Đã hơn 34 năm trong một ngôi nhà nhỏ giữa vùng biển xóm Rớ (khu phố 6, phường Phú Đông, Tp. Tuy Hòa) ngày đêm âm vang tiếng sóng biển lẫn với tiếng dạy học của thầy giáo tật nguyền Lê Văn Nam (53 tuổi) trở nên quen thuộc. Học trò của thầy là những đứa trẻ lớn lên bằng hơi biển mặn nồng. Chúng đến để được học miễn phí, để được biết đến con chữ…

SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ

Ngày ấy, ngư dân ai cũng muốn được sinh nhiều con đặc biệt là con trai để có người đi biển đánh cá, cuộc sống của họ lênh đênh như sóng nước khơi xa. Gánh nặng đông con, ăn đã không đủ chẳng ai dám mơ đến việc cho con đi học đến nơi đến chốn, vì thế những đứa trẻ xóm Rớ đa phần đều thất học. Và thầy giáo Lê Văn Nam đã làm công việc thầm lặng thắp sáng tinh thần hiếu học nơi đây. Cuộc sống của thầy giáo Nam khá lắm thăng trầm, sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo. Khi 5 tuổi, trong cơn bạo bệnh ông đã bị bại liệt và từ đó không thể đi lại bằng chính đôi chân của mình. Khó khăn đâu dừng lại ở đó, năm 1974 cơn bão đổ bộ vào miền trung đã cướp đi người cha và ngôi nhà nhỏ của ông. Những ngày ấy, ông và những thành viên còn lại phải phiêu bạc mưu sinh tại TP. Hồ Chí Minh, với tinh thần hiếu học bản thân ông vừa phải kiếm tiền vừa phải cố găng học. Phần vì sức khỏe phần là con cả phải chăm lo những đứa em, buộc lòng tới lớp 9 phải nghỉ học. Đã bao lần ông trăn trở và đến năm 1979 chàng thanh niên 19 tuổi, quyết định đem con chữ mình dạy cho những trẻ em nghèo. Ban đầu chỉ nhận những em trong xóm, nhưng dần dần số lượng đăng ký ngày càng nhiều. Ông Nam nhớ lại “Lúc đó tôi phải lê chân trên đôi nạn gỗ đến từng nhà có con nhỏ để thuyết phục cho các em đi học. Chiếc bảng chỉ là một tấm ván do hàng xóm cho, còn bàn ghế của các em ngồi được xin từ những tấm gỗ vụn từ những chiếc thuyền đã hỏng”.

Ở lớp học của mình thầy không chỉ dạy chữ mà thầy còn tâm sự với các em, thầy chia sẻ về vùng quê nghèo khó của mình, về cuộc sống cơ cực của con người ngư dân để các em chăm chỉ học hành. Thầy giáo Lê Văn Nam dạy học chẳng đòi hỏi gì, bởi ông nghĩ rằng, nhiều gia đình còn nghèo khó hơn mình. Học phí ông thu tùy vào lòng hảo tâm của phụ huynh, nhưng đa phần đều miễn phí. Sau mỗi chuyến biển những ngư dân lại mang đến cho thầy giáo con cá, bó rau, củ sắn… Hoặc cũng có người góp công vào việc tu sửa lớp học sau mỗi trận bão.

KHƠI GỢI TINH THẦN HIẾU HỌC

Và cứ thế, miệt mài mấy chục năm nay, những đứa trẻ từ độ tuổi 4 đến 7 được ông luyện đọc, tập viết và làm những phép toán tiểu học. “Số lượng bây giờ gần 100 em, tôi phải chia ra làm hai buổi dạy sáng và chiều. Các em được tôi dạy môn toán và tiếng việt ở bậc tiểu học. Không chỉ những em ở phường Phú Đông mà còn có những em ở các phường lân cận được phụ huynh đưa đến học” – Thầy Nam tâm sự.

Hiện nay, lớp học cũng đã được xây lại với diện tích 20m2 bằng số tiền ông tích góp bấy năm nay và được bà con giúp đỡ đôi phần. Cuộc sống gia đình ông được ổn định, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào chiếc máy ép nước mía và công việc đan lưới của vợ, những người con cũng dần dần thành tài, một người đã lập gia đình và hai đứa còn lại đang học đại học. Anh Phú Văn Luân (28 tuổi, Khu phố 6, phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa) cho biết “Ở đây hễ ai có con nhỏ đều đưa đến thầy Nam dạy học. Sau hơn 2 tháng cho con tôi học, tôi thấy cháu đã tiến bộ rõ rệt”. Em Nguyễn Kim Luyến (lớp 1B, trường tiểu học Lê Văn Tám, TP. Tuy Hòa) chia sẻ “Thầy Nam rất ân cần dạy học chúng em, chữ viết ngày càng đẹp ra điều đó đều nhờ thầy dạy bảo”.

Ngần ấy năm dạy học, bản thân thầy giáo Nam cũng không nhớ mình đã dạy bao nhiêu học trò, mà chỉ nhớ tới con số hàng nghìn. Thầy Lê Văn Nam, chia sẻ “Dù không phải được đào tạo sư phạm, không được cầm phấn trắng, bảng đen như một người thầy đúng nghĩa. Nhưng vào ngày nhà giáo Việt Nam hay lễ tết, nhiều em thường đến thăm tôi. Có những em nay đã là giám đốc, kỹ sư… Biết các em nay đã thành tài là một niềm an ủi và sự khích lệ lớn với tôi, nó như tiếp thêm động lực để tôi làm tiếp công việc có ý nghĩa này”.

Việc làm của thầy Nam đã được nhiều người ghi nhận, trong đó ông đã nhận được giấy khen, bằng khen của Ủy ban chăm sóc trẻ em, huy hiệu “5 năm chăm sóc trẻ em” do tỉnh Ủy khen thưởng. Tất cả những gì thầy giáo tật nguyền đã làm cho các học sinh và lớp học này bằng những việc không tên thật đáng trân trọng, lòng thương con trẻ đã giúp ông truyền cho bao đứa trẻ nghèo đến với bến bờ tri thức…

LÊ VĂN PHONG