Không gian nghệ thuật trong truyện Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc – Nguyễn Minh Dương

MỞ ĐẦU

Truyện ngắn Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Tác phẩm thành công trên nhiều phương diện, đặc biệt là có những nét độc đáo về không gian nghệ thuật. Trong truyện, ba đời nhà nhân vật Cộc tượng trưng cho cuộc di dân nổi tiếng của người Việt đến Nam Bộ từ thuở xa xưa, trong trạng thái thèm người đến cháy bỏng vì cảnh sống hoang sơ, vắng vẻ. Bình Nguyên Lộc xây dựng thành công mối quan hệ của con người với thiên nhiên, thể hiện sự gắn bó và tình yêu quê hương tại vùng đất Ô Heo. Tiếp cận tác phẩm dưới góc nhìn thi pháp học, người đọc sẽ thấy rõ vai trò quan trọng của không gian nghệ thuật trong cấu trúc câu chuyện, góp phần làm nên thành công của tác phẩm và khẳng định vị trí của tác giả như nhận định của Thụy Khuê, dường như trước Bình Nguyên Lộc “chưa thấy nhà văn nào viết về sự khai phá đất hoang của dân tộc Việt Nam, về đất và nước một cách bát ngát và sâu xa đến thế” [7].

NỘI DUNG

Cũng như thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật là một trong những yếu tố không thể thiếu của thi pháp học. Nghiên cứu về yếu tố không gian trong tác phẩm Rừng mắm, chúng tôi sẽ khảo sát không gian thiên nhiên, không gian sinh hoạt, không gian văn hóa và không gian tâm lí. Qua đó, Bình Nguyên Lộc vừa thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc sống, vừa bộc lộ tài năng nghệ thuật của mình.

1. Không gian thiên nhiên

Không gian thiên nhiên là những khung cảnh, cảnh vật xung quanh con người. Trong văn chương, con người luôn tồn tại mật thiết với thiên nhiên. Thiên nhiên có khi được nhân hóa, có cảm xúc, đồng cảm với con người. Thiên nhiên trở thành phương tiện nghệ thuật để nhà văn nắm bắt và phân tích đời sống tâm lí nhân vật. L. Tônxtôi khẳng định: “Phong cảnh thiên nhiên, những bức tranh thiên nhiên giữ một vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính cách nhân vật”. Trong truyện ngắn Rừng mắm, không gian phong cảnh thiên nhiên được tác giả miêu tả vẻ đẹp rất kỳ công, sinh động. Theo thống kê của chúng tôi có tổng cộng 22 đoạn miêu tả thiên nhiên. Thiên nhiên không chỉ đẹp mà còn phản ánh cái nhìn của nhân vật, mỗi cảnh miêu tả là một phát hiện, cảm nhận riêng của Bình Nguyên Lộc.

Đầu tiên là không gian bầu trời. Bầu trời trong Rừng mắm được tác giả miêu tả ngay từ những đoạn đầu tác phẩm “Chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại” [1; 5], “Thật là huyền diệu, sự đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô ngoài sân” [1;5], “Chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước, nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng” [1; 5, 6]. Không gian bầu trời vừa là hình ảnh tả thực thông qua việc miêu tả chi tiết các loài chim bay lượn, vừa thể hiện sự ngây thơ, hồn nhiên của nhân vật Cộc. Nhân vật dõi theo những biến chuyển trên bầu trời “Cộc ngửa mặt lên trời để theo dõi ông câu kỳ dị” [1; 7] để thỏa mãn sự tò mò, thích thú, đúng với độ tuổi. Đồng thời, cũng góp phần khơi mở những xáo động trong tâm hồn của nhân vật, những khát khao nhem nhóm được tự do, vươn xa khi phải sống tại vùng đất vắng vẻ này.

Thứ hai là không gian rừng. Đây là không gian giữ vai trò quan trọng trong việc thể hiện chủ đề của câu chuyện. Rừng trong tác phẩm Rừng mắm làm nổi bật mối quan hệ giữa con người và cảnh vật. Khi khai thác không gian này, trung tâm chú ý của Bình Nguyên Lộc là cách ứng xử của con người trước thiên nhiên. Con người sống trong sự bao bọc với thiên nhiên và thiên nhiên cũng tác động trở lại con người. Rừng thật thiêng liêng mà gần gũi với con người. Người dân cần có đất, có rừng để canh tác, dù vậy, họ sống hoà đồng với tự nhiên hơn là chinh phục, thống trị nó.

Ngay từ nhan đề của tác phẩm đã gợi nhiều liên tưởng: Rừng mắm. Nhan đề Rừng mắm gợi tả không gian thân thuộc với nhân dân vùng đất Nam Bộ, nhưng cũng xa lạ với nhiều độc giả, hé mở sự hoang sơ và huyền bí, đời sống khổ cực của người dân. Không gian rừng mắm được khắc họa chi tiết ở những trang cuối tác phẩm “trông rừng cây lạ ấy như một binh đao xuống núi, tuôn hãm thành hầu lập công” [1; 22], “Bông trổ trên đầu những cái rễ lên mà người ta gọi là rễ gió” [1; 23]. Bằng biện pháp so sánh, nhân hóa, rừng mắm chính là hiện thân cho công cuộc mở đất vùng Nam Bộ, cho thấy cuộc sống khó khăn, gian khổ, như ba thế hệ gia đình Cộc phải lưu lạc đến xứ này. Nó mang vẻ đẹp hoang sơ của chốn ma thiêng nước độc và sức mạnh diệu kì. Ông nội của thằng Cộc tự coi đời mình là rừng mắm, tin rằng sau mắm sẽ là tràm và sau đó nữa sẽ là những vườn cây ăn trái. Tự nhiên không phụ con người nếu con người biết bền gan với nó. Cây mắm không dùng được vào việc gì nhưng cây mắm có nhiệm vụ tiên phong lấn đất, giữ đất cũng như biết bao thế hệ cha ông đã tình nguyện hy sinh trên vùng đất mới cho lớp lớp con cháu tiếp tục sống, sinh sôi phát triển.

Nếu như rừng mắm gắn liền và biểu tượng cho thế hệ trước, thì rừng tràm được miêu tả gắn với thế hệ của Cộc, với suy nghĩ của Cộc “Năm nay nó đã bắt đầu bâng khuâng mỗi khi chiều xuống, mặt trời đốt cháy đỏ đầu rừng tràm trầm thủy trước nhà” [1; 11], “Ra khỏi rừng tràm râm mát, mắt Cộc bỗng dưng như đổ hào quang trước ánh nắng tháng mười” [1, 14]. Tác giả còn sử dụng biện pháp nhân hóa khiến rừng tràm như một sinh thể sống, có linh hồn, có cảm xúc “Tràm đứng trước bãi cỏ mà nhìn dân láng giềng mọc trên bùn đen” [1; 22], “Sau lưng Cộc là những rặng tràm bị cháy sém dưới trận lửa khai hoang… Mấy hàng tràm đầu nám đen và trụi nhánh như cột nhà cháy, căm hận nhìn chiếc chòi lá xa tít mù dưới mé rạch đang chứa chấp kẻ thù đã lấn đất của chúng, đã sát hại chúng” [1;10]. Không gian rừng tràm gắn với những cảm xúc biến động ở độ tuổi mới lớn của Cộc, đồng thời cũng thể hiện cho thành quả mà thế hệ trước đã để lại, gợi nhắc sự tiếp nối giữa các thế hệ “Kẻ đắp đập be bờ cho người đời sau trồng cây hái trái” (Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm). Điều này được gửi gắm rõ nhất thông qua suy nghĩ của ông nội “Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau” [1; 23].

Thứ ba là không gian đồng ruộng. Thông thường, đồng ruộng trong các tác phẩm thường mang dáng vẻ dịu dàng, đằm thắm, có sự cộng hưởng của phong cảnh làng quê và có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. Trong Rừng mắm, đồng ruộng hiện lên mang dáng vẻ có phần kì lạ, tái hiện cuộc sống khổ cực, khác lạ của người dân Nam Bộ nơi đây “ruộng nhà nó mang một hình tròn kỳ dị, không tròn đều đặn vì không ai chỉ huy được sự cháy rất là rắn mắt của ngọn lửa” [1; 9]; “Cộc nhìn ruộng mình một hồi rồi cười khan lên. Đám rừng bị khoét một lỗ để làm ruộng, trông như đầu tóc trẻ con được mẹ cạo, nhưng mới cạo có một mảng thì có chuyện gấp, bỏ dở công việc; đứa bé bị chúng bạn chế nhạo là đầu chó táp” [1; 9]. Đồng ruộng ấy, với hình dạng kì lạ, không trọn vẹn cho thấy cuộc sống bấp bênh của những người di dân, nó chính là nguồn kinh tế và giúp họ có thể duy trì cuộc sống.

Tóm lại, không gian thiên nhiên trong truyện Rừng mắm không đơn thuần chỉ là tả cảnh mà còn cho thấy nét đặc tính của mảnh đất Ô-Heo, không trù phú, đất mặn chát, khí hậu khắc nghiệt, hoang vu. Thiên nhiên mang vẻ đẹp độc đáo, hoang sơ nhưng tạo ra nhiều thách thức cho con người. Qua đó, làm nổi bật sự khó khăn, khổ cực và tinh thần kiên trì, vượt khó của người dân Nam Bộ trong những ngày tháng khai khẩn đất hoang.

2. Không gian sinh hoạt

Có ý kiến cho rằng, “Phong cách văn xuôi Bình Nguyên Lộc, là một phong cách dung dị, hiền lành” [6; 16]. Đọc tác phẩm Rừng mắm, ta thấy rất rõ không gian sinh hoạt của vùng Ô-Heo được khắc họa hết sức gần gũi, mộc mạc, mang hồn quê Nam bộ.

Tác giả tập trung miêu tả những cảnh sinh hoạt, lao động thường ngày “Để tránh nước mặn tràn bờ ngập sân, tía nó đã đóng mười hai cây cọc, làm thành bốn cái giá ba chơn tréo như giá trống của bọn đờn thổi đám ma” [1; 16], “Đến chiều thì xong xuôi cả. Ông nội thằng Cộc chống xuồng lúa để ra bờ rạch, còn tía nó, má nó và nó thì lội nước sình mà về bộ” [1; 19]. Không gian sinh hoạt trong truyện không chỉ giới thiệu gia cảnh, tập quán của con người mà còn cho thấy tài năng của Bình Nguyên Lộc trong việc chọn lọc chi tiết tiêu biểu, lột tả được thần thái của cảnh vật và đời sống con người hết sức bình dị, dân dã. Chẳng hạn là cảnh ba người trong gia đình chèo xuồng ra biển “Rạch tối om, đi như đi trong hang… Những nơi ánh nắng lọt vào được thì hai bên bờ, ô-rô và cóc kèn mọc đầy. Nước ròng chảy xiết, xuồng trôi bon bon… Họ thôi chèo, để cho xuồng trôi linh đinh, không tiến của không lùi, rồi lấy cơm dỡ trong mo nang ra mà ăn” [1; 21]

Nhà văn còn mượn không gian sinh hoạt để miêu tả tính cách con người. Nhân vật Cộc luôn nhớ về quá khứ, Cộc thèm nói, “thèm người” vì sống giữa chốn quạnh hiu, không người quá lâu “sự cần nói của tuổi thơ đang lên mạnh lắm như cần chạy nhảy, cần ăn uống vậy” [1; 15]. Vì vậy, Cộc rất thích lên Gò dù gia đình không cho vì “Ô-Heo có sức quyến rũ của một trái cấm” [1; 8], được tiếp xúc với mọi người, được có những niềm vui, có những người bạn và được nghe họ kể những câu chuyện. Khác với Cộc, những người trong gia đình dường như câm lặng, ít nói vì họ quá quen với cảnh sống này và vì những nỗi lo sinh tồn “Cả nhà lặng lẽ ngồi quanh mâm cơm, không ai nói với ai lời nào. Những người nầy, sống biệt tịch ở đây lâu ngày rồi, đã biến thành á khẩu vì thói quen” [1; 15]. Thói quen sinh hoạt “á khẩu” còn được nhắc đến qua chi tiết má của Cộc cất tiếng hò vì vui với kết quả của việc lao động vần cù nhưng cha Cộc không đáp lại. Hơn cả vì lí do đã qua cái tuổi hò đối đáp, không gian buồn tẻ, tĩnh lặng nơi đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của họ.

Thông qua việc xây dựng không gian sinh hoạt của xóm Ô-Heo và một gia đình Nam Bộ đã làm nền cho cuộc sống con người, góp phần thể hiện tính cách nhân vật, thấy được cái nhìn gần gũi nhưng không kém phần độc đáo của chính tác giả. Người đọc phần nào cảm nhận được bức tranh sinh động về những thế hệ tiên phong đã lao khổ mở đất khẩn hoang vùng đồng chua nước mặn để gầy dựng sự sống.

3. Không gian văn hóa

Trong bài viết Con người và văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: “Trong mối liên hệ với tự nhiên bao gồm đất đai, sông nước, ruộng vườn, cây cỏ, thời tiết nắng mưa…; Bình Nguyên Lộc luôn cho rằng đất là tình yêu sâu nặng nhất của con người. Tập quán, nếp sinh hoạt ở một nước nông nghiệp lâu đời dường như đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân.” [7]. Trong truyện Rừng mắm, nhà văn đã khắc họa thành công các giá trị vật chất và tinh thần thể hiện tín ngưỡng và niềm tin của con người Nam Bộ, mở ra một không gian văn hóa với mọi phương diện: con người, ngôn ngữ, nhà cửa, cách lao động, tín ngưỡng…

Đầu tiên, tác giả đề cập đến tư tưởng sở hữu đất, gắn bó với mảnh đất. Đây chính là nét tâm lý rất đặc trưng của người nông dân Nam Bộ. Điều này được nhà văn phát hiện ở những chi tiết khá thú vị trong suy nghĩ của ông nội “Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi? Vả lại con không thích hi sinh chút ít cho con cháu con hưởng hay sao?” [1; 23]. Ngoài ra, hình ảnh rừng mắm được miêu tả với sự tiếp nối chính là minh chứng cho tư duy gắn bó với đất của người Nam Bộ “Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được” [1; 23]. Thói quen làm nên phong tục và phong tục làm nên nét văn hoá riêng của mỗi dân tộc. Đối với vùng Ô-Heo, quá trình giao lưu văn hoá diễn ra không quá nhanh khiến cho việc bảo lưu văn hoá truyền thống diễn ra mạnh mẽ trong suy nghĩ của thế hệ trước. Những nét văn hóa, tư tưởng, nếp nghĩ truyền thống sẽ mãi lưu giữ tâm trí của những con người yêu quê hương, xứ sở.

Không gian văn hóa Nam Bộ còn được Bình Nguyên Lộc tái hiện qua các chi tiết đan xen trong diễn biến của cốt truyện. Đó là những nét nghệ thuật truyền thống độc đáo “nhớ đám cúng đình, nhớ hát bội” [1; 17], “Họ hay kể chuyện xóm làng, chuyện đám cưới, đám ma, đám hát, đám cúng đình, tóm lại tất cả sanh hoạt của làng mạc” [1; 9]. Bình Nguyên Lộc sử dụng thủ pháp liệt kê để nhấn mạnh sự phong phú, đa dạng của đặc trưng văn hóa Nam Bộ. Trong tâm tưởng của đứa trẻ 15 tuổi, Cộc nhớ về chúng với tất cả niềm khát khao, mong mỏi. Điều này cho thấy, văn hóa đã thấm sâu vào suy nghĩ của con người, cho dù ở độ tuổi nào, hoàn cảnh sống ra sao.

Bên cạnh đó, văn hóa thờ cúng, văn hóa tâm linh cũng được phác họa trong tác phẩm “Năm xưa, gia quyến nó đến đây vào cuối tháng giêng, sau khi cúng ông vải xong ở quê cũ” [1; 9]. Với người dân Nam Bộ nói riêng và người Việt nói chung, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” chính là nét đẹp thiêng liêng, bất tử, các nhân vật luôn gợi nhắc con cháu đời sau tưởng nhớ về tổ tiên ông bà “Cụ thường than mình nhớ mồ, nhớ mả ông bà quá” [1; 15], “Nhiều lớp tiên phong đã ngã gục như rừng mắm. Rồi thì ông sơ, ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn…” [1; 25].

Đặc biệt, không gian văn hóa đậm nét nhất được thể hiện qua tiếng hò – một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu với người Nam Bộ. Những điệu hò, nhất là hò đối đáp trong giờ lao động mệt mỏi đã làm lay động lòng người. Nó giúp con người yêu mến thiên nhiên, cảnh vật, yêu quê hương đất nước, yêu mảnh đất thân thương mà mình đang sinh sống, gửi gắm những tâm tư tình cảm của nhân vật:

“Hò ơ… tháng ba cơm gói ra hòn,
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai” [1; 7]

Câu hò phản ánh nét đẹp trong tính cách của con người Việt Nam, là lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa về triết lý sống muốn đạt được những điều tốt đẹp, con người phải chấp nhận sự gian khổ, phải kiên trì và nỗ lực để vượt qua thử thách. Hay trong một hoàn cảnh khác, má Cộc hò giữa đồng ruộng, thể hiện sự dí dỏm, ý nhị, gần gũi và khơi gợi sự đối đáp. Má Cộc như sống lại thời tuổi trẻ với những lời hát tinh nghịch, tinh thần vui tươi của tình cảm lứa đôi:

“Hò… ơ… tiếng anh ăn học làu thông,
Lại đây em hỏi khăn lông mấy đường?” [1; 18]

Kết thúc câu chuyện, câu hò một lần nữa lại xuất hiện, diễn tả nỗi lòng của người dân tha hương, là câu hỏi, sự trăn trở của những người xa quê khi phải đến miền đất mới mưu sinh lập nghiệp. Đồng thời thể hiện sự cảm thông, chia sẻ của những người đồng cảnh ngộ và nhắc nhở con cháu đời sau về sự khó khăn của cuộc sống lạc loài, xa xứ:

“Hò… ơ… Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai.
Nước sông trong sao cứ chảy hoài,
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.” [1; 25]

Có thể nói, thổ ngơi, mùi vị, cuộc sống, nếp sinh hoạt của vùng Nam Bộ… là đề tài, là nguồn cảm hứng dường như không bao giờ cạn cho những trang viết của Bình Nguyên Lộc. Ông từng nói: “Văn tôi bắt nguồn từ những cảnh đẹp với quê hương và xuất phát từ lòng nhớ nhung tha thiết của tôi với nó…” [7]. Tác phẩm đã mang đến cho người đọc không gian Nam Bộ với những nét văn hóa đặc trưng xuất hiện xuyên suốt cả truyện, trực tiếp hoặc gián tiếp. Từ đó, thể hiện tài năng và vai trò của Bình Nguyên Lộc trong việc lưu giữ hình ảnh con người và những giá trị văn hoá vùng đồng bằng Nam Bộ trong dòng chảy mải miết của thời gian “Không gian trong truyện Bình Nguyên Lộc thường được trình bày qua góc nhìn văn hoá. Ở đó mỗi chi tiết, địa danh đều lưu dấu thời gian và nếp sinh hoạt, tập quán của con người” [7].

4. Không gian tâm lý

Bên cạnh không gian thiên nhiên, sinh hoạt, văn hóa, Bình Nguyên Lộc còn tái hiện một không gian khác, đó chính là không gian tâm trạng. Không gian này diễn ra bên trong đời sống tinh thần của nhân vật, nó tồn tại trong những ký ức và tưởng tượng của nhân vật “Đây là loại không gian cảm tính mang tâm trạng, tư tưởng của nhân vật và tác giả” [4; 279].

Không gian tâm lý trong tác phẩm Rừng mắm, trước hết được biểu hiện qua những suy nghĩ, xúc cảm nội tâm nhân vật. Đó là cảm xúc của nhân vật Cộc muốn thoát khỏi cảnh sống hiện tại, là sự chứa chan tình cảm gia đình, là sự nhạy cảm tinh tế của tâm hồn đứa trẻ mới lớn. Cộc cảm thấy bức bối, buồn chán, lo lắng với không gian hiện tại “Cả nhà đều hớn hở trước dự định tương lai tốt đẹp kia. Nhưng thằng Cộc chưa thấy gì là xán lạn cả” [1; 16]; “Chuyến đi đầu đến một chơn trời xa lạ mà ông nội nó vừa cho biết, không làm cho nó phấn khởi chút nào cả” [1; 10], “nó thích vườn tược sầm uất hơn cảnh rừng tràm tối mịt hoặc cảnh đồng không bát ngát ở đây” [1; 7]. Trong thế giới nội tâm của Cộc, luôn rất mực yêu thương gia đình, Cộc nhìn những người thân bằng con mắt trìu mến, tha thiết, chân thành “Nó nhìn ông nội nó rồi chợt nhận ra rằng năm nay ông cụ già quá…  nó bùi ngùi thương nhớ ông nên dòm ra sân để quên” [1; 15], “Thằng Cộc nhìn lại ông nội nó và nghe thương không biết bao nhiêu” [1; 24]; “Thằng Cộc lo lắng không biết tía nó sẽ làm tràm như nó được hay không nên kêu tía nó bằng một giọng thương yêu trìu mến hết sức” [1; 25]. Ở tuổi mới lớn, Cộc có những rung động, dù còn mơ hồ “Sự nẩy nở của thân thể nó đi song đôi với sự trưởng thành của đời sống sinh lí bên trong của nó. Năm nay nó đã bắt đầu bâng khuâng mỗi khi chiều xuống” [1; 11], “Nhưng sống cô đơn ở đây, nó không biết chuyện trai gái như vầy là xấu đến mức nào và nó phải có thái độ làm sao nên bối rối lắm” [1; 11], “Những cô con gái lớn chưa thấy hình ấy, mà đã có tiếng kêu được, chúng âm thầm gọi Cộc, tiếng gọi như văng vẳng đâu trong không trung” [1; 17]. Đời sống tinh thần của đứa trẻ 15 tuổi, bằng tình cảm thương yêu và quý trọng những thành viên trong gia đình, niềm khao khát thay đổi hiện tại và những rung động mới lớn, cho thấy diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật.

Ngoài ra, không gian tâm lý còn được thể hiện qua dòng hồi ức của nhân vật Cộc. Hình ảnh làng nơi nhân vật từng ở với gia đình đến năm 10 tuổi hiện lên rõ ràng và đối lập hoàn toàn với vùng Ô-Heo “cách đây mấy năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng. Hồi ấy nó sướng lắm. Quanh nhà nó, có hàng trăm nhà khác, có vườn cây trái, có nước ngọt quanh năm, có trẻ con để nó làm bạn, để nó đùa giỡn với” [1; 6]. Đó là kí ức tươi đẹp, cuộc sống tạm gọi là sung túc mà Cộc luôn nhớ về. Đồng thời, ám ảnh nhân vật Cộc, khiến nhân vật luôn khao khát được tận hưởng không khí của không gian ấy “Nghĩ đến những năm cũ, thằng Cộc bỗng nghe thèm người vô cùng, thèm còn hơn là thèm một trái xoài ngọt, một trái khế chua mà từ năm nay nó không được nếm” [1; 7]. Có thể thấy, tuy Cộc rời xa làng một thời gian đã lâu, nhưng kí ức vẫn hiện diện sâu sắc trong tâm trí nhân vật, không gian quá khứ và hiện tại đôi khi đồng hiện vào nhau, thông qua dòng suy nghĩ của nhân vật.

Bên cạnh không gian hồi tưởng, còn là không gian tưởng tượng. Sau khi nghe câu chuyện của người đàn ông và người đàn bà khuyên bảo Cộc về làng, Cộc mơ tưởng đến một không gian tốt đẹp hơn, ở đó sẽ thỏa mãn những nhu cầu và khát khao của Cộc “nó tiếp tục thèm chè, thèm xưng xa, nhớ đám cung đình, nhớ hát bội và bị một hình ảnh mới quyến rũ, hình ảnh của con Thôi, chắc là giống hệt chị nhổ bồn-bồn, tức là có duyên lắm” [1; 17], “thằng Cộc thì xôn xao trong lòng, nhớ lại lời chị nhổ bồn-bồn bảo rằng nó mà về làng làm ruộng thì ai cũng ưa. Ừ, nó sẽ hò đối đáp với con Thôi” [1; 19], “thằng Cộc càng nao nức muốn về làng” [1; 19]. Bằng thủ pháp đối lập, nhà văn cho thấy không gian này khác hoàn toàn với không gian hiện tại “không có nhà cửa ai cả, không có quán tiệm gì hết. Với lại cũng không có tiền” [1; 13].  Không gian ấy hiện tại chưa có thật, nó chỉ tồn tại qua lời kể của chị nhổ bồn-bồn, nó là không gian tâm lí, hiện lên trong tưởng tượng của nhân vật. Thông qua đó, ta thấy được ước mơ, khao khát thay đổi môi trường sống của nhân vật. Đồng thời, phản ánh sự phức tạp trong nội tâm của cậu bé, không biết sẽ từ bỏ không gian hiện tại hay tiếp tục ở lại để gìn giữ và và tiếp tục “hy sinh chút ít” cho con cháu ở vùng Ô-Heo.

Ngoài nhân vật Cộc, không gian tâm trạng còn được thể hiện qua kí ức của những thành viên khác trong gia đình. Có lẽ với họ, quá khứ chính là thước phim khắc ghi trong tâm trí để kể cho con cháu sau này nghe. Thậm chí, khiến họ tạm quên đi sự mệt mỏi trong khi lao động, trong cuộc sống khó khăn hiện tại. Má của Cộc cất tiếng hò trong lúc làm việc bởi “bà vẫn ngậm ngùi nhớ cái thú vui ấy khi bà còn con gái và ngay bây giờ đây, tóc đã nhuốm hoa râm rồi, bà cũng hưởng được nếu còn ở làng, hưởng bằng cách khuyến khích bọn trai trẻ hò đối đáp với nhau” [1; 19]. Hay những kí ức của ông nội về quá khứ khai khẩn đất hoang “Là tổ tiên ta ngày xưa từ Bắc, Trung tràn vào đây đều chịu số phận của cây mắm hết… ở đâu cũng hoang vu cả” [1; 24], những mơ ước của ông nội về một tương lai tươi sáng hơn ở vùng đất này “vùng Ô-Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu” [1; 24]. Lời giải thích của ông nội vào một buổi sáng cùng ông và cha chèo thuyền ra biển làm Cộc cảm nhận được cái cao cả của tự nhiên và của con người. Con người có khả năng cải tạo tự nhiên, sống cùng với tự nhiên. Những thành viên như ba má, ông nội là đại diện cho thế hệ đi trước. Thông qua không gian tâm trạng của họ, độc giả sẽ thấy được vai trò giữ gìn, truyền lửa, sự chăm chỉ cần cù vì thế hệ sau. Đó cũng chính là nét tính cách tốt đẹp của người dân Việt Nam tự bao đời.

Nhìn chung, không gian tâm lý trong Rừng mắm được Bình Nguyên Lộc miêu tả là thế giới tâm hồn, diễn ra bên trong tâm trạng của nhân vật, là không gian mà những suy nghĩ, tâm tư của con người có dịp ùa ra và con người sống thực với chính mình nhất. Nếu không gian hiện thực là cách thức giúp tác giả phản ánh cuộc sống thì không gian tâm tưởng có ý nghĩa đặc biệt đối với việc thể hiện chiều sâu tâm lí nhân vật. Nó có lúc xuất hiện qua hồi tưởng, kí ức; khi lại hiện lên trong mơ tưởng, tưởng tượng. Tạo dựng kiểu không gian này, tác giả muốn thâm nhập sâu vào thế giới tâm hồn con người, đặc biệt là một đứa trẻ đang lớn để khám phá, tìm hiểu, lí giải hiện thực cuộc sống và bản chất nhân vật.

KẾT LUẬN

Thông qua việc khảo sát không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Rừng mắm trên các dạng thức: không gian thiên nhiên, không gian sinh hoạt, không gian văn hóa, không gian tâm lí cho thấy giá trị đặc sắc về mặt nghệ thuật và nội dung của tác phẩm. Bình Nguyên Lộc đã tái hiện thành công bức tranh văn hóa, tình người, niềm thương nhớ và những nét tính cách đặc trưng của con người Nam Bộ. Tác phẩm không chỉ đáng quý bởi tâm hồn, quan điểm của nhà văn mà còn có chất lượng nghệ thuật cao, đạt hiệu quả thẩm mỹ. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã khẳng định được vị trí của mình trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 nói riêng và để lại dấu ấn trong nền văn học Việt Nam nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bình Nguyên Lộc (2024), Rừng mắm, Nhà xuất bản Trẻ.
  2. Đào Thị Cúc (2010), Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kì đổi mới, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Đoàn Tiến Dũng (2010), Không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  4. Phạm Ngọc Hiền (2019), Thi pháp học, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.
  5. Phạm Ngọc Hiền (2018), Tiếp cận tác phẩm văn chương từ góc độ thi pháp học, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.
  6. Nguyễn Lương Hải Khôi (2004), Đặc trưng văn xuôi nghệ thuật Bình Nguyên Lộc, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Nguyễn Thị Thu Trang (2009), Con người và văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
  8. Nguyễn Thanh (2023), Bình Nguyên Lộc – Đại thụ rừng văn chương phương Nam, https://vanhocsaigon.com

Vannghemoi.com.vn − 19:23, ngày 05/11/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền