Tác giả: Ngô Quân
Biên dịch, biên khảo và chú thích: Ngô Trần Trung Nghĩa

Dẫn nhập

Thời Đông Tấn (317 – 420) và Nam Bắc triều (420 – 589) là các giai đoạn phát triển của tiểu thuyết chí quái. Đây là một bước tiến lớn của văn học Trung Quốc, tiền đề cho sự xuất hiện của tiểu thuyết truyền kỳ thời Đường và thoại bản đời Tống sau này.
Trong “Lược sử tiểu thuyết Trung Quốc”, Lỗ Tấn phân tích: “Người Trung Quốc vốn mê tín, từ thời Tần, Hán về sau, thuyết thần tiên thịnh hành, cuối thời Hán lại nổi lên làn gió đồng cốt và các thuyết ma quỷ thì ngày càng mạnh mẽ, gặp lúc Phật giáo Tiểu thừa đang du nhập vào Trung Thổ, từng bước lưu truyền khắp nơi. Do đó ai ai cũng đề cao quỷ thần, ca tụng sự linh thiêng. Bởi vậy, từ thời Tấn đến thời Tùy, có rất nhiều sách chí quái”.
“Tục Tề Hài ký” của Ngô Quân chính là một tác phẩm tiêu biểu của thể loại này.
Về tác giả
Tiểu sử của Ngô Quân được ghi chép trong bộ “Lương thư”, quyển 49 – Văn học (thượng):
Ngô Quân, tự Thúc Tường, người Cố Chương, Ngô Hưng. Gia thế vốn nghèo hèn, đến thời Quân mới hiếu học tài cao. Thẩm Ước từng xem văn của Quân, có lời tán thưởng. Những năm đầu Thiên Giám, Liễu Uẩn triệu Quân làm Chủ bạ Ngô Hưng, mỗi ngày đều đối đáp thơ phú. Lối văn của Quân thanh tú thoát tục, có khí chất thời cổ, yêu ghét rạch ròi, được xưng là “Ngô Quân thể”. Kiến An Vương (Tiêu) Vĩ ở Dương Châu vời Quân về làm thư ký, nắm giữ văn bút. Vương dời đến Giang Châu, lại bổ nhiệm Quân làm Quốc Thị lang kiêm Phủ thành cục. Lại được phong chức Phụng triều thỉnh. Lúc trước, Quân từng dâng biểu xin soạn “Tề Xuân Thu”. Sách viết xong, tâu lên, Cao Tổ cho là sách viết không thật, sai Trung thư lệnh Lưu Chi Lân tới vặn hỏi, thấy rải rác mấy điều không đúng, bèn ra lệnh đốt đi và bãi chức của Quân (Cao Tổ tức Lương Vũ Đế Tiêu Diễn, ông từng ép Tề Hòa Đế nhường ngôi cho mình và sáng lập nhà Lương. Trong “Tề Xuân Thu”, Ngô Quân đã chép lại sự kiện này, nên Cao Tổ không thích). Rồi lại ban lệnh triệu kiến, sai soạn “Thông sử”, bắt đầu từ Tam Hoàng, kéo dài đến nhà Tề, Quân viết bản kỷ, thế gia đã xong, duy có liệt truyện chưa hoàn thành. Năm Phổ Nguyên thứ nhất, Quân chết, khi đó năm mươi hai tuổi. Quân chú 90 quyển “Hậu Hán thư” của Phạm Diệp, soạn “Tề Xuân Thu” 30 quyển, “Miếu ký” 10 quyển, “Thập nhị châu ký” 16 quyển, “Tiền Đường tiên hiền truyện” 5 quyển, “Tục văn thích” 5 quyển, văn tập 20 quyển.
Về tác phẩm
Hai chữ “Tề Hài” có xuất xứ từ thiên “Tiêu dao du” trong “Nam Hoa kinh” của Trang Tử: “Tề Hài giả, chí quái giả dã” (Tề Hài là sách chí quái vậy). Do tầm ảnh hưởng rộng lớn của học thuyết Đạo gia nên về sau, khi viết truyện chí quái, nhiều nhà văn đã lấy hai chữ “Tề Hài” làm đề tựa, như “Tề Hài ký” của Dương Vô Nghi thời Lưu Tống, “Tục Tề Hài ký” của Ngô Quân thời Lương, “Tân Tề Hài” (tên khác là “Tử bất ngữ”) của Viên Mai đời Thanh.
“Lương thư” khi chép lại các tác phẩm của Ngô Quân, không hề đề cập đến “Tục Tề Hài ký”, chắc hẳn là bởi hai nguyên nhân:
Thứ nhất, vì đây là tiểu thuyết. “Tiểu thuyết” trong lý luận văn học cổ của Trung Quốc không phải là novel như chúng ta hiểu hiện nay, mà là chỉ những câu chuyện hoặc hư cấu hoặc lưu truyền trong dân gian, không thể sánh với “đại thuyết” (tức kinh điển của thánh hiền) và “trung thuyết” (tức sách của các học giả lớn và chính sử của triều đình, chép những chuyện có thật), nên bị các nhà Nho đánh giá là văn chương hạng thấp, không đáng để nhắc đến.
Thứ hai, có lẽ nguyên bản “Tục Tề Hài ký” đã thất truyền, vì 17 truyện trong văn bản hiện nay hầu như là thu thập từ trích dẫn trong các tác phẩm khác như “Thái Bình quảng ký”, “Lịch đại danh họa ký”,…
Trong “Tục Tề Hài ký”, các câu chuyện đều nhuốm màu ma quái, thần kỳ, nhưng lại được lồng ghép vào bối cảnh lịch sử cụ thể, với những nhân vật lịch sử có thật, khiến câu chuyện trở nên đáng tin hơn. Đây cũng là điểm đặc trưng của các truyện chí quái trong văn học cổ Trung Quốc.
—oOo—
Toàn văn tác phẩm
1.
Hán Tuyên Đế ban cho Đại Tướng quân Hoắc Quang một cỗ xe phủ màu đen, toàn xe đều dùng kim giảo trang trí. Đến đêm, con phượng hoàng vàng trên trục chốt xe thường bay đi mất, không ai biết nó đi đâu, đến sáng thì quay về. Chuyện như vậy xảy ra đâu phải chỉ một hai lần. Người giữ xe cũng thường nhìn thấy. Sau đó, Hoàng Quân Trọng người Nam Quận giăng lưới bẫy chim ở Bắc Sơn, bắt được phượng hoàng, chạm tay vào, lập tức nó biến thành vàng tía, lông, mào và cánh đều có đủ, giống y như thật, (toàn thân) dài hơn một thước. Người giữ xe tâu lên rằng: “Đêm mười hai tháng này, con phượng hoàng trên trục chốt xe lại bay đi, đến sáng sẽ về. Nhưng nay không thấy, e là nó đã bị người ta bắt rồi”. Quang rất lấy làm lạ, lại tâu lên với vua. Mấy ngày sau, Quân Trọng mang con phượng hoàng đến tận kinh khuyết và nói: “Đêm mười hai tháng này, thần giăng lưới bẫy được ở Bắc Sơn”. Vua nghe mà nghi hoặc, cho đặt nó trên bàn hứng sương, thoáng chốc nó đã bay đi mất. Vua sai người đi tìm, nó bay đến thẳng nhà Quang, dừng trên trục chốt xe, mọi người thấy vậy mới tin. Vua lấy lại xe ấy, mỗi lần du hành đều sử dụng. Đến lúc vua băng, phượng hoàng bay mất, không ai biết đi đâu.
Cho nên “Du tiên thi” của Kê Khang có câu: “Phiên phiên phượng hạt, phùng Bắc võng la” (Phượng hoàng tung cánh, gặp lưới Bắc Sơn) là có ý như vậy.
2.
Ba anh em Điền Chân ở Kinh Triệu cùng nhau bàn bạc việc phân chia tài sản. Mọi tư trang đều chia đều cho nhau, duy có một gốc tử kinh ở trước nhà, họ thương lượng, muốn chặt nó thành ba khúc. Ngày hôm sau, lúc chuẩn bị đốn thì cây lập tức héo khô, cứ như bị lửa thiêu. Chân bước tới xem, vô cùng kinh ngạc, rồi nói với các em rằng: “Cành lá vốn dĩ cùng một gốc, nghe thấy sắp bị phân chia, nên mới tàn tạ như thế này. Con người chẳng lẽ không bằng cây cỏ hay sao?”. Họ không kìm được đau xót, chẳng muốn đốn cây nữa. Cây nghe được, liền xum xuê như trước. Anh em họ ai nấy đều cảm động, bèn gom góp tài sản lại, cùng nhau giữ đạo hiếu. Chân làm quan đến chức Thái trung Đại phu.
Thơ Lục Cơ có câu: “Tam kinh hoan đồng chu” (Ba cành vui cùng gốc) là ý như thế.
3.
Dương Bảo ở Hoằng Nông, tính tình từ ái. Năm chín tuổi, tới núi Hoa Âm, thấy một con chim sẻ vàng bị cú mèo truy đuổi, rơi xuống dưới gốc cây, mang rất nhiều vết thương, lăn qua lăn lại, còn bị đàn kiến bao lấy. Bảo ôm nó về, đặt trên xà nhà. Đêm đến nghe nó kêu thảm thiết, bèn tự mình tới xem, thấy nó bị muỗi đốt, (Dương Bảo) liền chuyển nó vào rương chứa khăn, cho nó ăn hoa vàng. Được hơn mười ngày, lông cánh lành lặn, nó bay đi, sớm bay tối về, nhưng vẫn sống trong rương khăn, cứ như vậy hết mấy năm. Một hôm, chợt nó kéo bầy sẻ cùng nhau đến, cất tiếng hót bi ai khắp nhà, qua mấy ngày thì đi. Đêm ấy, Bảo đọc sách lúc canh ba, có một đồng tử áo vàng đến nói: “Ta là sứ giả của Vương Mẫu. Năm xưa đi sứ đến Bồng Lai, bị con cú mèo truy đuổi, đội ơn ông đã nhân từ cứu sống, nay xứng đáng được ban thưởng”. Bèn đưa cho chiếc vòng có bốn viên ngọc và nói: “Ban cho con cháu ông sự trong sạch, hơn nữa còn làm đến Tam công, như chiếc vòng này”. Lòng hiếu thảo của Bảo vang khắp thiên hạ, danh vị ngày càng cao. Con là Chấn, Chấn sinh Bỉnh, Bỉnh sinh Bưu, bốn đời giữ chức công khanh. Đến khi Chấn mất, có con chim lớn sà xuống, người người đều nói là bởi đạo hiếu vời nó đến vậy.
Sái Ung bàn rằng: “Ngày xưa chim sẻ vàng vì báo ân mà đến”, chính là chuyện này đây.
(Chú thích: Dương Bảo người Hoằng Nông chính là viễn tổ của Tùy Văn Đế Dương Kiên, người sáng lập nên nhà Tùy).
4.
Ngụy Minh Đế du ngoạn Lạc Thủy, giữa sông có mấy con rái cá trắng, đẹp đẽ đáng yêu, gặp người thường lặn đi. Vua muốn thấy nó, nhưng cuối cùng vẫn không được như ý. Thị trung Từ Cảnh Sơn nói: “Rái cá thích ăn cá đối, không thoát chết được đâu”. Bèn vẽ hình trên gỗ, làm thành hai con cá đối sống, treo bên bờ. Thế là bầy rái cá tranh nhau đến, lúc bắt được, vua thấy rất vui, nói: “Nghe đồn khanh giỏi vẽ tranh, sao lại khéo đến thế?”. Đáp: “Thần chỉ hay cầm bút, rồi để mắt đến người khác, chỉ đơn giản vậy thôi”. Vua nói: “Quả thật là khanh giỏi dùng đến sở trường”.
Trong “Đình cáo” của Nhan Công có viết: “Từ Cảnh Sơn vẽ tranh mà rái cá tìm đến”, chính là như vậy.
5.
Trương Hoa làm Tư không. Lúc bấy giờ trước mộ Yên Chiêu Vương có một con chồn vằn, hóa thành thư sinh, muốn bái phỏng Trương Công. Bèn tới hỏi cột hoa biểu trước mộ rằng: “Với tài năng và diện mạo của ta, có thể gặp Tư không chăng?”. Hoa biểu nói: “Ngươi có đủ trò khéo léo, không việc gì không làm được. Nhưng lối hành xử của Trương Công e là khó nắm bắt lắm. Ngươi mà đi ắt mang nhục, nguy chẳng kịp về. Nếu không phải hao tổn cái khí ngàn năm của ngươi thì làm cũng hỏng mất hoa biểu già như ta”. Chồn không nghe, vẫn tới gặp Hoa. Thấy nó dung mạo phong lưu, (Trương Hoa) rất coi trọng. Thế là họ tranh luận, từ thanh vận tới chương pháp của thơ văn, Hoa đều không thắng. Kế đến lại bàn bạc Tam sử, học vấn trăm nhà, bao gồm cả thập thánh, xuyên suốt đến tam tài, không có chuyện gì mà Hoa không phải lép vế chịu thua. (Trương Hoa có vẻ không phục). (Chồn) Bèn than: “Minh công là bậc tôn hiền bao dung, luôn tìm kiếm và tiến cử nhân tài, cớ sao lại ganh ghét với học vấn của tôi?”. Nói xong định bỏ đi. Hoa cho người giữ chặt cửa, không ra được, (chồn) lại hỏi Hoa rằng: “Minh công bày binh giáp chặn cửa, đó là nghi ngờ tôi phải không? E rằng từ nay người trong thiên hạ sẽ uốn lưỡi mà không nói, bậc mưu trí thì nhìn cửa chứ không vào. Thật đáng tiếc cho minh công!”. Hoa không đáp, còn sai người giữ cửa nghiêm ngặt hơn. Phong thành lệnh Lôi Hoán là danh sĩ học rộng, nói với Hoa: “Nghe đồn quỷ quái rất sợ chó, nhưng chỉ dùng để phân biệt những thứ trăm năm mà thôi. Còn lão tinh ngàn năm thì không thể phân biệt được. Chỉ có dùng cây khô ngàn năm đem chiếu, nó mới hiện nguyên hình. Cột hoa biểu ở trước mộ Chiêu Vương đã được ngàn năm, hãy sai người chặt mang về đây”. (Thuộc hạ của Trương Hoa) Tới nơi, nghe thấy hoa biểu nói: “Lão chồn nhà ngươi không tự biết mình, hại đến cả ta”. Trong lỗ của hoa biểu có đứa bé áo xanh, cao hơn hai thước. Họ dẫn nó về, chưa tới Lạc Dương thì nó đã biến thành khúc gỗ khô. (Trương Hoa) Cho đốt và chiếu lên thư sinh, thư sinh quả nhiên là con chồn vằn. Mậu Tiên (tên tự của Trương Hoa) than: “Nếu không phải hai loài vật này tự đến tìm ta thì ngàn năm cũng khó thấy được vậy”.
(Chú thích: Trương Hoa (232 – 300), tự Mậu Tiên, là một nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị nổi tiếng thời Tấn, học rộng biết nhiều, có soạn bộ sách “Bác vật chí” gồm nhiều câu chuyện thần thoại và  ma quái).
6.
Tưởng Tiềm ở Đông Hải thường đi qua nhiều huyện. Trên đường mấy lần vào trong rừng, thấy một xác chết đã thối rữa, chim tới rỉa thịt, chợt xuất hiện đứa bé cao ba thước xua đuổi chim, chim liền bay đi. Hiện tượng như vậy đâu phải chỉ một lần. Tiềm lấy làm lạ, tới xem, thấy trên đầu xác chết có đạo cờ làm bằng sừng tê giác thông thiên, ước đoán giá cả có thể mấy vạn lượng. Tiềm bèn rút lấy. Vừa đi khỏi, chim lại kéo đến, nhưng không thấy đứa bé nữa. Về sau, Tiềm lấy đạo cờ này dâng lên Vũ Lăng Vương (Tư Mã) Hy nhà Tấn, Hy mất, đem bố thí chư tăng. Vương Vũ Cương dùng chín vạn lượng mua lại, sau đó, cờ về tay Chử Thái tể, lại tặng cho Thừa tướng là Dự Chương Vương. Vương mất, vợ là Giang phu nhân chặt cờ làm chiếc thoa. Mỗi đêm hay có đứa bé đến bên giường la hét, nói rằng: “Sao bà lại chặt gãy nó? Tôi sẽ kiện lên thiên đình, gieo báo ứng cho bà”. Giang phu nhân sợ hãi, hơn một tháng sau thì chết.
7.
Hoàn Huyền sau khi soán vị thì tới cửa Chu Tước, chợt thấy hai đứa bé, toàn thân đen như mực, hát bài “Lung ca”, mười mấy đứa bé bên đường tới phụ họa. Lời ca rằng: “Mang lung nhân, thằng phược phúc. Xa vô trục, ỷ cô mộc” (Đệm lồng cỏ gai, dây buộc ngang bụng. Là xe không trục, dựa mỗi cái cây). Âm điệu rất bi ai. Trời đã xế chiều, hai đứa bé vào huyện Kiến Khang, tới dưới gác thì biến thành đôi dùi trống đen ngòm. Có viên lại tâu rằng: “Dùi này mất đã lâu rồi, nay mới tìm thấy, không biết ai làm vậy”. Mùa xuân năm sau, Hoàn Huyền thua trận. “Xa vô trục, ỷ cô mộc”, đó chính là chữ “Hoàn”. Kinh Châu dâng đầu Huyền, dùng đệm lồng rách nát bao lấy, lại dùng dây gai buộc xác ném xuống sông, giống y như lời bài ca.
(Chú thích: Chữ “xa” (chiếc xe) trong tiếng Hán, nếu bỏ đi nét dọc tượng trưng cho trục xe, đồng thời ghép thêm chữ “mộc” (cái cây) vào bên trái, thì sẽ thành chữ “hoàn” trong họ của Hoàn Huyền).
8.
Hứa Ngạn ở Dương Tiện, đi lên núi Tuy An, gặp một thư sinh khoảng mười bảy, mười tám tuổi, nằm ở góc đường, nói đau chân, xin vào lồng ngỗng (của Hứa Ngạn). Ngạn cho là nói đùa. Thư sinh vào trong lồng, lồng không rộng ra, thư sinh cũng chẳng nhỏ đi, thoải mái cùng ngồi với đôi ngỗng, ngỗng cũng không hề sợ hãi. Ngạn mang lồng mà đi, cũng không thấy nặng hơn. Tới nghỉ dưới gốc cây, thư sinh bèn chui ra, nói với Ngạn: “Tôi muốn bày bữa cơm đạm bạc chiêu đãi ngài”. Ngạn nói: “Được”. (Thư sinh) Liền nhả một cái tráp đồng từ trong miệng, tráp chứa đủ thứ sơn hào hải vị, bày được một trượng vuông. Đồ dùng đều làm bằng đồng, mùi vị ngon lành, trên đời hiếm thấy. Rượu được mấy tuần, (thư sinh) lại nói với Ngạn: “Trước đây có một cô gái luôn ở bên cạnh tôi, nay để tôi mời cô ta đến”. Ngạn nói: “Được”. (Thư sinh) Lại nhả ra một cô gái, xiêm y lộng lẫy, nhan sắc tuyệt trần, cùng ngồi dự tiệc. Thoáng chốc thư sinh đã say mèm, cô gái nói với Ngạn: “Tuy tôi làm vợ thư sinh kia, nhưng trong lòng thực sự oán ghét hắn. Lúc trước tôi cũng có giấu một chàng trai bên mình, thư sinh ngủ rồi, nay tôi gọi anh ta ra, ngài đừng nói cho thư sinh biết”. Ngạn nói: “Được”. Cô gái nhả từ trong miệng ra một chàng trai, khoảng hai mươi ba, hai mươi tư tuổi, cũng dĩnh ngộ đáng yêu, cùng hàn huyên chuyện trò với Ngạn. Thư sinh sắp tỉnh, cô gái lại nhả ra bức bình phong bằng gấm có thể chuyển dời để che lấy thư sinh. Thư sinh liền giữ cô nằm bên mình. Chàng trai kia nói với Ngạn: “Tuy tôi có lòng với cô gái kia, nhưng tình không sâu đậm, tôi cũng giấu một cô gái khác bên mình, nay muốn gặp cô ấy, xin ngài đừng tiết lộ”. Ngạn nói: “Được”. Chàng trai lại nhả ra một cô gái, tuổi khoảng đôi mươi, họ cùng nhau uống rượu và vui đùa rất lâu. Nghe thấy tiếng thư sinh động đậy, chàng trai nói: “Hai người họ tỉnh dậy rồi”. Bèn đem cô gái đã nhả ra cho vào lại trong miệng. Chốc lát thì cô gái ở chỗ thư sinh cũng bước ra, nói với Ngạn: “Chàng trai này phải đi rồi”, cô bèn nuốt chàng ta vào, còn mình ngồi bên cạnh Ngạn. Sau đó thư sinh cũng thức dậy, nói với Ngạn rằng: “Tôi ngủ đã lâu, để ngài ngồi một mình, thật áy náy quá! Trời cũng đã tối, phải cáo biệt ngài thôi”. Thư sinh nuốt cô gái kia cùng mọi thứ đồ dùng vào trong miệng, nhưng để lại cái đĩa đồng lớn, rộng hai thước, từ biệt Ngạn và nói: “Không có gì để biếu ngài, ngài giữ lấy món này làm lưu niệm vậy”. Trong những năm Đại Nguyên, Ngạn làm Lan đài Lệnh sử, dùng đĩa này tặng Thị trung Trương Tán. Tán xem bài minh đề trên đó, thấy viết vào năm Vĩnh Bình thứ ba.
(Chú thích: Câu chuyện này là bằng chứng về sự ảnh hưởng của Phật giáo trong tư tưởng người Trung Quốc đương thời, vì sách “Thí dụ kinh” cũng có một câu chuyện tương tự. Lỗ Tấn giải thích:“Từ thời Ngụy Tấn trở xuống, kinh điển Phật giáo dần được dịch ra và chuyện cổ của Thiên Trúc cũng du nhập vào Trung Quốc. Các văn nhân xem thấy lạ lùng, ngộ nghĩnh rồi vô ý hoặc hữu ý đem dùng, câu chuyện từ đó cũng lột xác và mang bản sắc của dân tộc Trung Hoa”).
9.
Hoàn Cảnh người Nhữ Nam theo Phí Trường Phòng ngao du học đạo nhiều năm, Trường Phòng nói: “Mồng chín tháng Chín, trong nhà ông sẽ có tai họa. Nên đi gấp, sai người nhà làm những túi đỏ thẫm, nhét đầy thù du, buộc vào cánh tay, lên núi cao uống rượu hoa cúc, họa này có thể tránh được”. Cảnh y lời, cùng cả nhà lên núi. Chiều về, thấy gà, chó, bò, dê đều chết cả. Trường Phòng nghe được tin, nói rằng: “Chúng chịu thay cho ông đó”. Người thời nay, mồng chín tháng Chín lên núi cao uống rượu, phụ nữ đeo túi thù du, là bắt nguồn từ đây.
10.
Tấn Vũ Đế hỏi thuộc hạ của Thượng thư lang là Ngu Trọng Hiệp: “Mồng ba tháng Ba Khúc Thủy là có ý nghĩa gì?”. Đáp: “Thời Hán Chương Đế, Từ Triệu ở Bình Nguyên sinh được ba con gái vào mồng một tháng Ba, ba ngày sau đều chết yểu, cả thôn cho đó là quái dị, (Từ Triệu) bèn đem ra bến nước tẩy rửa, từ đó tục lệ này được lưu truyền rộng rãi, ý nghĩa của nghi thức Khúc Thủy là bắt đầu từ đây”. Vua nói: “Nếu nói vậy thì đây không phải là chuyện tốt”. Thượng thư lang Thúc Tích bước lên tâu: “Họ Ngu là tiểu sinh, sao biết chuyện ấy? Thần xin nói rõ nguồn gốc. Xưa Chu Công dựng Lạc Ấp, có thả chén rượu theo dòng nước, nên dật thi có câu: “Vũ tràng tùy ba lưu” (Chén rượu trôi theo sóng). Ngày Thượng Tỵ tháng Ba thời Tần Chiêu Vương, vua bày tiệc rượu bên sông, có người vàng từ giữa sông bước ra, dâng lên Thủy tâm kiếm và nói: “Cho ngài chế phục Tây Hạ”. Khi Tần Chiêu Vương xưng bá chư hầu, nhân đó đặt nơi này là Khúc Thủy. Hai đời nhà Hán vẫn tiếp tục nghi thức, lâu ngày mà trở nên thịnh vượng”. Vua nói: “Hay”, rồi ban cho năm mươi cân vàng, còn thăng Trọng Hiệp làm Thành Dượng lệnh.
11.
Thành Vũ Đinh ở Quế Dương biết tiên đạo, nhưng thường sống tại nhân gian. Một hôm bỗng nói với em rằng: “Mồng bảy tháng Bảy, Chức Nữ sẽ qua sông, chư tiên đều phải về cung cả. Ta đã bị triệu rồi, không ở lại được, nay từ biệt em vậy”. Người em hỏi: “Chức Nữ qua sông vì việc gì? Còn anh thì khi nào trở về?”. Đáp: “Chức Nữ tạm đến chỗ Khiên Ngưu, ta sẽ trở về sau ba năm”. Ngày hôm sau không thấy Vũ Đinh đâu nữa. Đến nay người ta vẫn nói Chức Nữ được gả cho Khiên Ngưu.
(Chú thích: Đêm mồng bảy tháng Bảy âm lịch được gọi là “Thất tịch”, tương truyền đêm đó Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước. Các cô gái ngày xưa cũng nhân dịp đó cầu xin sao Chức Nữ ban cho sự khéo léo, nên tục “Khất xảo” cũng xuất hiện).
12.
Đặng Thiệu ở Hoằng Nông, thường lên núi hái thuốc vào mồng một tháng Tám. Gặp một đồng tử, cầm túi ngũ sắc hứng sương trên lá bách, những giọt sương đều trong như hạt ngọc, rơi đầy vào trong túi. Thiệu hỏi rằng: “Dùng làm gì vậy?”. Đáp: “Xích Tùng tiên sinh lấy để chế thuốc sáng mắt”. Nói xong thì biến mất. Người thời nay, cứ đến ngày mồng một tháng Tám thì làm túi sáng mắt, chính là do chuyện này đây.
13.
Khuất Nguyên lao mình xuống sông Mịch La vào ngày mồng năm tháng Năm, người nước Sở thương tiếc, đến ngày này, cho gạo vào ống trúc và ném xuống nước tế ông. Những năm Kiến Vũ thời Hán, Âu Khúc ở Trường Sa chợt thấy một nhân sĩ, tự xưng là “Tam Lư đại phu”, nói với Khúc rằng: “Nghe ông đang cúng tế, tốt quá. Nhưng hằng năm (đồ cúng cho tôi) đều bị giao long đến trộm, nay nếu có lòng, xin ông dùng lá xoan bọc bên trên, lấy sợi ngũ sắc buộc lại. Có hai vật này, giao long sẽ sợ và không dám tới”. Khúc y lời ông. Ngày nay, mồng năm tháng Năm làm bánh nếp, người ta đều bọc lá xoan, buộc bằng sợi ngũ sắc, đó là phong tục còn lưu lại vậy.
14.
Trương Thành ở Ngô Huyện, ban đêm thức giấc, bỗng thấy một phụ nữ, đứng ở góc nhà phía Nam, vẫy tay gọi Thành. Cô gái nói: “Đất này là phòng tằm của nhà ông, ta chính là thần đất đây. Rằm tháng Giêng năm sau, ông hãy lấy cháo trắng đổ xuống thấm vào đất để cúng tế cho ta, ta sẽ khiến dâu tằm của ông bội thu gấp trăm lần”. Nói dứt lời thì biến mất. Thành y lời rưới cháo trắng, từ đó về sau, quả nhiên dâu tằm được bội thu. Ngày nay, người ta nấu cháo trắng vào ngày rằm tháng Giêng, chính là bắt nguồn từ đây.
15.
Đất Ngô Hưng, cách Nghiệp Huyện ba mươi dặm về phía Đông, có núi Mai Khê. Chân núi dựng đứng một khối đá, cao hơn trăm trượng, rất xanh mà trơn nhẵn, lớn tựa hai gian nhà. Bốn mặt đều trống không, ngước mắt lên, ngoài những tầng mây cao ngất thì chẳng thấy nơi nào leo lên được. Trên đó lại có một bàn đá, tròn như cái nắp xe, luôn chuyển động như cối xay, âm thanh như tiếng mưa tiếng gió, người dân địa phương gọi là “Cối đá xay”. Nếu cối xoay nhanh thì năm đó được mùa, còn nếu xoay chậm thì ắt gặp đói kém. Muốn biết mùa màng trong năm như thế nào, kiểm chứng với nó thì không bao giờ sai.
16.
Từ Thu Phu ở Tiền Đường, giỏi chữa bệnh. Nhà ở phía Đông của cây cầu bắc qua ngòi nước bên Tây Hồ. Ban đêm nghe thấy tiếng ngâm nga, rên rỉ cực kỳ đau khổ giữa không trung, Thu Phu thức dậy, tới chỗ có tiếng rên rỉ, hỏi: “Ngươi là quỷ ư? Sao lại thế này? Đói rét cần đến miếng ăn, áo mặc? Hay là có bệnh cần được chữa?”. Quỷ nói: “Tôi là người Đông Dương, họ Tư, tên Tăng Bình. Xưa làm Nhạc du lại, mắc bệnh đau hông mà chết, nay ở Hồ Bắc. Tuy làm quỷ rồi mà vẫn khổ như lúc còn sống. Nghe nói ông giỏi y thuật, cho nên tới báo”. Thu Phu nói: “Nhưng ngươi không có hình hài, làm sao ta chữa được?”. Quỷ nói: “Ông kết cỏ tranh thành hình người, rồi châm cứu trên các huyệt, xong xuôi thì thả trôi theo dòng nước, vậy là được rồi”. Thu Phu bèn làm người cỏ, châm vào hai chỗ hông và mắt, còn cho cúng tế đạm bạc rồi mới sai người thả xuống sau hồ. Đến tối, nằm mơ thấy quỷ nói: “Tôi đã khỏi, còn nhận được thức ăn ông cúng, cảm tạ ý tốt của ông”. Năm Nguyên Gia thứ sáu triều Lưu Tống, Thu Phu làm Phụng triều thỉnh.
17.
Triệu Văn Thiều người Cối Kê làm chức Phù thị ở Đông cung, nhà ở Trung kiều tại Thanh Khê, cách nhà Thượng thư Vương Thúc Khanh một con hẻm, đi chừng hai trăm bước. Đêm thu (Triệu Văn Thiều) ngắm trăng, buồn chán muốn về quê, nên tựa cửa hát điệu “Tây ô dạ phi”, giọng hát vô cùng ai oán. Chợt có một tỳ nữ áo xanh, khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, tới trước mặt hỏi rằng: “Nương tử của Vương gia xin thưa với Phù thị, mọi người đang đuổi trăng chơi đùa, nghe thấy lời ngài hát, nên sai tôi tới hỏi thăm”. Âm thanh khắp nơi chưa dứt, Văn Thiều cũng không chút nghi ngờ, ôn hòa đáp lễ, ra sức mời đến thăm. Trong chốc lát, nàng đã đến, khoảng mười tám, mười chín tuổi, dung mạo và dáng vẻ đều đáng yêu, còn có hai tỳ nữ theo hầu. (Triệu Văn Thiều) Hỏi: “Nhà nàng ở đâu?”. Nàng đưa tay chỉ nhà Vương Thượng thư và nói: “Bởi nghe lời ngài hát, nên mới đến thăm, há chỉ nghe được một khúc thôi sao?”. Văn Thiều liền ca khúc “Thảo sinh bàn thạch”, âm điệu trong sáng vui tươi, lại dò hỏi ý nàng. Nàng nói: “Chỉ cần có bình, lo gì không được nước?”. Nàng quay lại nói với nữ tỳ: “Về mang đàn không hầu tới đây, để ta gẩy cho Phù thị nghe”. Không lâu sau, đàn đã mang tới, nàng gẩy mời hai ba đoạn, âm thanh trong trẻo mà có phần thê lương. Rồi sai tỳ nữ hát khúc “Phồn sương”, còn nàng lấy thắt lưng buộc đàn không hầu bên hông, cúi dựa lên đó mà hát. Ca rằng: “Nhật mộ phong xuy, diệp lạc y chi. Đan tâm thốn ý, sầu quân vị tri. Ca “Phồn sương”, xâm hiểu mạc. Hà ý không tương thủ, tọa đãi phồn sương lạc” (Chiều hôm gió thổi, lá rụng dựa cây. Lòng son hữu ý, trách chàng không hay. Hát “Phồn sương” khúc, qua bức màn này. Dạt dào bao cảm hứng, ngồi đón gió sương bay). Hát xong, đêm đã khuya, nàng nằm nghỉ lại, đến canh tư mới cáo lui. Nàng lấy kim trâm tặng cho Văn Thiều, Văn Thiều cũng lấy một cái chén bạc và một chiếc muỗng lưu ly trắng tặng lại nàng. Đến sáng, Văn Thiều ra ngoài, ngẫu nhiên tới miếu Thanh Khê nghỉ ngơi, thấy chén bạc của mình trên bệ thần, vô cùng kinh ngạc, bèn bước ra sau tấm bình phong thì thấy chiếc muỗng lưu ly ở đó, cả đàn không hầu buộc thắt lưng cũng y nguyên như vậy. Trong miếu thờ chỉ có tượng nữ thần, chàng nhìn kỹ nữ tỳ áo xanh phía trước, họ đều là người chàng đã gặp đêm qua, thế là chàng chạy đi mất. Khi ấy là năm Nguyên Gia thứ năm triều Lưu Tống.
Lời bạt:
“Tề Hài” là sách chí quái vậy, đó chỉ là ngụ ngôn của Trang Sinh mà thôi. Nay Ngô Quân gọi là “tục” (viết tiếp), chỉ vì muốn giữ ý nghĩa nên nói vậy, chứ trước đây không hề có sách ấy. Xét thư mục của “Văn hiến thông khảo” cũng thấy viết tương tự.
Niên hiệu Chí Nguyên, năm Giáp Tý, Lục Hữu ở Ngô Quận chép.
(Chú thích: Trước Ngô Quân từng có Dương Vô Nghi làm ra sách “Tề Hài ký”, nhưng sách “Tề Hài” đã được Trang Tử nói đến trước đó hơn một ngàn năm, do vậy, “Tề Hài ký” chắc chắn không phải sách “Tề Hài” mà “Nam Hoa kinh” đề cập).