cá đục vốn háu ăn, không kén mồi nên bạn câu thường dùng mồi tép thay thế. Hiệu quả không kém trong khi giá rẻ, chỉ độ 5.000 đồng/lạng. Lột vỏ, cắt thành khúc là mồi câu đã chuẩn bị xong xuôi.
Thông thường thẻo câu cá đục có từ ba đến năm lưỡi, có khi tới mười lưỡi câu. Móc mồi khắp lượt rồi buông cần. Cả đám đục đang kiếm ăn đánh hơi thấy mồi thơm nhao nhao tới, há miệng đớp mê mải. Thợ câu chỉ cần nghe thấy tiếng lịch kịch nhè nhẹ là biết cá đã cắn mồi. Chờ thêm vài tiếng lịch kịch nữa thì nhấc lên. Có khi tất cả các lưỡi đều bị đục cắn. Năm lưỡi dính cả năm con đục tươi trong, quẫy đì đùng, nhìn vô cùng thích mắt.
Lại móc mồi, nhịp phao và giật… Cứ thế đến khi trời chiều hay thùng đầy thì thu xếp rút quân.
Món cá đục kho tộ thơm ngon và nồng nàn hương vị biển cũng có mặt thường xuyên trong bữa cơm gia đình những người dân miền biển.