Không hiểu nổi cái xóm đó có từ bao lâu và ai đặt tên cho nó. Nhưng chắc là lâu lắm rồi, cũng gần phải mấy chục năm gì đó… Tôi nghe ai đó kể vài ba bận, xóm này trước kia có hai người đàn bà điên mất con, đẻ ra khờ khạo, rồi đến những con bé, thằng bé khờ ngày ngày đi gánh nước, nhặt rác thuê ở xóm chợ… Những câu chuyện không đầu không cuối đã xưa quá rồi, nhưng giờ xóm nhiều khờ xuất hiện bị bỏ rơi ở vách núi sau chợ thì người ta mới buột miệng tin đồn gọi là ‘‘xóm người điên’’.

Cái xóm này nhỏ, nhưng đông về sáng và chiều tối, ấy là khi người ở khắp nơi đổ về, người ta họp chợ và mua bán hàng hóa. Các tiếng rao bán lao xao lẫn trong tiếng người xì xèo cãi cọ, người người qua lại tấp nập, nhộn nhịp, lúc nào cũng ngổn ngang những xe chất đầy chợ. Chưa đến thì chưa biết, đến đây rồi thì mới nghĩ sao cái chợ bé như vậy mà nhiều đứa khờ khạo, nhìn khuôn mặt cũng tuổi đôi mươi đến ba mươi nhưng trong tâm hồn chúng vẫn là những đứa bé con năm hay bảy tuổi, trong trí nhớ của khờ vẫn nhắc ‘‘mình khôn được thì sẽ tìm đường về gặp bố mẹ chúng’’, và thời gian không làm mai một đi trí khôn bé nhỏ ấy của khờ.

Những đứa con khờ không tên, người ta gọi chung chung là ‘‘khờ’’, vì mặt chúng ngờ nghệch và đần như đứa trẻ. Hỏi tên bố mẹ, chúng lắc đầu tỉnh bơ, chốc chốc lại cười khờ khạo khi ú ớ mấy câu nhìn ra thẳng vách núi sau chợ ‘‘mẹ bảo khi nào núi nở ra cây đồng tiền có quả thì tôi được gặp mẹ..’’, nhưng biết đến bao giờ thì cái đống núi đá khô cằn đó nở ra quả đồng tiền. Đọc niềm tin trong đôi mắt khờ của chúng, tôi thấy xót cho thân phận làm khờ, những đứa con bị bỏ rơi khi còn nhỏ, dù chúng không được khôn ngoan và lanh lợi nhưng câu nói ấy khờ không quên…

Nắng ngoài trời xéo xắt hắt vào chợ, nắng chín nhừ những khuôn mặt người bướp bã mồ hồi. Những đứa khờ bị bỏ rơi góc chợ, chúng bới rác tìm kiếm thứ gì ăn cho khỏi đói, thi thoảng lại ngước cặp mắt lem lép lên nhìn người khách qua đường, và khờ cười ngốc khi tay kiếm được thứ gì đó ăn được lên mũi ngửi thích thú… Chúng khờ và quá khờ, người ta không thích những đứa khờ đầu tóc lúc nào cũng bụi bặm rối tung và cái mặt thì đen thui thủi như tro bếp. Khờ đến thì người ta hắt hủi, có kẻ thương thì gói cho chúng cái bánh, ít cơm và chút thức ăn bằng lá xanh bọc sạch, thương lắm, nhưng biết làm sao được để chúng bớt cái khờ khạo ấy trong người đi, để khờ là những con người bình thường và khoẻ mạnh…

Bà cụ già ngồi bán hàng rong ở xóm chợ người điên đã biết bao mùa qua đi, bà đã già và mắt kém nhưng vẫn ngồi bán kiếm đồng về nuôi con, đứa con khờ của bà, nó cũng không khôn vẫn là một đứa bé lên năm dù đã mót bốn mươi tuổi đời. Bà bán không được bao nhiêu, nhưng khi thu dọn gánh mớ hàng rong về, bà cụ vẫn bớt xén cho chúng, nhìn chúng ăn mà tội quá.

Ở cái xóm chợ người điên đó, tôi đã thấy những cô gái khờ mang bụng bầu mà không biết là mình phải sinh con, cô khờ vẫn cười lấy tay che mặt và xin nhặt những thứ người ta vứt thừa ở góc chợ. Vì khờ nên đâu biết nó tốt hay xấu, vì khờ nên cô cũng không biết mình sẽ ở đâu khi mang bụng khắp chợ, không rõ bố đứa bé là ai, cô vẫn tha thẩn đi khắp chợ như người điên.

Ở cái xóm chợ đó, có người khờ vì bị mất của, có người khờ vì bị người tình rũ bỏ, lừa gạt, cũng có kẻ khờ vì cuộc đời trớ trêu thay. Vào ngày nắng hay đổ mưa, trời đã đêm thì những con người khờ ấy vẫn lang thang đâu đó ở ngách chợ mà cười cười khanh khách, mà nói nói những câu nửa chừng…, và chỉ khờ mới hiểu hết.

Ở xóm chợ người điên vẫn những người đàn bà già nua không con, ngày ngày đội nón nát, chân đất, mặc áo rách rưới đi lang bạt gọi tên con mình, người mẹ điên vẫn không từ bỏ ý định tìm thấy con. Người đàn bà điên, ai gặp cũng phải ruồng bỏ, người ta sợ người điên, sợ cái cười khờ khệch của kẻ mất trí không con, chỉ đám nhóc là bâu lại trêu đùa cùng người điên, trẻ con không sợ mà còn khoái chí khi gọi là bà điên ở xóm chợ.

Người đàn bà điên ấy đã bị tình phụ hay người rũ bỏ nhẫn tâm, người ta không nơi chốn, sống lui sống thủi ở cái xóm chợ, những đứa khờ gọi người điên ấy là bạn, còn bà điên lại cười khi có con – những đứa khờ, cứ ôm riết, hôn hít lấy chúng vào lòng mà gào gọi con, con…

Còn những đứa khờ chưa lớn nhớn nháo gọi nhau, đầu trần lưng không áo ra xem núi nở ra quả đồng tiền chưa, dù ở ngoài trời bây giờ vẫn nắng chang chang như lửa đốt…