Gia đình chính là môi trường tạo nên nhân cách con người ngay từ thuở ấu thơ, là nơi chắp cánh cho các em vào đời với biết bao niềm vui sáng tạo, lung linh sắc màu. Gia đình là tế bào của xã hội, là hạt nhân cơ bản của sự phát triển xã hội, là nơi gắn kết tình cảm của mọi thế hệ con người với nhau.

Điều đó đã được khẳng định qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay với xu hướng hòa nhập với cộng đồng quốc tế chúng ta vẫn đang giữ gìn và phát huy những nét đặc trưng cơ bản về bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt vấn đề gia đình vẫn phải được nhìn nhận, xem xét dưới góc độ văn hóa, và là nền tảng chủ yếu để hình thành nhân cách văn hóa con người từ thuở ban đầu.
Nếu như trước đây, gia đình hạt nhân truyền thống vẫn phổ biến là những “gia đình tam, tứ, đại đồng đường”, tức là có nhiều thế hệ con người cùng sinh sống với nhau dưới một mái nhà, thì ngày nay, do sự phát triển của xã hội, xu hướng mô hình gia đình hạt nhân là kiểu gia đình chỉ có hai thế hệ đang dần dần được thay thế. Từ những đổi thay về cấu trúc gia đình đã dẫn đến những quan niệm về gia đình cũng thay đổi theo. Có thể nói rằng: gia đình hạt nhân thời hiện đại phổ biến vẫn là gia đình hai thế hệ cùng tồn tại trong một ngôi nhà chung, tức là chỉ có cha, mẹ (chồng, vợ) và con cái cùng sinh sống. Chúng ta rất ít gặp kiểu gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh hoạt trong một ngôi nhà như trước đây. Chính điều đó đã đưa đến việc dạy dỗ con cái gần như được chuyển giao toàn bộ chức năng cho nhà trường và xã hội. Nếu như trước đây, việc dạy dỗ con cháu về đạo đức, văn hóa là học vấn vẫn là do cha, mẹ (hoặc ông, bà) đảm trách là chủ yếu, thì ngày nay, do quá bận rộn với công việc làm ăn, công việc xã hội, và rất nhiều công việc khác, nên đa số các bậc phụ huynh đều gửi con đến trường ngay từ nhỏ hoặc thuê gia sư để uốn nắn, kèm cặp… để mong con cái học hành giỏi giang và thành đạt. Do vậy, thời gian để quan tâm chăm sóc hoặc chia xẻ tình cảm giữa ông, bà, cha, mẹ và con cháu hầu như không có hoặc rất hạn chế. Điều đó đã dẫn đến nhiều trường hợp đau lòng đáng tiếc xảy ra mà tất cả các bậc phụ huynh chúng ta không ai có thể ngờ tới…
Lâu nay, các bậc phụ huynh chúng ta đã xem nhẹ đến việc thường xuyên quan tâm, chăm sóc về tâm tư tình cảm, mọi ước mong, khát vọng cá nhân của con cái nơi tổ ấm gia đình, bởi thời gian gần gũi con cái quá ít, mà nếu có gặp được để giáo dục thì lại nặng về quở trách hoặc chửi mắng, thậm chí bạo lực, ít có bậc phụ huynh nào chú ý đến thế giới riêng tư nhỏ bé của các em để san sẻ, động viên. Tuổi thơ các em thường luôn bị ảnh hưởng sâu sắc về những mẫu mực nhân cách và hệ thống hành vi ứng xử của người lớn ngay trong ngôi nhà của mình. Nếu như, tính cách, phẩm chất và trình độ văn hóa của cha, mẹ là tấm gương phản chiếu chuẩn mực nhất trong gia đình thì con cái chúng ta chính là sản phẩm cụ thể, là “hệ quy chiếu” của tấm gương phản chiếu đó.
Mỗi chúng ta, ai cũng được sinh ra và lớn lên nơi mái ấm gia đình, những năm tháng của tuổi thơ đã đi qua để lại bao dấu ấn kỷ niệm tốt đẹp về một tổ ấm gia đình, về hình ảnh người cha, người mẹ đáng kính rất đỗi thân yêu. Và chính những tháng năm của tuổi thơ đó đã có một ý nghĩa quyết định trong bước đường hình thành nhân cách, lối sống, tư tưởng, văn hóa… của mỗi con người trước những tác động và ảnh hưởng sâu sắc của môi trường văn hóa, xã hội và tất cả cộng đồng.
Chính vì vậy, gia đình hôm nay phải là một môi trường tái sản xuất ra những con người mới phát triển toàn diện, có tri thức, có lương tâm, đạo đức, sống có đạo lý, biết kết hợp hài hòa giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân nhằm thỏa mãn chung mọi nhu cầu về tâm lý, tinh thần, tình cảm và vật chất của mỗi thành viên trong gia đình. Giáo dục con cái từ thuở ấu thơ là chắp đôi cánh cho các cháu vào đời với niềm vui sáng tạo, cảm nhận được vai trò làm chủ của mình trong việc chiếm lĩnh tri thức và có đầy đủ ý thức trách nhiệm đối với gia đình, đất nước đang bước vào thiên niên kỷ mới. Đó chính là chúng ta đã trang bị cho các cháu những kiến thức kế thừa, những kết cấu nhân cách xã hội, truyền đạt những tri thức và những tư tưởng cao đẹp, những mẫu mực nhân cách, những hệ thống hành vi phù hợp với những hệ giá trị văn hóa của dân tộc, của gia đình. Ước mơ của con người theo định hướng XHCN trong quá trình thực hiện CNH – HĐH đất nước đang dần dần trở thành hiện thực. Đó là thành tựu vĩ đại trong sự ra đời của con người phát triển toàn diện. Tất cả phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường trong xu thế hòa nhập của đất nước đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của xã hội về mọi mặt và tác động không nhỏ tới cuộc sống gia đình của mỗi thế hệ cộng đồng người Việt, và đó chính là một xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Chúng ta không bắt buộc phải tồn tại một kiểu gia đình truyền thống nhiều thế hệ trước đây hay phủ nhận xu thế phát triển của tia đình hai thế hệ như hiện nay. Đều tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi gia đình trong sự phát triển chung của toàn xã hội. Điều mà chúng ta muốn nói ở đây là: dù cấu trúc của gia đình có tồn tại dưới hình thức nào thì chúng ta vẫn cần kế thừa những nét tốt đẹp của gia đình truyền thống – đó là một kiểu gia đình mà trong đó mọi người đều thương yêu nhau và gắn kết chặt chẽ với nhau theo quan hệ “Ông bà, cha mẹ mẫu mực – con cháu hiếu thảo, chăm ngoan học giỏi”… Một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng gia đình Việt Nam.
 
Ngô Minh Sơn