Đặng Xuân Xuyến đọc “Tình nhân ơi” của Trần Hạ Vi

TÌNH NHÂN ƠI (Trần Hạ Vi)
.
Tình nhân ơi, gọi em đi
Tên em trên môi anh dòng ngọt ngào chảy mật
Ta rúc vào nhau
cơn cuồng si hổn hển ngắn dài
quên áo cơm đời chật vật
.
Em nhớ anh
cồn cào cội nguồn thúc thôi triền khao khát
Em mong anh
mơ lắm một bàn tay!
.
Yêu em đi
ngoài kia ngày vẫn là ngày
Đêm vẫn là đêm, chỉ chúng mình là bỏng rát
Cuộn trào trong từng cơn khát
Khát anh khát em
quằn quại đam mê khát tình…
.
Tình nhân ơi
sao anh cứ làm thinh?
Nghĩ gì bên bờ môi căng mọng ngụm tươi non mời gọi
Mưa nguồn lũ xối
Úp mặt em cười sau nhàu gối chăn hoan
.
Mưa xuân lất phất tưới nụ hoa xoan
Ú ớ hoan mê những lời vô nghĩa
Nuốt lấy nhau kệ tiếng đời mai mỉa
Nguyên thủy hồng hoang tràn về…
sự sống mới mới lại sinh sôi
.
Tình nhân ơi,
lại nhớ anh rồi….
.
Lời bình của Đặng Xuân Xuyến:
.
     Đọc bài Tình nhân ơi của Trần Hạ Vi, tôi bị  ám ảnh bởi câu “Nghĩ gì bên bờ môi căng mọng ngụm tươi non mời gọi” của Trần Hạ Vi, tôi cứ trằn trọc, lỡ mất giấc ngủ trưa. Tôi khoái hình ảnh tươi nõn, phồn thực của “bờ môi” đầy dục tính…. nên dù đang rất đau lưng (bệnh xương khớp) cũng cố ngồi “lạch cạch” đôi dòng cảm nhận về bài thơ của nữ thi sĩ họ Trần.
     Bình thơ ư? Chắc chắn là không rồi! Bài thơ đã được nhà phê bình văn học Châu Thạch ưu ái phóng bút, đã viết gần như cũng đủ hết các ý rồi nên bài viết này chỉ ghi lại vài “sự thích” nho nhỏ của tôi khi đọc “Tình Nhân Ơi” của Trần Hạ Vi, một bài thơ đang được bạn bè trên facebook quý mến.
     Vâng! Tôi thích cách “nhớ” của Trần Hạ Vi. Nó rốt ráo, cuống cuồng. Nó gấp gáp, dồn dập. Nó căng lên như dây đàn. Nó rền rĩ như tiếng va đập vọng về của âm thanh chiều vọng: “Em nhớ anh/ cồn cào cội nguồn thúc thôi triền khao khát”. Để làm gì? Chỉ là “Em mong anh/ mơ lắm một bàn tay!”. Thế thôi! Yêu thì nhớ, thì mong, thì cần có nhau, cần những phút giây thuộc về nhau, để quyện vào nhau, để tình yêu được thăng hoa… Vâng! Thì là yêu mà! “Nhớ” như thế thì tình yêu nào chẳng có nhưng “nhớ” ở trong “Tình Nhân Ơi” lại thấy cứ “sao sao”? Nghe nhẹ hều mà sống mũi cay cay?! Khác lắm! Lạ lắm! Buồn lắm!
     Thích là thế nhưng tôi khoái khổ thơ thứ 4, khổ mà theo tôi chính là xương cốt, làm trụ cho bài thơ:
       “Tình nhân ơi
       sao anh cứ làm thinh?
       Nghĩ gì bên bờ môi căng mọng ngụm tươi non mời gọi
       Mưa nguồn lũ xối
       Úp mặt em cười sau nhàu gối chăn hoan”
     Những câu thơ rất “phồn thực”, bỏng nhẫy truy hoan và nỗi sướng rơn hoan hỉ của cô gái sau cuộc ái ân mãn nguyện được Trần Hạ Vi quẳng toẹt lên gường, chẳng cần úp úp mở mở, che che giấu giấu.
     Gã trai đã hết hưng phấn, đang thèm được nghỉ ngơi khi đã làm xong nhiệm vụ của giống đực nhưng cô gái thì vẫn còn đang âm ỉ rạo rực, vẫn còn đang lửng lơ ở đỉnh của khoái cảm. Tuy “Úp mặt em cười sau nhàu gối chăn hoan” vì đã mãn nguyện với trận “Mưa nguồn xối lũ” nhưng cô vẫn chờ được ngấu nghiến tiếp, vẫn sẵn sàng với những “nhàu gối chăn hoan”. Máu lửa trong hành động, bạo liệt và tự tin trong cả suy nghĩ như thế bởi cô tin vào thứ vũ khí lợi hại đang sở hữu: “Nghĩ gì bên bờ môi căng mọng ngụm tươi non mời gọi”. Vâng! Tôi khoái hình ảnh “bờ môi” rất nữ tính, rất sex này. Một hình ảnh đẹp, tươi nõn mà phồn thực, căng phồng những gợi cảm, và đầy kích thích dục tính như thế thử hỏi có gã đàn ông nào “làm thinh”? Tôi cũng khoái tính cách thẳng thắn, bạo liệt của cô gái: Yêu bảo yêu! Thích thì sẵn sàng “ba bảy cũng liều” chứ chẳng thèm ỡm ờ, thả thính.
     Không nói nhiều về gã trai, chỉ một câu thán “sao anh cứ làm thinh?”, Trần Hạ Vi đã “tố” mối duyên này trái ngang, không thuận. Phải có uẩn khúc nào đó, trắc trở nào đó thì gã trai mới lặng thinh như thế, mới “thụ động” như thế. Phút lặng thinh đó không hẳn là gã thèm được nghỉ ngơi khi đã làm xong nhiệm vụ của giống đực mà còn là phút tự vấn của gã về những liên quan tới cuộc tình mang hơi hướng “vụng trộm”, trái ngang. Cảm thông cho gã thì mới hiểu được lý do vì sao cô gái luôn khát yêu, bạo yêu, mới cảm thương mối tình chông chênh, trắc trở. Đọc “Tình Nhân Ơi”, thấy cô gái “ngông nghênh” trong tình yêu, mà cũng se lòng vì mơ hồ thấy căn nguyên của cái “ngông nghênh” ấy.
     Vâng! Thêm một khoái nữa, đó là khoái cách tỏ tình (đúng hơn là cách gạ yêu) của Trần Hạ Vi: “Yêu em đi” rất thẳng thắn, huỵch toẹt, chẳng màu mè, làm giá như những ả nàng. Sự chân thành đến dạn dĩ, mạnh bạo đến trần trụi, và tinh thần “tử vì tình”, chấp nhận thua thiệt trong tình yêu, dẫu biết tình yêu ấy là trái ngang, trắc trở, là bia miệng của người đời thì vẫn cứ bất chấp, vẫn cứ: “Ú ớ hoan mê những lời vô nghĩa/ Nuốt lấy nhau kệ tiếng đời mai mỉa” như Trần Hạ Vi thì quả thật ngay trong giới mày râu cũng khối kẻ lấm lét đứng nhìn.
     Không biết ngoài đời Trần Hạ Vi có “ngông nghênh” yêu như vậy không và với những gã trai có tính rụt rè, nhát gái (kiểu như người viết bài này) mà gặp được người trong mộng như vậy thì sao nhỉ? Chắc sẽ tròn mắt vì ngạc nhiên, và cả vì hạnh phúc! Vâng! Là tôi nghĩ thế!
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Vannghemoi.com.vn − 20:20, ngày 24/10/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền