Thấy chị em vung gậy tự sướng cũng vui con mắt. Nghĩ đến sứ mệnh Chủ tịch Hội đồng thẩm định của GS. Trần Đình Sử lại lo ngại. Cụ Ngô Đức Kế kết thúc thiên đại luận “… Chính học cùng tà thuyết…” bằng điển tích sau:
“Trịnh Khải ở đời Đường, vì tiếng hay thơ mà làm quan đến Tể tướng, anh ta lấy làm ái ngại mà tự nói rằng: Trịnh Khải mà làm Tể tướng thì cuộc đời chẳng nói cũng biết rồi”. Ôi! Than ôi! Kim Vân Kiều mà cai trị nước Việt Nam, thì xã hội nước Việt Nam không nói cũng biết rồi!…”.
(Tranh luận về Truyện Kiều. Nguyễn Ngọc Thiện và Cao Kim Lan sưu tầm biên soạn. NXB Văn học. H.2014. Trg.76-83).
Chúng tôi cũng có cơ sở để nói rằng GS. Trần Đình Sử mà làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Đổi Mới tổng thể Trung học phổ thông môn Ngữ văn thì SGK chẳng nói cũng biết rồi!…
Vì các lẽ sau:
1) Không thể khách quan:
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là Tổng chủ biên chương trình này. Nhưng cả hai Giáo sư đã và đang đồng chủ biên Ngữ văn 9, in đến lần thứ 13, năm 2018. Như thế là chân ngoài thì Giáo sư Chủ tịch Hội đồng… thẩm định Giáo sư Tổng chủ biên. Còn chân trong là cùng đồng đội… thì thẩm định nỗi gì. Cứ theo luật Hồi tị (hay Bất Hồi tị) của người xưa thì hậu sinh này bất khả lắm! Cũng chỉ là hợp pháp hóa cái sự như ở Hà Giang, Sơn La vừa rồi thôi.
Chúng tôi chưa tìm hiểu hết, nhưng sự hợp tác của GS. Nguyễn Minh Thuyết và GS. Trần Đình Sử có lẽ còn nhiều hơn nữa. Vì trong thời gian giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục… GS. Nguyễn Minh Thuyết còn biên soạn rất nhiều và GS. Trần Đình Sử cũng là như thế.
2) Khi GS. Trần Đình Sử đã chia tay với Lý luận văn học Nhà nước, lại vẫn nhận thẩm định SGK Ngữ văn của Nhà nước… thì chỉ là sự “giả vờ li hôn”. Thế là tham lắm. Con Rô cũng tiếc. Con Diếc cũng ham. Người xưa nói: Thất thập tòng tâm sở dục bất du củ (Bảy mươi tuổi thì tùy thích nhưng không được quá ngưỡng). Đến Minh Mệnh còn phải dùng Minh Mệnh Thang nữa là Giáo sư. Bởi vì SGK Văn học của Nhà nước làm sao lại không tuân thủ lý luận văn học của Nhà nước đó được. Quan điểm giáo dục của Nhà nước thể hiện ở nội dung môn Ngữ văn. Nhà nước chi tiền cho Giáo dục, đâu phải các Thầy Đồ hiện đại tự soạn sách dạy học trò.
Ở lĩnh vực văn hóa, tinh thần, tư tưởng… khi đã bất đồng quan điểm thì không nên đồng hành sự. Đã dị mộng thì không nên đồng sàng. Nếu tự nguyện được cưỡng hiếp thì chỉ sinh ra quái thai như đề thi Văn “Đánh thức tiềm lực”. Người quân tử, bậc thầy, kẻ sĩ nên học theo gương Chu An. Lại cứ nửa chui nửa chống thì chẳng ra làm sao cả. Vì còn có học trò trông lên, phụ huynh trông vào. Và nếu cứ hành xử kiểu “sọc dưa” là tự dối mình. Bởi vì, trên lĩnh vực này, khi đã có quan điểm trái ngược nhau, sẽ không có hành sự thống nhất được. Khi đã quyết “làm cho lý luận văn học Nhà nước mất thiêng”, khi quan niệm lý luận văn học không nằm ở trung tâm mà chỉ có, chỉ phát triển ở đường biên, ở ngoại biên… thì đi vào cụ thể lựa chọn, bình giảng từng bài văn, bài thơ… nó sẽ như thế nào? Tiêu chí nào để lựa chọn, để bình giảng. Giáo sư Trần Đình Sử hết sức bênh vực cho Luận văn Vị trí của kẻ bên lề… Trực tiếp hướng dẫn Luận văn Lý thuyết trò chơi… là tư tưởng dùng văn học làm trò chơi để phá hủy cái hiện tại, cái tiền lập… Chơi là để phá hủy, như Trần Dần, ở mấy dòng này: “tức là con nữ kĩ sư truồng nằm jữa xé sử kí jao cấu trên tôi và thằng Truồng – ở các mông đít-ism lỗ ngực jây truyền nách mặt lẹm cổ họng” (Jờ Joạc).
Xin quí vị lưu ý cụm từ xé sử kí jao cấu… ở các mông đít-ism…
Trong tiếng Việt không có phụ tố ism, nó chỉ có ở các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, khi tạo thành từ chủ nghĩa. Đây có lẽ là tinh hoa của Bác-tin mà Trần Dần và Trần Đình Sử tiếp thu được…
Có người nói GS. Trần Đình Sử là đồng tác giả đề thi Văn “Đánh thức tiềm lực”, cùng với một vị nữa có tên là Long gì đấy. Xin Bộ Giáo dục – Đào tạo công khai danh tính tác giả đề thi Văn năm nay. Như chúng tôi đã nói, đây là một động thái chính trị nhằm tạo chỗ đứng cho các thành viên Văn đoàn Độc lập hoặc các cá nhân chống đối như Đặng Hoàng Giang năm trước.
Như thế, GS. Trần Đình Sử quyết tâm tận dụng mọi cơ hội để lái nền giáo dục (ở phần Văn học) đi theo con đường đối lập, đi ra ngoại biên… Thế thì xu hướng “thẩm định” SGK Ngữ văn Tổng thể như thế nào, không nói cũng biết rồi!…
Vậy thì mục đích của môn Ngữ văn, của đổi mới Tổng thể SGK lần này là gì, mong Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho đông đảo bạn đọc được biết.
3) Năng lực biên soạn SGK của GS. Trần Đình Sử rất hạn chế. Qua Ngữ văn 9 mà ông là đồng chủ biên; qua biên soạn, chú thích Truyện Kiều mà ông là Trưởng ban văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học thì thấy rất rõ. Chúng tôi đã nêu lên vấn đề này từ mấy năm trước. Song rất đáng tiếc là GS. Trần Đình Sử và các tác giả đồng biên soạn đã rất học phiệt, lờ bỏ mọi góp ý có cơ sở của chúng tôi, đã được đăng báo và in lại ở Luận chiến văn chương Q. III, năm 2015, bài Ngữ văn 9 chưa chín; ở Luận chiến văn chương Q. IV, năm 2017, bài Chú giải Truyện Kiều của Hội Kiều học và bài Mặt trái của SGK trên Văn Nghệ TP.HCM, số 507, tháng 7-2018.
Kiến thức sách vở, bằng cấp học vị có thể rất nhiều nhưng tri thức thực tiễn, vốn sống thực tiễn nghèo nàn thì cũng không hiểu được thơ văn, càng khó mà bình chọn, thẩm định. Nếu chỉ hiểu cuộc đời trên trang sách thì “Đôi con Diều Sáo lộn nhào tầng không” thành ra con Diều (hâu) với con Sáo lộn nhào chọi nhau. Càng rõ hơn là biển Đồ Sơn, Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu… cứ tắm mà câu “Mặt trời xuống biển như hòn lửa” cứ… tụng. Khen cá song ngon mà vẫn chú thích nó sống ở vùng bờ biển. Cá song chỉ sống ở vùng nước lợ tức là vùng cửa sông ngược lên một chút. Bờ biển như ở Cà Ná (Phan Rang) thì mặn chát. Chuối chín vẫn ăn mà không chú thích chuối hương, chuối mường hương vị ra sao, có ở vùng nào…
Vì GS. Trần Đình Sử quyết giải trung tâm, quyết ngoại biên hóa lý luận văn học – nền tảng của đời sống văn học. Ông cũng quyết như vậy trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, biên soạn SGK, hướng dẫn khoa học cho các Luận án Tiến sĩ, tham gia các Hội đồng Khoa học, thỉnh giảng trường này lớp kia nên chúng tôi đành phải nói ra điều không muốn nói, rằng GS. Trần Đình Sử là người không trung thực nhất quán, không có lương tri khoa học. Biết là lý luận văn học Xô Viết xơ cứng nhưng ông vẫn học, vẫn đọc và lặng lẽ tìm đọc các “tinh hoa” lý luận Xô Viết như Bác-tin, Lu-gat-chép, Lốt-man để về nước có cái dựng lên lý thuyết thi pháp học. Sao không nói to lên với bạn đồng môn, với Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán, lại cứ lủi đi một mình, khôn thế.
Từ 1985 trở về trước, ông hết lời ca ngợi văn học cách mạng, văn học xã hội chủ nghĩa. Ca ngợi thành tựu đưa chính trị vào văn học… Cho đến 1987, ông vẫn ca ngợi Tố Hữu bằng cả công trình dài hơi nặng ký Thi pháp thơ Tố Hữu, xem thơ Tố Hữu đã trở thành thơ ca dân tộc… Nay ông lại đắc ý rằng đã góp phần làm cho lý luận văn học Nhà nước mất thiêng… Ông ca ngợi, khuyến khích những thứ rác rưởi, nghĩa địa, chơi để phá hủy… Ông ám chỉ phê bình văn học “Nhà nước” là phê bình kiểm dịch… Biên soạn SGK sai trầm trọng, bạn đọc góp ý nhưng ông vẫn im lặng chìm xuồng. Ông góp phần làm tốn kém thêm một lần in Truyện Kiều mà chú giải vẫn sách vở, non kém; làm cho cuộc Đại lễ kỷ niệm 250 năm Nguyễn Du thành ra chuyện dở cười dở khóc… Không được giải ở Hội Nhà văn Việt Nam, ông vẫn nhận giải của Hội Nhà văn Hà Nội do một thành viên của Văn đoàn Độc lập trao tặng (cho Trên đường biên của lý luận văn học). Không biết cái giải văn chương nó dài bao lăm mà ham hố thế…
Người xưa khuyên Kiến lợi tư nghĩa… Lại bảo đa thọ cũng chưa hẳn là đa sướng… Khôn chi khôn trẻ khỏe chi khỏe già… Nên truyền lại cho con em cái kinh nghiệm, chứ việc gì cũng nai lưng ra gánh vác, thồ tải… thì khi mình trăm tuổi, con em nó biết dựa vào đâu… Giáo sư đã sắp bát tuần, đến cái tuổi cao quý. Danh hiệu cao quý có rồi. Giải thưởng cao quý có rồi. Còn cái sĩ khí thì cố mà giữ cho nó được cao quý, cho cuộc đời được đồng bộ… Đồng bộ cao quý, có phải đồng phục văn chương (mỹ học đồng phục, văn học đồng phục…) đâu mà sợ.
Cuộc tranh luận văn học năm 1924 rồi qua đi, Phạm Quỳnh vẫn leo lên ghế Thượng thư đầu triều. Dư luận văn học, dẫu là một thiên đại luận, vẫn có giới hạn trước quyền lực chính trị. Rồi các thế hệ thay nhau thành người thiên cổ. Thiên đại luận của cụ Ngô vẫn tràn đầy sức sống. Ấy là sức sống của chân lý, của lương tri, của điều chí thiện. Tạm thời Giáo sư nắm được quyền lực ở trung tâm của Giáo dục – Đào tạo. Nhưng tâm thành của Giáo sư lại ở chốn Ngoại biên. Cái sự “Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm chàng Khanh…” ấy, chúng tôi lấy làm ái ngại. Càng nhớ bến sông Thương Lang, nhớ Hứa Do – Sào Phủ… càng ái ngại cho Giáo sư bên bến sông Nhĩ Hà nhiều lắm.
(Còn tiếp)
Đồng Nai hạ. Tháng 8-2018
Năm Châu Đốc
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 510
Xem tiếp phần 2
Những bài liên quan:
Không gian thời gian trong sáng tác văn học (Lê Xuân Mậu)
Trở lại chuyện hình thức mang tính quan niệm (Lê Xuân Mậu)
Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 1)
Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 2)
Thẩm định tự sướng (Năm Châu Đốc) (phần 3)
“Thi pháp truyện Kiều” mang lại đều gì mới mẻ ? (Trần Mạnh Hảo)
Những ngộ nhận về thi pháp và phương pháp trong nghiên cứu văn học hiện nay (Phan Trọng Thưởng)
Trao đổi với Chu Mộng Long về bài “Thi pháp học đồ đểu” (Phạm Ngọc Hiền)
Từ Thi pháp đến ký hiệu (Chu Giang)