THƯƠNG LẮM, TÓC DÀI ƠI!

Nhớ thời mười chín, đôi mươi

Gặp em, tôi bỗng sững người nhìn em!

Tóc dài đen mượt đến duyên

Xoà buông tha thướt, dịu hiền làm sao.

Mới đôi câu hỏi câu chào

Mà thân thiết tự khi nào chẳng hay

Nắng chiều tóc gió bay bay

Đã mê ánh mắt, lại say tâm hồn.

Thế rồi, mỗi đứa một phương

Tôi mang suối tóc dài tuôn trong đời.

Tóc dài ơi, tóc dài ơi!

Thướt tha mái tóc thay lời con tim.

Bây giờ tôi gặp lại em

Ngập ngừng muốn gọi, sao nhìn chẳng ra

Vẫn là ánh mắt thẳm xa

Em tôi, tóc ngắn rối xoà chấm vai…

Tìm đâu mái tóc suôn dài

Bao nhiêu xuân sắc của thời mộng mơ?

Đâu rồi em của ngày xưa

Cái ngày tiếng sét sững sờ tình tôi?

Hỏi ra, tôi mới lặng ngưòi

Tóc em cắt bán mất rồi… còn đâu!

Bỗng nhiên em khẽ ngoái đầu

Nhìn con, hai đứa dắt nhau tới trường.

Vẳng xa ở cuối con đường

Tiếng rao bán tóc, buồn thương não nề…

PHẠM THANH CẢI

Lời bình

Mái tóc dài vẫn là đề tài bất tận trong đời thường, trong thơ ca, phim ảnh… Nó tượng trưng cho người con gái đẹp; cho sự thề nguyền, ước hẹn; cho tình yêu thiết tha của đôi lứa; cho sự rung động con tim của đấng mày râu…Bài thơ “Thương lắm, tóc dài ơi” của nhà thơ Phạm Thanh Cải sẽ cho chúng ta thấy những thổn thức, xao xuyến, tiếc nuối …đó là những khoảnh khắc đẹp muôn thuở của đời người mà không phải ai cũng có được!

Thường phụ nữ để tóc dài trông duyên dáng, uỷ mị, dịu dàng hơn để tóc ngắn. Dù thời đại văn minh, tân tiến thế nào chăng nữa thì chúng ta không thể phủ nhận sự hấp dẫn của mái tóc dài:

“Nhớ thời mười chín, đôi mươi
Gặp em, tôi bỗng sững người nhìn em!
Tóc dài đen mượt đến duyên
Xoà buông tha thướt, dịu hiền làm sao.”

Ấn tượng đầu tiên của tác giả dành cho cô gái là sự ngạc nhiên, thích thú đến “sững người”! Chắc hẳn đó là cô gái khá đẹp nên được thêm điểm cộng từ mái tóc “đen mượt đến duyên” kia!

Đâu đó hình ảnh mái tóc dài cũng thường bàng bạc trong ca dao Việt Nam :

Ba cô anh lạ cả ba
Bốn cô anh lạ cả bốn biết là quen ai?
Anh chỉ quen một cô da trắng tóc dài
Miệng cười như cánh hoa nhài nở nang

Chân mày vòng nguyệt có duyên
Tóc mây dợn sóng đẹp duyên tơ hồng.

Tóc em dài em cài hoa lí…
Miệng em cười có ý anh thương.

Tóc đến lưng vừa chừng em bối (búi)
Để chi dài, bối rối dạ anh!

Một số nhạc sĩ, thi sĩ cũng đến “cuồng si” vì “dòng suối mơ” của các nàng :

“Hái một nụ hoa xinh xinh màu tim tím
anh cài lên mái tóc thề…”

(Hoa Mười Giờ – Đài Phương Trang)

“Nhớ kỷ niệm xưa nông xuồng đêm trăng tỏ
Em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon…

…Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời…”

(Chiếc Áo Bà Ba – Trần Thiện Thanh)

“Ác” cái tóc dài phải đi đôi với “lưng thon” thì mới thu hút nam giới, có thể cho thấy dáng dấp thon thả, uyển chuyển của kiều nữ tóc dài quả là “vũ khí lợi hại” làm mê đắm biết bao chàng trai…

“Hồn lỡ sa vào đôi mắt em

Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói …:”

(Về Đâu Mái Tóc Người Thương – Hoài Linh)

“Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi
Một đời long đong, long đong thân cò lặn lội
Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi
Một mình lênh đênh dòng đời đục trong.”

(Thương Lắm Tóc Dài Ơi – Phú Quang)

Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng không thoát khỏi niềm “mê đắm” lúc đương thời :

“Ru mãi ngàn năm… dòng tóc em buồn…
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm…”

(Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng – Trịnh Công Sơn)

Tại sao người ta thường không thích con gái tóc ngắn? Vẻ cá tính, ngông nghênh của các nàng tóc ngắn làm họ kém duyên, kém dịu dàng chăng? Báo chí mới vừa viết bài : Hoa hậu H’Hen Niê, người Ê đê, đã bị nhiều dân mạng bình phẩm, chê bai mái tóc ngắn của cô, thậm chí còn gọi cô là “thằng đàn ông tiến hoá”(!) Thật kì lạ, thời đại nào mà “quyền tự do” của mỗi người lại không được tôn trọng? Người ta thích làm gì là chuyện của người ta, cớ sao lại chỉ trích nặng nề như thế! Nhưng riêng tôi, tôi vẫn ao ước (chỉ thầm thôi…) “giá như mà…” cô ấy để tóc dài thì khuôn mặt sáng, xinh đẹp của cô sẽ được tôn nét lên rất nhiều…

Một bài hát nổi tiếng phổ thơ của Nguyễn Nhược Pháp, nói về cô bé đi chùa Hương cùng với gia đình. Mái tóc dài của cô được vấn khăn, chừa cái đuôi tóc trông rất đáng yêu (lối cột tóc của các cô gái miền Bắc xưa), đã đi vào giai thoại và các tác phẩm điện ảnh từ thời phong kiến…

“Nho nhỏ cái đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay em cầm chiếc nón quai thao…”

(Em Đi Chùa Hương – Nguyễn Nhược Pháp).

Từ xưa, mái tóc còn tượng trưng cho tình yêu sắt son, chung thuỷ, cho các đôi lứa thề nguyền gắn bó bên nhau trọn đời:

“A à ! Tóc mai sợi vắn sợi dài …
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.”

(Tóc Mai Sợ Vắn Sợi Dài  – Phạm Thiên Thư)

Chuyện tình đẹp và buồn của Lan và Điệp, cũng lấy đi nước mắt của bao người :

“Nếu duyên không thành, Điệp ơi Lan cắt tóc quên đời vì anh…”

(Chuyện Tình Lan Và Điệp)

Không những trong tình yêu, mà ở đời thường, nhiều người cũng thường “xuống tóc” cho cái gọi là “nguyện”. Họ khấn nguyện điều gì đó mà thành tựu thì sẽ cắt tóc, thậm chí cạo đầu trong một thời gian.

Thực ra, “góc của con người” ấy rất quan trọng và thiêng liêng! Từ những năm học tiểu học, khi tôi xem tác phẩm Những Người Khốn Khổ (Les Misérables) của đại văn hào Pháp Victor Hugo, rất nhiều chi tiết cảm động, đặc biệt nhất là khi nàng Fantine bán mái tóc để lấy tiền chữa bệnh cho con (cô gửi con gái cho gia đình kia rất độc ác, thường bạc đãi, hành hạ con nhưng cô không biết. Họ hay bịa chuyện con cô ốm nặng để kêu cô đưa tiền…), và sau đó, đỉnh điểm là cô lại bán cả…hàm răng để gửi tiền chữa trị cho con. Từ một cô gái xinh đẹp, tóc cô đã cắt ngắn trần trụi, nham nhở…được thăm con cô mừng rỡ và cười, nhe cái hàm chẳng còn cái răng nào…tôi đã khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc… Mấy năm sau xem lại tác phẩm nổi tiếng này, tôi vẫn giữ nguyên cảm xúc như đọc lần đầu! Một người mà cùng quẫn đến độ bán cả răng và tóc, thậm chí bây giờ văn minh con người còn bán cả máu và nội tạng để lo cho người thân, thì thật chua xót vô cùng!…

“Nàng thơ” của tác giả PTC cũng không thoát khỏi hoàn cảnh tội nghiệp, đáng thương đến nỗi phải bán cả mái tóc để nuôi con, mái tóc đã làm xao xuyến trái tim của chàng trai trẻ lần đầu gặp mặt…

“Thế rồi, mỗi đứa một phương
Tôi mang suối tóc dài tuôn trong đời.
Tóc dài ơi, tóc dài ơi!
Thướt tha mái tóc thay lời con tim.”

Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, hình ảnh “suối tóc” của nàng vẫn in đậm trong tâm trí chàng. Chỉ là, chàng chưa có và chưa thể ngỏ lời ra mà thôi! Nhưng đến khi gặp lại thì :

“Bây giờ tôi gặp lại em
Ngập ngừng muốn gọi, sao nhìn chẳng ra
Vẫn là ánh mắt thẳm xa
Em tôi, tóc ngắn rối xoà chấm vai…”

“Suối tóc” ấy đã không còn, khiến chàng giật mình thảng thốt :

“Tìm đâu mái tóc suôn dài
Bao nhiêu xuân sắc của thời mộng mơ?
Đâu rồi em của ngày xưa
Cái ngày tiếng sét sững sờ tình tôi?
Hỏi ra, tôi mới lặng ngưòi
Tóc em cắt bán mất rồi… còn đâu!”

Cao trào được đẩy lên một bực, khi chàng thấy được thực tế “phũ phàng” :

“Bỗng nhiên em khẽ ngoái đầu
Nhìn con, hai đứa dắt nhau tới trường.”

Cơm áo gạo tiền, vẫn là vấn đề muôn thuở của nhân gian. Không tiền, con người sao nên thơ, lãng mạn được nữa! Ôi, thật tiếc vì chẳng có gì trường cửu trên thế gian này : nhan sắc, tuổi trẻ, hoài bão, tiền tài, danh vọng…tất cả rồi cũng vụt thoáng qua như cái chớp mắt của chúng ta!

“Vẳng xa ở cuối con đường
Tiếng rao bán tóc, buồn thương não nề…”

Không biết tác giả viết bài này trong bối cảnh năm nào, nhưng tôi cứ nghĩ y như thế kỉ 19, lúc tác phẩm Những Người Khốn Khổ ra đời, thời đại mà người ta đi đường thường rao bán tóc (!)

Nhắc đến vấn đề bán tóc, tôi chợt nhớ đến phim Ma Tóc, nói về những người mua hay thuê lầm tóc của người chết. Những oan hồn đó hay về lẩn quẩn quanh người mua để…đòi tóc! Thật kinh sợ làm sao! Có chết tôi cũng chẳng bao giờ dùng tóc thật của ai, bây giờ tóc nhân tạo bán đầy ra, mua một bộ có khi dùng cả đời !
Tóc dài quả thực rất đẹp, nhưng lại thường gắn liền với những …con ma tóc dài ! Tại sao ma lại tóc dài mà không tóc ngắn? Khi người ta sống để tóc ngắn, thì chết đi hiện về vẫn là tóc ngắn chứ! Có lẽ, con ma có mái tóc dài rũ rượi với khuôn mặt tím bầm dễ làm người ta khiếp vía hơn! Trong phim Tình Người Duyên Ma (phim Thái lan), ma nữ đã treo ngược đầu rũ mái tóc dài thượt xuống đất làm khán giả sợ hãi lẫn thích thú…Đi vào ban đêm, chỉ cần cô gái nào đó xoã tóc dài sượt đen tuyền đến chân, đứng yên quay lưng lại, thì dù chưa thấy mặt mũi họ thế nào, có lẽ tôi cũng lăn đùng ra ngất đi được! Quả tóc dài có “cái uy” thực sự… Người ta nói “tóc ngắn” năng động ư, hoạt bát ư, dễ làm việc ư? Đâu phải thế, hãy xem những nhân vật truyền kì, kinh điển của nhà văn Kim Dung : Tiểu Long nữ, Ân Tố Tố, Chu Chỉ Nhược …những cô gái võ nghệ cao cường, múa kiếm như múa quạt, tung cước, phi thân như mũi tên…cũng đều có mái tóc dài mượt, xinh đẹp tuyệt trần đó thôi!

Là phụ nữ, mà tôi còn ngưỡng mộ tóc dài, trách sao các đấng nam nhi không yêu thích , ngẩn ngơ vì mái tóc dài cho được! Bài thơ Thương Lắm, Tóc Dài Ơi của tác giả PTC đã vẽ lên một chuyện tình buồn dang dở…(mà tình dang dở thì bao giờ cũng đẹp, cũng khó nguôi quên…). Cay đắng ở chỗ khi gặp lại, cô gái xinh đẹp ngày xưa đã không còn giữ được mái tóc đã làm ông thầm thương trộm nhớ…Gánh nặng con cái đã lấy đi nhan sắc, tuổi xuân mà bất cứ phụ nữ có gia đình nào cũng nếm trải…Thôi thì, hình ảnh đẹp ấy xin hãy cứ giữ mãi trong lòng, làm hành trang kỉ niệm những năm tháng tuổi trẻ bồng bột đã đi qua…Có ai thoát được qui luật của tạo hoá : sinh, lão, bệnh, tử đâu! Tóc uốn xoăn, dợn sóng, tóc suôn thẳng, tóc nhuộm màu, tóc tém, tóc cột, tóc búi, tóc bím…gì cũng là tóc…chỉ mong tình yêu, sự chân thành, lòng tin, sự trách nhiệm…sẽ không bao giờ rời xa những con người chân chính, để khi “tóc có bạc, răng có long”, những “cái góc con người” ấy có rơi rụng, tàn phai…thì chúng ta vẫn mãi giữ được ” cái tâm, cái tình, cái nghĩa” đẹp đẽ của mình với những người một thời từng làm trái tim chúng ta rung động!