Kết cấu “Khối vuông rubic” của Thanh Thảo (Nguyễn Hoàng Yến Phụng)

I. MỞ ĐẦU
Tập thơ Khối vuông Rubic của Thanh Thảo được công bố năm 1985, trở thành một trong những tác phẩm tiên phong trong phong trào đổi mới thơ Việt sau chiến tranh. Tập thơ gồm 11 bài, được chia làm hai phần: mười bài thơ tự do (nổi tiếng nhất là Đàn ghi-ta của Lorca) và một bài thơ văn xuôi mang tựa đề Khối vuông Rubic. Bài thơ văn xuôi Khối vuông Rubic có một cấu trúc rất phức tạp, phản ánh sự muôn màu của cuộc sống và nghệ thuật. Ta có thể thấy rõ điều đó qua sự sắp xếp các yếu tố thể loại, ngôn từ, hình tượng trong tác phẩm.

II. NỘI DUNG
1. Kết cấu thể loại
Tác phẩm Khối vuông Rubic được viết theo thể thơ văn xuôi. Đây không phải là sự lắp ghép cơ giới thông thường giữa hai thể thơ và văn. Trước hết, thể thơ văn xuôi thuộc loại thơ tự do không vần. Nhạc điệu của nó vẫn còn hơi hướng của thơ:“Tôi xoay những ô vuông. Những sắc màu chưa đồng nhất. Rubic một trò chơi kỳ lạ. Chúng ta phải vất vả bao nhiêu để sắp xếp lại những ý nghĩ. Có hàng tỷ cách sắp xếp. Rubic— đó là cấu trúc của thơ.”. Ở đây, ta thấy có nhạc điệu nhẹ nhàng, có chất trữ tình man mác của thơ. Nhưng hình thức trình bày cũng mang dáng dấp của văn xuôi. Các câu thơ chạy liền mạch như văn xuôi, không xuống dòng. Nhưng những đoạn thơ văn xuôi này không dài như để nhắc nhở rằng, nó vẫn là thơ:
“Làm sao tính toán được thơ. Anh hãy chỉ tôi xem : ô vuông nào hàm chứa thơ, màu sắc nào tiêu biểu thơ? Có một sự trùng hợp giữa thơ và hạnh phúc. Ngẫu nhiên, đùa cợt, nghiêm chỉnh, những sai số cực kỳ lớn cho mỗi dự định, những cú phản phé, những trò oái oăm dành cho những kẻ vào đây với cái đầu lạnh lùng hòng sắp xếp mọi nấc thang thành đạt.”
Hình thức của tác phẩm có hình dạng giống như văn xuôi nhưng lời văn vẫn có sự nhịp nhàng, dạt dào niềm xúc cảm của tác giả. Thể thơ văn xuôi tạo cơ hội cho người sáng tác có điều kiện bộc lộ, trải lòng mình mà không bị gượng ép, gò bó theo khuôn khổ khắt khe, chuẩn mực của thơ truyền thống. Khi lựa chọn thể loại thơ văn xuôi, tác giả phải chứng minh được khả năng chọn lọc, sử dụng ngôn từ. Thanh Thảo nắm đạo binh ngôn từ cũng khôn ngoan như người chơi với khối vuông rubic:
“Tôi xoay những ô vuông. Càng từng trải, anh có thể khôn ngoan hơn, nhưng sẽ làm hả nhạt đi hương vị chân chất của đời mình ; nó là cách nói lên sự thật: như từ miệng một đứa trẻ nói. Cũng sẽ mất dần độ nhạy cảm của đôi cánh chuồn chuồn trước thời tiết thay đổi, những phản ứng khó nhận biết nhất của lá non, những phản ứng không nhằm khẳng định mình, mà khẳng định cái thế giới mình đang sống. Nhưng anh làm sao khác được, anh phải lớn lên như một cái cây lớn lên, nếu không, anh sẽ có số phận của cây cảnh trang trí cho hòn non bộ.”
Nhà thơ dùng những câu thơ dài, dàn trải như văn xuôi. Ta có cảm giác bị lẫn lộn về thể loại như khi đứng trước những mảng khối vuông rubic đang xoay chuyển nhiều vòng, nhiều góc độ. Rubic là một đồ vật dùng để giải trí, đòi hỏi người chơi phải có trí tuệ để có thể tạo ra những kết cấu, hình dạng khác nhau. Theo quan niệm của Thanh Thảo, thơ cũng như trò chơi rubic. Người chơi thơ có thể tạo cho thơ những kết cấu và màu sắc khác nhau. Nhìn một cách tổng thể, kết cấu của một bài thơ văn xuôi gồm hai mảng màu: sắc của thơ và sắc của văn. Nhưng sự khéo léo sắp xếp xen kẽ những ô thơ và những ô văn sẽ cho ra nhiều hình dạng khác nhau. Để thấy rõ sự đa dạng này, ta cần phân tích thêm những sắc màu ngôn ngữ và hình tượng.
2. Kết cấu ngôn từ
Nhờ sử dụng thể thơ văn xuôi, Thanh Thảo có điều kiện thoát khỏi hệ thống thi luật truyền thống để sáng tạo những hình thức diễn đạt mới. Tác giả đã làm lạ hóa thơ bằng cách lắp ghép những từ ngữ, hình ảnh không theo lối diễn đạt thông thường: “…những đỉnh Evơrét-trí-tuệ, đẩy lùi xa giới hạn chính mình”, “Vậy mà vừa chợp mắt những mộng mị, những giấc mơ đã lũ lượt kéo đến — giờ hoạt động của phía lưng mặt trăng — thậm chí cả núi lửa cũng bắt đầu sôi sục, đền bù cho cái phần ban ngày-bình-yên-sáng-rõ của ý thức”. Khi đọc tới “những đỉnh Evơrét-trí-tuệ”, “ngày-bình-yên-sáng-rõ của ý thức”, ta phải xoay chậm rubic để có thời gian cảm nhận sự khác biệt trong cách cấu tạo từ ngữ. Ta không thể đọc nhanh vì nó không theo cách diễn đạt thông thường của số đông. Ta phải đọc chậm vì còn phải nghiền ngẫm những điều nhà thơ muốn gửi gắm trong “những mộng mị, những giấc mơ đã lũ lượt kéo đến”.
Kết cấu ngôn từ không chỉ thể hiện ở sự lắp ghép từ ngữ mà còn thể hiện ở việc tạo ra những đoạn đối thoại. Thông thường, trong thơ rất ít đối thoại. Nhưng Khối vuông rubic là một bài thơ văn xuôi nên cũng ít nhiều mang các đặc điểm của văn xuôi. Trong tác phẩm, có nhiều đoạn đối thoại, kết cấu hỏi – đáp diễn ra rất tự nhiên như một cuộc trò chuyện bình thường. Mở đầu mỗi câu đối thoại có sự hiện diện của dấu gạch ngang như văn xuôi nhằm làm nhiệm vụ đánh dấu (báo trước) lời đối thoại. Nhân vật trực tiếp phát ngôn không cần phải thông qua lời dẫn:
“Tôi xoay những ô vuông. Đôi khi, những đồ vật đã che khuất chúng ta
– Còn sự thành đạt ?
– Đôi khi, nó cũng là một thứ đồ vật
– Như một chiếc áo đẹp, một căn phòng đầy đủ tiện nghi ?
– nó làm ta thấy dễ chịu
– thấy mình hơn những người khác
– hơn cả những đồng đội của mình đã chết ?”
Tác giả còn chú ý làm lạ hóa ngôn từ qua cách viết chữ hoa, chữ thường và dấu câu không theo một trật tự, quy tắc nào nhất định. Thông thường, ở mỗi câu thơ, mở đầu phải viết hoa và kết thúc là một dấu câu. Nhưng nhiều khi, Thanh Thảo lại phá cách, có chỗ thì tác giả viết hoa, cũng có những trường hợp không viết hoa và cũng không có dấu câu biểu thị sự kết thúc. Điều này cho thấy tác giả có sự đổi mới ý thức sáng tạo, vượt ra khỏi mọi ranh giới, chuẩn mực để tạo ra các câu thơ có màu sắc mới lạ, độc đáo, hiện đại. Những câu đối thoại ngắn, dồn dập thể hiện được tốc độ của cuộc sống xô bồ, náo nhiệt. Nhịp thơ nhanh và chậm xen kẽ nhau. Bên cạnh những câu ngắn, có cấu trúc đặc biệt ta còn bắt gặp những câu rất dài. Thêm vào đó, các loại câu cũng rất đa dạng, đủ mọi sắc thái đan xen vào nhau: câu bình thường và câu đặc biệt, câu tường thuật và câu nghi vấn… “Tôi xoay những ô vuông. Ngoài chợ.”, “Tôi xoay những ô vuông. Đêm bình yên. Có thật anh yêu em là hạnh phúc ?”
Tác phẩm được chia làm nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn gồm vài câu. Đoạn nào cũng mở đầu bằng câu: “Tôi xoay những ô vuông”. Câu này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, tạo thành một nhạc điệu riêng của tác phẩm. Ngoài nhạc điệu nền quen thuộc đó, tác giả cũng xen vào những nhạc điệu mới lạ, riêng biệt. Có những câu vắt dòng đột ngột, tạo âm hưởng riêng:
“Tôi xoay những ô vuông. Màu trắng bên màu đen, Màu trắng như cánh cửa mở vào ánh trăng. Màu đen như khu rừng đầy bóng tối.
Em ở xa em chỉ hiện về trong nỗi nhớ
đầy trăng
anh không thể ngủ không thể ngủ
dù đêm rất bình yên.”
Tác phẩm Khối ruông rubic là một tổ hợp từ ngữ đa màu sắc. Bên cạnh những từ ngữ mang sắc thái trang trọng, ta cũng gặp nhiều từ ngữ thông tục, suồng sã. Sau 1975, ngôn ngữ thơ Thanh Thảo chuyển dần từ phong cách sử thi sang phi sử thi. Trong bài thơ văn xuôi Khối ruông rubic, sự có mặt của những từ thông tục, biệt ngữ… đã góp phần tạo ra “chất văn xuôi” cho tác phẩm. Nó phản ánh sự đa dạng của cuộc sống đời thường, nhất là những góc khuất tối tăm trong đời sống tâm linh con người:
“Tôi xoay những ô vuông. Bố khỉ cái màu đen cứ lởn vởn trong tâm trí.”;
“Vì nó là trẻ con, nên hành động đó chưa được tính là xuất phát từ lòng tốt. Nhưng nó cần quái gì!”.
3. Kết cấu nhân vật
Mỗi lần xoay ô vuông, Thanh Thảo khiến người đọc phải đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Không chỉ chứng kiến những cách diễn đạt lạ thường, bạn đọc còn bắt gặp một thế giới nhân vật vừa quen vừa lạ. Mỗi nhân vật xuất hiện trong Khối vuông rubic mang một dáng vẻ khác nhau. Có nhân vật xuất hiện một lần mà tạo ấn tượng rõ nét bởi chất giọng địa phương, không lẫn vào đâu được: “Chào đồng hương! có súng nục (súng lục) đưa mình chữa cò lặng (cò nặng) thành cò nhẹ. Xong ngay!”. Tác giả tiếp tục xoay, mỗi lần xoay lại hiện ra những nhân vật khác nhau:
“Tôi xoay những ô vuông. Anh y tá Hải Ba, quê Hà Nam Ninh, vốn là giáo viên dạy văn, khiêm nhường như con gái, anh phục vụ ở bệnh viện binh trạm và kín đáo làm thơ”.
“Tôi xoay những ô vuông. (…) Anh công nhân thất nghiệp ở Hămbuốc, Luân – đôn, Maiami, những ngón tay nóng nảy bấu vào khối nhựa vuông mong làm bật ra phép lạ: biết xoay xở cách nào đưa gia đình qua khỏi mùa đông?”
“Tôi xoay những ô vuông. Em gái hát. Em bụi đời Củ Chi lưu lạc về Sài Gòn, từ Sài Gòn em lên đây để “làm lại cuộc đời” như tuồng cải lương vẫn nói.”
“Tôi xoay những ô vuông. Xêzan chỉ lặng lẽ nhìn và trong tranh của ông, những quả táo từ từ có sức nặng, tỏa hương thơm: nó sống.”
Thế giới nhân vật trong Khối vuông rubic không thuần nhất, không thuộc một loại hình nhất định mà dung hợp nhiều loại người, nhiều hệ tư tưởng. Tác giả cấu tạo chúng theo tinh thần hòa hợp, mở rộng biên độ giao tiếp xã hội và cũng cho phép mỗi nhân vật mở rộng lòng mình:“Tôi xoay những ô vuông. Vương quốc của niềm say mê. Đối chọi. Hoà hợp. Con người thế kỷ hai mươi chiếm lĩnh những đỉnh Evơrét-trí-tuệ, đẩy lùi xa những giới hạn chính mình.”. Theo lối tư duy cũ, phe ta chỉ toàn người tốt, phe địch chỉ toàn người xấu. Thanh Thảo đã phá bỏ định kiến đó khi cho rằng, phe ta cũng có người xấu. Cái xấu trong họ đã bộc lộ từ trong những năm khói lửa ở chiến trường: “Tôi xoay những ô vuông. Với tôi, thử thách ác nghiệt nhất trên Trường Sơn không phải bom đạn hay sốt rét, mà là ý nghĩ: ở đây, chính nơi này, sao vẫn còn người ác ?”. Như vậy, mỗi tổ chức xã hội là một cấu trúc phức hợp, nhiều thành phần. Nó đa dạng như sự muôn màu của các khối vuông rubic khi xoay theo những hướng khác nhau.
Xã hội vốn phức tạp, bản thân mỗi người cũng phức tạp. Một con người có thể được nhìn nhận trên nhiều phương diện, tốt hay xấu tùy theo góc nhìn. Tác giả tham gia khám phá, tìm hiểu cấu trúc nhân cách của con người hiện đại. Con người ý thức khác với con người vô thức, đôi khi, nội tâm và hành động không thống nhất: “Những người càng hiền lành những giấc mơ của họ càng dữ dội. Làm sao tôi biết chị phụ nữ tất bật vất vả kia đang theo đuổi những gì? Và chàng trai rụt rè đi xin việc, tái mặt khi đứng trước ông trưởng phòng tổ chức, chàng trai ấy đang ấp ủ những đạo hào quang nào trong cõi sâu lặng lẽ ?”. Con người bên trong và con người bên ngoài có thể không đồng nhất, bên ngoài có vẻ đẹp đẽ, sang trọng nhưng bên trong có thể xấu xa, thấp hèn: “chuyện đàn bà! Anh có để ý khi phụ nữ trang điểm cho trẻ lại cho đẹp hơn là họ đã đánh quả cả thời gian lẫn mắt ta đấy. Một mũi tên chết hai con chim!”.
Trong nền văn học sử thi, người ta không có quyền nghi ngờ mà chỉ có quyền tin tưởng tuyệt đối vào các lý thuyết giáo điều. Nhưng nhiều nhà thơ sau 1975 đã thay đổi cách nhìn đó. Trước câu hỏi: hạnh phúc là gì, Thanh Thảo chỉ bộc lộ một sự nghi ngờ: “Tôi xoay những ô vuông. Làm sao tính toán được hạnh phúc ? Anh có thể xoay các ô vuông, tìm các màu sắc, nhưng anh hãy chỉ tôi xem: ô vuông nào cất giữ hạnh phúc, màu sắc nào tượng trưng hạnh phúc ?” Xã hội vốn phức tạp, con người không thuần nhất, sự lắp ghép các mảnh đời lại chỉ làm cho cuộc sống thêm phức tạp. Và đối với câu hỏi “hạnh phúc là gì ?”, ta rất khó tìm được câu trả lời thích đáng cho tất cả mọi người.
4. Kết cấu không gian
Nhan đề “Khối vuông rubic” đã cho ta thấy vị trí quan trọng của không gian nghệ thuật trong tác phẩm. Trò chơi rubic, thật ra là một trò chơi đi tìm ẩn số của không gian. Bàn tay của người chơi rubic càng khéo, những không gian hiện ra càng bất ngờ, hấp dẫn. Trong tác phẩm, có nhiều đoạn thơ, mỗi đoạn bắt đầu bằng câu:“Tôi xoay những ô vuông”. Mỗi ô vuông là một không gian riêng. Và nhiều không gian mới lạ liên tiếp hiện ra theo chiều xoay của tác giả. Có khi hiện ra một không gian rộng lớn – một bãi cỏ ở miền quê, có khi hiện ra một không gian chật hẹp ở phố thị:
“Tôi xoay những ô vuông. Chúng tôi cùng đứng trên bãi cỏ, dưới nắng gắt. Một tiếng nói:
– anh viết đi !
– nhưng trước hết, cô gái này cần những bàn tay giúp đỡ, đưa cô về sống như mọi người, với mọi người. Sau đó, tôi sẽ viết”.
“Tôi xoay những ô vuông. Trong quán phở:
– ông chủ, cho hai bát tái đặc biệt!
– dạ, có ngay! hai bát tái đặc biệt bàn số ba !”.
Ta gặp rất nhiều loại không gian xen kẽ nhau liên tiếp hiện ra: không gian chiến trường – không gian hậu phương, không gian chiến tranh – không gian hòa bình, không gian thành phố – không gian nông thôn, không gian địa lý – không gian tâm lý, không gian lớn – không gian nhỏ… Mỗi loại không gian mang một sắc màu riêng, chứa đựng một nội dung riêng, không đơn điệu, tẻ nhạt:
“Đất nơi bạn nằm bên ngoài biên giới. Một lần nữa, đất rơi xuống. Không phải đất, mà là Tổ quốc, lặng lẽ phủ lên thi hài người lính trẻ.”;
“Những cánh võng loáng thoáng dưới rừng già.”;
“Trạm 79 đường dây (…) Anh đang ra Bắc, còn chúng tôi tiếp tục vào Nam.”;
“giữa “tuyết nóng” của vùng phụ cận Mát-xcơ-va bị vây hãm”(…) một cánh rừng miền Đông giữa B.52 và những trận càn.”;
“Đi dọc Trường Sơn gặp nhiều người bị tâm thần”
“Vào nhà hát, ra cuộc đời”…
Qua bàn tay tài hoa và óc quan sát tỉ mỉ của tác giả, không gian nghệ thuật của Khối vuông rubic mở ra đa dạng và vô tận. Nếu kết hợp góc nhìn không gian và thời gian, ta sẽ thấy rõ sự đa dạng đó. Không gian của quá khứ thường là cảnh chiến trường rộng lớn với những mất mát, khổ đau. Không gian của hiện tại là cảnh đời thường bình dị thân thuộc như: “thành phố lên đèn”, “cầu Long Biên lành lạnh”… Hoặc là những không gian xã hội chật hẹp và ô hợp như: nhà hát, quán phở, ngoài chợ… Các loại không gian đan xen nhau, tạo ra một kết cấu không gian đa dạng nhiều sắc màu sinh động. Có thể nói, thế giới của Khối vuông rubic là một tập hợp của những sắc màu: “màu vàng chanh: em bé nhỏ dưới những chùm quả sấu”; “Màu trắng bên màu đen, Màu trắng như cánh cửa mở vào ánh trăng. Màu đen như khu rừng đầy bóng tối”; “Có lúc nào ta hoàn toàn yên tĩnh trong một ô vuông xanh”,“Một màu rơm tươi gợi nhớ mùa gặt, mùi vỏ bào dẫn ta về những cánh rừng mùa khô, khoảng trống nhỏ đủ hình dung bầu trời, thoáng nhìn của ánh chớp định hình sự vật mà nó soi sáng, một bông hồng dầu dãi không tàn úa giữa những bố cục kỳ quặc nhất của thế kỷ hai mươi…”; “đầy những màu sắc ngẫu nhiên nổi lên như rubic xoay quanh trục bí mật của chính nó”…
5. Kết cấu thời gian
Thời gian gắn liền với không gian nghệ thuật. Trong Khối vuông rubic, tác giả có 56 lần “xoay những ô vuông”, tức là cũng kể ít nhất 56 câu chuyện. Thời gian trần thuật không đơn điệu bởi lẽ có sự đan xen quá khứ và hiện tại. Về cơ bản, tác giả đặt điểm nhìn ở thời hiện tại sau 1975 để hồi tưởng về quá khứ: “Đầu năm 1942”; “Mùa khô 1972”, … Đó có thể là quá khứ chiến tranh của dân tộc hoặc là những kỷ niệm đời tư:
“Tôi xoay những ô vuông. Về một đoạn thơ thời chiến tranh:
“bình yên nhé, em ơi, và kiên nhẫn
anh đã học điều này từ buổi chia ly”.
“Tôi xoay những ô vuông. Nhớ hồi mới tập làm thơ, tôi được một nhà thơ đi trước biếu không bài học này (…) Mãi sau này, mỗi khi viết có nguy cơ thành quen tay, tôi lại giật mình nhớ lời cảnh cáo đanh thép: “Làm thơ khó lắm”!”.
Khối vuông rubic hiện ra nhiều loại thời gian. Đó có thể là thời gian lịch sử, thời gian hiện hữu. Thời gian có thể được đo bằng năm, mùa, ngày…: “mùa xuân”, “mùa đông”, “buổi sáng”, “đêm”, “mười hai năm sau”, “mười bốn năm sau” ,“thời trẻ”, “bây giờ”, “sang năm”, “muôn năm”, “buổi chiều”, “thế kỉ hai mươi”… Nhưng có khi, thời gian được đo bằng giây: “Dù là để trở thành nhà vô địch xếp màu rubic trong 23 giây, chạy 100 mét hết 9 giây 93 (…) và làm một câu thơ hay một bài thơ hay một tập thơ hay… chẳng có gì đơn giản.”. Bên cạnh thời gian vật lý, còn có thời gian tâm lý. Loại thời gian này tồn tại bên trong nội tâm con người. Nó không thể đo đếm được. Nói cách khác, mỗi cá nhân có một độ đo thời gian riêng. Và thời gian trong tiềm thức rất hỗn độn, có lúc dường như biến mất, vô nghĩa lý:
“Tôi xoay những ô vuông. Chiều thứ tư của rubic: thời gian trong tiềm thức. Những cố gắng định vị các phần tử đang chuyển động hỗn loạn, cố gắng giải nghĩa chúng.
Những giấc mơ đầy màu sắc biến ảo. Quá khứ, hiện tại, tương lai cùng nổi lên trên một bề mặt
Lúc đó, thời gian như không tồn tại nữa”.
“Có lẽ anh chỉ nên sống bằng thời gian chính mình, con người anh là đồng hồ sinh học của anh (…) Bằng đồng hồ ấy anh đo được những tốc độ chóng mặt nhất và những khoảng ngưng lặng sâu thẳm nhất…”.
Cấu trúc nhân cách con người gồm hai phần: ý thức và vô thức. Và thời gian cá nhân cũng tương ứng như vậy. Một phần thời gian “Quá khứ, hiện tại, tương lai cùng nổi lên trên một bề mặt”. Lúc ấy, con người sống cho xã hội, cho người khác. Họ có thể sống giả tạo, sống giượng ép để vừa lòng mọi người. Khi nào con người “sống bằng thời gian chính mình”, lúc ấy mới sống thật. Đó là thời gian tiềm thức, ẩn bên dưới lớp thời gian ý thức hiện hữu.
Lật những mặt khác của rubic, ta thấy thời gian còn có hình hài. Nói theo thuật ngữ Thi pháp học, đó là hình tượng thời gian. Người ta có thể “đánh quả thời gian”, ăn cắp thời gian. Trong đoạn thơ sau, có sự kết hợp cả thời gian vật lý và thời gian tâm lý, thời gian không chỉ là một khái niệm trừu tượng mà có hình hài và tính cách sinh động:
“Tôi xoay những ô vuông. Lại một đoạn đối thoại:
– anh chuyên đánh quả, nhưng đã bao giờ anh đánh quả thời gian ? (…)
– tôi bán đồng hồ dởm. Đó cũng là một cách đánh quả thời gian. Còn anh ?
– tôi có mặt ở cơ quan đủ “tám giờ vàng ngọc” nhưng không làm gì cả. Đó cũng là một cách đánh quả thời gian”.

III. KẾT LUẬN
Không phải ngẫu nhiên mà Thanh Thảo chọn đặt nhan đề tập thơ là Khối vuông rubic. Tác giả quan niệm: sáng tạo nghệ thuật cũng giống như trò chơi rubic: “Tôi xoay những ô vuông. Người sáng tạo trò chơi rubic nói: “Khắp nơi quanh ta đều là những kết cấu phức tạp…”.”. Ta hiểu “kết cấu phức tạp” ở đây bao gồm kết cấu của trò chơi rubic, kết cấu của tác phẩm nghệ thuật, kết cấu xã hội và nhân cách con người. Loại kết cấu nào cũng phức tạp. Trong Khối vuông rubic, sự đa dạng của xã hội và con người thể hiện qua kết cấu đa dạng của hình tượng nhân vật, không gian, thời gian, ngôn từ và thể loại. Kết cấu phức tạp và sự biến hóa linh hoạt của các loại hình tượng trong tác phẩm đã cho ta được thấy tài năng nghệ thuật của tác giả. Có thể nói, tập Khối vuông rubic là đỉnh cao của thơ Thanh Thảo và là một trong những tác phẩm rất tiêu biểu cho khuynh hướng cách tân nghệ thuật trong văn chương Việt Nam sau 1975.

Nguyễn Hoàng Yến Phụng

Tài liệu tham khảo:
1. Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, NXB Văn học, H.
2. Phạm Ngọc Hiền (2018), Thi pháp học, NXB Tổng hợp TP.HCM
3. Nguyễn Văn Hoa, Nguyễn Ngọc Thiện (biên soạn) (1997), Tuyển tập thơ văn xuôi (Việt Nam và nước ngoài), NXB Văn học, H.
4. Iu. Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, NXB ĐHQG Hà Nội.
5. Thanh Thảo (1985), Khối vuông rubic, NXB Tác phẩm mới, H.
6. Đặng Thu Thủy (2011), Thơ trữ tình Việt Nam từ giữa thập kỉ 80 đến nay những đổi mới cơ bản, NXB ĐHSP Hà Nội.
7. Hoàng Trinh (1992), Từ Ký hiệu học đến Thi pháp học, NXB KHXH, H.

Vannghemoi.com.vn − 16:21, ngày 27/01/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền
Từ khóa: