/

“Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ
Thà đui mà khỏi danh lơ
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình”.
Ngày đưa tiễn nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về cõi vĩnh hằng, cánh đồng An Đức rợp trắng khăn tang của những người mến mộ. Dù đã đi rất xa nhưng khi nhắc đến cái tên Đồ Chiểu, bao thế hệ người dân miền Nam, bao thế hệ người dân Việt Nam vẫn còn xúc động; sẽ chẳng thể nào quên được hình ảnh một nhà thơ bị mù lòa cả hai mắt nhưng tâm luôn sáng vằng vặc như vì sao Bắc Đẩu trên bầu trời văn học nghệ thuật. Cuộc đời Đồ Chiểu là bài ca yêu nước và tự hào dân tộc, là một bức tượng đài sừng sững đã thách thức biết bao bạo tàn quân xâm lược và còn là tấm gương sáng ngời về đạo đức và lí tưởng sống thanh cao.
Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822 mất năm 1888. Tự là Mạnh Trạch, hiệu là Hối Trai. Sinh ra tại quê mẹ là làng Tân Thới , tỉnh Gia Định còn quê cha ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Niềm vui vỡ òa khi thi đỗ Tú tài năm 21 tuổi. Sáu năm sau, ông ra Huế học để tiếp tục kì thi Khoa thì hay tin mẹ ở quê mất. Trên đường trở về chịu tang mẹ; thời tiết thất thường, vất vả lại vì khóc thương mẹ rất nhiều nên bệnh tật đã cướp đi đôi mắt sáng của nhà thơ khi tuổi đời chỉ mới hai bảy.
Giữa lúc tuổi trẻ đang chứa bao hoài bão và khát vọng Đồ Chiểu lại gánh trên vai những nỗi đau của sự mất mát. Mẹ mất, cha mất, hôn thê bội ước, đất nước bị giặc xâm lăng giày xéo. Thế nhưng không đầu hàng trước số phận, Nguyễn Đình Chiểu về quê mẹ dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Là thầy giáo mẫu mực, là thầy lang y từ đức, là nhà thơ mù dùng ngòi bút của mình để chở đạo và đâm tà.
Có thể nói rằng: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn có cái đẹp từ con người đẹp đến văn chương”. Cái đẹp ấy được thể hiện trong tất cả những sáng tác của ông. Dẫu đôi mắt mù lòa nhưng tâm ông rất sáng, trí ông rất nhạy cảm để nắm bắt kịp thời và ghi lại những gì đang diễn ra. Suốt cuộc đời mình; Đồ Chiểu đã gắn bó và chiến đấu không ngơi nghỉ cho lẽ phải, cho quyền lợi của nhân dân và đất nước. Điều ấy được thể hiện rất rõ trong truyện thơ “Lục Vân Tiên” . Với Lục Vân Tiên, Đồ Chiểu đã kiên quyết bảo vệ chính nghĩa và lên án kết tội bọn bất nhân phi nghĩa như Võ Công, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, Thái sư…Những kẻ dùng mọi thủ đoạn để hãm hại người hiền lành, hòng cầu vinh hoa phú quý cho bản thân. Những kẻ bất chấp luân thường đạo lý sẵn sàng hãm hại bạn bè, dẫm đạp người tài giỏi và dường như tất cả bọn chúng hiện hữu trong trang thơ Đồ Chiểu đều gánh chịu tất cả sự khinh miệt và căm tức tột độ của nhà thơ.
“Quán rằng: Ghét việc tầm thường
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm
Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang
Ghét đời U, Lệ đa đoan
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần”.
Thế nhưng xã hội trong truyện “Lục Vân Tiên” không chỉ hiện diện bọn Trịnh Hâm, Bùi Kiệm gian ác mà còn có những con người sáng ngời đạo đức như Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Tử Trực. Dù phải trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ nhưng ở họ vẫn giữ gìn nhân cách cao đẹp, hiếu thảo, thủy chung, yêu chuộng việc chính nghĩa. Đó phải chăng là ước mơ của chính nhà thơ mù về cuộc sống tốt đẹp dành cho những con người tốt đẹp. Không có đôi mắt sáng giống những con người bình thường khác nhưng tâm Đồ Chiểu sáng quá, ánh sáng ấy đã phản chiếu vào từng trang thơ để mà chở đạo, để mà đâm tà, để mà cứu nước, để mà thương dân.
Bên cạnh mảng thơ văn đạo lí, vẻ đẹp con người đạo đức, chính trực Nguyễn Đình Chiểu còn thể hiện rõ trong những áng thơ ca yêu nước chống Pháp. Bằng ngòi bút tả thực, ông đã vẽ lên một bức tranh về xã hội Việt Nam phong kiến thu nhỏ với những gam màu khác nhau mà ở đó phơi bày tất tần tật tội ác của giặc ngoại xâm; nguyền rủa, tố cáo những kẻ bán nước theo giặc, phản bội quê hương. Đồng thời cũng ca ngợi và biểu dương những người anh hùng, những người nông dân nghĩa sĩ áo vải. Họ là những tấm gương yêu nước sáng ngời trong khúc tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc hay “Văn tế Trương Công Định”.
“Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ”. (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).
Mặc dù không trực tiếp chiến đấu nhưng với ý chí sắt đá; với ngòi bút sắc bén, rạch ròi, Nguyễn Đình Chiểu vẫn là một chiến sĩ dũng cảm hiên ngang trên chiến trường của riêng ông. Có thể nói ông là một nhà nho mang ý thức hệ phong kiến nhưng Đồ Chiểu lại là một nhà nho yêu nước tiến bộ. Ông xót xa, đau đớn cho những người dân áo vải hiền lành dám tình nguyện đứng lên để bảo vệ đất nước, rồi nơi họ trở về không phải là gia đình, người thân mà vùi mình vào trong lòng đất hay gửi xác trên những bãi sa trường. Bởi căm thù giặc, bởi yêu nước mãnh liệt họ mới sẵn sàng hi sinh. Vợ con họ đang than khóc và có lẽ Đồ Chiểu cũng đã khóc thương cùng với họ cho nên lòng căm thù ấy trực tràn ngay ra đầu ngọn bút để mà viết nên những câu thơ làm nhức nhối lòng người.
“ Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”. ( Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).
Thật vậy, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu mới cao đẹp biết bao vì nó không chỉ xuất phát từ truyền thống đạo lí của dân tộc mà còn ca ngợi đạo làm người trong cuộc đời thường và có giá trị giáo dục rất sâu sắc. Mặt khác, thơ văn yêu nước của ông không đi bên lề của cuộc khởi nghĩa mà tham gia vào phong trào kháng chiến như một chiến sĩ thực sự trên mặt trận văn chương. Giờ đây, nhà thơ vĩ đại của dân tộc ta đã an nghỉ nơi miền cực lạc thế nhưng bức tượng đài sừng sững về niềm tin và nhân cách sống cao đẹp Đồ Chiểu sẽ sống mãi trong lòng người dân Nam Bộ và trong lòng toàn dân tộc Việt Nam hôm qua, hôm nay và ngày mai. Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ có cái đẹp từ con người đẹp đến tận văn chương; một nhà thơ với đôi mắt mù nhưng tâm ông luôn rực sáng .
“ Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm.
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

PHẠM THỊ RƠN

/