CHO NHAU…

                                              Phú Hanh
Em từ cởi áo trao nhau…
 
Trầu têm thắm…ý se nhàu
Son lòng ẩm dấu, giọt sầu ngoan môi
Bây chừ, chừ hỡi mình ơi…
Trầu loan, trầu phượng… trầu ôi nhạt mùa.
 
Rằng xưa, cởi áo che mưa
Cởi lòng son dạ, tua rua ví dầu
Là lơi nghiêng nắng qua cầu
Lá sen chằm nón kết sầu mang mang
 
Bây chừ, bến vắng đò ngang
Dẫu mưa lạt gió…cứ sang, em chờ
   
___________&&&&&____
 
        TỤC ĂN TRẦU của NGƯỜI VIỆT trong VĂN HÓA TRẦU CAU
 
     Trầu cau là biểu hiện nét văn hóa độc đáo của người Việt.
     Miếng trầu chứa đựng nhiều cung bậc tình cảm và nhiều ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó thân thiết trong đời sống, trong tâm hồn mỗi một con người xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử cho đến hôm nay và có lẽ sẽ là mãi mãi…Trầu cau luôn hiện diện trong đời sống tình cảm các dân tộc Việt Nam (Hạt cau đã tìm thấy trong di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Hòa Bình, cách nay khoảng trên dưới một vạn năm).
       Lá trầu, quả cau trong tục mời trầu, ăn trầu và cả tục dâng lễ trầu cau ở các dịp lễ cúng, hiếu hỉ đã gần gũi, gắn bó thiêng liêng trong lòng người Việt.
       “Miếng trầu là đầu câu chuyện”…đã điều chế được cả một hệ thống ứng xử vô cùng lịch thiệp, nét văn hóa sâu sắc, độc đáo trong hành trình triết lý trầu cau. Trên từng mẫu chuyện trong nếp dung dị của sự mời trầu xưa nay. Tự bao giờ, trầu cau đã nhiên thành gắn bó với đời sống người Việt như bát nước chè xanh, thuốc lào…cũng như hầu hết những giao tiếp buồn vui của làng quê, từ kính lễ gia tiên, tế thần, đến mọi lễ hội hàng năm, hiếu hỉ đến gặp gỡ nhau ở sân đình, gốc đa, bến nước.
     Trầu cau là quà tặng tự nhiên cuộc sống, là triết lý thâm trầm nghĩa tình bền chặt đã ăn sâu, bám rễ vào văn hóa người Việt.
     Têm trầu là một sắc độ nghệ thuật, một gam màu triết lý nhiên hậu, tổng hòa đời sống, là sự tích nhiên thành của tâm tư tình cảm trên môi ngoan ửng ửng…tươi nhuận trong tình yêu đôi lứa, trong ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó từng mỗi một tâm hồn người Việt.
            Trầu này trầu tính, trầu tình
 Trầu loan, trầu phượng, trầu mình lấy ta. 
Và “Ba đồng một mớ trầu cay” cũng nói lên tình cảm, cũng đủ “làm dâu nhà người”, trầu cau là sự khơi mở, nhắc nhớ tâm tư luôn hướng về tình cảm son sắc thủy chung. Hầu hết trên xứ sở Việt Nam, tự quê miền dân dã …nơi hàng  cau thơm nắng, giàn trầu mượt xanh
            Vàng đồng thơm nắng hàng cau
     Giàn trầu chải gió xanh màu lứa đôi
            Trầu têm cánh phượng thay lời
     Trầu nhân, trầu nghĩa đợi người tri âm.
 Năm năm tháng tháng, sự tích trầu cau đã đan lòng giấc mơ nhiên hậu thành ước nguyện, thành ca dao, ví dặm, ngạn ngữ, tục ngữ dân gian…thành kinh thi cuộc sống, để mà trao duyên, gửi phận…để duyên nợ trầu cau nên vợ nên chồng.
       Con người vốn đa tình hơn đa lý, và trầu cau đã thơ hóa cuộc đời, đã nhiên thành tình yêu từ những sớm mai của văn hóa Phương Đông. Miếng trầu và câu thơ đã thành chìa khóa mở ra cõi người, cõi thơ trên mỗi một con người Đất Việt…điều đó đã chắp cánh bay xa đến hôm nay và đã trường tồn qua nhiều thiên niên kỷ.
      Cho dẫu hôm nay con người đã ngụ giữa lòng triết lý nguyên tử…miếng trầu têm đậm sắc mầu tinh thần Việt lý Trầu Cau vẫn đang là sức sống. Trầu cau đã luôn là hình tượng của văn học dân gian, là văn chương trong biểu tượng văn hóa trong xuyên suốt lịch sử phát triển.
          Đây còn là sự tiếp lửa của sự “hòa ba làm một” và “cau sáu bổ ba” trong ý và tình gửi gắm qua việc “têm trầu” là sự biểu đạt sắc độ màu sắc qua ánh mắt và con tim và còn hiểu được tính nết người têm nó. Têm trầu là một nghệ thuật văn hóa độc đáo khéo tay trên cánh trầu và trong từng nếp gấp để gói trọn sự nồng thắm, thơm cay sự tinh tế và nề nếp, gia phong giáo dục của gia đình. Trên từng cung bậc, hoàn cảnh tình cảm, tình huống mà miếng trầu sẽ được têm theo nhiều hình thái và ý nghĩa khác nhau trên từng sắc màu, mùi vị, kiểu dáng…Sự yêu ghét đôi khi cũng chỉ cần thêm bớt, mặn lạt đôi chút như “chín bỏ làm mười’
                  Yêu nhau cau sáu bổ ba,
         Ghét nhau nhau sáu bổ ra làm mười
    Ngày nay đất nước đã phát triển, con người đã tiến xa hơn trong nhiều lĩnh vực…kinh tế khoa học, văn hóa xã hội. Tuy vậy, quả cau, lá trầu vẫn là nét đẹp văn hóa người Việt, đây là một biểu tượng, một bản sắc văn hóa rất riêng xưa nay của người Việt…Trầu cay, trầu tính…trầu loan, trầu phượng đã tạo thành một cảm giác lâng lâng, cay cay đuối mắt ngọt môi nồng say tâm tình thoáng đạt, cởi mở để gần gũi, thân thương hơn…để thành mạch nguồn cho tình yêu bắt đầu.
     Có lẽ tất cả những dân tộc ăn trầu, lễ trầu ở Đông – Nam Á cũng chưa có dân tộc nào coi Miếng Trầu (cây cau, giàn trầu, bình vôi, vỏ rễ, túi gấm, khay trầu…miếng trầu têm) là biểu tượng văn hóa, là sắc mầu nghệ thuật như ở Việt Nam ta. Trong văn chương (dân gian đến bác học) chưa có loại cây cỏ nào được nhắc nhớ, đề cao, coi trọng và ca ngợi nhiều như cây cau, giàn trầu…Từ một vật chất nhỏ nhoi đã trở thành tặng phẩm, lễ vật tinh thần cao quí, khắng khít như vợ chồng, truyền thuyết thủy chung như sự tích sắc son trên tinh thần văn hóa cao đẹp suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
      Miếng trầu hôm nay tuy không còn là mắc xích đầu tiên cho mọi hình thức ứng xử như xưa, nhưng giàn trầu và hàng cau vẫn xanh màu trên quê hương đất nước, và luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong mỗi một người dân Việt…
            Nhà anh có một giàn trầu
     Nhà em có một hàng cau liên phòng
            Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
     Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào.
                                               Nguyễn Bính
     Lần theo dấu xưa và hôm nay, Trầu Cau là nét đẹp truyền thống trong giao tiếp, ứng xử cốt chỉ ở tinh thần triết lý của tự nhiên trong chính tự thân sức sống của nó…mà trong suốt chiều dài đó không hề có bóng dáng của hành xử cử chỉ, càng không là phương tiện để tồn tại.
           Có phải duyên nhau thì thắm lại
           Đừng xanh như lá, bạc như vôi
                                        Hồ Xuân Hương
      Đích thị, rằng đây là Việt Lý Trầu Cau của văn hóa Việt Nam, của biểu tượng tinh thần vật chất cụ thể. Trầu Cau trong túi gấm, trong bình vôi đặc sánh với chìa tre cột dây khoen lỗ, và Miếng trầu thơm cay, đỏ thẫm vị nhân sinh đậm sắc màu phồn thực.
Phú Hanh