Trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, theo nhiều tờ báo đưa tin, các mẫu áo dài cách tân đã gây nên làn sóng tranh cãi gay gắt trong xã hội. Nhiều ý kiến trái chiều không chỉ đến từ người dân, mà còn thu hút cả sự quan tâm của các nhà thiết kế, nhà khoa học… Kẻ khen cho rằng đó là những thiết kế sáng tạo, đẹp mắt. Người chê bảo là lai căng, đi ngược với truyền thống dân tộc. Bài viết nầy, chúng tôi xin gợi mở thêm một cách nhìn về áo dài cách tân qua lăng kính lý luận văn hóa.
Văn hóa không bất biến
Một trong những quan điểm cơ bản khi nói đến văn hóa là: văn hóa không bất biến. Vì có khả năng biến đổi, nên trước hết chúng ta không thể “mặc định” cho một thực hành văn hóa nào là “vĩnh cửu”. Áo dài dù có hàng trăm năm hay hàng ngàn năm, không có nghĩa là nó không biến đổi. Trong suốt chiều dài lịch sử, áo dài đã từng nhiều lần biến đổi. Do đó có thể vài mươi năm nữa, biết đâu áo dài truyền thống cũng sẽ tiếp tục biến đổi khác với hiện nay.
Nói thế không có nghĩa là chúng tôi bênh vực áo dài cách tân, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng trước tiên phải thừa nhận khả năng biến đổi của văn hóa.
Vậy văn hóa biến đổi khi nào? Khi một thực hành văn hóa không còn mang lại giá trị trong không gian – thời gian văn hóa xác định, nói cách khác là không còn đáp ứng được nhu cầu của chủ thể văn hóa trong môi trường văn hóa đang hiện diện. Từ đó có thể thấy, áo dài truyền thống đến nay chưa mất đi giá trị để có thể bị áo dài cách tân thay thế.
Áo dài cách tân là những thể nghiệm
Tiếp cận văn hóa với góc nhìn hậu hiện đại, nghệ thuật được xem là những thể nghiệm, thoát ra khỏi “khuôn đúc”, mà đã là thể nghiệm thì có thể thành công hoặc thất bại. Vài mươi năm nữa, nếu áo dài cách tân hoàn toàn chinh phục được người Việt, thì thể nghiệm thành công. Nhưng nếu chỉ vài năm, áo dài cách tân sớm bị đào thải, thì thể nghiệm thất bại. Đó là quyền tự do của mỗi người, tại sao chúng ta không cho phép các bạn trẻ thỏa sức thể nghiệm?
Nhưng, nếu những thể nghiệm thành công, có phải chúng ta mất đi truyền thống?
Cho phép thể nghiệm không đồng nghĩa quay lưng với truyền thống hay để mặc truyền thống “biến tướng” như cách nghĩ của nhiều người. Thực ra, những gì gọi là “truyền thống” vốn dĩ đã trải qua biết bao lần thay đổi, chứ không hề đứng yên. Khi nào một sự thay đổi được cộng đồng chấp nhận, lúc đó sẽ không còn ai xem nó là biến tướng, mà nó được xem là một bộ phận trong tiến trình phát triển của truyền thống đó.
Sự chọn lựa thay thế một thực hành văn hóa nầy bằng một thực hành văn hóa khác là sự chọn lựa của chủ thể nền văn hóa, chứ không phải một vài cá nhân. Đã là quyết định của chủ thể, tất nhiên phải trải qua thời gian “kiểm nghiệm” lâu dài để tìm ra lựa chọn phù hợp. Nếu có lúc áo dài truyền thống không còn đủ sức sống trước áo dài cách tân, thì sự ra đi của nó dù có đáng tiếc nhưng vẫn phù hợp với quy luật vận hành của văn hóa, và đó sẽ là quyết định của chủ thể nền văn hóa.
Ứng xử như thế nào?
Ứng xử với áo dài cách tân hôm nay như thế nào? Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh lại hai điểm quan trọng. Một là, văn hóa luôn biến đổi, không thể “đóng khuôn” cho thực hành văn hóa nào là “vĩnh cửu”. Hai là, những cách tân áo dài lúc nầy chỉ là những thể nghiệm.
Sức sống của áo dài cách tân sẽ được bao lâu, hay áo dài truyền thống sẽ bị áo dài cách tân thay thế? Qua thời gian, chủ thể văn hóa sẽ tìm ra câu trả lời hợp lý cho mình. Một điều chắc chắn rằng đó sẽ là lựa chọn sáng suốt, bởi nó không phải chỉ hình thành trong ngày một ngày hai.
Song, còn quá xa xôi để nói đến chuyện áo dài truyền thống có bị áo dài cách tân thay thế hay không, bởi sức sống của nó hiện tại vẫn còn rất mạnh mẽ trong nền văn hóa Việt. Còn hôm nay, những ai thích thể nghiệm thì chúng ta hãy cho họ một “bầu trời” để thể nghiệm. Và tất nhiên, những ai thích áo dài cách tân có quyền tự do mặc chúng. Những người không thích thì thôi, tại sao phải lên án?
VĨNH THÔNG