Chúng tôi đến Sông Hinh vào những ngày đầu của tháng hai âm lịch. Khi đợt gió mùa Đông Bắc đang hoành hành ở các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ và có xu hướng chuyển dịch xuống phía nam. Thế nhưng sau khi đã vượt qua ngọn đèo Hải Vân rồi tiếp tục lan tỏa trên dãy Trường Sơn vào đến Sông Hinh, một huyện miền Tây của tỉnh Phú Yên sức gió chỉ còn phảng phất và hơi se lạnh. Sông Hinh nổi tiếng về hoa Lan rừng. Đây là mùa của Lan Giả hạc, rất hiếm gặp nơi nào lan rừng có nhiều màu sắc đẹp như ở đây . Đấy là cảm nhận của tôi trong những lần trước, nhân dịp đi thăm nhà máy Thủy điện mấy người bạn rủ nhau kết hợp một chuyến du hý thăm thú núi rừng, kiếm một vài giò Phong lan tặng người thân. Còn mục đích của chuyến đi này của chúng tôi lên Sông Hinh là đến Buôn Chách thuộc xã Ea Bia thăm gia đình em Hoàng Thị Thùy Linh người dân tộc Tày, một học sinh lớp 11 trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã đạt giải nhì trong cuộc thi Cán bộ Đoàn giỏi.

        Người ta nói xã Ea Bia là một trong những xã nghèo của huyện Sông Hinh. Buôn Chách có khoảng hơn một trăm hộ dân, có gần một nữa là người Dao từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Số còn lại là người Ê đê vừa là dân bản địa, vừa là dân thuộc tỉnh Đắk Lắk chuyển xuống vài ba chục năm nay. Nhìn nhà cửa, vườn tược các gia đình vẫn còn hoang sơ lắm. Duy nhất chỉ có nhà em Linh là người dân tộc Tày. Nay đang là mùa làm rẫy nên muốn gặp người lớn ở nhà là rất khó. Không biết có phải bọn trẻ con thấy cách ăn mặc của chúng tôi, thấy chúng tôi mang theo máy chụp hình nên chạy ra đứng xem khá đông. Có lẽ nhân vật chúng tôi gặp kể cả gia đình córất nhiều tình tiết cảm động nên khi hỏi đến bọn trẻ con đều biết và cháu nào cũng dành nhau dẫn chúng tôi đến nhà. Ngôi nhà mà chúng tôi được các cháu dẫn đến là một ngôi nhà xây giống kiểu nhà người Kinh nhưng kiểu xây đơn giản, đồ đạc trong nhà thì không có gì ngoài hai chiếc giường và cái bàn gỗ đã cũ. Tiếp chúng tôi là một cụ già râu tóc đều bạc phơ, bước đi chậm chạp và lưng hơi bị còng. Theo lời cụ kể chúng tôi được biết thêm Cụ là người dân tộc Tày có gần bốn mươi năm công tác, bắt đầu là bộ đội sau đó là chiến sỹ biên phòng, rồi đến Công an. Trước khi cụ về hưu là Trưởng Công an huyện Văn Lãng tỉnh Lạng Sơn. Người vợ đầu sống với Cụ chỉ hơn năm năm, sinh cho cụ được một người con gái. Người vợ thứ hai sinh thêm cho cụ được hai người con trai, bố của em Linh là út. Bà cũng ra đi khi bố của Linh được chín tuổi và cụ mới ngoài năm mươi. Cụ về hưu năm 1986, tiếng là Trưởng Công an một huyện nhưng gia đình cụ vẫn ở nhà sàn như tất cả các nhà trong Bản. Lúc bấy giờ là giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế. Mấy năm, sau khi cụ về hưu do đời sống khổ quá, một số gia đình trong Bản rủ nhau đi vào Miền nam. Cụ đã đem ý định Nam tiến của mình kể cho một người bạn, sau này là Ông ngoại của Linh. Người bạn đã khuyên cụ nên đi vào các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên. Trước đây cụ cũng đã có dịp vào Nam công tác nhưng thường là vào TP. Hồ Chí Minh hoặc các thành phố khác. Cụ chưa nghe nói đến Phú Yên (trước đó gọi là Phú Khánh). Cụ thấy cái tên Phú Yên cũng hay hay, cụ nghĩ: Phú có lẽ là trù phú dễ làm ăn, Yên là yên lành không có rừng thiêng nước độc. Thế là năm tám chín cụ đã đem cả gia đình vào Sông Hinh.

        Chuyện tình của Bố mẹ Linh cũng tạo cho chúng tôi khá nhiều ấn tượng . Bố Linh tên là Hải, mẹ Linh tên là Cảnh, người dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang. Trước đây bố Linh do bà nội mất sớm nên hay được ông nội cho đi theo mỗi lần ông đi công tác xa nhà. Ông Hầu Văn Tường là ông ngoại của Linh, thấy ông Thích cảnh gà trống nuôi con, lại hay dẫn bố Hải của Linh đi ông rất cảm phục. Có lần ông Tường nói chuyện với ông Thích, vừa nói vui với Hải: Mày ráng học sau này làm nên cơ nghiệp tao gả con gái cho. Cứ nghĩ hai ông bạn già chỉ nói đùa cho vui vậy thôi. Ai ngờ mấy năm sau cô bé Hầu Thị Cảnh, đã 16 tuổi có đuôi mắt dài, đôi lông màu đen mượt luôn ánh lên những nét tươi cười, cũng được bố dẫn đi theo. Cả hai đã dẫn nhau ra bờ suối cùng chơi khoát nước vào nhau. Được một lúc thấy Hải đứng sững lại, đỏ mặt lúng túng. Cùng lúc đó như có một dòng điện chạy qua, Cảnh vội cúi xuống nhìn ngực mình, thấy áo đã bị Hải làm ướt hết, hiện rõ khuôn ngực tròn đang nhô lên sau làn áo mỏng, cô vội ù té chạy. Sau lần đó thì mỗi khi đêm về Cảnh cứ hình dung cặp mắt và điệu bộ của Hải khi nhìn mình. Còn Hải thì mỗi lần gặp Cảnh là cứ đỏ mặt và lúng túng. Biết được ý định của hai đứa ông Tường đã nói với Hải trước lúc ông Thích đưa cả nhà vào Nam: Tao cho con Cảnh theo mày vào trong đó nhưng khi nào mày dựng được nhà, làm được nhiều rẫy tao mới cho mày cưới.

         Đúng như lời ông Tường nói, sau Tết năm chín ba ông Tường đã đưa Cảnh vào Sông Hinh, hai nhà đã tổ chức lễ cưới cho Hải và Cảnh. Mười tám mùa rẫy đã trôi qua, cô gái Cảnh có đôi mắt đẹp, với cơ thể được bó chặc trong cái áo thổ cẩm nổi lên những đường cong uốn lượn từ vai xuống hông, từ ngực xuống bụng tràn đầy sức sống ngày nào. Nay chị đang nằm trên giường bệnh, đang bị một căn bệnh chỉ dành cho Phụ nữ, bệnh u nang buồng trứng. Chị đã được anh Hải cho vào Thành phố Hồ Chí Minh mổ một lần nhưng vì là u xơ nên không thể lành được. Nói ông trời không thương tui là vậy đó, ông Thích nói: Hai người vợ rồi, người con gái là những người hiểu tui nhất, thường nấu cho tui các bữa ăn ngon. Ông trời lại bắt đi hết, đứa con dâu thật siêng năng, thật tốt bụng, lại đẹp người nữa vậy mà lại bị căn bệnh hiểm nghèo. Đến đứa cháu nội trời cũng không buông tha, thằng nhỏ nay đã mười ba tuổi rồi mà vẫn như đứa bé một, hai tuổi. Thỉnh thoảng nó lại lên cơn co giật làm cả nhà phải nháo nhác lên. Đến đây cụ Thích thở dài và nói: cũng không phải ông trời nào hết. Tại số tui nó vậy, may ra dăm bảy năm nữa nước mình khá lên, khoa học phát triển, các căn bệnh hiểm nghèo giảm đi, biết đâu khi đó chữa bệnh được cho cháu tôi. Cụ nói tiếp: Nếu không có mấy anh ở Xã, ở Huyện và các thầy cô giáo chắc con Linh cũng không được đi học. Thật tội con bé. Em bệnh rồi đến mẹ bệnh. Nếu đi học ở trường thì thôi, về đến nhà, khi thì lo trông em, khi thì lo cơm nước, giặt giũ quần áo, heo gà. Mùa hè hoặc nhà trường cho nghỉ học vài ba ngày có khi còn lên rẫy giúp bố mẹ. Được cái cháu rất chăm học, hễ buông tay làm là ôm ngay quyển sách, học quên cả ăn cơm. Cháu học cũng khá, mười một năm đi học thì có đến mười năm là học sinh giỏi. Các thầy cô giáo cũng thương, năm nào cũng có phần thưởng cho cháu. Các cháu học cùng trường với Linh nhà cũng rất nghèo nhưng rất yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nghe các thầy cô giáo nói về hoàn cảnh của Linh như vậy. Có lớp thì đến nhà làm việc giúp đỡ cho cháu, có lớp tự động quyên góp cho cháu tiền hoặc sách vở. Hoàn cảnh cháu khổ thì thật khổ nhưng điều kiện để học là không đến nỗi phải thiếu.Cháu cũng biết vậy nên trước đây ở trường huyện, nay về trường của tỉnh chưa bao giờ nghe cháu kêu với cha mẹ không đủ tiền mua sách vở hoặc quần áo đi học. Chúng tôi đã gặp em Linh ở trường phổ thông Dân Tộc Nội Trú tỉnh tại phòng của thầy hiệu trưởng. Lúc này nắng sớm đã rải đều trên sân trường đang hắt vào phòng những tia vàng nhạt. Làm cho khuôn mặt của Linh ửng hồng tăng thêm những nét đẹp mà em thừa hưởng từ mẹ. Thầy Dương hiệu trưởng đã rất xúc động khi nói về hoàn cảnh của em  và nhớ rất rõ về thành tích về các phần thưởng và học bổng nhà trường đã dành cho Linh. Thầy nói: em Linh hoàn cảnh thật thương tâm, mẹ thì bệnh nặng, em trai có thể là do ảnh hưởng chất độc da cam dẫn đến thiểu năng trí tuệ.Thế nhưng em vừa học giỏi vừa công tác đoàn rất tốt. Năm lớp 10 em đã đạt giải nữ sinh tài năng được nhận học bổng Kotech, lớp 11 em đạt giải nhất môn Văn trong kỳ thi ngày hội văn hóa các dân tộc. Việc đạt giải nhì về công tác đoàn vừa rồi chứng tỏ sự hiểu biết và năng lực của em có rất nhiều triển vọng. Em phải dự thi trong tổ chức đoàn khối các cơ quan, những người dự thi đều là cán bộ, công nhân viên đã học hết phổ thông, đã tốt nghiệp Đại học hoặc các  trường chuyên nghiệp về trình độ hơn hẳn em. Sau lời giới thiệu của thầy Dương, chúng tôi đã hỏi em Linh về ước mơ và dự định sau khi tốt nghiệp PTTH, Linh đã không ngần ngại trả lời: Ước mơ của em thì nhiều lắm. Có hai điều mà em sẽ cố gắng hết sức để thực hiện, đó là ước mơ trở thành Bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ em, em trai của em và bà con buôn làng. Ước mơ thứ hai của em là làm sao cho dân vùng quê em bớt khổ, đời sống kinh tế phát triển theo kịp đồng bằng.

         Tôi đang có ý định nói với em về cuộc gặp mặt học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có thành tích cao trong kỳ thi quốc gia năm 2010 do Ủy Ban Dân Tộc và Bộ GD-ĐT tổ chức. Nói với em về học bổng Vừ A Dính,về chị Nguyễn Thị Thu Hường người dân tộc Tày là sinh viên trường ĐH Sư phạm ,v.v, nhưng trống đã báo vào giờ học tiết ba, em tạm biệt chúng tôi với một nụ cười thân thiện.

 

Tuy Hòa tháng 3 năm 2011

 Ngô Minh Hòa

src=http://i770.photobucket.com/albums/xx343/phamngochienpy/thayhoagui.jpg