Long Xuyên là một thành phố trẻ trung, năng động, trung tâm kinh tế – văn hóa quan trọng của tỉnh An Giang và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu xét về mặt lịch sử, Long Xuyên xưa là một trong những vùng đất được khai phá muộn nhứt ở miền Nam. Vậy mà vùng đất đó đã sớm định hình và phát triển với tốc độ vượt bật. Một nơi hoang hóa, ít dân, đời sống nghèo khó, chợ búa kém phát triển… đã vươn mình trở thành một đô thị mang tầm vóc lớn trong khu vực, xứng tầm với sự phát triển chung của đất nước.

Năm 1757, vùng đất Tầm Phong Long được vua Chân Lạp là Nặc Tôn cắt cho chánh quyền Đàng Trong của chúa Nguyễn Phước Khoát, đây là mốc cuối cùng trong chặng đường đường Nam tiến của người Việt. Kể từ ngày đó, hình thể lãnh thổ Đại Việt mới được hoàn chỉnh từ Bắc đến Nam gần như hiện nay. Buổi ban đầu, địa bàn tương ứng với thành phố Long Xuyên ngày nay vẫn là một nơi hoang vu, thậm chí chưa có tên gọi chính thức.

Tiếp theo sau đó, phương Nam là nơi chúa Nguyễn Ánh và Tây Sơn tranh chấp. Trong bối cảnh chiến tranh liên miên và dân cư ít ỏi như thế, không bên nào đủ khả năng thiết lập chánh quyền hành chánh ổn định. Năm 1789, chúa Nguyễn Ánh cho lập một đồn nhỏ tại vàm Ba Rách [1] gọi là thủ Đông Xuyên (thủ: đồn binh nhỏ). Sự kiện nầy chính thức đánh dấu sự ra đời của Đông Xuyên – Long Xuyên ngày nay. Đến khi vua Gia Long lên ngôi, khu vực Đông Xuyên về mặt hành chánh có ba thôn là Bình Đức, Mỹ Phước và Mỹ Thạnh cùng thuộc huyện Vĩnh Định của trấn Vĩnh Thanh.

Thời Minh Mạng, triều đình bỏ đơn vị trấn và lập đơn vị tỉnh. Tỉnh An Giang chính thức ra đời – một trong lục tỉnh Nam Kỳ đầu tiên. Địa phận tỉnh An Giang tương ứng với các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và một phần Đồng Tháp ngày nay. Tỉnh An Giang có mười huyện được cai quản bởi ba phủ Tuy Biên, Tân Thành và Ba Xuyên. Ba làng Bình Đức, Mỹ Phước và Mỹ Thạnh thuộc huyện Tây Xuyên của phủ Tuy Biên. Lúc nầy, danh từ Đông Xuyên (vốn chỉ thủ Đông Xuyên trước đây) trở thành tên huyện Đông Xuyên nằm trên dãy cù lao giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu (tương ứng với địa bàn các huyện Chợ Mới, Phú Tân, An Phú và thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang hiện nay).

Thời Tự Đức, vị trí thủ Đông Xuyên được gọi là Đông Xuyên cảng đạo [2]. Lúc đó phố chợ đã được hình thành và đang dần phát triển, cũng là giai đoạn định hình cho chợ Long Xuyên sau nầy. Tuy nhiên, thực tế bấy giờ đây chưa phải là một ngôi chợ có tầm cỡ lớn trong vùng. Bởi Đại Nam nhất thống chí (biên soạn thời Tự Đức) khi liệt kê các chợ lớn ở tỉnh An Giang đã không đề cập đến chợ Đông Xuyên (và cả chợ Châu Đốc là tỉnh lỵ tỉnh An Giang thời đó).

Cũng cần nói thêm, dưới triều Nguyễn danh từ Long Xuyên là tên huyện Long Xuyên thuộc phủ An Biên của tỉnh Hà Tiên, còn tỉnh An Giang chỉ có Đông Xuyên chứ không có Long Xuyên. Khi người Pháp đến, họ đã đọc và viết nhầm Đông Xuyên của An Giang thành Long Xuyên. Điều nầy không rõ xảy ra chính xác vào khi nào, chỉ biết trong bản đồ Nam Kỳ năm 1860 vẫn còn chú thích địa danh “Dong Xuien”, nhưng đến bản đồ Nam Kỳ năm 1861 thì vị trí chợ Đông Xuyên đã được chú thích là “cho Long Xuyen”.

Sau khi Nam Kỳ rơi vào tay Pháp, Long Xuyên trở thành tên gọi hành chánh chính thức là hạt Long Xuyên, còn huyện Long Xuyên thuộc phủ An Biên của tỉnh Hà Tiên cũ trở thành hạt Cà Mau. Năm 1900, hạt Long Xuyên trở thành tỉnh Long Xuyên. Năm 1956, tỉnh An Giang tái lập, nhưng địa bàn thu hẹp hơn tỉnh An Giang thời Nguyễn, chỉ còn tương ứng với địa bàn hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cũ thời Pháp thuộc. Từ đó, thị xã Long Xuyên đóng vai trò tỉnh lỵ tỉnh An Giang. Năm 1999, Long Xuyên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Tuy là đất mới nhưng Long Xuyên lại có diện mạo văn hóa đa dạng với nhiều di sản giá trị. Thời chúa Nguyễn rồi triều Nguyễn, nơi đây đã chào đón nhiều lớp di dân từ các nơi đến lập nghiệp. Họ vừa lao động sản xuất phát triển kinh tế, vừa kiến tạo văn hóa cộng đồng. Họ có tánh cách cởi mở, phóng khoáng, năng động, dễ tiếp cận những tác động mới. Tuy nhiên, họ vẫn luôn trân trọng và bảo lưu những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đình thần các làng Mỹ Phước, Bình Đức, Mỹ Thới… có từ xưa đến nay vẫn là trung tâm tín ngưỡng quan trọng của con người Long Xuyên.

Thành phố Long Xuyên vinh dự có sông Long Xuyên uốn lượn chảy quanh. Đó chính là dòng kinh Thoại Hà lịch sử mà Thoại Ngọc Hầu đã chỉ huy đào theo lịnh vua Gia Long vào năm 1818. Con kinh nối Long Xuyên với Rạch Giá, giúp lưu thông hàng hóa miền viễn Tây dễ dàng hơn và đưa một phần nước sông Hậu vào mùa nước nổi thoát ra biển Tây để giảm ngập úng. Tri ân bậc tiền nhân mở đất, người Long Xuyên đã sớm trân trọng đặt tên Thoại Ngọc Hầu cho ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh An Giang, nằm ở trung tâm thành phố, soi bóng xuống Thoại Hà.

Nét đẹp của dòng kinh lịch sử càng lãng mạn hơn khi có hai chiếc cầu sóng đôi từ lâu đã trở thành niềm thương nỗi nhớ của người Long Xuyên: cầu Hoàng Diệu và cầu Duy Tân. Cầu Hoàng Diệu xưa là cầu gỗ, năm 1892 được thay thế bằng cầu sắt mang tên Henrie, năm 1938 được đúc bê tông và đến năm 1950 đổi tên là cầu Hoàng Diệu. Cầu Duy Tân được xây dựng vào thập niên 1960, được xem là cây cầu thơ mộng của thành phố. Chưa thấy ai bàn về việc đặt tên hai chiếc cầu nầy, nhưng đối với chúng tôi điều đó lại gợi nên nhiều suy gẫm.

Có lẽ người đi trước đã thật tinh tế khi đặt tên hai chiếc cầu sóng đôi đầy ý nghĩa nầy. Nếu nói theo kiểu Nho học, Duy Tân và Hoàng Diệu ở vị thế quân – thần, không thể đứng ngang hàng với nhau như thế. Song, phải chăng người Long Xuyên đã cố tình phá vỡ trật tự nầy để chuyển tải một thông điệp khác. Hoàng Diệu từng nam chinh bắc chiến và cuối cùng tuẫn tiết khi mất thành. Duy Tân có tư tưởng canh tân và chống Pháp nhưng việc bất thành nên phải bị lưu đày. Dù vị thế khác nhau, niên đại khác nhau, công trạng khác nhau, nhưng cả hai đều tấm gương lớn về tinh thần yêu nước chống xâm lược, dẫu bằng những hình thức khác nhau.

Thời cận đại, Long Xuyên cũng từng đón chân nhiều nhân vật lịch sử. Năm 1903, chí sĩ Phan Bội Châu trên đường vào Thất Sơn liên lạc các phong trào kháng Pháp đã ghé Long Xuyên. Ông dừng chân nghỉ qua đêm tại chùa Quảng Tế (ngày nay nằm trên đường Lý Thái Tổ, phường Mỹ Long). Thời bấy giờ, ngôi chùa nầy là cơ sở của đạo Minh Sư, đồng thời còn là điểm liên lạc bí mật của các nhân sĩ ái quốc với chí hướng “phục Nam bài Pháp”.

Năm 1914, nhà văn Hồ Biểu Chánh đến Long Xuyên và sau đó có sáu năm làm việc ở đây. Ông thành lập Long Xuyên Khuyến học hội và mở nhóm Cải lương kịch xã trực thuộc hội nầy. Năm 1917, theo sáng kiến của ông, cải lương lần đầu tiên được đưa lên sân khấu Long Xuyên với tuồng Quên nhà báo nghĩa [3] do ông và Đốc phủ Lê Quang Liêm cùng soạn. Tuồng hát được khán giả đón nhận nồng nhiệt, mở đầu cho một loại hình nghệ thuật mới. Nhiều ý kiến cho rằng năm 1918 là thời điểm ra đời cải lương với rạp hát hát thầy Năm Tú (Châu Văn Tú) ở Mỹ Tho. Song với dữ kiện nói trên, chúng tôi cho rằng cải lương được ra đời năm 1917 ở Long Xuyên.

Năm 1918, nhà văn Hồ Biểu Chánh và nhóm trí thức chủ trương thực hiện Đại Việt tập chí – cơ quan ngôn luận của Long Xuyên khuyến học hội. Đây là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của An Giang. Năm 1925, nhà thơ Tản Đà đến Long Xuyên và ấn tượng với món mắm, còn để lại câu thơ: “Hà tươi cửa biển Tu Ran / Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà”. Năm 1947, học giả Nguyễn Hiến Lê đến Long Xuyên dạy học…

Với sự tự hào là trung tâm lúa gạo của cả nước, năm 1970 tỉnh An Giang đã đặt tượng đài Bông lúa con gái tại Công trường Trưng Nữ Vương ở trung tâm thị xã. Tác phẩm cao 16 mét làm bằng đồng phế liệu, tạo hình thẩm mỹ và sống động, đạt giá trị nghệ thuật cao. Tác giả là Mai Chửng – nhà điêu khắc nổi tiếng thời bấy giờ. Sau năm 1975, bức tượng bị đập bỏ. Ba mươi năm sau hòa bình, thấy được những hạn chế của buổi giao thời, tỉnh An Giang đã cho xây lại tượng đài Bông lúa vào năm 2004, tác giả là họa sĩ Dương Đình Chiến. Đây là biểu tượng đầy tự hào của tỉnh An Giang và là điểm nhấn làm tôn lên vẻ duyên dáng của thành phố trẻ Long Xuyên.

Năm 2019 là dấu mốc lịch sử đặc biệt, đánh dấu tròn 230 năm thủ Đông Xuyên – thành phố Long Xuyên. Đông Xuyên của một thời, ngày nay cùng với Cần Thơ, được báo chí gọi là “hai thủ phủ của đồng bằng sông Cửu Long” cũng không phải quá lời. Bởi đây là hai đô thị sầm uất hàng đầu Tây Nam Bộ, trung tâm kinh tế – văn hóa quan trọng của khu vực. Long Xuyên ngày nay có sức hấp dẫn mạnh và gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè các nơi. Khách tham quan du lịch đến An Giang hầu hết đều phải đi bằng tuyến đường ngang qua thành phố Long Xuyên, nên Long Xuyên còn có vai trò là cửa ngõ đầu tiên đón chân du khách khi đến với An Giang.

Những người trẻ Long Xuyên thời hiện đại không lúc nào không tự hào với thành phố thân yêu của mình. Đọc lời tâm sự của bạn trẻ Vương Đình Khang, chúng tôi hiểu đó cũng là tâm tình của tất cả những người con Long Xuyên: “Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một vùng đất yên bình bên dòng Cửu Long – phố bên sông. Một nửa là thành phố đang phát triển dở dang, cái gì cũng thiếu một tí. Một nửa là làng quê, đơn sơ, bình dị, làm nông nghiệp. Những điều đó làm nên một vùng đất không đi đâu mà tôi quên được – Long Xuyên” [4].


VĨNH THÔNG

_______________________

CHÚ THÍCH:

1. Ba Rách được thư tịch triều Nguyễn viết là “Tam Khê”, song đây không phải địa danh có thật trên thực tế mà chỉ là “Hán hóa” địa danh Ba Rách.

2. Sơn Nam (1988), Lịch sử An Giang, Nxb Tổng hợp An Giang, tr. 107

3. Trước nay, các tài liệu thường viết tên vở tuồng là Vì nghĩa quên nhà, song Đại Việt tập chí (số 3, năm 1918, tr. 280) viết tên vở tuồng là Quên nhà báo nghĩa.

4. Vĩnh Thông (2015), An Giang núi rộng sông dài, Nxb Văn hóa Văn nghệ, tr. 39.