src=http://vannghequandoi.com.vn/uploads/news/2015_03/02-blvn/llpb/uong_trieu.jpg

 

 
Khi nói đến Triết học, chúng ta thường đề cập đến nhiều trường phái khác nhau của nó, nhưng cơ bản nhất  thì có Triết học về vũ trụ và Triết học về con người. Văn học trong mối quan hệ với Triết học dĩ nhiên là sự gắn kết để tìm hiểu sâu hơn về con người. Tưởng tượng và dấu vết của Uông Triều là một tác phẩm như thế. Dưới góc nhìn của Triết học hiện sinh, chất triết lý của nhân vị trong nhân vật tôi hiện diện một cách rõ nét, dù ở những trang đầu tiên người đọc như nhận thấy sự ảnh hưởng của Phân tâm học trong tôi thông qua những ham muốn bản năng.
Bên cạnh đó, với quan điểm của E. Fromm, có thể thấy dấu vết của nhị phân hiện sinh đậm đặc trong Tưởng tượng và dấu vết . Đó là phân khúc giữa sự sống và cái chết, giữa khả năng tiềm tàng của tôi với tính hữu hạn của cuộc sống. Khi tôi đặt bút viết văn, tôi đã cho người đọc thấy được cái khả năng tiềm tàng của cá nhân mình, từ đó, khơi gợi ở độc giả một bản năng sống  thông qua năng lực tưởng tượng. Người đọc chắc hẳn bị ám ảnh bởi nhân vật Miên giống như những ám ảnh của tôi về Miên trong quá khứ. Đặc biệt là hình ảnh cô  treo ngược thân mình  trên cây ổi bằng mái tóc. Có cảm tưởng rằng khi trưởng thành, tôi có những đau đớn không chịu đựng nổi với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Anh ta cảm thấy có lỗi với những ham muốn của chính mình trong quá khứ (những viên pha lê, những lúc gần Miên,…  ) để đến khi yêu cô giáo, điều đó trở thành một rào cản không thể nào vượt qua.
Nhưng đời sống hiện sinh của tôi được phơi ra,  thì cái khả hữu và cái bất khả hữu (hình thái hiện sinh) hiện diện bên cạnh nhau một cách rõ nét, như thách thức nhau. Chủ thể có khi quá phụ thuộc vào tùy thể, tôi đọc sách một cách bị động với những số thứ tự có tính sắp đặt của tùy thể (cô gái mang chiếc túi màu vàng, lão già đã đi qua thời chiến…). Mỗi nhân vật mà Uông Triều mang đến trong Tưởng tượng và dấu vết đều mang dáng dấp bí ẩn và có một ý nghĩa nhất định nào đó. Nếu như Miên khơi gợi lại cái quá khứ êm đềm, ngọt ngào và đầy ám ảnh đối với tôi, thì cô gái có chiếc túi màu vàng chanh quai đỏ nhắc nhở tôi trở về thực tại, còn ông già đi qua thời chiến thì như một nhân chứng lịch sử không thể tách rời trong phân khúc nhị phân lịch sử thuộc về tôi, cô gái câm lại mang đến cho anh cái cảm giác bình yên, nhưng có khi cũng đầy nghi hoặc với những bức tranh của cô. Đây chính là mối tương quan của đời sống hiện sinh giữa tôi và các nhân vật khác trong truyện.
Có thể thấy, đời sống nhân vật tôi không thoát  ra ngoài không gian hạn hẹp là căn phòng, hiện thực chỉ hiển hiện qua khung cửa sổ và những giấc mơ, tưởng tượng. Còn cuộc sống của anh diễn ra thông qua những  nhân vật tưởng tượng, hoặc những nhân vật chung hoàn cảnh trong những cuốn sách mà anh đã đọc. Cùng với đó là những tình thế liên cá thế với cô gái mang chiếc túi màu vàng đựng những viên pha lê xanh bên trong, cô gái câm, lão già đã đi qua thời chiến, bà hàng nước, cùng quá khứ với Miên. Những tình thế liên cá thể trong hệ thống tự hữu * ấy đóng vài trò đặc biệt trong việc chống lại những bất ổn, xao xuyến do mặc cảm hoạn (tôi bị liệt hai chân) mang lại, thậm chí từ lúc chào đời.
Còn một điều nữa mà hẳn nhiên người đọc đã nhận thấy trong xuyên suốt tình huống truyện, những biến chuyển của cốt truyên, đó là sự ảnh hưởng của Kafka đối với hệ thống văn bản này. Cụ thể hơn là sự xuất hiện của các tình tiết mang tính kỳ ảo: Cô gái câm bỗng nói được; bàn tay kỳ diệu và cái chết của ông già đã đi qua thời chiến; cái cây mọc sau gáy tôi; cái rễ cây mọc giữa nhà tôi; bên cạnh đó là nhân vật chính tỏng tác phẩm của tôi; ngoài ra còn có dãy số bí ẩn và sự xuất hiện của các nhân vật khác… Đây là một hình thức liên văn bản mà người đọc dễ dàng nhận thấy. Song, dụng ý của nhà văn quả là khó đoán. Những thứ tưởng như thực mà lại không hề thực ấy  như một sự dự cảm, một cảnh báo với con người hiện sinh. Chẳng  ai là gì và chẳng ai là quan trọng hết, rồi: Chẳng cái gì là cái gì cả… Ngổn ngang trong truyện là hàng loạt các câu nói thuộc hình thức phủ định của phủ định, giống như một  sự khước từ đối với cuộc sống, với thế giới bên ngoài của tôi, một  thứ phủ nhận thuộc về sự bất lực.
Viết về con người với  không ít những tình tiết kỳ ảo nhưng lại đậm tính hiện sinh nhân vị. Không mất thì giờ để bàn đến những lẽ huyền vi của tạo hóa, chỉ chú trọng đến đời sống hiện sinh cùng thân phận con người, tác giả đã lý giải đời sống bằng những quan điểm đậm chất Triết học hiện sinh. Đậm đặc trong Tưởng tượng và dấu vết là chất suy tưởng triết lý của nhân vật tôi. Nó thể hiện trong những cuộc đối thoại với tha nhân, ngay cả trong những ám ảnh quá khứ  thuộc về bản ngã.  Những kiểu câu mang dấu ấn cặp phạm trù đối lập liên tục được tác giả dẫn lời, hoặc ngập trong ngôn ngữ của nửa kia cặp đối thoại: Có – không có; biết – không biết, nên – không nên, biết – không nên biết… Đại loại như: Chẳng có câu trả lời nào là câu trả lời hết. hay: trò nào cũng vô nghĩa và không trò nào là vô nghĩa… Sự hiện hữu của tôi là là sự hiện hữu phóng thể, có nghĩa rằng tôi đang sống thừa ra, với chỉ những sự lặp lại: ăn, ngủ và đọc sách. Khi sự ưu tư bắt đầu mơm lên, thì cái nhân vị, cái tự do của tôi mới bắt đầu có nền tảng. Và khi tôi dám đảm nhiệm lấy cô đơn, để cho nhân vật của mình (nửa người, nửa quái thú) sống đời sống thực thì lúc này tôi mới được tự do, con người được tự do.
 Trần Thị Ty
Chú thích:
* Hệ thống tự hữu: quan điểm của H. Sullivan trong Tân phân tâm học, tương đương với siêu ngã  (Freud).
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thái Đỉnh (2012), Triết học hiện sinh, NXB Văn học, Hà Nội.
2. Uông Triều (2015), Tưởng tượng và dấu vết, NXB Văn học, Hà nội.
3. Tân phân tâm học, Tạp chí Việt.