Hương của mùa thu – Trần Tú

“Thị ơi, thị rụng bị chị
Chị để chị ngửi chứ chị không ăn”

     – Của em, quả này là của em, rõ ràng em vừa đọc xong thì nó rụng cơ mà!

     – Không, là của chị, chị trực ở đây trước.

      Mùa thu của chúng tôi từng bắt đầu như thế. Những buổi trưa không ngủ để đợi thị rụng. Từ đầu mùa hè cây thị nở rộ hoa, từng chùm hoa li ti đu đưa trong gió. Rồi một ngày cánh hoa rụng dần để lộ những quả non xanh ngắt. Điều ấy, làm lũ trẻ con cứ háo hức, mong ngóng quả lớn lên mỗi ngày. Quả non đắm mình trong cái nắng hè gay gắt, tắm mình trong những cơn mưa rào bất chợt, lớn dần lên, vỏ căng mọng, tràn đầy sức sống.

Mùa thu đến, nắng vàng nhưng không gay gắt, nền trời trong xanh điểm lên mấy áng mây trắng đang lững thững trôi. Trong vườn, dưới những tán lá đã điểm vàng, đám chim sâu đang lích chích chuyền từ cành nọ sang cành kia vui nhộn. Trong không gian ấy, chợt có một mùi hương êm dịu tỏa ra, càng cố hít hà lấy hương thơm ấy thì lại càng như bị quyến rũ đến đê mê. Hương thơm ấy dẫn dắt con người ta phải tìm đến nơi cần đến. Và cứ thế đám trẻ con chạy một mạch đến gốc cây thị già, ngước mắt lên tán cây tìm kiếm.

“A, kia rồi!”. Tiếng reo vui sướng khi thấy trong tán lá xanh những quả thị đu đưa theo gió, từng quả tròn căng, vàng ươm và xinh xắn. Ai nấy đều muốn được sở hữu những “quả thơm” ấy để tận hưởng cho được thứ hương thơm êm đềm của nó. Có nên trèo lên để hái quả không, hay lấy ngay một cái cây dài rồi chọc cho quả ấy rụng để thỏa mãn sự đam mê, thèm khát trong lòng người. Nhưng, bà đã dặn bọn trẻ rồi, có thèm cũng không được trèo hay dùng cây sào để bẻ cành, hái quả đâu. “Quả thị thơm cô Tấm rất hiền”- Bà kể thế. Hãy để thị rụng tự nhiên thì mới thơm, mới ngọt, còn cố để hái nó, ăn sẽ chát mà không thơm. Mọi thứ khiên cưỡng đều tạo ra những kết quả không mấy tốt đẹp. Đám trẻ tin lời bà và tin vào những câu chuyện bắt đầu từ “ngày xửa ngày xưa”.

Đứa nào đứa nấy thi nhau đọc vanh vách câu “thần chú” quen thuộc. Chỉ mong sao mỗi khi đọc xong, thị thơm sẽ rơi xuống. Hình như cây thị cũng nghe được những ao ước của bọn trẻ, từng quả thị vàng ươm từ từ chao mình trong không trung rồi nằm nguyên vẹn dưới mặt đất. Bọn trẻ chúng tôi vui sướng nhặt lấy, ấp nhẹ vào lòng bàn tay, hít một hơi dài cảm giác khoan thai ùa vào lòng. Đứa nào cũng không nỡ ăn, chỉ muốn ngửi mãi và tự hỏi tại sao hương thơm của nó lại say đắm lòng người đến thế.

Mùa thu đưa chúng tôi lạc vào một cõi toàn hương thơm và quả ngọt. Ngoài hương thị mùa thu còn ngập tràn hương ổi chín. Ổi chín thơm lạ thơm lùng, một cây ổi chín cũng đủ tỏa hương thơm lừng cả xóm. Ổi nhà khi chín đã thơm nhưng ổi mọc dại còn thơm hơn. Những cây ổi khẳng hiu mọc trên đất đồi cằn cỗi, quả chỉ to bằng ngón chân cái người. Ấy vậy mà một khi đã chín thì hương thơm quyến rũ đến nao lòng. Chỉ muốn ngay lập tức hái một quả, cắn một miếng rồi cảm nhận vị giòn ngọt thấm dần nơi đầu lưỡi.

Mùa thu chứng kiến những sự đánh dấu chủ quyền và phân chia “tài sản” của lũ trẻ chúng tôi một cách oanh liệt nhất. Buổi trưa cả lũ không đứa nào dám ngủ. Chúng tôi sẽ xuyên qua những khu vườn chạy đến bên gốc cây thị già, chờ khoảnh khắc thị rụng. Đứa nào nhanh tay sẽ lượm được nhiều quả hơn, tha hồ mà sướng. Từng quả thị rụng chẳng khác nào những viên ngọc mà trời đất ban tặng. Khi ấy, đôi mắt trẻ thơ ánh lên những niềm vui, lòng lóe lên suy nghĩ cổ tích là có thật. Có hôm vì tranh giành nhau mà quả thị trong tay nát bét, có đứa khóc toáng lên. Bà gọi chúng tôi vào buồng, lấy từ trong túi ra những quả thị xinh xắn chia đều rồi cười hiền bảo: “Đây đứa nào cũng có phần, không tranh giành, tị nạnh nhau nữa nhé!”.

Còn với ổi lại khác. Những cây ổi mọc dại tự nó đã chẳng thuộc về ai. Ngoài hành động khắc tên mình lên thân cây thì có nhiều đứa lại lựa chọn bấm móng tay mình lên quả để đánh dấu chủ quyền. Thế nhưng đó vẫn là những sự không rõ ràng. Một cây có nhiều đứa khắc tên, một quả lại có nhiều vết móng tay. Sự tranh giành tưởng chừng như không có hồi kết, có giận dỗi, cãi vã nhưng cuối cùng sẽ lựa chọn chia đều. Chấm dứt cuộc tranh giành là tiếng cười giòn tan của lũ trẻ trong nắng thu yên ả.

Hình như mùa thu đang đến trong miên man dòng nỗi nhớ. Người mơ màng chợt nhận ra mùa thu bắt đầu bằng những cơn mưa ngâu rả rích. Cái oi nóng của mùa hè lui dần vào quá khứ. Nhưng không gian đâu phải chỉ có hương của hoa thơm và quả ngọt nữa mà có nhiều hơn thế. Đầu thu, mùa thu hoạch vừng cũng vừa đến. Thời tiết như một cô gái mới lớn tính khí thất thường đến là khó chịu. Trời đang hửng nắng, thì bỗng đâu đó mây đen kéo đến thế là mưa. Mưa không kịp chạy, cây vừng đang phơi dính nước mưa lâu ngày mốc thếch, bốc mùi chua loét. Trong cái mùi chua ấy có vị mặn chát của những giọt mồ hôi rơi với bao vất vả và lo toan. Nỗi nhọc nhằn hiện lên rõ nét qua đôi mắt u buồn của người nông dân. Thấp thoáng nơi tâm trí người hiện lên một cơn mưa, từng quả ngọt rơi xuống bùm bụp. Gốc thị, gốc ổi vương vãi quả. Quả dập nát, bốc mùi hôi thối.

Hết mưa trời hửng nắng, mọi thứ được hong khô. Gió làm từng đám lá rơi xào xạc. Mùa thu thực sự đã tới rồi. Nhưng tôi tìm mãi mà không thấy những hương thơm xưa cũ. Bà đã mất. Cây thị già đã bị chặt đi, nền đất đã mọc lên một ngôi nhà mới. Cây ổi dại năm xưa cũng vĩnh viễn nằm lại trong ký ức. Bồi hồi tôi tự nhủ: Phải chăng hương của mùa thu là hương của những gì đã xưa cũ?. Tôi nhớ da diết mùi hương của quả thơm trong chiếc áo nâu bạc màu của bà. Nhớ những góc sân và khoảng trời đầy những ký ức của tuổi thơ. Nỗi nhớ cứ miên man trong lòng. Chợt tiếng chổi quét lá từ nơi nào vọng đến, nghe sao mà thân quen thế.

Khói phả ra mùi lá cháy lan tỏa trong không trung tự lòng người thấy bao nuối tiếc. Sự nuối tiếc bắt đầu bằng một tiếng thở dài. Ngẫm đời lá rồi lại ngẫm đời người, tất cả rồi sẽ trở về với đất mẹ bao la. Mùa thu đến rồi lại đi. Vạn vật đều theo quy luật hồi sinh, luân chuyển của tạo hóa. Một ngày thu ta chợt nhận ra hương của thị, của ổi nằm nào chính là hương của thời gian. Và hương của mùa thu chính là hương của cuộc sống.

Trần Tú

Vannghemoi.com.vn − 18:57, ngày 24/08/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền