Nhạc Trịnh qua góc nhìn người nghe nhạc (phần 5)- Phan Thanh Tâm

Đêm nghe nhạc Trịnh…

Đêm khó ngủ, tôi hay nghe chị Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc được thu trước năm 1975.

Giai điệu nhạc nhẹ nhàng cùng lời hát trầm ấm, nồng nàn tình ái của chị Khánh Ly như kể như nói. Tôi im lìm nghe từng tiếng vọng vào lòng, như có đời mình trong từng ca khúc về tình yêu và thân phận mà chị hát.

Tôi đuổi theo “ca từ nói lạ”, quên hết nỗi vui buồn của tình đời thế sự đang có trong tôi. Rồi giấc ngủ đến với tôi tự lúc nào cũng không hay. Lắm lúc tôi trăn trở, là ông Trịnh Công Sơn sáng tác nhạc, bằng cách nào mà kỳ diệu đến thế.

Tôi loay ngoay tìm kiếm cách sáng tác nhạc là ra sao, thì tôi tìm thấy có 3 cách:

1.Viết giai điệu trước rồi viết lời sau.

2.Viết lời trước rồi viết giai điệu sau.

3.Viết giai điệu và lời cùng một lúc.

Âm nhạc là bộ môn âm thanh, nên người sáng tác thường dùng cách tiến hành hợp âm, để khởi tìm giai điệu rồi đặt lời thành ca khúc.

Giai điệu viết trước thì thường mượt và đẹp. Lời viết sau thì nương theo giai điêụ có sẵn mà viết. Viết lời trước rồi viết giai điệu sau, thì giai điệu phải nương theo ca từ mà đi.

Viết lời và giai điệu cùng một lúc là tổng hợp cách viết 1 và 2

Cách viết tổng hợp có lợi thế, là giai điệu và lời cùng phát triển song hành, dễ tương tác qua lại, làm cho lời nhạc và giai điệu hòa quyện hơn.

Ca từ nói lạ…

Nói lạ là một trong những cách sáng tác văn chương nghệ thuật…

Nếu như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người nói lạ bẩm sinh, thì khi làm thơ hay viết lời nhạc, ông đều nói lạ như nhau. Nên nhiều ca khúc của ông đều có cách nói lạ độc đáo: từ hiểu đến khó hiểu. Còn như ông cố tình nói lạ thì sẽ không nói được nhiều “cái độc đáo” ở nhiều ca khúc khác nhau. Hầu như người ta không tìm thấy ông dùng nhiều từ ngữ giống nhau, để viết cho nhiều ca khúc trước và sau này. Như vậy mới thấy vốn ca từ nói lạ của ông rất phong phú và dồi dào.

Viết lời trước, bằng nhiều khổ thơ có vần hoặc không có vần, thì người nhạc sĩ có đủ thời gian nắn nót lời nhạc như thế nào là tùy ý; sau cùng giai điệu phải nương theo ca từ mà đi. Quá trình này lại tiếp tục chỉnh sửa lời và giai điệu sao cho khớp, cho hay để thành bài ca hoàn chỉnh. Không vừa ý thì tiếp tục chỉnh sửa dài dài về sau. Tuy nhiên có những ca khúc không chỉnh sửa bao nhiêu mà đã hay.

Viết lời sau, thì chọn lựa ca từ phụ thuộc vào giai điệu, tiết tấu và độ cao thấp của nốt nhạc. (…) Quá trình này cũng phát sinh ra ngôn từ mới để ăn khớp với các nốt trầm bổng, như đảo trật tự từ, chế tác từ…Phụ thuộc vào vốn luyến văn chương, và tài học hỏi của người nhạc sĩ ở nhiều lãnh vực khác nhau mà hợp thành.

Trong quá trình sáng tác âm nhạc, người nhạc sĩ luôn phát huy tính sáng tạo, không bị đóng khung vào giai điệu, hay ca từ có sẵn trước đó. Biết linh hoạt tìm kiếm cái hay, cái mới, cái độc đáo. Vì vậy mà sự nói lạ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, không có sự giống nhau đến hai lần.

Giai điệu và lời….

Một ca khúc hay, phần nhạc và phần lời đều phải hay như nhau, trong đó có sự cân phân về hình thức và nội dung bản nhạc.

Ở dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, giai điệu ở một số bài trở nên sôi nổi và hào hứng. Lời ca mạnh mẽ, rõ ràng, không quá khó hiểu, dù có nhiều cách nói lạ….

Ở dòng tình yêu và thân phận, giai điệu thường nhẹ nhàng, ca từ có lúc khó hiểu. Nhưng nguời nghe cảm thấy cách ông nói lạ thật là ngộ nghĩnh, mà hay, sâu sắc vô cùng. Nó bảng lảng như màn sương ban mai, cảnh mờ nhòa, nhoà vừa đủ nhận ra bông hoa hồng, giọt sương trên cành lá biếc… cảnh và tình ẩn hiện đến tận cõi lòng người nghe. Rồi không ngôn từ nào giải thích cặn kẽ cái mà ông nói, chỉ có sự cảm nhận từng người. Âm nhạc của ông đòi hỏi người nghe phải biết tưởng tượng, tưởng tượng là hình tượng nghệ thuật, dẫn đến xúc cảm của mỗi người là khác nhau.

Nhìn chung gia tài âm nhạc của ông, chuyển tải gần hết cái bí hiểm của lòng người. Mà ở đó chân-thiện-mỹ là phẩm giá cao nhất cho mỗi con người cần hướng tới, để có cuộc sống tâm hồn đẹp hơn.

Hiểu và không…

Nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ…. luôn có những niềm riêng giấu kín. Họ ẩn dụ qua nhiều hình tượng nghệ thuật: hương ngọc lan, mùa thu chết, mây lang thang…nhằm che dấu bóng hồng mà họ từng yêu, từng bị phụ bạc và cũng từng hạnh phúc. Họ nói lạ độc đáo vô nhị thì chỉ có trời mới biết. (nói lạ cũng là một mật mã riêng tư)

Khi sáng tác nghệ thuật, họ tìm cách khoác lên hiện tượng hay sự vật nào đó, bằng chiếc áo thần kỳ của ngôn ngữ nói lạ, nhằm biến sự vật vô tri thành hữu tri, vô hình thành hữu hình, qua lăng kính nghệ thuật riêng.

Một trong cách đảo từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “cọng cỏ khô buồn”, ông nói là, “cọng buồn cỏ khô”(Rừng xưa đã khép); “một nụ sen hồng”, ông nói là, “sen hồng một nụ”(Đóa hoa vô thường); “một đóa hoa vàng”, ông nói là, “hoa vàng một đóa” (*)

Còn rất nhiều ca từ lạ lẫm mà người nghe không thể hiểu, vì nó không có cấu trúc câu thông thường, hoặc ký hiệu riêng tư. Nhưng đối với ông nó thật là có ý nghĩa và nhiều nỗi niềm riêng. Vì âm nhạc là của ông, ông viết cho cái tôi, cái vô ngã và vô thường của triết lý nhà Phật.v.v…

Xa hơn nữa là nền văn hóa, nơi ông sinh ra và lớn lên, kiến thức ông học hỏi và sự trải nghiệm. Cùng ngôn ngữ tiềm thức sâu kín cho đến quê hương một thời khói lửa, tình yêu đầu đời và những cuộc tình đi qua đời ông. Tất cả hợp thành nhân cách sống và triết lý âm nhạc của ông.

Cuối cùng là bằng cách nào, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết “ca từ”: xuất sắc đến mức người đời tặng cho danh hiệu, “phù thủy văn chương của chiếc đũa thần”. Điều này chỉ có các nhà nghiên cứu âm nhạc, ngôn ngữ, văn học, mới biết rõ về người nhạc sĩ tài hoa, đầy tính lãng mạn và giàu lòng trắc ẩn.

Nghe nhạc Trịnh như lạc vào thế giới ngôn từ – nói lạ của tiếng mẹ đẻ. Có cái hiểu, có cái không, có cái mơ hồ như các vì sao xa xôi, mà không bao giờ chạm tới. Cái lạ lẫm tưởng chừng không là gì, nhưng nó chạm vào biết bao trái tim người nghe nhạc của ông.

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi / để một mai tôi vươn hình hài lớn dậy/ôi cát buị tuyệt vời/ mặt trời soi một kiếp rong chơi” (Cát bụi).

Phan Thanh Tâm – Cà Mau

*Chú thích (*) Trí Nhân.

Vannghemoi.com.vn − 20:16, ngày 01/03/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền