Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Phan Tứ (20/12/1930)
Tình cờ, tôi đọc được trên mạng bài viết của luật sư Trần Hồng Phong nói về một số bài báo lớn tiếng chỉ trích cách hành xử vô lương tâm của nhà văn Phan Tứ trong mối quan hệ với bà Út Phận nào đó ở Tam Mỹ Tây (Quảng Nam). Lần theo các chỉ dẫn, tôi đã đọc 5 bài báo của các tác giả sau đây:
1.Gặp cô Mẫn trong Mẫn và tôi của Phan Tứ, tác giả Trung Việt ngày 24/4/2009.
2. Mối tình thật trong tiểu thuyết của nhà văn Phan Tứ, tác giả Bùi Hữu Cường ngày 2/10/2011.
3. Theo dấu văn thơ – Kỳ 6: Mẫn của chúng ta, tác giả Hứa Xuyên Huỳnh ngày 3/08/2013.
4. Hoài thương một phận người, tác giả Song Anh ngày 28/03/2015.
5. Nỗi buồn Út Phận, tác giả Thành Dũng ngày 24/8/2016.
Từng cùng đi B và sống với Phan Tứ một thời gian ngắn ở Tuyên Huấn Khu 5 nên tôi dễ dàng nhận ra những chuyện bịa đặt và buộc tội lố bịch, thiếu căn cứ. Thế là tôi tự nhủ: Phải viết một cái gì đấy, dầu có phải mất công sức và thời gian. Đây không chỉ là tình cảm đối với cá nhân nhà văn mà còn là trách nhiệm đối với xã hội.
Có một điểm chung giữa các bài báo nói trên là câu chuyện kể của bà Út Phận quá nghèo nàn, không mấy thuyết phục nên các tác giả đều phải viện đến khái niệm nguyên mẫu như là một công cụ hữu hiệu cho mục đích của mình. Nguyên mẫu cho dầu là đúng thật và dẫu giữa chúng với hình tượng nghệ thuật có rất nhiều điểm tương đồng thì chắc chắn cũng không phải là tất cả. Cho nên, chúng ta sẽ không mất thời gian bàn về cái trò chơi chữ vớ vẩn, dùng câu chuyện trong tiểu thuyết để chứng minh câu chuyện ngoài đời là có thật, mà tập trung phân tích trực tiếp “những câu chuyện thực” các tác giả đã kể.
Trung Việt viết: Phan Tứ vào chiến trường miền Nam năm 1960. Bà (tức Út Phận) gặp ông giữa đường khi đi cáng thương binh. Hứa Xuyên Huỳnh cũng khẳng định như thế. Song Anh cụ thể hơn: Năm 1960, Phan Tứ vào chiến trường Tứ Mỹ – Kỳ Sanh và cuộc gặp của bà Phận với Bốn Gương cũng bắt đầu từ đấy. Bùi Hữu Cường và Thành Dũng đã “sửa” năm 1960 thành năm 1961 và vẽ vời thêm một số cuộc gặp gỡ khác. Bùi Hữu Cường viết: Hồi năm 1961, khi Phan Tứ về đây nằm vùng và đi họp, đi học y tá ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, đi tải thương, làm gì cũng thấy có ổng cả! Còn theo Thành Dũng: Cuối năm 1961, Út Phận học lớp đào tạo cán bộ hợp pháp tại Quảng Ngãi…Phan Tứ là người đứng điểm dạy.
Nhưng xin thưa với các tác giả, cho đến giữa năm 1961, Phan Tứ vẫn đang còn ở Hà Nội, là sinh viên khoa Văn trường đại học Tổng hợp. Sau một thời gian ngắn tập trung ở sân bay bay Gia Lâm làm công tác tổ chức và tư tưởng, đến giữa tháng 7 năm 1961, anh rời Hà Nội lên đường đi B. Hai tháng tiếp theo, anh hành quân trên đường Trường Sơn và mãi đến đầu tháng 9 mới về đến Ban Tuyên Huấn khu 5 ở vùng núi cao Nam Trà My. Sau hơn một tháng tham gia sản xuất ở căn cứ, anh được giới thiệu về ba xã trung du Cót, Nú, Dút ở Bắc Trà Mi để thâm nhập đời sống đồng bào dân tộc Kor. Đến cuối tháng 11, lại được điều về đoàn công tác 32A của đồng chí Bảy Lộc, thường vụ khu ủy 5. Cơ quan 32A chỉ là một chòi nhỏ cũ nát trong rừng, thuộc vùng giáp ranh Trà My-Tam Kỳ. Thế là phải lao ngay vào chặt cây làm chỗ ở, chỗ họp, chuẩn bị nội dung cuộc họp của đảng ủy mở rộng và lớp học nghị quyết cho cán bộ huyện Tam Kỳ. Mãi đến giữa tháng 12, anh mới chính thức được phân công về giúp công tác Tuyên huấn đội công tác Tứ Mỹ. Trong 15 ngày cuối năm 1961 ở đây, Phan Tứ lại bù đầu vào vô vàn công việc của một thôn mới giải phóng, nào viết lời thề cho du kích, dạy hát cho thiếu nhi, tham gia tổ chức ngày ra mắt của mặt trận, dự họp các đội trưởng của 32A…chẳng đi đâu cả. Đoàn tải thương mà Phan Tứ gặp sớm nhất có lẽ là trong trận diệt đồn Trà My được anh ghi lại khá chi tiết. Nhưng đó là mãi đến ngày 27 tháng 2 năm 1962! Và đoàn tải thương ấy chỉ toàn đồng bào dân tộc thiểu số.
Vả lại, xin hỏi các tác giả, bà Phận đi tải thương cho trận đánh nào hay chiến dịch nào trong năm 1960 và năm 1961 vậy? Từ tháng 8 năm 1961 trở về trước, Kỳ Sanh còn nằm trong vòng kèm kẹp của Mỹ ngụy, nếu bà Phận quả có đi tải thương thì chỉ có thể là tải thương cho “lính quốc gia”, làm sao có thể gặp ông nhà văn Phan Tứ của Mặt trận Giải phóng được. Còn trong những tháng cuối cùng của năm 1961, chung quanh vùng này của đồng bằng Tam Kỳ, Quân Giải phóng không có trận đánh lớn nào cần phải huy đông dân công tải thương cả.
Tóm lại, Phan Tứ không hề gặp bà Phận đi tải thương trong năm 1960 và năm 1961. Có lẻ là bà Phận và các tác giả đã “bé cái nhầm” ông Tứ nào đấy ở núi rừng Quảng Nam với nhà văn Phan Tứ.
Lại còn nói gặp Phan Tứ đứng điểm dạy ở lớp y tá hay lớp đào tạo cán bộ hợp pháp tại Đức Phổ, Quảng Ngãi trong năm 1961 nữa thì thật là quá hoang đường. Trong chiến tranh, việc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm và tốn rất nhiều thời gian. Cho nên những lớp học sơ cấp như vậy thường là do các huyện tự tổ chức. Nếu thuận lợi có thể gửi sang huyện liền kề. Làm gì có chuyện từ Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam, vượt qua bốn năm huyện suốt chiều dài của tỉnh Quảng Ngãi để đến tận Đức Phổ xa xôi chỉ để học y tá hay học hoạt động hợp pháp. Về người đứng điểm dạy, điều đầu tiên có thể khẳng định ngay là Phan Tứ có hoạt động ở Quảng Ngãi nhưng chỉ ở mấy xã thuộc huyện Bình Sơn, giáp ranh với Quảng Nam, chưa hề đặt chân đến Đức Phổ. Thứ đến là, ngoài các lớp học cho du kich, cho thanh niên, thiếu nhi…ở Tứ Mỹ do anh tự biên tự diễn vào mười lăm ngày cuối năm, cả năm 1961, Phan Tứ chưa hề giảng dạy ở bất cứ lớp học nào do cấp trên tổ chức. Đến năm 1962, anh mới tham gia giảng dạy ba lớp học ở Quảng Nam. Đầu tiên là lớp học cho cán bộ tuyên truyền xã, được tổ chức ở B27 (Phước Tiên) và lớp học cho thanh niên, rồi đến cuối năm là lớp binh vận ở Tam Kỳ. Tuyệt nhiên không có lớp y tá hay đào tạo cán bộ hợp pháp nào!
Rõ ràng là câu chuyện bà Phận được cử đi học hai lớp đào tạoở Đức Phổ vào năm 1961 và gặp Phan Tứ đứng điểm dạy ở đó là hoàn toàn bịa đặt, nói dối một tấc đến trời.
Thanh Dũng lại còn vẽ thêm một lớp học nữa cho bà Phận và Phan Tứ gặp nhau, đó là lớp học tiếng Mỹ tại xã vào đầu năm 1962. Hãy xét xem bức tranh của Thành Dũng “siêu thực” đến mức nào.
Dễ thấy rằng, trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt, đối tượng tác chiến trực tiếp trên chiến trường của quân dân miền Nam là quân ngụy chứ không phải quân Mỹ. Việc học tiếng Mỹ chưa hề được đặt ra ngay cả với cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, chứ đừng nói đến việc tổ chức học đại trà cho đến tận cán bộ cơ sở như bà Phận.
Và trên thực tế, vào đầu năm 1962, ở xã Kỳ Sanh không hề có một lớp học tiếng Mỹ nào. Còn ông thầy đứng điểm dạy, Phan Tứ, thì từ 15 tháng 1 năm 1962, đã rời khỏi địa bàn Tứ Mỹ, Kỳ Sanh cùng đội công tác thọc sâu xuống Kỳ Thạnh, Thạnh Xương, Kỳ Liên… vận đông nhân dân đồng khởi. Chỉ thỉnh thoảng anh mới trở về thăm hoặc dự các cuộc họp cán bộ 32A tổ chức ở Tứ Mỹ. Những ngày như thế trong nửa đầu năm 1962 có thể đếm trên đầu ngón tay.
Rõ ràng là, cái lớp học tiếng Mỹ vào đầu năm 1962 là sự bịa đặt thô thiển của một bộ óc kém hiểu biết về lịch sử và thực tế.
Gặp nhau ngoài đường hay trong lớp học tất nhiên là chẳng có mấy ý nghĩa, cho nên các tác giả phải đưa hẳn Phan Tứ về nhà ông Quới, cha bà Phận ở Tịnh Sơn, một thôn đồng bằng của xã Kỳ Sanh, huyện Tam Kỳ.
Trung Việt viết: Một tháng sau, ủy ban dẫn ông vào nhà cha bà, nói rằng cho ủy ban gửi một tháng và lúc đó tao, tức bà Phận, mới 20 tuổi. Song Anh mùi mẫm hơn: Tình yêu nảy nở trên miệng hầm tránh địch ngay trong ngôi nhà cha mẹ bà, bắt đầu từ năm 1960. Năm 1960, xã Kỳ Sanh nói chung và thôn Tịnh Sơn nói riêng còn nằm trong ách kèm kẹp của Mỹ Diệm, làm gì có cái Ủy ban mặt trận nào? Còn Phan Tứ thì đang ở Hà Nội làm sao có thể nẩy nở tình yêu với một cô gái ở tận Tam Kỳ, Quảng Nam?
Theo Bùi Hữu Cường thì: Phan Tứ về đây nằm vùnghồi năm 1961. Nằm vùng là hoạt động bí mật lâu dài trong vùng địch thì làm gì có cái cảnh Khi ấy, bộ đội, cán bộ đi về như nước chảy như chính tác giả miêu tả liền sau đó?!
Cả Trung Việt và Bùi Hữu Cường đều nhắc đến cái hầm chỗ gốc mít để Phan Tứ vọt xuống nấp hoặc chui vô trốn. Tuy nhiên, gốc mít của Trung Việt thì ở góc vườn, còn gốc cây mít của Bùi Hữu Cường thì, úm ba la, chuyển ngay vào trước sân nhà!
Sự thật là thôn Tứ Mỹ được giải phóng từ tháng 8 năm 1961 và nhanh chóng trở thành căn cứ địa và bàn đạp của nhiều cơ quan, đoàn thể cách mạng; cán bộ, bộ đội đi về nườm nượp, có cả văn công biểu diễn. Hòa vào dòng người đông đảo đó, Phan Tứ về Tứ Mỹ công táccông khai chứ không phải nằm vùng. Anh tự đến gặp chị Hoa, Chủ tịch ủy ban thôn Tứ Mỹ đúng trưa ngày 12 tháng 12 năm 1961. Buổi chiều, anh đi thăm, làm quen với các gia đình trong xóm. Tối đến, anh được đưa về ngủ ở Trại Bí mật của đội công tác. Tuyệt nhiên không có người nào của ủy ban đưa Phan Tứ đến gửi nhà ông Quới, cha bà Phận cả. Vả lại, Phan Tứ được cử về đội Tứ Mỹ giúp công tác tuyên huấn, còn nhà ông Quới lại ở Tịnh Sơn cơ mà.
Rõ ràng , trong năm 1961 và cả lâu dài về sau, hoàn toàn không có chuyện Phan Tứ nằm vùng hoặc thậm chí chỉ ở nhờ nhà cha bà Phận. Tất cả chỉ là bịa đặt !
Hứa Xuyên Huỳnh cùng với ông bí thư Tám nào đó còn “dựng lên” một cái lều tạm hay cái lán trại để Phan Tứ ngồi viết truyện, trong đó có tiểu thuyết Gia đình má Bảy. Sau một đợt công tác dài ở cơ sở, vào nửa cuối tháng Ba năm 1962, Phan Tứ quả có về thương lượng với kho thóc B28 để ở và viết. Theo nhà văn Thanh Quế, Phan Tứ phải tự lo liệu mọi thứ cho đời sống của mình, kể cả việc mua gạo, mua muối. Phan Tứ cũng viết trong nhật ký: Quá nhiều khó khăn trong tự cung cấp gạo và thức ăn. Vẫn canh rau má liên tục, mắm đã hết, chỉ muối nêm, có khi muối không canh. Không có ai làm lán trại cho anh. Lại càng không có chuyện bà Phận đưa thức ăn và áo quần lên. Chính ở đây, anh đã cho ra đời tập truyện ngắn Về làng chứ không phải tiểu thuyết Gia đình má Bảy.
Chưa hết. Để cho mối tình của bà Phận trong gian khổ và ác liệt thêm mùi mẫn, họ bịa ra câu chuyện ăn chén chung rất giật gân. Trung Việt dẫn lời bà Phận: Tao biết ổng thương tao là do ăn chén chung. Thì sáu người mà chỉ có ba cái chén. Tao với ổng một chén. Bùi Hữu Cường cũng viết tương tự, gần như sao chép. Phan Tứ không hề được ở nhà ông Quới và cái lều dựng tạm chỉ là cái lều ma. Vậy thì bà Phận đưa cơm cho Phan Tứ ở đâu và vào lúc nào vây? Gia đình ông Quới là gia đình khá giả không đến nỗi thiếu chén cho sáu người ăn. Và ngay cả khi thiếu bát ăn thực sự thì Phan Tứ cũng như những người lính Giải phóng vẫn luôn luôn tìm ra vô vàn cách đơn giản để không phải trở về cái thời kỳ ăn lông ở lỗ, người ni ăn xong chuyển sang người kia. Chuyện ăn chén chung làm tôi liên tưởng đến luận điệu tuyên truyền của Mỹ Diệm cộng sản ăn xương rồng, ỉa phân bò, bảy người đeo tàu đu đủ không gãy. Phi lý đến mức mà sau này, những kẻ bịa đặt cũng thấy xấu hổ và ghép vào tội mỉa maiquốc gia những ai nêu lại hình ảnh đó. Có thể liệt những người bịa ra câu chuyện thương nhau là do ăn chén chung vào hạng người có kiến thức và tư cách như thế.
Rồi cái chuyện bế con 6 tháng lên gặp Phan Tứ cũng tiền hậu bất nhất. Tháng 4 năm 2009, theo Trung Việt thì bà Phận đi cùng với mấy chị em, khi bồng con về nhà thì chị tao la lên vì thấy chiếc nhẫn. Nhưng đến tháng 10 năm 2011 và tháng 8 năm 2016, với Bùi Hữu Cường và Thành Dũng thì mấy trở thành một và chị tau trở thành chị hàng xóm.
Ngoài ra, còn có những chi tiết sống sượng, trơ trẽn đến phát ngượng. Không một người phụ nữ đứng đắn, hiểu biết và tự trọng nào sau khi kể chuyện lại hỏi người nghe: Cậu thấy chuyện trong tiểu thuyết và chuyện thật của tui cái mô hay hơn? Rồi tự tâng bốc một cách quá quắt: Tiểu thuyết thì vẫn cứ là tiểu thuyết! Chuyện của tui còn ly kỳ và hấp dẫn hơn nhiều (!!!). Chỉ cần anh một lần nói dối thì vạn lần khác cũng đáng ngờ. Vậy mà tôi đã vạch ra hàng tá lần nói dối của các tác giả, nên thôi, không viết thêm nữa.
Đến đây, sẽ có nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Ừ, thì họ nói láo, nhưng thực hư mối quan hệ của Phan Tứ và bà Út Phận ra sao? Cha của đứa con bà Út Phận là ai? Những chuyện như thế, xưa nay đều không thể qua được tai mắt của những người chung quanh và của tổ chức, liệu có thể tìm được câu trả lời.
Hứa Xuyên Huỳnh có viết: Nhiều dư luận đa chiều khi bà Phận sinh đứa con duy nhất. Nhưng đáng tiếc, tác giả không viết thêm gì về các dư luận đó, ngoại trừ một chi tiết không phải là dư luận nhưng cũng đáng suy nghĩ: bà Phận gửi con cho một người lính bảo an làm con nuôi? Tác giả còn hạ thêm một câu: mọi thông tin khác đều giữ kín ra vẻ đây là “bí mật quốc gia”, để bào chữa cho cách viết “một nửa sự thật” của mình. Tuy nhiên, mọi thông tin mà Hứa Xuyên Huỳnh muốn giữ kín đã được Phan Tứ ghi khá chi tiết trong nhật ký của mình từ 50 năm trước. Nhật ký được nhà xuất bản Văn học phát hành vào tháng 7 năm 2011, gồm 3 tập dày dưới cái tên Từ chiến trường khu 5.
Tôi tin ở sự trung thực của nhật ký. Thông thường, người ta viết nhật ký là để cho mình đọc, phục vụ cho chính mình chứ không phải để đưa ra công chúng. Người ta có thể dối trá với người khác chứ không thể dối trá với chính mình. Đã thế, Phan Tứ còn cẩn thận viết lên bìa quyển nhật ký: “Mật – ghi chép riêng của Phan Bốn không ai được xem. Vẫn có những bạn đọc nghi ngờ khâu biên tập. Nhưng theo tôi, về nội dung, những người biên tập và nhà xuất bản thường chỉ đặc biệt chú ý đến những vấn đề liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia. Riêng những chuyện viết về Út Phận, một người rất bình thường trong hàng trăm nhân vật của nhật ký có gì đáng quan tâm hơn đâu mà người biên tập phải nhọc công thêm bớt.
Phan Tứ rất chịu khó khắc họa chân dung các mẹ, các chị và các cô em gái mười sáu đôi mươi đã từng sát cánh với anh trong những năm tháng chiến đấu cam go, ác liệt. Phan Tứ thú nhận: Thật khó mà giữ được tâm hồn trong sạch khi quá tuổi 30 mà vẫn còn trai tơ. Phải chống lại nỗi thèm muốn xác thịt nhiều khi rất khủng khiếp. Tuy vậy, trong cuộc chiến thầm lặng và quyết liệt này, cuối cùng, anh vẫn làm chủ được mình, dập tắt được mọi xúc cảm, giữ được danh dự của người đảng viên, giữ được cuốn sổ đời mình trắng tinh. Tuyệt nhiên, trong số các cô gái làm trái tim Phan Tứ xao xuyến, rung rinh không hề có bóng dáng Út Phận.
Cái tên Út Phận xuất hiện đúng một dòng cùng với hình ành những cô gái nghiện thuốc lá vào ngày 13 tháng 7 năm 1962: Rất nhiều cô gái hút thuốc, tôi đùa: “Thấy mặt là thấy thổi loa”. Út Phận người bé loắt choắt được gọi là “ác ôn phụ nữ”.
Năm tháng sau, tức cuối năm 1962, anh mới có điều kiện biết chi tiết hơn về Út Phận. Hồi đó, huyện ủy Tam Kỳ mở một lớp học binh vận, Phan Tứ tham gia giảng dạy, còn Út Phận là học viên. Trong con mắt của Phan Tứ, Út Phận không phải là một cô gái tuổi 20…đẹp đến chừng nào như Bùi Hữu Cường hình dung, mà trái lại, da hơi trắng, má dẹp, mũi to hơi khoằm. (Sau này, anh còn viết thêm: thân hình béo lùn). Út Phận là cô gái thích làm đỏm trong ăn mặc, điệu đàng trong đi đứng, nói năng và khoe của một cách vụng về. Còn về đời tư của Út Phận, vào thời điểm đó, Phan Tứ chỉ đoán mò Vậy là cô ta ở vào số phận có chồng hoặc người hứa hôn đi lính Mỹ Diệm. Cần nhắc lại, lúc đó đã là cuối năm 1962 chứ không phải năm 1960 hay 1961 như các tác giả đã viết!
Mười ngày sau khi lớp học bế giảng, địch càn vào Đồng Cố, Xuân Thọ, Tứ Mỹ…Tối 9 tháng 1 năm 1963, Phan Tứ đi tìm Bích, Khiêm và đồng bọn khá lâu trong các lều trại và gặp họ ở chòi rẫy trơ trọi của Tịnh Sơn. Út Phận cũng có ở đấy và anh được nghe hai lần cô ta hét. Lần thứ nhất, Út Phận hét Bảy Đỡ đang bật máy lửa: “nó thấy”. Lần thứ hai, trong khi chờ đợi quá lâu mà vẫn chưa nghe tiếng mìn đánh xe lội nước của du kích, Phận hét: “Đó không đánh, để xuống quốc lộ tìm chi”.
Trong nhiều tháng tiếp theo, Phan Tứ có thêm thông tin về Út Phận và anh gom vào trong chuyên đề Nạn dịch chửa hoang viết ngày 8 tháng 6 năm 1963. Hầu hết nạn nhân là các cô gái còn rất trẻ, và như anh đã từng nhận xét, có khi quan hệ yêu đương pha trộn với ý tưởng an ủi và sự hy sinh…Út Phận là một trường hợp khác hẳn: Út Phận có chồng đi quân dịch, mới tết vừa qua có về thăm (cách đây 4 tháng) nhưng cô ta có chửa với một thanh niên trong xóm nên đến nay đã gần đẻ. Cô ta muốn phá thai, tránh các cuộc họp và cố chối cãi.
Hơn mười ngày sau khi viết những dòng trên, Phan Tứ về thăm Tịnh Sơn. Ở đây, ông Quới đã nhờ anh viết đơn lên ủy ban về việc các giấy tờ đất đai bị mối xông. Anh đã gặp và Ghi thêm về Út Phận: Không thấy bụng to nhưng da rất xanh, có lẽ đã phá thai. Cười và chối: “Chửa đâu mà chửa, ủy ban không phàn nàn gì về công tác của tôi, tôi vẫn công tác binh tề vận, công tác phụ nữ không cần tôi. Chị Hòa hay phê bình gay gắt, tôi bất mãn lắm!”. Chị Hòa mà Út Phận nhắc đến là một cán bộ phụ nữ địa phương dũng cảm và nhân hậu, một mình lẫn trong quần chúng nửa hợp pháp,đi cả vào đồn địch đấu tranh và xẻ chia lon gạo cuối cùng với cán bộ qua đường. Ngày hôm sau, Phan Tứ đến thăm chị ở thôn Thạnh Mỹ và được chị khẳng định lại những phê bình gay gắt của mình đối với Út Phận.
Tám tháng sau, ngày 11 tháng 2 năm 1964, nhân dịp Tết âm lịch, Phan Tứ lại về thăm Tịnh Sơn. Anh viết: Ông Quới vui mừng thấy tôi tới, coi là khách quý. Và tất nhiên, cái sự thật mà 6 tháng trước Út Phận còn cốchối cãi thì bây giờ đã hiển hiện ra trước mắt Phan Tứ bằng xương bằng thịt: Con của Út Phận giãy đạp và khóc, mập mạp, có đội mũ và mang tất…Út Phận đi chợ về, xưng tôi chứ không xưng em như trước đây. Bạo dạn hẳn lên, hết cả xấu hổ. Ở lại nhà mình chứ không ở nhà người chồng “bình phong” (hình như đã bị địch thải hồi và về sống với người mẹ đã bị mù). Trả lời câu hỏi của Phan Tứ, cô ta thẳng thừng: Hết công tác rồi! Hết mùa rồi! Nghe cô ta dè bĩu vùng giải phóng và ca ngợi vùng địch, Phan Tứ tự hỏi: Nói dối hay thật? Rất khó tin ở một cô đã nói dối khá lâu.
Anh nhìn lại vẻ ngoài của Út Phận và thở dài: Thế là bớt đi một cô hoạt động cách mạng. Anh tiếc rẻ các lời đã khuyên cô ta về hợp pháp hóa…Độ đã có lý khi “cạo” tôi, tôi chỉ phân trần là không hiểu thực tế quá phức tạp. Độ là một huyện ủy viên của huyện ủy Tam Kỳ, đã nhiều năm lăn lộn và gắn bó với phong trào nên hiểu khá rõ và chính xác tính cách cùng tư chất của các cán bộ cơ sở trong địa bàn.
Út Phận trong con mắt của Phan Tứ là như vậy, quan hệ giữa anh và cô ta chỉ có thế. So với Hai Mẫn được Phan Tứ giành nhiều tâm huyết ca ngợi thật là một trời một vực cả về ngoại hình lẫn nội tâm. Nhật ký của Phan Tứ là một bằng chứng nữa vạch trần thủ đoạn đê tiện dựng lên cái gọi là nguyên mẫu để vu khống một người đã khuất.
Đối với tôi, viết những điều xấu xa này là một việc bất đắc dĩ. Trước hết, vì nó sẽ ít nhiều làm tổn thương con cháu của bà Phận, những người không đáng phải chịu như thế, tôi mong được họ thông cảm. Và ngay cả đối với bà Phận, nếu bà cố quên những lỗi lầm để sống nốt quảng đời còn lại thì không ai đang tâm moi móc những chuyện quá khứ chẳng mấy tốt đẹp của bà. Đằng này bà lại đi vu khống một người tốt, rất tốt, bạn bè và đồng đội của Phan Tứ biết rõ sự thật, không thể không lên tiếng.
Ừ, thì người kể vì cái tôi của mình có thể có sai lầm có ý thức. Nhưng còn các tác giả? Sao lại có thể tương những cái sai hiển nhiên như thế vào bài của mình? Rồi những người phụ trách tờ báo. Họ cũng phải chịu trách nhiệm chứ? Không một tờ báo nào đăng tải những bài viết chống lại quan điểm của chính mình. Đằng sau sự non kém về nghề nghiệp liệu có ẩn dấu những động cơ xấu xa, thậm chí là nguy hiểm? Tôi mong các tổ chức xã hội mà Phan Tứ từng là hội viên và cả các cơ quan ngôn luận, pháp luật hãy chính thức lên tiếng. Hãy bảo vệ sự trong sáng của những người lương thiện, nhất là những người đã quá cố, không thể tự vệ.
NAM HƯƠNG
TRAO ĐỔI THÊM VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG KHÔNG ĐƯA VÀO BÀI VIẾT
1. Có người nói, chuyện sinh hoạt vặt vãnh ấy mà, làm sao mất uy tin của Phan Tứ được.
Chuyện sinh hoạt vặt vãnh, ấy là nói theo quan điềm hiện đại. Còn trước đây, đó là vấn đè tư cách, đạo đức, vấn đề phẩm giá. Và trong thực tiễn của thời Phan Tứ ở chiến trường thì nó còn nghiêm trọng hơn nhiều. Ngày 25/4/1962, anh viết: Họ (tức các cô gái) không hình dung là ở đây tai hại đến mức nào khi một cơ sở bị mang thai. Sẽ mất lòng tin trong dân, địch nghi ngờ, có khi suy sụp cả phong trào.
Quả đúng là không dễ gì làm mất uy tín của Phan Tứ. Cho dù phần nào tin đó là sự thật thì những người yêu mến Phan Tứ chân thành cũng có cách giải thích riêng để củng cố niềm tin yêu của mình. Chẳng hạn như nhà quay phim Nhật Chung. Anh và anh em quay phim đã bị choáng khi nghe tin Phan Tứ có con riêng. Anh tự hỏi: Phan Tứ mà lãng mạn đến vậy sao? Phan Tứ mà cũng có “những phút xao lòng” ư? Rồi anh tự trả lời Thì đã sao nào!
Nhưng không ít độc giả mất đi không ít hơn 50% niềm tin yêu. Chẳng hạn một cô hiệu trưởng đồng thời là cô giáo dạy văn nọ. Hãy thử tưởng tượng, khi giảng về mối tình tuyệt đẹp của Mẫn và Thiêm, lại đồng thời nhớ đến vụ bê bối của tác giả (tất nhiên là bịa đặt nhưng cô nào có biết) thì liệu cô còn đủ chân thành, đủ say sưa để truyền đến cho học sinh những gì cao quí mà tác giả muốn đem đến cho người đọc. Hoặc như một luật sư kia thổ lộ: trong lòng mình, tôi cho rằng nhà văn Phan Tứ đã hành động (hay không hành động) không/chưa tương xứng với tư cách của một người đàn ông thực sự. Như vậy, câu chuyên không còn là vấn đề sinh hoạt vặt vãnh nữa mà là vấn đề nhân cách đúng như quan điểm ngày xưa.
Lại có những độc giả trẻ cố gắng tìm ra sự thật. Nhưng đáng tiếc, khi tìm thấy sự thật thì anh đâm ra hoang mang, không biết đâu là sự thật. Kết cục, anh lại mất thêm một niềm tin nữa, niềm tin đối với báo chí cách mạng.
Rõ ràng hậu quả của vụ này là đáng báo động. Sự mất mát không chỉ là uy tín của nhà văn Phan Tứ mà còn nhiều hơn thế, niềm tin đối với cái chân, thiện, mỹ.
2. Có ý kiến cho rằng chuyện cũ rích, bới ra làm gì.
Đúng là chuyện cũ rích, đã hơn nửa thế kỷ rồi! Nhưng không phải bới ra, người ta cố tình bịa đặt ra một câu chuyện cũ rích để làm nhục Phan Tứ. Đồng đội và bạn bè của anh, biết sự thật lại làm ngơ ư?
Không phải ngẫu nhiên mà phải chờ đến mười lăm năm sau khi Phan Tứ mất người ta mới dựng lên. Hơn thế nữa, từ năm 2009 đến 2016 thì cứ 3 năm đến 1 năm lại có một bài. Không phải là ngưới ta cố tình hâm nóng lại chuyện cũ ư? Khoảng cách giữa hai bài về sau dày hơn trước và sự bịa đặt trắng trợn hơn. Để lâu cứt trâu hóa bùn, đông đảo bạn dọc chẳng biết đâu mà lần. Ấy là chỉ nói đến những bài nêu đích danh, ngoài ra còn có bao nhiêu bài khác không muốn nêu tên và chưa được đọc.
Như vậy là người ta có ý đồ và người ta là ai, ai là chủ mưu? Tất nhiên không phải là bà Út Phận muốn mạ vàng vết nhơ của mình. Bà ta không có trình độ và năng lực để làm việc đó. Bà chỉ là một con rối do ai đó điều khiển Bằng chứng là:
– Bà là người không biết tìm sách và thậm chí là không hề đọc sách. Theo Hứa Xuyên Huỳnh, thì mười năm sau và thêm hai mươi năm nữa, bà vẫn chưa đọc, thậm chí chưa hề thấy quyển Mẫn và tôi, nên mặc dù đã lục tìm nhiều sách nhưng đọc mãi vẫn không “thấy” mình. Quyển tiểu thuyết nổi tiếng như thế, được in lần đầu vào năm 1972 và đến năm 1995 lại có thêm 4 lần tái bản mà bà cố tìnhlục tìm vẫn không được thì bà lục tìm ở đâu? Trong các thùng rác chắc?
– Mãi đến năm 2003 bà được tặng một bản phô-tô quyển sách. Từ đó, theo lời bà, thì bà hay đọc, và ghi chú,đọc kỹ những chỗ viết về bà. Tuy nhiên, các tác giả, chỉ có duy nhất một lần đưa ra dẫn chứng. Nguyên văn đoạn đó, theo Trung Việt, như sau: mày giải thích tao nghe vì sao trong đó ổng viết “Út cõng em”. Út mà sao lại có em?”. Tôi bó tay. “Chỉ có ở đây mới biết thôi. Tao là Út Phận. Mẹ tao thiếu con trai nên xin một đứa con nuôi. Nó là em tao, tên là Võ Sầm, gọi là cậu Mười, hiện đang sống ở thôn 8. Như vậy là bà thấy bà giống nhân vật Út nào đó trong tiểu thuyết chứ đâu phải Hai Mẫn. Bà quên mất cái vai trò nguyên mẫu Hai Mẫn của mình!
Vậy, ai là chủ mưu?
Đầu tiên, ta thấy xuất hiện một anh chàng sinh viên. Anh ta là ai mà biết trước cái mà Phận sẽ rất cần (chứ không phải đang cần) để đem tặng quyển sách?
Thứ đến là một ông cán bộ xã… thuyết giảng về lý luận văn học cho Trung Việt và khẳng định bà (Phận) chính là cô Mẫn đấy. Ông cũng là người đưa ra quan điểm quái gỡ về nguyên mẫu: đúng cũng được, không cũng chẳng sao!
Rất có thể ông cán bộ xã này cũng chính là ông Nguyễn Tám, người dẫn lối đưa đường cho Hứa Xuyên Huỳnh và Thành Dũng đến gặp bà Phận. Bởi ông đã nói với Hứa Xuyên Huỳnh: Nhân vật “má Bảy” cũng lấy nguyên mẫu từ chính mẹ ông – bà Trần Thị Chỉ, tức Bảy Chỉ. Theo hai tác giả này thì ông Tám sinh ra ở thôn 9, xã Tam Hiệp và hiện (tức năm 2013 và 2016) cũng ở thôn 9, xã Tam Hiệp. Nhưng lại làm bí thư chi bộ ở thôn Tứ Mỹ (xã Tam Mỹ) từ 1962 đến 1965. Cho nên, ông đã từng sống chung với nhà văn Phan Tứ trong hai năm 1961 – 1962, và đã cho làm lán trại để nhà văn Phan Tứ ngồi viết truyện, trong đó có tiểu thuyết Gia đình má Bảy.
– Phan Tứ viết nhật ký rất đều đặn, trong 2 năm 1961-1962, anh nhắc đến 3 ông Tám:
+ Ngày 9/11/1962: Cùng Mười + Tám họp lớp nghiên cứu cho đảng viên trong 5 ngày. Ba tháng sau, tức là đã chuyển sang năm 1963, ngày 12/2: Tám sắp xếp cho tôi đến làm ở nhà anh Thận. Mười là huyện ủy viên Tam Kỳ, có lẽ ông Tám cũng vậy. Vả lại, từ đầu tháng 8 năm 1962, Ban Tuyên Huấn khu 5 thống nhất để Phan Tứ trở lại bám vào B26, tức huyện ủy Tam Kỳ. Sắp xếp chỗ ở cho anh, chắc phải là một cán bộ của huyện ủy.
+ Ngày 13/12/1961: Ông già Tám, cán bộ kinh tài của Đảng ủy 32A, phàn nàn gay gắt về vấn đề các lực lượng mua mọi thứ mà không qua kinh tế: lúa, nilông, gà, muối, mắm… Anh Bảy, Bốn, Tám đều cao lớn phàn nàn là lều quá thấp.
+ Ngày 17/12/1961: Hai đảng viên cũ ở Tam Thanh (thôn Thanh Tân) tên là Xuân và Hường đến gặp Độ, huyện ủy viên Tam Kỳ để móc nối, đã giới thiệu một cán bộ thôn cũ, ông Tám người như gộc tre, đã bị tù và đánh nhiều, mặc kệ, vẫn công tác Đảng.
Tuyệt nhiên không thấy có một dòng nào về ông Tám làmbí thư chi bộ ở Tứ Mỹ, người mà Phan Tứ cũng như bất cứ một cán bộ nào về địa phương công tác cũng phải gặp và làm việc.
– Sau một đợt công tác dài, vào nửa cuối tháng Ba năm 1962, Phan Tứ đã rời cơ sở về căn cứ tập trung viết. Không có ai làm lán trại cho anh và bản thân anh cũng không tự làm. Anh đã thương lượng với kho thóc B28 để ở và viết. Chính ở đây, anh đã hoàn thành tập truyện ngắn Về làng chứ không phải Gia đình má Bảy.
Mãi đến cuối tháng 7 năm 1962, anh nới bắt đầu nghĩ nhiều đến truyện định viết về má Bảy Sành dưới cái tên Má Năm. Đến cuối năm 1962, anh viết được hai chương đầu của Gia đình Má Bảy. Lúc này, anh Sống ở nhà bà Tôn, ăn cơm ngày hai bữa tối + sáng (tất nhiên là phải trả tiền)…Làm việc ở kho của B17. Đến giữa tháng 2 năm 1963, anh rời nhà bà Tôn, dọn đến nhà anh Thận. Đến 20 tháng 3 thì chấm dứt giai đoạn 1 của Gia đình Má Bảy, anh đọc lại bản thảo và gửi đi. Như vậy là, suốt thời gian viết Gia đình Má Bảy, chẳng ai làm lán trại để nhà văn Phan Tứ ngồi viết truyện cả. Cho đến tận lúc này, anh chưa hề về Tam Hiệp và trong nhật ký cũng không thấy nhắc đến bà Bảy Chỉ, thì dựa vào cơ sở nào để nói bà là nguyên mẫu của Má Bảy. Theo nhật ký, thì những người có thật truyền cảm hứng cho anh viết tiểu thuyết này là liệt sĩ Bê, má Bảy Sành và các con Sỏi, Sâm. Câu chuyện có lẽ do Bê kể với anh. Nhật ký viết:
– Thêm nữa, trong tiểu thuyết Mẫn và tôi lại có một ông Tám Liệp, bí thư chi bộ ở Tam Sa. Trùng tên và chức vụ! Ông Tám Liệp vừa rớt chức bí thư chi bộ hồi đầu năm vì quá nhát gan. Ông thành người cầm đầu một bộ tam (thêm Ba Thấn và Sáu Quỳ) tham nhũng và thoái hóa, biến chất. Trong khi nịnh anh A, đá chị B, trung lập bác C, dọa ngầm chú D…, họ cũng hứng lấy sự khinh ghét của những đồng chí đáng gọi là đồng chí. Đến khi xã giải phóng, ông trở thành chủ tịch xã và tất nhiên, hai hầu cận cũng nghiễm nhiên ngồi trong căn nhà bàn giấy quan liêu cùng ông. Nhưng đến đại hội chi bộ Tam Sa thì ông bị gạt sang một bên. Đây là lời đồng chí Bảy Râu, bí thư huyện ủy Tam Kỳ nói với ông, trước đại hội chi bộ Tam Sa: Bà con Tam Sa gọi đồng chí Liệp là ông cách mạng kẹp dù, ông lộc bình xưa cần đem cất kho,…các đồng chí khác phải lo xoa dịu những thắc mắc đối với ông chủ tịch thì đồng chí Liệp buộc tội tất cả, kêu Tư Luân với Hai Mẫn giành quyền, làm đồng chí mất uy tín… Anh còn uy tín đâu nữa mà mất!…Cất chức, đồng chí sẽ kêu om là cấp trên mù quáng. Rút êm đi à?Điđâu đồng chí cũng sẽ coi mình là ông chủ tịch Tam Sa đã nhiều năm đứng mũi chịu sào, lo kiếm dịa vị, kéo bè, kéo cánh, kìm bước tiến chung không cho vượt mình. Những người ít nhiều còn tin ở đồng chí ngờ chi ủy hất cẳng nhau, huyện ủy không công bằng, và sẽ mang các thứ bệnh đồng chí truyền lại. Không được! Không thể để đồng chí biến chất hơn nữa. Làm người khác biến chất hơn nữa.
– Các tác giả đều cho rằng Tam Sa chính là Tam Mỹ Tây. Nhưng không đúng. Tam Sa bị quốc lộ Một cắt làm đôi, bốn thôn bắt đầu bằng chữ Nhơn nằm phía tây và hai thôn bắt đầu bằng chữ Lộc nằm phía đông. Còn Tam Mỹ Tây cách rất xa quốc lộ Một, muốn xuống quốc lộ Một phải đi qua ít nhất một xã khác. Tam Sa giống Tam Hiệp hơn vì Tam Hiệp cũng bị quốc lố 1 cắt đôi, phần phía đông nhỏ hơn phần phía tây. Và Tam Hiệp chính là nơi ông Nguyễn Tám của các tác giả sinh ra và lớn lên.
– Trong tiểu thuyết, Phan Tứ còn có một đoạn phê bình nhẹ nhàng một nhà báo nào đó. Bài báo viết về một chiến sĩ thi đua của trung đoàn. Đại đội họp lại để nghe chung, trịnh trọng như làm lễ mừng công…Ác một nỗi anh em càng nghe càng xì xào, cười, đến cuối cứ ngớ ra quên vố tay. Lặng đi một lát rồi quân ta mới góp ý, ban đầu còn ngập ngừng lựa lời sau mới túi bụi. Rằng tóe lửa con mắt thì khó bắn trúng địch mà lại đạp mìn ba râu. Rằng bốc máu lên đầukhông có lợi, phải tỉnh táo mới nghĩ ra cách giết được địch. Rằng không nên lúc nào cũng thét dữ,phải để dành tai nghe lệnh chỉ huy và nghe cả giặc nữa…
Tóm lại, Phan Tứ là một nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt, phải chăng ông Tám và nhà báo nào đó đã tìm thấy hình ảnh của chính mình trong những nhân vật nói trên và đã cố tình bịa chuyện để trả thù, hạ nhục nhà văn?
Và sau lưng họ, liệu có bàn tay nào tiếp sức, tiếp tiền? Rất có thể lắm chứ. Mới đầu năm 2020 này, được một người bạn ở Sài Gòn cho biết con cháu bà Phận đang định dựng tượng Phan Tứ, coi là ông tổ của dòng họ mình. Bức tượng đó, đối với Phan Tứ là bức tường ô nhục. Qua người bạn, bài viết này đã đến tay của họ. Nhưng liệu có làm họ chùn bước, trong khi đó chỉ là ý kiến của một cá nhân vô danh tiểu tốt.
Người ta cố tình hạ nhục một con người đáng kính đã khuất bằng cách bịa đặt và nói dối một câu chuyện cũ. Và họ đã ít nhiều thành công. Hình như vào năm 2016, đã có ai đó viết ra sự thật. Nhưng bài viết đã rơi vào im lặng và quên lãng. Rồi những bài bịa đặt, nói dối lại tiếp tục được tung lên cùng với những bài trước ngang nhiên tồn tại trên mạng xã hội, tiếp tục đầu độc dư luận. Phải chăng đây là sự chiến thắng của dối trá đối với sự thật.
Nếu họ làm được đối với Phan Tứ như thế thì có ai ngăn họ cũng sẽ làm với những người khác? Sau Phan Tứ sẽ đến lượt văn nghệ sĩ nào đây?
3. Về nhân vật Út Phận:
Ngoài vụ chửa hoang, bà ta còn dính đến một nghi án làm chỉ điểm cho địch sát hại một cán bộ cách mạng ở Tứ Mỹ ngày 25/2/1975; bà bị bắt giam.
Theo Thành Dũng (trên Giáo dục và Thời đại ngày 24/8/2016), thì bà đã được ông Đặng và ông Tám (lại ông Tám!) minh oan sau đó. Nhưng cũng theo chính Thành Dũng, đến nay (tức tháng 8/2016), Út Phận đã hơn 15 lần làm đơn hồ sơ đề nghị xét thành tích tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ tại UBND xã Tam Mỹ mà không được giải quyết. Hơn thế, trong hồ sơ lí lịch, Út Phận vẫn bị ghi là kẻ hai mang.
Cả hai vụ, Thành Dũng đều cho là bà bị oan. Về vụ chửa hoang, như đã phân tích không oan tí nào. Vụ thứ hai, tôi chưa tìm hiểu kỹ nhưng e rằng cũng thế, chẳng oan tí nào.
Trước tiên, trong khi bào chữa, Út Phận và Thành Dũng đã tiếp tục dối trá và bịa đặt. Đơn cử hai câu sau đây: Năm 1969, Út Phận chuyển qua Ban Binh vận tỉnh. Từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1971, bị địch bắt, đày tại nhà lao Quảng Tín. Xin hỏi, đang bị địch bắt, đày tại nhà lao thì làm sao có thể chuyển qua Ban binh vận tỉnh?
Thêm nữa, theo nhật kí Phan Tứ, sau khi chửa hoang, từ giữa năm 1963, Út Phận đã bắt đầu lãng tránh các cuộc họp của phụ nữ vì bị phê bình gay gắt. Sau khi sinh con, vào tháng Hai năm 1964, tuyên bố thẳng thừng với Phan Tứ: Hết công tác rồi! Hết mùa rồi! và bắt đầu ca ngợi vùng địch. Trước đó nữa, ngay tử cuối 1962, một học viên hay cán bộ trong lớp học binh vận tên là Thủy đã nói với Phan Tứ: Út Phận thường xưng là bạn của đại úy (ngụy) Nguyễn Xuân Khôi ở Đà Nẵng và bạn bè của cô ở Hội đồng (ngụy) viết thư mời “Mày quá ngu đi theo Việt cộng, cứ đến đây với chúng tao”.
————–
Không viết rõ tên của các trang WEB vì e sẽ gây ra hiệu ứng sốc phòng vệ không đáng có:
– Trung Việt trên Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh.
– Bùi Hữu Cường trên Sức khỏe và đời sống.
– Hứa Xuyên Huỳnh trên Thanh niên.
– Song Anh trên Quảng Nam Online.
-Thành Dũng trên Giáo dục và Thời đại.
NAM HƯƠNG