Xuân về trở lại Keng Đu – Nguyễn Viết Lợi

Keng Đu là xã biên giới của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Xã có 25km đường biên. Từ thị trấn Mường Xén vào đến Trung tâm xã dài hơn 80 cây số. Đi ô tô mất nửa ngày lội suối, vượt đèo.
Xã nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi chọc trời, Vượt đỉnh Hồi Lê để vào đến Keng Đu, là cả một hành trình gian khó. Ta lại bắt gặp dãy Huồi Ling chót vót. Vành đai biên giới giáp huyện Hủa Păn – nước bạn Lào.
Keng Đu cổng trời hai phía !
Xe xuất phát hướng Tây Nghệ An. Đường N5 phẳng lỳ, đi qua đồi núi, ruộng đồng bát ngát của vùng Trà Sơn, Trù Đại. Ngồi trên xe hứng chỉ có thể làm thơ được.
Buổi sáng sớm, trời mờ sương. Xuân nhuộm xanh cây, cỏ ngày áp tết. Những cây nêu cong lưng hình bông lúa treo đèn lồng, cờ tổ quốc đứng khoe duyên hai bên đường. Từ huyện Nghi Lộc lên miền tây, nhấp nháy trong huyền ảo sương mai.
Đường 7 vào xuân! Bầu trời như quang đãng hơn. Những cánh chim Thiên Di vội vã tìm về những vùng đất trũng để tìm cái ăn. Ở những chân ruộng, đầm, đĩa những nương ngô, bãi mía gối vụ, khiến sơn thủy hữu tình hơn.
Men theo hữu ngạn sông Lam – Đường 7 đưa ta qua bao thiên cảnh miền sơn cước kỳ thú. Những bản làng người Thái có nét đẹp truyền thống, cộng với sự giàu có, ăn nên làm ra, mái nhà sàn nay đã hiện đại hơn nhiều so với trước. Khiến ta ngẩn ngơ trước những công trình “Tân cổ giao duyên”.
Chấm phá thêm vẻ hoang sơ của miền Tây xứ Nghệ là những chiếc khăn phiêu, váy áo thổ cẩm trong ngày nắng đẹp. Vọng lại đâu đây tiếng khèn môi rủ bạn về bản.
Rừng bương, rừng luồng. Mùa măng mọc tua tủa, thẳng đứng bỗng nghiêng cái ngọn làm duyên, đẹp như phim cổ trang Trung Hoa. Trải dài qua các vùng đất của Anh Sơn, Con Cuông. Ôm lấy bờ sông Lam tình tứ hoặc dận hờn, tách xa sông để đi qua rừng thẳm.
Lữ khách sẽ bất ngờ và ngạc nhiên chiêm ngắm một khu rừng Săng Lẻ, lạc vào đây, ai ai cũng thích thú hít thở không khí trong lành của đại ngàn. Các đoàn, các chuyến xe đi qua, đều dừng chân lưu giữ vài kiểu ảnh vào bộ nhớ của chiếc “dế yêu” của mình về làm kỷ niệm. Khu rừng già cây thẳng đứng, cao vút.
Tiếc là ở đây khâu bảo tồn chưa trọn vẹn, nên chưa thấy có công trình vệ sinh công cộng, để du khách giải quyết “nỗi buồn” !? Khi dừng chân ghé thăm rừng Săng Lẻ quý giá giữa đại ngàn Pù Mát.
Càng đi, miền Tây xứ Nghệ càng hút hồn du khách, khiến ta ngỡ ngãng. Có khi đôi lúc con sông và con đường như hòa làm một – cứ như không thể thiếu nhau. Dòng Nậm Mộ lúc ẩn, lúc hiện, lúc ôm choàng khúc cua chữ A. Giữa sơn cùng thủy tận miền biên viễn.
Thủ phủ Mường Xén của huyện rẻo cao Kỳ Sơn vẫn thế. Phố thị miền Tây nương dựa vào dãy Trường Sơn và dòng sông Nậm Mộ mà nên hình nên vóc.
Cuộc sống mới đã đưa những bản làng, những thổ dân sơn tràng ngày xưa trở thành cư dân phố cổ tự lúc nào. Phố ít thấy bóng áo chàm, váy cẩm, vắng vó ngựa về Mường.
Thi thoảng đôi ba Pò – Me từ những vùng sâu, vùng xa xuống núi nhưng họ đi bằng “ngựa sắt” – xe máy phân khối lớn dễ leo dốc, chân xỏ ủng cao xu để cuộc hành trình, đưa lâm nông sản ra thị trấn an toàn hơn.
Ở phố huyện, phụ nữ các dân tộc thiểu số cũng đã ưa làm đẹp (đa phần là giáo viên, công chức, người kinh doanh).Son phấn, kẻ mi, guốc mốt, dày, áo dài truyền thống mặc váy mốt, diện đồ bò…
Vào thăm các điểm trường ở xã Mường Típ, xã Keng Đu, bản Huồi Lê, Quyết Thắng. Các cô giáo trong giờ lên lớp, xúng xính tà áo Việt. Muốn có kiểu ảnh với áo chàm, váy thổ cẩm mà đành chờ dịp khác.
Cuộc sống làng bản, cô trò đã đầy đủ hơn, không còn cảnh trẻ con chân đất, ở lổ (ở truồng) nữa. Trường lớp, bàn ghế Xuân Hòa khang trang, sạch đẹp. Đáp ứng các tiêu chí trường chuẩn con trẻ, đủ ăn, đủ mặc. Được học bán trú nên em nào cũng sạch sẽ tinh tươm.
Nhà sinh hoạt cộng đồng chiều chiều trưởng bản Lò Phò Khoa, kiêm bí thư chi bộ (nhiệm kỳ trước, ông nguyên là chủ tịch Hội CCB xã Keng Đu). Mở loa đài, thanh thiếu niên trai gái kéo về nhà văn hóa xem và cùng hát karaoke đông vui như xuống chợ tình của Mường.
Người già, trẻ con, trai gái, những ánh mắt tươi vui tiếp nhận quà cứu trợ: “Tết ấm biên cương” của Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An. Ai cũng rạng ngời những nụ cười đầy niềm tin. Gửi gắm cuộc sống mới nơi miền Tây xa xôi của đại ngàn nguyên sinh Pù Mát.
Cổng Trời Mường Lống, những con đèo cao vút, dài giằng dặc quàng mây trắng quanh năm. Mùa hoa đót đang nở rộ, sơn tràng các bản tranh thủ hái lượm, phơi vàng dọc đường đi và trên bão sỏi của bờ Nâm Mộ, biên giới Việt – Lào, bằng vài sải tay.
Đêm Lăng Vông là vui nhất. Hội làng, nhạc nổi lên, ai ai cũng nhún nhảy vào cuộc. Khi đã đủ lâng lâng bởi từng “Chàm, Môi” bên cần rượu trú. Các “chàm” rượu cũng biết dùng “tiểu xảo” kiểu dưới xuôi để đưa các “lưu linh” vào đêm “vợ ơi ! hôm nay lại say mất rồi”. Uống hết một “chàm” người trong cuộc mới được thả cần (một chàm đong bằng 1 chai nước khoáng thay cho sừng trâu ngày xưa).
Vui chuyện với đồng nghiệp, phóng viên truyền hình huyện Kỳ Sơn, Lữ Phú. Đêm “lăm khắp” tan lúc nào không hay !
Trở về xuôi, xe ta qua dốc Dừa, Lạng thuộc (phủ Anh Sơn) – huyện Anh Sơn. Miền Tây chưa thả ta đi tự do, mà còn níu kéo bước chân lữ khách. Ghé “nhà sản xuất Bách Gai đốc Dừa” ngon, ngọt có tiếng (nhưng độ rày hình như nhỏ lại) ai cũng mua cho mình dăm chục, một trăm cái để làm quà biếu người thân.
Trở về Vinh, dư âm còn thấm đẫm một hành trình đi thực tế: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/Dioxin” cùng Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Nghệ An lên miền biên viễn thật ý nghĩa. Đọng lại nhiều kỷ niệm đẹp về quê hương, đất nước thân yêu./.
Nguyễn Viết Lợi

Vannghemoi.com.vn − 16:53, ngày 12/02/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền
Từ khóa: