Sau khi rời nhiệm sở cũ, Bẩy Mẫn được phân công về hỗ trợ quản lý công ty cơ khí Thường Sanh. Chỉ là chân chánh văn phòng của một ban trong khối hành chánh nay được trèo lên cái ghế phó giám đốc của một công ty cơ khí cỡ “bự” của tỉnh. Sướng như tiên! Bẩy Mẫn vốn đã quen với công việc văn thư, giấy tờ, hành chánh… có biết gì đến cơ khí đâu. Mà thôi kệ, cứ trèo lên đó ngồi, từ từ rồi sẽ quen. Vả lại, có ai nói gì mà sợ?

Vốn là, gần chục năm trước, khi công ty mới thành lập, Ba Hạnh được giao chức giám đốc. Ông là một kỹ sư thâm niên, có tiếng trong tỉnh. Khi về Thường Sanh, ông đã xây dựng một bộ máy nhân sự khá mạnh cho công ty. Các chức vụ quan trọng đều được giao cho những kỹ sư có tay nghề, có kinh nghiệm. Đặc biệt, Ba Hạnh rất ưu ái cho những kỹ sư trẻ. Thời gian gần đây, do thiếu một số chức vụ lãnh đạo công ty, Bẩy Mẫn mới được tỉnh rút về bổ sung vào chân phó giám đốc.

Gọi là “hỗ trợ quản lý” cũng có cái lý do của nó. Công ty cơ khí Thường Sanh là một đơn vị của nhà nước, nằm trong sự điều hành của tỉnh. Khổ nỗi, giám đốc Ba Hạnh lại thích… “làm liều”. Ông là người có cá tính cương quyết, sáng tạo. Đôi lúc ông cho rằng một số ý kiến chỉ đạo là không hợp lý tình hình thực tế nên đã tự ý xử lý công việc không theo sự điều hành đó. Thế nên không ít lần xảy ra đụng chạm và Ba Hạnh làm mất lòng các vị lãnh đạo. Tỉnh điều Bẩy Mẫn về làm phó giám đốc một mặt cũng là để “kiềm chân” Ba Hạnh. Như thế, tỉnh có thể dễ dàng thực hiện những chỉ đạo của mình ở công ty cơ khí Thường Sanh mà không phải gặp nhiều trở ngại từ phía vị kỹ sư chuyên nghiệp đang ngồi trên ghế giám đốc.

Gần năm năm ở cương vị phó, Bẩy Mẫn mặc nhiên ngồi vào cái ghế giám đốc khi Ba Hạnh về hưu. Đó là cái ghế mà bấy nhiêu năm trời ông đã ước ao từ khi được điều về Thường Sanh. Biết trước là Bẩy Mẫn sẽ được đề bạt lên thay thế mình, nhưng Ba Hạnh không muốn. Ông hiểu rõ Bẩy Mẫn là người không có năng lực quản lý, lại không am hiểu nhiều về chuyên môn của ngành cơ khí. Nhưng ông đành bất lực. Vì đối với giới lãnh đạo tỉnh thì tiếng nói Ba Hạnh lại không mạnh bằng Bẩy Mẫn.

Không chỉ Ba Hạnh, mà các nhân viên công ty cũng đều đoán trước được Bẩy Mẫn sẽ được lên ngồi trên ghế giám đốc. Đơn giản, ông là người do tỉnh đề bạt. Vả lại, trong gần năm năm làm phó giám đốc, Bẩy Mẫn đã làm được nhiều việc giúp Thường Sanh hoạt động đúng theo điều hành, làm hài lòng các vị lãnh đạo.

Sau khi đã chễm chệ trên ghế, Bẩy Mẫn trình lên tỉnh danh sách các trưởng phòng do ông đề bạt. Những kỹ sư nằm trong danh sách trưởng phòng lần này hầu như đa số là những người ít được biết đến, chưa có những đóng góp gây được tiếng vang lớn cho công ty. Vậy mà đùng một cái, trèo lên ngồi trên ghế trưởng phòng ngon ơ. Nhiều nhân viên còn “mạnh miệng” gọi họ là những “kỹ sư bằng cấp” (dĩ nhiên câu nói đó không thể nói công khai). Do họ có mối thâm tình với vị tân giám đốc, lại là những người từng công tác hoặc có quan hệ với các ban ngành tỉnh nên danh sách được duyệt một cách dễ dàng.

Từ khi Bẩy Mẫn nhận cương vị giám đốc đến nay đã gần hai năm. Công ty cơ khí Thường Sanh vẫn không có gì khác với ngày trước. Chủ trương của Bẩy Mẫn là ngồi đợi chỉ thị của tỉnh chỉ đạo và điều hành anh xem sản xuất theo mặt bằng chung của ngành. Miễn sao công ty có thể duy trì hoạt động một cách bình thường là được. Còn chuyện nâng uy tín của công ty cao hơn, xa hơn để xứng tầm với các công ty cơ khí lớn trong khu vực là điều Bẩy Mẫn chưa từng nghĩ đến.

Bẩy Mẫn là người hay lo xa, không có sự quyết đoán, sáng tạo như Ba Hạnh. Tuy là lo xa, nhưng ông lại không có sự điều phối thích hợp cho từng hoạt động, công việc cụ thể, không có cái nhìn chiến lược về thị trường để có thể phát huy giá trị sản xuất của công ty. Đặc biệt, cái tính khắt khe chi ly và ngờ vực lung tung là nhược điểm lớn nhất của Bẩy Mẫn.

Ông hay nghi ngờ mọi người xung quanh, làm cho không ít anh em kỹ sư và nhân viên trong công ty cảm thấy khó chịu. Bên ngoài, ông cố tỏ ra vẻ là người luôn quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho anh em và dường như không hề mắc phải một khiếm khuyết hay tật xấu nào. Song, bên trong là người thế nào? Cũng chưa ai khẳng định được. Vài người có thời gian dài cộng tác với Bẩy Mẫn đã rỉ tai nhau về ông. Họ nói ông nhỏ nhen, ích kỷ và luôn muốn mình được lợi ích. Anh em nhân viên không biết nhận xét đó có đúng không. Nhưng coi bộ, vị giám đốc của họ làm nhiều chuyện kỳ quá!

Thì đó, chuyện kỹ sư Thăng là một trong những chuyện “khó coi” mà anh em trong công ty hay bàn tán.

Kỹ sư Thăng là một trong những người phải chịu sự nghi ngờ của Bẩy Mẫn trong thời gian dài. Chuyện đó đã làm nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn nội bộ trong công ty suốt mấy tháng qua. Thăng là một kỹ sư còn rất trẻ. Sau khi tốt nghiệp, anh xin về làm ở công ty cơ khí Thường Sanh từ lúc Ba Hạnh còn làm giám đốc. Với kinh nghiệm và tầm nhìn sâu sắc, giám đốc Ba Hạnh thấy được tài năng và triển vọng của vị kỹ sư trẻ này nên đã phân công anh làm ở phòng kỹ thuật. Mặc dù còn trẻ tuổi, thời gian làm việc chưa lâu, nhưng kỹ sư Thăng đã thực hiện được nhiều công trình, sản phẩm có giá trị, tạo nên tiếng tăm và doanh thu lớn cho công ty Thường Sanh. Nhanh chóng, anh được cất nhắc lên chức vụ phó phòng kỹ thuật. Thăng cũng được các anh em kỹ sư và công nhân quý mến bởi tính lễ phép, nhã nhặn và chịu khó làm việc.

Trưởng phòng kỹ thuật về hưu cùng một đợt với Ba Hạnh. Lúc đó ai cũng đinh ninh rằng kỹ sư Thăng sẽ trở thành trưởng phòng kỹ thuật mới. Ấy vậy mà không! Danh sách đề cử của tân giám đốc Bẩy Mẫn không hề có tên anh. Thay vào đó, ở hàng dành cho phòng kỹ thuật, Bẩy Mẫn điền vào một cái tên lạ hoắc! Nhân vật ấy chỉ có anh em ở phòng kỹ thuật biết đến, ngoài ra, rất nhiều anh em ở các phòng ban khác ít có dịp gặp mặt, cũng ít khi nghe nói đến tên. Bởi vậy khi được biết ông “người lạ” này làm trưởng phòng kỹ thuật, ai cũng ngỡ ngàng.

Sau này tìm hiểu kỹ, anh em công nhân được biết ông ấy là một tay đã “lên lão”, rất ư bảo thủ. Trình độ chuyên môn của ông không bằng kỹ sư Thăng nhưng được đề bạt vì có thâm tình với giám đốc. Sau khi Ba Hạnh về hưu, kỹ sư Thăng dường như cũng bị cho vào một góc nào đó. Giới lãnh đạo của Thường Sanh cứ tỏ ra như không quan tâm đến sự có mặt của anh phó phòng kỹ thuật nầy trong công ty.

Sau thời gian dài quan sát tình hình phát triển công nghệ, kỹ thuật sản xuất trên đồng ruộng, kỹ sư Thăng mạnh dạn trình lên công ty dự án một loại máy mới, phục vụ đắc lực cho việc thu hoạch lúa, mang tên là SK-16. Lãnh đạo công ty, đứng đầu là giám đốc và trưởng phòng kỹ thuật đã phớt lờ trước đề án của anh. Sau nhiều lần họp đi họp lại, bàn tới tính lui, thậm chí là mấy lần suýt cãi nhau, cuối cùng công ty “phán” với kỹ sư Thăng: “Thôi thì cứ làm thử xem sao!”. Nhóm kỹ sư trẻ của phòng kỹ thuật dưới sự điều hành trực tiếp của kỹ sư Thăng bắt tay vào thực hiện sản phẩm mới SK-16.

Sau gần hai tháng hì hục sắp hoàn tất sản phẩm thì một cuộc họp khẩn bất thường được diễn ra. Cuộc họp do ban giám đốc chủ trì, thành phần tham dự là phòng kỹ thuật và các phòng ban, bộ phận có liên quan. Song, tuyệt nhiên không thấy có mặt của phó phòng kỹ thuật – kỹ sư Thăng.

Trong cuộc họp, ban giám đốc đã chỉ trích kỹ sư Thăng là người không có thực tài mà chỉ là kẻ hám danh. SK-16 là công trình “ăn cắp”, “lắp ghép” từ một số công trình chứ không phải là sản phẩm do Thăng sáng chế ra. Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng Thăng có vấn đề về tư tưởng chính trị giai cấp cần phải kiểm điểm! Ban giám đốc công ty yêu cầu phòng kỹ thuật phối hợp một số phòng ban kiểm tra thật kỹ về SK-16 và trình độ, nhân cách của anh. Trước khi có kết luận chính thức rằng SK-16 là của kỹ sư Thăng hay là của người khác, phòng kỹ thuật không được tiếp tục triển khai thực hiện, các phòng ban khác trong công ty cũng không được giới thiệu về SK-16 trong các bản tin thông báo sản phẩm mới hằng quý của công ty.

Kết thúc cuộc họp, vị trưởng phòng kỹ thuật lẳng lặng thông báo đến các thành viên của phòng phải lập tức dừng ngay việc thực hiện SK-16 mà không báo cho kỹ sư Thăng về nội dung cuộc họp. Ngay sau khi nghe tin việc triển khai SK-16 bị dừng, Thăng đến gặp ban giám đốc để hỏi thì mọi việc đã đâu vào đấy, không còn cách nào hơn. Bẩy Mẫn tỏ ra vẻ tiếc nuối. Rằng ông cũng rất coi trọng đề án nầy, rất muốn thực hiện nó vì nó quá hay, quá triển vọng. Hàng lố, hàng tá lời khen hoa mỹ dành cho SK-16 và người sáng chế ra nó đều được giám đốc Bẩy Mẫn đem ra sử dụng để xoa dịu Thăng. Để rồi cuối cùng ông bảo là mặc dù rất xem trọng, nhưng khổ nỗi lại không thể cho thực hiện, thật tiếc.

“Đó là lệnh của cấp trên, phải nghe thôi cậu à! Còn nếu những lời đồn thổi đó là bịa đặt thì sớm muộn gì công ty cũng sẽ kiểm tra và trả lại trong sạch cho cậu, lo gì!”.

Kỹ sư Thăng bước ra khỏi cánh cửa có treo bảng đề “Phòng Giám đốc”. Giám đốc Bẩy Mẫn nhếch mép cười. Một cái cười đầy mỉa mai. Thăng không hề thấy được nụ cười đó.

Ngừng thực hiện SK-16 cũng là cắt ngang tâm huyết của kỹ sư Thăng. Không chịu nổi trước sự chèn ép của công ty, anh xin nghỉ việc. Với tấm bằng kỹ sư, với quá khứ từng là phó phòng kỹ thuật của một công ty cơ khí lớn, và đặc biệt trong tay đang có dự án SK-16 đầy thu hút, anh nhanh chóng tìm được việc làm ở công ty mới.

Kỹ sư Thăng không ngờ rằng trong lúc anh đang tìm việc thì công ty cơ khí Thường Sanh tái khởi động sản xuất SK-16 mà không thông qua sự đồng ý của anh. Đến khi Thăng đã được nhận vào công ty mới, anh mới hay tin. Một người bạn khá thân của anh hiện còn làm tại Thường Sanh đã cho anh biết như thế. Mọi thứ như đổ nhào trước mặt kỹ sư Thăng.

Đang chuẩn bị phản ánh việc nầy thì Thăng lại được anh bạn đó cho hay tin SK-16 do Thường Sanh chế tạo không thể hoạt động được. Hiện nay công ty đã không sản xuất đại trà để tung ra thị trường. Phòng kỹ thuật đã tổ chức nghiên cứu để chỉnh sửa lại nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân sự cố của máy SK-16. Nghe vậy, kỹ sư Thăng bắt tay vào nghiên cứu lại về SK-16, xem như là một cuộc đấu trí song hành với Thường Sanh. Ai đến đích trước, người đó là kẻ chiến thắng. Thăng cứ mãi thắc mắc và tìm lời lý giải tại sao nó lại không thể hoạt động được, thật ra thì lỗi nằm ở đâu, gặp phải vấn đề gì?

Cuối cùng, SK-16 cũng được khắc phục nhanh chóng. Công ty mới của kỹ sư Thăng bị lôi cuốn bởi đề án quá hấp dẫn nầy. Không chần chừ gì cả, họ bắt tay vào sản xuất đại trà. Công ty mới của Thăng ngày càng được chú ý bởi hiệu quả hoạt động của SK-16 đã được những người nông dân công nhận và truyền tai nhau sau khi thử nghiệm trên chính ruộng đồng của mình.

SK-16 đem lại nguồn doanh thu lớn cho công ty và tiếng tăm cho người chế tạo ra nó. Công ty của Thăng vươn lên trở thành một trong bốn công ty cơ khí hàng đầu toàn khu vực sau một năm ra mắt sản phẩm SK-16. Thăng được nhận giải thưởng “Kỹ sư trẻ xuất sắc” của ngành cơ khí và SK-16 được bình chọn là một trong những “Sáng chế nổi bật của năm”.

Kỹ sư Thăng không quên cái ngày bước ra khỏi căn phòng có tấm bảng đề “Phòng Giám đốc” của công ty Thường Sanh. Bước ra trong sự căm tức. Bước ra là chắc rằng mình sẽ không quay lại nữa. Anh không nhìn thấy được nụ cười mỉa mai của Bẩy Mẫn đang ngồi chễm chệ phía sau lưng anh. Ngày anh chỉnh sửa hoàn thiện dự án SK-16 và trình cho công ty mới, Thăng cũng bước ra khỏi căn phòng tương tự. Bước ra với nụ cười đầy ý vị trên môi. Bước ra và nói một câu rất khẽ, chỉ để mỗi mình anh nghe. “Chỉ một lỗi kỹ thuật nhỏ mà cả một hội đồng kỹ sư tài – cao – đức – trọng cũng không giải quyết được. Của thiên trả địa!”.

Tin tức về SK-16 của kỹ sư Thăng là nỗi ám ảnh của ban lãnh đạo công ty cơ khí Thường Sanh. Vậy mà hằng tháng, các tài liệu của ngành cơ khí đều có tên SK-16, họp hội ở đâu cũng nghe nhắc. Bẩy Mẫn vô cùng tức tối. Không ngờ rằng vụ “làm ăn lớn” này lại vuột khỏi tay mình. Công nhân thì đồn ầm lên về cách làm việc của giám đốc. Sao mà kỳ quá vậy! Làm ăn kiểu đó sao được? Mặc dù những lời chỉ trích không công khai, nhưng ai cũng biết, kể cả Bẩy Mẫn. Mà, làm gì được công nhân bây giờ? Chỉ còn biết cách chờ cho thời gian qua để vụ nầy được lắng xuống!

VĨNH THÔNG