LÊ KIM TÁM

Văn học Phú Yên hình thành và phát triển chậm hơn so với một số tỉnh thành trong cả nước, lại xa các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nên thiếu một môi trường thuận lợi để cạnh tranh, nâng cao chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, càng về sau văn học Phú Yên càng vận động mạnh mẽ, nhịp độ phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Độc giả cả nước không chỉ biết đến Phú Yên như một địa chỉ đỏ của văn học cách mạng trong thời kháng chiến, mà còn những thành tựu đáng ghi nhận của văn học Phú Yên giai đoạn cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI. Trong hơn 15 năm đầu thế kỉ XXI, nhiều tác giả tiêu biểu của Phú Yên liên tục cho ra mắt những đứa con tinh thần có giá trị, nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cấp Quốc gia.
Bên cạnh việc thể hiện những đặc điểm chung của văn học cả nước qua từng giai đoạn phát triển, văn học địa phương vẫn thường mang hơi thở riêng của môi trường nuôi dưỡng nó. Văn xuôi Phú Yên không ngoại lệ. Diện mạo văn xuôi Phú Yên từ sau năm 2000 vẫn chảy trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam đương đại.

/

1. Sự đa dạng về đối tượng phản ánh
Đối tượng của văn học là toàn bộ hiện thực khách quan trong mối liên hệ sinh động, muôn màu với cuộc sống con người, được quy định bởi khả năng chiếm lĩnh thẩm mĩ hình thành trong quá trình thực tiễn cuộc sống và nghệ thuật, là thế giới các giá trị thẩm mĩ và thực tại (Từ điển văn học, 2003). Nhà văn M.Gorki từng nói Văn học là nhân học. Đối tượng phản ánh của văn học là đa dạng và phong phú, nhưng văn học bao giờ cũng ưu tiên cho việc miêu tả con người, lấy con người làm điểm tựa nhìn ra toàn bộ thế giới. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng Văn học và đời sống là những đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Vì thế văn xuôi Phú Yên giai đoạn này cũng không nằm ngoài quy luật lấy con người làm đối tượng trung tâm của sự phản ánh. Người đọc có thể thấy hình ảnh con người trong các tác phẩm văn xuôi Phú Yên từ năm 2000 đến nay được hình tượng hóa một cách đa dạng, đủ mọi tầng lớp, thành phần xã hội. Có thể nói rằng Huỳnh Thạch Thảo là nhà văn luôn mong muốn đi tìm kiếm những con người với các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội để từ đó khái quát vào trang văn của mình thành những kiểu nhân vật với bao suy tư, trăn trở cùng những hoài niệm từ cuộc sống. Đó có thể là nghề khai thác tổ chim yến (Sào chỉa), nuôi trồng thủy sản (Người đìa tôm), nghề lau cửa kính cho những ngôi nhà cao tầng ở thành phố (Nơi khoảng không bao la), nghề sửa chữa tháp cổ (Đêm nơi tháp cổ) hay nghề câu cá ngừ đại dương (Bạn trên biển), … Huỳnh Văn Quốc, Phương Trà và Phùng Hi lại lưu tâm hơn đến các con người có nghề nghiệp thường bị dư luận xã hội coi khinh hoặc những người chẳng may bị nhiễm phải căn bệnh bị xã hội dè bỉu, xa lánh. Đó là những gái làng chơi (Người mẫu trần gian, Đại gia), là người bị nhiễm HIV (Tình yêu có thật, Đi qua biển rộng sông dài, Giấc mơ ban ngày). Ngô Phan Lưu và Trần Quốc Cưỡng lại chọn người nông dân làm đối tượng phản ánh cùng với những đổi thay của xã hội làm xáo trộn cuộc đời họ, hiện hữu nơi đó là những con người luôn phải nhận thức và lựa chọn giữa thiện – ác, tốt – xấu. Đoàn Việt Hùng, Y Nguyên, Phùng Hi là những nhà văn có sở trường về đề tài người giáo viên, những con người luôn băn khoăn giữa lí tưởng nghề nghiệp và sự đổ nhào của hiện thực cuộc sống, nhưng trước sau họ vẫn giữ được phẩm chất của nghề cao quý nhất. Tác giả Pha Lê thường chọn lối đi riêng cho mình, đó là phản ánh thế giới tuổi thơ bằng những câu chuyện đầy tính phiêu lưu, những tình huống hài hước, nhẹ nhàng, trìu mến nhưng không thiếu sự gây cấn, kịch tính và những hoàn cảnh đáng thương của tuổi học tuổi chơi … Tuy chưa nhiều những nhân vật có tính cách, những nhân vật dị biệt buộc dư luận phải tranh luận như các nhân vật của các tác giả trẻ trong cảm thức hậu hiện đại, nhưng nhìn chung, tất cả những đối tượng trung tâm của văn học là con người trong các tác phẩm văn xuôi đều đi vào trang văn của các nhà văn Phú Yên vừa cụ thể vừa sống động, góp phần đa dạng hóa kiểu nhân vật trong văn học.
Ðối tượng phản ánh là một phần của khách thể mà con người có thể chiếm lĩnh, phù hợp với một nhu cầu, một năng lực nhất định nhưng là cái nằm bên ngoài tác phẩm, chưa được chủ thể nhận thức. Nhìn chung, đối tượng phản ánh của các tác giả Phú Yên trong giai đoạn này bao quát một khả năng phản ánh rộng, thể hiện khả năng quan sát, chiếm lĩnh hiện thực của các tác giả.

/

2. Sự phong phú về những xu hướng tìm tòi
Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới (1986 – 2016) cho thấy, văn học đạt được nhiều thành tựu đáng kể, cả ở nội dung lẫn hình thức, đề tài, chủ đề, cảm hứng và phương thức thể hiện. Mặt thuận lợi của văn học thời kỳ đổi mới là tinh thần dân chủ được đề cao; các thử nghiệm, sáng tạo được khuyến khích; chính sách quản lý văn hóa, văn học có nhiều đổi mới. Quan điểm phát triển chung của Đảng là chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ về tất cả các lĩnh vực. Về văn học, nghệ thuật, Đảng ta chủ trương tôn trọng tự do sáng tạo; khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phương cách vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng.
Văn xuôi Phú Yên từ sau năm 2000 nằm trong mạch chung của sự mở rộng các xu hướng tìm tòi, khuyến khích sự sáng tạo của các nhà văn, nhằm tạo nên bộ mặt đa dạng trong phong cách thể hiện, phát hiện và thể nghiệm những hướng đi mới. Nếu ở giai đoạn từ sau đổi mới đến năm 2000, dù văn học đã thực sự được cởi trói nhưng các tác giả văn xuôi Phú Yên vẫn hay chọn đề tài chiến tranh để phản ánh thì sau năm 2000, văn xuôi Phú Yên có sự rộng mở hơn về đề tài. Một trong những xu hướng tìm tòi của các tác giả Phú Yên từ năm 2000 đến nay là sự trở về với đề tài lịch sử. Ai xuôi vạn lý của Huỳnh Thạch Thảo lại kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của ba người đàn ông phục vụ dưới triều Tây Sơn trong một lần được về thăm quê. Truyện Hạc bay lưng trời (Huỳnh Thạch Thảo) lấy cảm hứng từ cuộc đời Cao Bá Quát trong quãng thời gian chuẩn bị cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn. Người phò trợ chúa Tiên (Trần Quốc Cưỡng) kể về nhân vật lịch sử Lương Văn Chánh trong thời gian được chúa Nguyễn giao trọng trách bình định và xây dựng vùng đất Phú Yên. Trần Huiền Ân với tập truyện Ngọn cờ quân thứ kể về nhân vật lịch sử Lê Thành Phương và phong trào Cần vương ở Phú Yên do Lê Thành Phương khởi xướng ở thế kỉ XIX. Ở tập truyện này, Trần Huiền Ân đưa bạn đọc trở về lịch sử những năm tháng khởi nghiệp, dấy binh, tập trung nhân dân vùng Nam Trung bộ đứng lên chống Pháp của ông tú Lê Thành Phương, từ đó giúp độc giả hiểu thêm về phong trào Cần vương ở Phú Yên nói riêng, Nam Trung bộ nói chung và hiểu biết về văn hóa, kinh tế của vùng đất Phú Yên lúc bấy giờ.
Bên cạnh những tác phẩm lấy chính danh nhân làm đối tượng phản ánh, lấy tiểu sử và sự nghiệp làm cốt truyện và theo sát tính chính xác của các biến cố, sự kiện lịch sử, không tô vẽ, hư cấu quá xa thực tế thì một số tác giả Phú Yên lựa chọn xu hướng “giả lịch sử”, “phỏng lịch sử”, “nhại lịch sử”… Dù mức độ đậm nhạt có khác nhau nhưng nhìn chung hiện thực lịch sử chỉ là cái cớ để các nhà văn sáng tạo nên những cốt truyện mới, những hoàn cảnh mới và những tính cách nhân vật kiểu mới. Nhà văn dẫn dắt độc giả đến với những số phận, cảnh đời, sự kiện, tình tiết, không gian, thời gian khác lạ, không hề có trong chính sử, tạo nên một hiện thực lịch sử nào khác và khiến bạn đọc phải băn khoăn với những trang hiện thực lịch sử giả tưởng ấy. Các truyện Câu chuyện của người giữ đền, Hoàng hậu Huyền Trân, Hoàng hậu Kim Liên, Lão già Châu Hoa Anh của Trần Huiền Ân, Phương Nam của Phùng Hi là những ví dụ tiêu biểu.
Thông qua câu chuyện đối thoại giữa vua Đinh Tiên Hoàng với người giữ đền, người đọc có dịp chiêm nghiệm những luận giải, thái độ của nhà văn Trần Huiền Ân trong việc đánh giá về vua Đinh và Thái Hậu Dương Vân Nga. Khác với chính sử, dân gian cho rằng Thái hậu là một bậc thuyền quyên đầy diễm phúc, đã yêu và được yêu bởi hai vị trai anh hùng. Việc Thái hậu tái giá với vua Lê là chuyện thường tình của con người (Câu chuyện của người giữ đền). Qua thái độ đồng tình của Vua Đinh Phải, phải. Thái hậu còn xuân sắc lắm, trước sau gì cũng đi bước nữa, vậy thì bước quách cho rồi, chần chờ làm chi. Ta không trách nàng (Câu chuyện của người giữ đền), người đọc có thể thấy quan niệm của nhà văn nghiêng về phía dân gian, trái ngược với luân thường đạo lí của lễ giáo phong kiến.
Nếu trong chính sử, Hoàng hậu Huyền Trân được Trần Khắc Chung đưa được về Đại Việt sau khi vua Chế Mân chết thì trong truyện của Trần Huiền Ân, bà đã đánh tráo người để tìm cách được ở lại. Vì bà quan niệm rằng: Xuất giá tòng phu, em đã ra đi bằng kiệu vàng lõng tía với nghi vệ đón rước của triều đại phương Nam. Là một công chúa Đại Việt, là một Hoàng hậu Chiêm Quốc, em không thể nào trở về trong cung cách thiếu chính đáng. Em quyết định ở lại quê chồng (Hoàng hậu Huyền Trân).
Truyện ngắn Phương Nam đưa người đọc trở về lịch sử thời trước Công nguyên. Năm 499, Lão Tử cưỡi trâu xanh bay về phương Nam, dừng lại ở nước Văn Lang, thời đại của Hùng Vương thứ mười lăm. Lão Tử cứu Xuân Hoa và lấy nàng làm vợ. Nghe lời Xuân Hoa, Lão Tử ra làm quan tri huyện cho Vua Hùng. Nhưng Lão Tử hẫng hụt từ quan, vì: – Tâu bệ hạ, bệ hạ bỏ lỗi, đạo của Nhĩ vừa đủ để tu thân, tự trị, hợp với tuổi già, không hợp số đông. Đạo có dư ra đâu mà tề gia, trị quốc. May còn Đạo Việt của bệ hạ. Lão Tử ngảnh mặt phương Bắc, than: “Khâu kia, ngươi làm ta khốn từ Chu sang đất Văn Lang này”. Lão Tử rũ tay áo, cầm sừng Thanh Ngưu, theo bóng chim Bằng đi tiếp về phương Nam, kết cục ra sao không ai biết. Truyện ngắn Phương Nam vừa giả sử vừa nhại sử, lồng vào đó là tư tưởng, quan niệm của nhà văn một cách sâu sắc về cuộc đời, nhân sinh. Trong xu hướng này, nhiều nhân vật lịch sử không còn hiện ra qua lớp sương khói mờ ảo của quá khứ, của khoảng cách sử thi mà hiện lên chân thật, với những hạnh phúc, đau khổ, dằn vặt của kiếp người. Họ chưa lùi vào lịch sử trong cách nhìn của nhà văn, mà dường như đang đồng hành cùng chúng ta, đang đối thoại với con người hiện tại từ những bài học của họ trong quá khứ.
Nhìn chung, những xu hướng tìm tòi của các nhà văn Phú Yên từ năm 2000 đến nay thể hiện tâm huyết, độ nhạy bén của người nghệ sĩ khi bắt kịp nhịp độ phát triển mau lẹ của văn chương đương đại Việt Nam; là mạch nguồn cho sự sáng tạo của thế hệ nhà văn trẻ nối tiếp các nhà văn lão làng của tỉnh nhà.

/

3. Sự đông đảo của đội ngũ những người viết văn xuôi
Hiện nay, Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên có 308 hội viên gồm mọi thành phần, lứa tuổi, sinh hoạt ở 9 chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Nhiếp Ảnh, Sân khấu, Điện ảnh – Truyền hình, Múa, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian. Chi hội Văn học hiện có 94 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có 35 hội viên là các cây bút văn xuôi, có 5 nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (Y Điêng, Trần Huiền Ân, Huỳnh Thạch Thảo, Đào Minh Hiệp, Ngô Phan Lưu).
Nhiều nhà văn trưởng thành và nổi tiếng cả nước trước 1975, hiện vẫn miệt mài sáng tác và nghiên cứu. Có người trước đây chủ yếu sáng tác thơ thì giai đoạn này chuyển sang sáng tác văn xuôi và khảo cứu văn hóa như trường hợp của Trần Huiền Ân. Ngô Phan Lưu, Huỳnh Thạch Thảo, Trần Quốc Cưỡng, Y Nguyên, Huỳnh Văn Quốc là những nhà văn rẽ ngoặt cuộc đời mình sang con đường văn chương như một duyên nợ tiền định. Các cây bút nữ Phương Trà, Lệ Thanh, Thu Hồng vẫn giữ nét nhuần nhụy, dịu dàng nữ tính qua từng trang viết. Cây bút Pha Lê nhiều cá tính, rất có ý thức làm mới cách viết của mình, đóng góp nhiều ở mảng văn học cho thiếu nhi. Lớp các cây bút trẻ Mộc Miên, Nguyễn Thị Bích Nhàn có sự kế thừa xuất sắc lớp những cây bút lão làng đi trước.
Một điều đặc biệt, nhiều nhà văn ở Phú Yên lại là các nhà giáo. Trước năm 2000, cả nước biết đến nhà văn – nhà giáo Võ Hồng với những trang văn đôn hậu, yêu quê hương và con người (Nguyễn Thị Thu Trang), một người thầy mẫu mực, một nhà văn truyền cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ nhà văn Phú Yên. Nhà văn Trần Huiền Ân từng có hơn 25 năm dạy học, nhà văn Đoàn Việt Hùng cũng từng dạy học trước 1975. Phùng Hi là một giáo viên toán nhưng bỏ dạy thêm nên thử viết văn. Tác giả của Y không là y thường chọn đề tài về cuộc sống hiện đại với nhiều đổi thay, đặc biệt là đề tài về ngành giáo dục luôn được nhà văn chú ý khai thác. Thu Hồng, Nguyễn Thị Bích Nhàn cũng là những giáo viên dạy văn tại các trường phổ thông.
Nhìn chung, đội ngũ những người viết văn ở Phú Yên hiện nay có sự phát triển khá hùng hậu. Lớp nhà văn trưởng thành trước 1975 khẳng định được vị trí của họ trên văn đàn bằng hàng loạt tác phẩm ra đời đều đặn và bằng nhiều giải thưởng có giá trị từ các cuộc thi. Lớp các nhà văn kế cận đang nỗ lực để trình làng nhiều tác phẩm có giá trị, từng bước khẳng định tên tuổi, đóng góp của mình cho văn học tỉnh nhà nói riêng, văn học cả nước nói chung. Gửi gắm sự tin tưởng về lớp nhà văn trẻ khu vực Miền Trung Tây Nguyên, nhà văn Văn Công Hùng cho rằng: Tôi tin rằng lớp trẻ Miền Trung Tây Nguyên đã tạo cho mình một gương mặt mới, một cách xưng danh mới, để vừa, không bị khuất lấp mà vẫn có dấu ấn (…)Văn trẻ Miền Trung Tây Nguyên đang tìm dòng và cách thể hiện với mong muốn về những điều khác biệt, hoặc cách thể hiện hướng dần đến sự khác biệt .
Tính đến nay, tỉnh Phú Yên có lịch sử hình thành và phát triển hơn 400 năm, văn học địa phương cũng song hành tồn tại cùng với lịch sử của tỉnh nhà. Tuy nhiên, văn học Phú Yên đến thế kỉ XX mới bắt đầu định hình được diện mạo trên văn đàn cùng với thế hệ những nhà văn đi tiên phong như Đỗ Huy Nhiệm và Đặng Ngọc Cư nửa đầu thế kỉ XX, những Nguyên Hồ, Văn Công, Thanh Quế, Nguyễn Mỹ, Y Điêng, Trần Huiền Ân, Hoàng Đình Huy Quan, … nửa sau thế kỉ XX. Đầu thế kỉ XXI, văn học Phú Yên với các cây bút văn xuôi như Trần Huiền Ân, Ngô Phan Lưu, Đoàn Việt Hùng, Huỳnh Thạch Thảo, Trần Quốc Cưỡng, Huỳnh Văn Quốc, Y Nguyên, Phùng Hi, Phương Trà, … góp phần đưa văn xuôi Phú Yên đương đại hòa vào dòng chảy chung của văn xuôi cả nước. Bạn đọc cả nước chú ý đến văn xuôi Phú Yên không chỉ với những tác giả, tác phẩm đoạt giải thưởng trong thời gian vừa qua, mà còn với đội ngũ sáng tác cần mẫn, tâm huyết với văn học của các thế hệ người cầm bút ở Phú Yên.

/

—————————–
Tài liệu tham khảo:
[1]. Vũ Tuấn Anh (1996), Quá trình văn học đương đại nhìn từ phương diện thể loại, Tạp chí Văn học, (số 9).
[2]. Lê Huy Bắc (2002), Truyện ngắn hậu hiện đại, Tạp chí Văn học, số 9, trang 57.
[3]. Đỗ Kim Cuông, (2006), Văn xuôi miền trung-Tây nguyên những tín hiệu đáng mừng, Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, số 119 – 11/2006.
[4]. Đoàn Ánh Dương (2014), Phác thảo truyện ngắn Việt Nam đương đại, Địa chỉ: nhavantphcm.com.vn, [truy cập ngày 23/01/2014].
[5]. Quỳnh Hân (2007), Đôi nét văn chương Phú Yên năm 2006, Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, số 121-122 – 2/2007.
[6]. Phạm Ngọc Hiền (2005), Những thành tựu của văn chương Phú Yên thế kỉ XX, Báo Phú Yên, số 21/1/2005.
[7]. Phạm Ngọc Hiền (2006), Mấy cảm nhận về cuộc thi truyện ngắn chào mừng 395 năm Phú Yên, Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, số 120 – 12/2006.
[8]. Phạm Ngọc Hiền (2007), Những nẻo đường văn chương, NXB Văn nghệ, TP.HCM.
[9]. Đào Minh Hiệp (2008), Văn xuôi Phú Yên mùa trái chín, Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, số 137 – 10/2008.
[10]. Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Yên (2008), Một năm được mùa giải thưởng, Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, số 132 – 3/2008.
[11]. Nhiều tác giả (2003), Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội.
[12]. Nhiều tác giả (2011), Văn học Phú Yên 400 năm (1611-2011), NXB Văn học, Hà Nội.
[13]. Đỗ Lai Thúy (2016), Văn học và những cuộc dịch chuyển của hệ hình mỹ học, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 834, tr 99.
[14]. Nguyễn Thị Thu Trang (2004), Văn học Phú Yên thế kỉ XX, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
[15]. Nguyễn Thị Thu Trang (2015), Cảm nhận văn chương, NXB Hội Nhà văn.