Bảo ngồi dậy, bật đèn. Đã hai giờ hơn, đêm nay mưa, Bảo muốn viết thư. Bình thường, Bảo cũng thức tới giờ này, nhưng hôm nay, Bảo bắt đầu một việc mà anh cho là quan trọng lắm, quan trọng hơn cả tiết dạy bắt đầu vào 7 giờ sáng mai.
Ngày mai, cô Hoàng về quê.
Nếu cuộc đời là một chuỗi các biến cố, và các biến cố ấy lại ngẫu nhiên thì Hoàng thật sự là một phần đời của Bảo. Bảo không biết Hoàng từ trước, lại càng không biết nếu cứ ngồi im lìm trong góc cafe quen thuộc đó, sẽ có ngày cô Hoàng đến và ngồi trước Bảo. Bảo thích uống cafe, còn cô Hoàng thì không rõ có giống vậy không, chỉ biết buổi chiều mưa hôm ấy, cô đến và ngồi trước mặt Bảo. Ban đầu, Bảo không để tâm. Quá khứ lem luốc về hạnh phúc làm Bảo thấy chán ngán thứ tình cảm nam nữ vụn vặt và tủn mủn, Bảo muốn sống hết đời trai còn lại để rực rỡ với đam mê làm thầy của mình. Bảo thấy như vậy mới nghĩa khí, mới là một người vĩ đại. Một người vĩ đại thì không nên vướng bận, nhất là vướng vào dăm thứ tạm bợ. Tình cảm ở đời là thứ tạm bợ, chắc chắn là vậy, có yêu có cưới rồi cũng không sống với nhau vì yêu, mà sống vì trách nhiệm. Nếu vậy, để dành trách nhiệm ấy cho thứ gì lớn lao hơn mới đáng, làm thầy, trồng người mới là thứ lớn lao như vậy.
Mưa tự nhiên to hơn, Bảo ngồi lên bàn, anh không biết viết gì cho Hoàng cả.
Hôm đó, trời chiều cũng mưa. Bệnh gan làm Bảo thấy khó chịu, và anh không muốn ai thấy mình như vậy. Bệnh tật cũng là thứ gàn dở vì có lúc lại khiến mọi chuyện tệ hơn những khó chịu nó gây ra. Bảo cúi xuống lấy thuốc uống, quyển sách đang đọc vẫn để mở trên bàn. Mưa làm trời tối hơn buổi chiều, Bảo phải quay hẳn người sang một bên mà tìm thuốc trong túi, khó chịu làm anh quên hết mọi thứ xung quanh.
– Anh cũng đọc sách này?
Bảo ngưng lại, tay vẫn giả vờ lục tìm thuốc, nhưng cơn khó chịu biến đâu mất, anh lắng tai nghe giọng cô gái, anh muốn im lặng không trả lời, anh muốn lơ đi như kiểu người ta không phải hỏi mình, nhưng xung quanh lại im ắng quá. Bảo gật đầu.
– Anh cũng hay ngồi ở đây ha, em thấy anh suốt thôi.
Bảo ngước lên nhìn, mái tóc dài làm Bảo hơi sững sờ, cô gái bàn trên đang quay lại và cười với Bảo. Bảo thấy hơi khó thở, tay hơi run và mắt hơi mở to một chút.
– Ừ.
Bây giờ nhớ lại, Bảo cũng không biết sao lúc đó anh lại trả lời. Chỉ biết rằng sau câu “ừ” ấy, mùa thu của Bảo bỗng nhiên vàng ươm và hiền dịu. Bảo lấy cớ muốn nói nhiều hơn về sách để xin số cô Hoàng, nhưng từ cuộc nói chuyện đầu tiên đã chẳng đụng chạm gì về sách. Bảo muốn biết cô Hoàng là ai, Bảo dặn mình phải như thế. Cô Hoàng không phải người Sài Gòn, cô Hoàng yêu hoa và cô Hoàng cũng thích nói chuyện với Bảo. Ái chà, sao lại là “cũng thích”, vậy nghĩa là Bảo thích nói chuyện với cô Hoàng. Bảo thấy mình cuồng nhiệt, anh đợi tin nhắn cô Hoàng suốt ngày, khi không nhắn, anh lại xem hình cô. Cô Hoàng có lẽ là đẹp trong mắt người khác, nhưng Bảo lại thấy cô rất duyên. Cái duyên ấy làm Bảo ngẩn ngơ, Bảo thấy như say rượu khi tự ý xem hình trên Facebook cô Hoàng, Bảo hồi hộp khi chợt thấy những dòng Hoàng viết hồi xưa xưa lắm. Bảo thấy mình trẻ quá, chỉ có người trẻ mới hành động theo đam mê và cảm xúc thế. Mà khi người ta thấy mình trẻ, tức là người ta đang yêu. Vậy là Bảo còn trẻ ư? Không, Bảo già rồi, thanh niên 26 tuổi mà không biết mặc quần jean và áo thun, Bảo già lắm. Bảo trẻ là nhờ cô Hoàng, Bảo muốn mình trẻ, Bảo ham mình trẻ lại, thật trẻ, để dám mời cô Hoàng ghé vào một quán cafe hay đàng hoàng đi vào rạp chiếu phim. Chà chà, cô Hoàng như một người ơn…
Bảo bước ra, ban công đẫm mưa. Bảo thở dài, anh đốt một điếu thuốc. Bệnh gan làm anh thèm thuốc.
Cái duyên nợ với cô Hoàng làm đời Bảo mệt hơn là sướng. Bảo bỏ tất cả để nghĩ về cô Hoàng, phải, chỉ nghĩ thôi, vì Bảo thấy mình nhỏ bé và dị hợm khi đứng trước cô. Cơ mà đã bao giờ Bảo đứng trước cô đâu, Bảo chỉ toàn tưởng tượng. Thằng đàn ông, yêu mà không dám tranh đoạt, ấy là hèn hạ lắm. Bảo biết, và Bảo còn biết anh hèn kém. Bảo thấy mình như thứ quái vật dị hợm khi muốn đến gần cô Hoàng. Phụ nữ, tất cả họ trong mắt người đàn ông đang yêu đều những công chúa xinh đẹp lắm, và công chúa thì nên đi cùng hoàng tử, không phải kẻ dị hợm với bệnh gan đang hằn lên cổ những vết sẹo đau đớn. Bảo thấy chán đời mình, chán cả con đường đến quán cafe, và chán cả Sài Gòn diễm lệ Bảo yêu thương. Chán hết, không có cô Hoàng, tất cả đều chán òm. Bảo yêu như người điên, và đôi khi hình ảnh cô Hoàng thấp thoáng trong bóng áo cưới làm Bảo cười một mình.
Điếu thuốc cháy gần hết, Bảo giật mình, thấy nóng ở đầu ngón tay. Thật kì lạ, không có mùi khói mà điếu thuốc lại tàn tự khi nào.
Trời tạnh mưa, Bảo chạm khẽ vào mấy giọt nước còn đọng trên lan can. Lạnh, và Bảo nghĩ về ngày hôm nay. Cô Hoàng tuyệt nhiên không từ chối Bảo, và cũng không yêu anh. Như người ta cầm hòn đá và ném vào mặt hồ trong veo, dù có làm đầy hơn cái gồ ghề nơi đáy hồ, mặt hồ tuyệt nhiên vẫn không tràn ra được. Cô Hoàng ném Bảo vào không gian của đợi chờ, trong đó, là sự hy vọng của những tháng ngày tuyệt vọng. Cô vẫn cười, cô cười đẹp quá, cô không cho Bảo thấy cô khóc bao giờ, cô không cho Bảo đóng vai anh hùng trong giấc mơ của anh, càng không cho anh vuốt lên mái tóc tinh khôi mà anh mộng tưởng. Hoàng cứ im lặng thế. Hoàng giết Bảo bằng sự tĩnh lặng. Bảo biết anh nên bỏ cuộc khi thấy mấy người trai trẻ đứng lại và cười đùa cùng Hoàng. Sao mà họ đẹp trai và hào nhoáng thế, lại vui tính nữa. Trước kia, Bảo cũng thế, Bảo cũng phong độ và hóm hỉnh, Bảo cũng biết làm người ta cười. Khốn nạn nhất đời người không phải là thua cuộc, khốn nạn nhất là chưa bắt đầu đã nhận thấy mình thua. Bảo muốn hiểu cô Hoàng, để cười nhạo mấy cậu trai kia rằng nụ cười thật sự cô chỉ dành cho Bảo thôi. Bảo muốn cô Hoàng cũng bước về phía anh khi anh mỉm cười bước tới cô từ xa. 1000 bước, hay 1 tỷ bước, chỉ cần cô Hoàng nhích một bước thôi, còn lại, Bảo sẽ đi hết con đường còn lại. Bảo không sợ chông gai, Bảo sợ chông gai kia không phải đợi chờ Bảo.
5 giờ, Bảo giật mình dậy. Trời còn lạnh, và Bảo biết mình lại mơ. Cô Hoàng sắp đi. Thư từ bây giờ viết làm sao kịp, Bảo mặc vội áo khoác, anh đi thẳng đến chỗ nhà ga. Anh muốn gặp Hoàng. Dù không biết bây giờ anh sẽ nói gì, Bảo vẫn cứ đi. Anh không chờ đợi nữa, anh muốn đi, ngay bây giờ, chỉ cần cô Hoàng cần, Bảo sẽ lên tàu, theo cô Hoàng tới bất cứ đâu, mặc kệ Sài Gòn lem luốc kia. Bảo chạy vội, anh thấy mình chạy như bay, chân còn không mang cả giày, lạnh, nhưng Bảo càng không cảm thấy gì hết.
Bảo phải đi thật nhanh, cô Hoàng sắp đi rồi.
***
Chuyến tàu về xứ Quảng sớm không đông khách. Cơn mưa tối qua làm sàn gạch nhơ nhuốc và khó chịu. Hoàng ngồi tựa vào tường, mắt lơ đãng nhìn vào đường ray bên kia cửa kính. Chút nữa thôi, cô sẽ rời xa Sài Gòn, có thể là mãi mãi. Cô thấy lạnh, cố kéo áo khoác lên cao hơn để che kín cổ, Hoàng thấy đầu óc như tê dần đi. Nỗi buồn rúm ró kéo cô vào sâu hơn trong mấy lớp vải. Đâu đó, người ta vẫn bàn tán về bệnh gan. Hoàng không muốn nghe, cô thấy khó chịu. Cô nhớ lại một kẻ lì lợm và dị hợm với căn bệnh gan làm phiền đời cô. Phiền quá, cô không muốn nhớ.
Xe lửa nặng nề kéo mình trên đường ray như đang sẫm màu hơn vì cơn mưa đêm qua. Cô Hoàng nhìn lại phía sau, thấy lạnh, nhưng cô vẫn phải đi. Cô đợi điều gì, không rõ, trong vô thức, cô nghe tiếng ai gọi tên mình. Bước lên toa tàu, cô không cười với người soát vé. Người ta nhắc cô Hoàng cẩn thận đồ đạc, cô chỉ nghe tiếng xì xào như ai đương nói về bệnh gan. Cô không nghĩ được gì đã mấy hôm nay. Bây giờ, cô còn không thiết nghĩ về những chuyện sách vở còn dở dang khi đột ngột về quê. Tâm trí cô như kẻ mộng du. Cô chỉ biết là hôm nay cô phải về.
Hôm nay, tròn một tháng, anh Bảo mất vì bệnh gan.
***
“Tường vàng mái đỏ màu son
Nhà ga lại chứa linh hồn nhà ga”
Duy Hồ, 05/07/2019