TIỀM NĂNG ĐỒNG NHẤT HOÁ TRONG THƠ VIẾT CHO THIẾU NHI
CỦA NGUYỄN ANH NÔNG
 
                                         Nguyễn Tấn Việt
Thi pháp thơ ca, chủ yếu và bao trùm là đồng nhất hoá, một thi pháp rộng hơn nhiều thủ pháp nhân hoá và vật hoá về định lượng, lại hiệu lực lớn hơn, cả hai thủ pháp ấy về định tính. Thú vị thay, trong thơ viết cho thiếu nhi, Nguyễn Anh Nông đã tỏ ra khá thành thạo trong sự chủ yếu và bao trùm ấy, dù vô thức hay ý thức, đồng nhất hoá là gạt đi những mâu thuẫn, xoá đi những dị biệt, thu hẹp những khoảng cách.
Điều trước tiên nhận ra phẩm chất cao quý của thơ – tác giả hai tập Bàn tay lá cỏ này là sự đồng nhất hoá cảm thức tuổi thơ và cảm thức tuổi hoa niên. Anh đã dùng một lối thơ ngụ ngôn để một bài thơ có hai bài thơ, một ý hồn nhiên cho tuyến trẻ thơ và một nghĩa hàm súc cho tuyến người lớn. Một loạt bài thể hiện thao tác tư duy này như: Nghiền ngẫm, Chiếc bóng, Mèo và hổ, Điều lãng quên
Riêng hai em cáo, gấu
Thường có hành vi xấu
Hình như khi ở nhà
Không ai người dạy bảo.
(Điều lãng quên)
Nguyên lý của thơ là dù thơ viết cho riêng ai, viết cho lứa tuổi nào cũng phải hướng tới con người phổ biến, tất nhiên bằng ngôn ngữ khu biệt. Anh sẽ bất cập nếu anh không tạo ra được sự tương quan của hai cảm thức ấy, có thể nhắc đến Thầy giáo gà trống bởi sự buồn thương vợ chồng người lớn và bài Điều lãng quên bởi sự phơi lộ những giáo lý.
Bước sang thủ pháp thứ hai của đồng nhất hoá. Đó là hoà nhập con người và vạn vật, cái khả năng hoà đồng vào cuộc đời, hoà đồng vào thiên nhiên. Cái khả năng ấy tạo ra một ngôn ngữ chung cho con người và con vật.Anh nói người hay nói vật đây:
Ngỡ như ai khóc
Hoá ra chú bò
Bữa nay tập hát.
(Chú bò tập hát)
Mà thân thiết với cuộc đời đến thế. Với thủ pháp này, anh nhìn vào vườn dạy thú con cũng như nhìn vào vườn trẻ. Chú ếch cốm khoác bộ áo xanh, cây lang tím cũng bỉết bò, con vịt cũng biết gọi mẹ, tất cả đều ngây thơ hồn nhiên. Anh đã làm cho câu thơ sinh động có hồn, có vía:
Ao sâu sung rụng bì bõm
Có anh bói cá lom rom cọc rào
(Hoa bèo)
Con vật cũng hoà đồng vào cuộc sống xã hội của con người, cũng như con người hoà đồng vào thiên nhiên. Con người là một phần của tạo hoá:
Con là bông hoa
Của trời và đất
Con là gió mát
Của đêm oi nồng
Con là dòng sông
Của ngày nắng lửa.
(Con là)
Anh tiến thêm bước nữa trong thi pháp của mình khi đặt ra bình diện “nghĩ” và bình diện “cảm”. Để rồi hoà trộn hai yếu tố ấy:
Hoa đào nghiền ngẫm mùa xuân
Cây sen mùa hạ tần ngần nở hoa.
(Nghiền ngẫm)
Nở hoa là sự việc hồn nhiên của tạo hoá mà anh đưa vào trạng thái của tâm trạng “tần ngần”, nghiền ngẫm, làm cho hồn thiên nhiên vương vấn hồn người, làm cho sự cảm, sự nghĩ là một, làm cho mọi tư duy đều nở hoa hồn nhiên. Mối quan hệ giữa “tức thời” và “vĩnh hằng” là mối quan hệ phức tạp- mối quan hệ của những phạm trù triết học mà anh làm thơ thật nồng nàn, chất phác, hồn nhiên và thi vị:
Vĩnh viễn vầng trăng vẫn vầng trăng ấy
Gà mẹ mỗi ngày thêm một… vầng trăng.
(Vầng trăng)
Anh cũng thể hiện được sự khát khao đối với con người, niềm vui được làm chính bản thân con người, không phải là cái bóng:
Bóng đen
Lừng lững như đống rơm khô
Sao vắng bóng gà con và tiếng chim lích chính.
(Chiếc bóng)
Cô quạnh thay chiếc bóng dù là bóng người nhưng không phải là người. Thi pháp của anh đã tới thời kỳ tinh tế và chín muồi.
Thi pháp nếu dùng vụng thô thì chỉ đơn giản là hình thức nhưng khi đã thành thạo khi nó thành nội dung. Điều ấy càng rõ ràng khi anh đồng nhất hoá yếu tố thi vị và yếu tố thường ngày nhờ sự phát hiện cao xa của thi pháp và anh tự lạc vào mê cung của sự thơ mộng của những sự việc tưởng như không thơ ấy.
Anh đã hoá thân thành ếch con mà sững sờ trước vầng trăng và giá như không có sự hoá thân ấy thì làm sao tìm được sự kỳ diệu này:
Ếch giật mình kêu lên mấy tiếng:
– Ô, vầng trăng té xuống nước rồi
Thương cho vầng trăng quá đi thôi.
Ếch vội vã nhảy ùm xuống cứu.
(Vầng trăng với ếch con)
Anh lại hoà cùng vạn vật mà tìm ra:
Trăng xanh như mắt mèo…
Vỡ thành hai ngôi sao.
(Chuyện một đêm trăng)
Bằng thi pháp của mình, tác giả đã nghe được ngôn ngữ của vạn vật. Anh nghe được tiếng gọi mẹ của chú vịt con lạc đàn, lời của cây xà cừ, tiếng khúc khích của dãy núi trẻ. Cũng chính nhờ vậy, tác giả đã nhìn ra những điều mà mắt thường không nhìn thấy. Hoa bèo trong ao mà thành:
Loay xoay trong cái gương trời.
(Hoa bèo)
Và con sáo mỏ vàng:
Bần bật lưng trâu đen
Bần bật tiếng hót cất lên.
(Mưa chiều)
Điều đáng vui hơn, là nhờ thủ phấp anh đã cảm được cuộc đời bằng ngũ giác trẻ thơ.
Anh biến thành đứa trẻ thực sự khi trò chuyện với búp bê:
Lúc nào em nhớ chị
Thì soi chiếc gương này
Chiếc gương kỳ diệu lắm
Mình, mỗi mình mà hai.
(Dặn dò búp bê)
Cái phép kỳ diệu này, chỉ có đứa trẻ con của Nguyễn Anh Nông mới tưởng tượng được.
Phép biện chứng tâm hồn ấy đưa tác giả những tâm trạng thật là trẻ con trong bài Kỵ sĩ ngựa gỗ: Bé cưỡi ngựa gỗ, lại hăng lên phi nhanh quá, đã ngã định bụng không thèm nhè nhưng lại nhăn mặt và lau nhanh nước mắt. Có nước mắt mà lại lau nhanh thì đúng là kỵ sĩ ngựa gỗ rồi. Hoá thánh trẻ thơ, anh đã phát hiện ra bản chất của lễ hội, tết, rằm:
Bữa nay bố về phép
Chỉ vào ngày dưng thôi
Âý mà vui phải biết
Tết – nhà ta đây rồi.
(Tết)
Đọc tập thơ Kỵ sĩ ngựa gỗ viết cho thiếu nhi này, ta được gặp một Nguyễn Anh Nông hồn nhiên, trong trẻo, giàu tưởng tượng, giàu sức khám phá. Thi pháp đồng nhất hoá do anh áp dụng có tính chất hệ thống, tạo cho thơ anh đã tiếp cận được thế giới tuổi thơ kỳ lạ và đầy bí ẩn với tất cả chúng ta.
.
src=http://i770.photobucket.com/albums/xx343/phamngochienpy/3%20Gioi%20thieu%20sach%20bao/3d%20Sach%20nguoi%20khac/nanditumienlacotrungtrung.jpg
 .