Tản mạn chuyện ở bệnh viện – Lê Ngọc Thạnh

1. Từ ngày may mắn vượt qua kỳ thi chuyển ngạch, tôi có cơ may được chọn và khám, điều trị ở Bệnh viện dành cho khối cán bộ, mặc dù khi trước, lúc công tác ở đơn vị cũ tôi cũng được vài lần khám bệnh ở đây, với tiêu chuẩn “chiếu cố”. Các cán bộ đương nhiệm thường hay nói đùa, mình chẳng thể cạnh tranh việc lấy số khám bệnh với các cụ “tỷ phú thời gian”. Thật vậy, các cụ thường hay đi tập thể dục sớm, nhân thể ghé qua Bệnh viện, đón cơn gió dịu dàng của buổi ban mai, xem cành hoa e ấp, rung khẻ khi ngồi chờ trên ghế đá. Nếu thấy còn sớm thì tiếp tục đi bộ, khi nào thấy phòng khám mở cửa thì lấy số ngay. Như tôi thuộc loại chịu khó, hôm nào có việc nhờ con gái đưa đi khám, may lắm thì lấy được số đầu trăm, còn thường thì nhiều trăm. Nhưng không sao, phòng chờ sạch sẽ thoáng mát, đội ngũ y bác sĩ ăn nói dễ nghe, thái độ chăm sóc ân cần. Mặc dù, bệnh viện có mở rộng đối tượng khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm, nhưng tất cả đều được đối xử tốt, cho dù là “chính chủ” hay không phải. Cũng đúng thôi, ai lại dám cáu gắt với các cụ đã trải qua nhiều mùa kháng chiến làm gì, họ đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng và có vị trí trong xã hội, đôi khi văn hóa chỉ đạo đã ăn sâu trong tiềm thức, và có dịp thể hiện, dẫu rằng chưa đúng chỗ, đúng lúc và đúng với vị trí hiện nay của họ.

Cho dù chưa cống hiến gì nhiều lắm, chỉ vài đợt sốt rét rừng mà đôi khi chợt nghĩ đến là khiếp, một số lần nghe tiếng súng nổ, rồi đi truy quét, vận động quần chúng, rồi ngước nhìn đồng đội ra đi,…; song dù sao, tôi cũng được xếp vào hàng ngũ kế cận các cụ, nên cảm thấy thơm lây. Có lần, đến lượt cầm thẻ đứng trước cửa số một, cô nhân viên nhìn tôi rồi nói, chú qua cửa số bốn (tức là cửa dành cho người lớn tuổi và thương binh). Lẽ đương nhiên, thủ tục ở cửa này tương đối nhanh vì ít người. Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao, lại tự nhủ, hay mình là bệnh nhân “chính chủ”. Đem câu chuyện này nói lại với lãnh đạo cơ quan, đã là khách hàng lão thành và thường xuyên của bệnh viện, bác ấy nói, thế nào đấy chứ không phải vậy cơ. Đến giờ, tôi vẫn chưa trả lời được. Nhưng không sao, đối xử không tốt với nhau mới là điều đáng trách, còn đằng này, có thể là “nhầm” đối tượng, giúp đỡ vài phút chờ đợi thì có sao. Biết đâu, tôi có dáng dấp giống với người nào thân thiết với cô từ thuở thiếu thời. Rõ chuyện, lại suy diễn lẩn thẩn rồi. Tôi thầm nghĩ.

Có người nói, do việc thu hút nguồn nhân lực chưa được tốt, nên đội ngũ y bác sĩ ở đây chưa được giỏi lắm. Đó là chưa nói đến, họ phải đối mặt với cách ứng xử nhiều khi chưa đúng mực của bệnh nhân, cứ coi mình như là con cháu, thậm chí là nhân viên cũ của các vị. Nhưng hình như, có lẽ cái chính là thu nhập chưa được cao. Không hiểu có phải như vậy không. Nhưng bù lại, thiết bị y tế hiện đại, không gian thoáng đãng và cung cách phục vụ tận tình, hy vọng điều này sẽ giúp cho bệnh nhân chóng hồi phục hơn. Chẳng phải thế vậy sao mà anh bạn đồng ngũ của tôi, đang giữ vị trí quan trọng ở một địa phương nọ, tuần vừa rồi đi tái khám ở đây, sau khi điều trị hơn tháng. Gặp tôi, anh ấy nhìn có vẻ ngạc nhiên, à, chú làm gì ở đây. Thì không đi khám bệnh thì làm gì, tôi trả lời. “Vậy hả”. Chắc là anh nghĩ đến tiêu chuẩn, đối tượng và cái chính là vai vế giữa tôi và anh, sao lại gặp nhau ở cùng chỗ mà lẽ ra không thể gặp được như anh nghĩ. Không sao cả, chả trách sự so sánh khập khiễng ấy làm gì, mà cái chính là tôi và anh cũng gặp nhau ở đây và cùng được phục vụ tốt. Ở nơi anh đang công tác, có thể anh được trọng vọng, nể vì, được thường xuyên thăm hỏi và tất nhiên là bị mệt vì phải trả lời nhiều, tiếp khách nhiều, còn ở đây ai biết anh là ai.

2. Tuần rồi, cô em gái ở dưới quê điện báo mẹ tôi hơi mệt, đi khám mới biết bà bị huyết áp cao và hai bệnh cũ thường xuyên phải uống thuốc là loãng xương và bướu cổ. Nhà cô neo đơn, hai mẹ con đi làm và đi học cả ngày, nếu bà có việc gì thì nguy hiểm quá. Tôi phải điện cho cô em ở miền trung, về quê đưa bà ra xem sao, rồi đứa cháu gái học ở thành phố, vừa về nhà đưa bà ra nơi tôi làm việc. Gặp ở bến xe, trông bà hơi gầy hơn hôm sau Tết, thấy mà nao lòng. Biết sao được, đời người như một dòng sông, chảy kiểu gì rồi cũng phải đổ ra biển để hòa mình với đại dương mênh mông, mà tuổi bà, đã ngấp nghé đi đến cửa biển rồi. Tôi nói, hai mẹ con mình đi tắc – xi cho khỏe nhen. Bà bảo, mẹ đi xe buýt thôi, đi tắc – xi nhanh hơn, nhưng mỗi lần thắng gấp là mệt lắm. Không biết bà sợ mệt hay sợ đồng lương của tôi như thể hạt lúa quê mình phải cõng bao lo toan vất vả của đời thường. Đến bệnh viện sớm, tôi lấy số ưu tiên dành cho người già khám ở hai chuyên khoa: Tiết niệu và Cơ xương khớp. Theo hướng dẫn của cô nhân viên, tôi đi mượn một xe lăn, để bà khỏi phải đi bộ vất vả. Ở đâu không biết chứ ở đây, người ngồi trên xe lăn là nhân vật quan trọng nhất. Xe lăn đi đến đâu là dòng người rẽ ra, nhường lối đến đó, trừ khi … gặp phải xe lăn khác. Mọi việc đều suôn sẻ. Tôi đưa bà lên tầng một bằng thang máy, đến khám ở phòng Tiết niệu, rồi nộp tiền và làm xét nghiệm sinh hóa, siêu âm bướu cổ. Ưu tiên đến vậy mà xong giai đoạn một đã đến gần mười giờ rồi.

Bà và tôi lại đến phòng khám Cơ xương khớp. Nộp phiếu khám xong, tôi ngồi chờ ở phòng ngoài. Chờ mãi, tôi mới phát hiện chị nộp giấy tờ sau tôi đã rời khỏi phòng rồi. Đánh bạo, tôi vào hỏi cô điều dưỡng phụ trách nhận giấy tờ. Cô nói, tôi nhận giấy tờ của ông hồi nào. Tôi nài nỉ, cô xem giúp vì tôi nộp lâu rồi, bệnh nhân ưu tiên số 26. Cô y tá ngồi đánh máy theo toa bác sĩ ngồi đối diện nói, làm gì có, số 26 là bà Tê, không phải bà Kia. Nén cảm xúc, tôi nói, có lẽ tôi nhầm với số ở phòng khám Nội tiết, nhưng chắc chắn là tôi đã nộp rồi, hình như cô cất vào hộc bàn thì phải. Hất hàm nhìn tôi có vẻ không vừa lòng, vừa lầm bầm vừa lục tìm, cuối cùng rồi cô cũng cầm đến tờ giấy phiếu khám của mẹ tôi và nói, số 19 mà bảo là 26 rồi đi, hình như cô điện thoại cho nơi tiếp nhận hồ sơ để kiểm tra tính xác thực của chứng từ. Khi nghe cô xướng đến tên mẹ tôi, tôi nhẹ người, bao nhiêu bực bội trong lòng như trôi qua đi. Tôi lại ra hành lang, đưa bà ra khỏi xe lăn, xếp xe lại ở vị trí dễ nhìn vì sợ bị mất. Đối lập với hình ảnh cô nhân viên điều dưỡng luôn cáu gắt là vị bác sĩ cỡ trung tuổi đeo kính cận, ăn nói từ tốn nhã nhặn. Bà tôi vừa ngồi xuống, vị bác sĩ vừa lấy Bệnh án do cô y tá chuyển qua cũng là lúc chuông điện thoại reo. Qua điện thoại, tôi nghe hình như có ai đó nhờ vả việc gì, nhưng vị bác sĩ nói chờ đến hết giờ làm việc. Chuông điện thoại lại reo tiếp, ông lại nhẹ nhàng từ chối. Vừa đặt điện thoại vào túi áo bờ – lu, vị bác sĩ vội cầm lấy Bệnh án của mẹ tôi và ghi chuyển vào phòng điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống. Như không tin ở mắt mình nữa, tôi nhìn kỹ và tự hỏi, sao chưa thấy bác sĩ khám gì hết mà lại chỉ định điều trị, biết đâu lại phải mổ. Thu hết can đảm, như chưa hề thấy nội dung mới ghi trong bệnh án, tôi nói, thưa bác sĩ, mẹ tôi bị bệnh loãng xương, nay đi tái khám, dạ…dạ. Vị bác sĩ nhìn tôi, rồi nhìn Bệnh án, rồi nói, thôi chết rồi… Quay qua cô y tá bảo, cô viết lại Bệnh án. Trong khi chờ đợi, ông lại ghi nội dung chuyển vào phòng điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống vào một Bệnh án khác đang nằm ở trước mặt. Hú hồn, tôi tự nhủ. Mọi việc lại suôn sẻ, mẹ tôi đi kiểm tra loãng xương bằng phương pháp chiếu X quang, nhận toa thuốc, rồi chuẩn bị về.

3. Cách đây vài năm, khi còn công tác ở ngành Tài nguyên Môi trường, anh Ba lãnh đạo ngành phát biểu trong dịp tổng kết năm, kể câu chuyện vui khi có người ý kiến, nêu việc trước đây cấp sổ đỏ nhầm số thửa đất lẫn nhau, và đề nghị hướng giải quyết. Anh nói, ngành Y quan trọng, với biết bao thiết bị hiện đại đến thế, mà cũng xảy ra trường hợp người bị gãy chân trái, lại được bó bột chân phải thì việc cấp sổ đỏ nhầm thửa đất là việc quá đỗi bình thường. Ăn trưa gặp anh tôi nói, làm gì có việc đó anh Ba. Ủa, chú quên là vợ anh học nghề Y, cùng trường với em hả… Thật đến thật đó chú ạ, anh cười nháy mắt. Nghe vậy nhưng tôi vẫn chưa tin. Giờ thấy việc ghi nhầm Bệnh án, liên tưởng lại câu chuyện cũ mới biết đời còn nhiều điều không thể ngờ. Giá như ai đó, không làm phiền bác sĩ, rồi tôi không có tý chữ nghĩa, biết đâu hôm sau mẹ tôi lại có thể bị đưa lên bàn mổ rồi.

Là người không chọn nghề Y, mặc dù sau khi hoàn thành nghĩa vụ, với số điểm thi vào đại học cộng với diện được hưởng chế độ ưu tiên thì tôi khả dĩ mặc áo bờ – lu được, nên lúc nào tôi cũng kính trọng những người dám hy sinh đời mình để làm theo lời thề của Hy pô crát, điều mà mình không đủ can đảm để dấn thân vào. Cáu gắt, nhầm lẫn,… chắc không phải là sự lựa chọn của đội ngũ những người trong ngành y tế, song bệnh nhân thì nhiều, y bác sĩ thì ít, nên quá tải, mệt mỏi, áp lực, lo toan…nên họ trở tính. Nên chăng, xã hội tiếp tục dành thêm nhiều ưu đãi hơn nữa để họ vơi bớt vất vả của thường ngày.

Theo dòng người, tôi lại đẩy xe lăn đưa mẹ xuống tầng trệt. Tất cả lại nhường lối, kể cả các nhân viên y tế. Ngoài trời mưa bất chợt đến như gột rửa những điều chưa hay của nửa ngày tất bật. Mây lại rẽ lối, trời hửng sáng, tạnh mưa cũng đột ngột như khi mưa đến. Còi cấp cứu lại hụ những hồi dài. Những tà áo trắng lại nhấp nhô vội vã, hối hả trong cuộc kéo co không mệt mỏi, giành lại sự sống với những thế lực vô hình ở phía bên kia. Cầu mong họ có đủ sức khỏe, niềm tin, kiên nhẫn để sống chết với nghề, để luôn được đứng vững, bên cạnh những nghề được xã hội quý trọng nhất mà họ đã chọn: Nghề thầy thuốc.

Vannghemoi.com.vn − 10:59, ngày 27/02/2025, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền