Đã thành lệ, cứ chủ nhật hàng tuần mấy gia đình bô lão lại hẹn gặp nhau hội nghị bàn tròn tại một quán cà phê quen thuộc. Một gia đình gồm hai ông bà giáo về hưu, một gia đình có chồng là bác sĩ, vợ nội trợ và gia đình kia là dân kinh doanh tự do thuộc hệ thống kinh tế thị trường định hướng… bán lẻ ăn dần! Tất cả con cái họ đã trưởng thành, mỗi hộ giờ sót lại hai cái thân già thiếu sức khỏe nhưng thừa thời gian để ca cẩm, buôn chuyện… Và những câu chuyện của họ thường không đầu không đuôi, chuyện nọ xọ chuyện kia: từ chuyện ăn uống ngủ nghỉ, bệnh tật thuốc men, chuyện gia đình, làng xóm rồi dần dần lấn ra chuyện xã hội, chuyện trên trời dưới bể lúc nào không hay. Ở cái thời buổi mà công nghệ thông tin lên ngôi, thế giới bỗng nhiên như thu nhỏ lại phẳng lì, bất kì chuyện gì ở đâu cũng có thể cập nhật ngay lập tức. Một trận động đất kinh hoàng vừa xảy ra ở tận biên giới Iran, Irắc làm thiệt mạng hàng trăm người; một tòa lâu đài dát vàng của Quốc Vương xứ Ả Rập vừa mới được khánh thành; một vụ phóng tên lửa hạt nhân ở Triều Tiên; một cặp đôi tài tử danh giá của kinh đô điện ảnh Hollywood vừa chia tay, chia con, chia của; một ca sĩ nổi tiếng của xứ ta vừa phẫu thuật nâng vòng một lên ngoại cỡ để mong được sánh vai với chị em cường quốc năm châu vốn thuộc dòng giống to cao nên mọi thứ đều phồn thực… Vèo một phát tất cả được tung lên mạng và trong tích tắc sẽ loan truyền đi khắp thế giới, luồn vào tận hang cùng ngõ hẻm và mon men đến bàn cà phê họ đang ngồi…

– Các ông bà hôm qua có xem clip một thanh niên đi xe máy cầm mã tấu chạy dọc đường chém rụng hàng loạt gương chiếu hậu ô tô ở trong Thành phố không? Nghe đâu nó bị ngáo đá – Ông giáo về hưu mở đầu câu chuyện-

– Bà giáo: Phải phạt thật nặng cái đám thanh niên vô công rồi nghề ăn hại.

– Vợ nhà buôn: Mình phạt nhẹ quá nên chúng nó không sợ, bọn nầy cứ cho ra hoang đảo tự cày bừa cuốc xới mà kiếm ăn thì làm gì có chuyện nghiện với ngập. Ta quá nhân đạo, nhưng nhân đạo với một kẻ máu lạnh thì ta lại vô tình làm hại bao nhiêu người lương thiện…

– Ông bác sĩ: Cứ đem đây tôi cắt bớt hai tai nó là xong.

– Vợ bác sĩ: Ông giữ mồm giữ miệng, đừng có nói ác!

– Ông nhà buôn: Nói thật, bây giờ ra đường sợ quá phải ngó trước ngó sau vì nếu không bị đụng xe thì cũng sợ cướp giật, mà may là thằng này chém gương xe chứ nếu nó nổi điên lên chém người lung tung thì hậu quả không biết thế nào… Không hiểu sao người mình bây giờ lại trở nên hung hăng thế, ra đường chỉ cần va quẹt tí là có thể lao vào đâm chém nhau…

– Bà giáo: Tôi thấy không chỉ hung hăng mà còn độc ác thiếu nhân tính nữa. Việc rải đinh trên đường để vá xe lấy vài chục ngàn đôi khi hại cả mạng người hay mở trộm bu loong trên đường ray để bán sắt vụn làm lật cả đoàn tàu, rồi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phun thuốc độc vào rau cỏ, buôn thuốc Tây giả… thì là tội cố tình giết người chứ còn gì nữa. Những chuyện tương tự thì vô kể, vì lợi nhuận người ta bất chấp tất cả!

Một thằng bé bán vé số đến bên bàn:

– Mời các ông bà… Có cả vé số Vietlott đây ông bà mua giúp, giải lần này to lắm, tháng trước có người đã trúng mấy chục tỉ…

– Ông nhà buôn: Mua mãi rồi có trúng đâu, mà có trúng thì phải bịt mặt lên nhận thưởng rồi cả gia đình vội vã bỏ nhà trốn đi nơi khác, sống chui lủi, nơm nớp suốt ngày đêm vì không biết cướp sẽ đến thăm vào lúc nào… Thế thì sung sướng nỗi gì?! Cứ buôn bán bình thường mà ăn ngon ngủ yên là sướng nhất!

– Ông giáo: Giàu thì ai lại không muốn nhưng giàu mà luôn sống trong căng thẳng, lo âu sợ hãi thì cứ mấy đồng lương hưu như vợ chồng tôi mà lại hay.

– Ông bác sĩ: Bệnh tật đôi khi cũng bắt nguồn từ sự lo lắng, căng thẳng thái quá, cho nên chữa bệnh nhiều khi không chỉ là thuốc men mà phải giải quyết cho được những rối loạn về tâm lí, về tinh thần. Một người làm ra rất nhiều tiền nhưng phải trả giá bằng sự hao mòn tâm lực, không có được một ngày rảnh rang, thì xét đến cùng còn thua xa một người bình thường nhưng sống khỏe mạnh, thảnh thơi. Mà khi đang khỏe thì rau dưa gì cũng ngon, còn đã căng thẳng lo âu mệt mỏi thì có dâng mâm vàng đĩa ngọc với đủ các loại sơn hào hải vị thì cũng chẳng nuốt trôi… Người nào không biết tìm cách thoát khỏi lo âu phiền muộn tất sẽ chết sớm!

– Bà giáo: À, nghe người ta bảo uống thuốc Tây hại dạ dày lắm lại thuốc giả tràn lan nên khi có bịnh tôi thường dùng thuốc Bắc, thuốc Nam cho lành…

– Ông bác sĩ: Cái đó cũng tùy bịnh, không nên nói thuốc này hơn thuốc kia, nhưng bây giờ dùng thuốc Bắc thuốc Nam cũng chưa hẳn đã an toàn. Để giữ thuốc được lâu, người ta cũng phun chất bảo quản rất độc hại thậm chí còn độc hơn cả thuốc Tây giả… Mới đây truyền hình có làm phóng sự về cơ sở chế biến chè đem tẩm tạp chất vào cho nặng cân, nước xanh cánh đẹp. Khi phóng viên hỏi chị công nhân là có thường uống chè này không? Chị trả lời hồn nhiên: uống có mà chết à? Vậy tiêu thụ ở đâu?… Thì xuất đi các tỉnh khác!

– Vợ nhà buôn: Trời ơi! bây giờ cái gì cũng giả hết trơn, từ đồ ăn thức uống đến thuốc men trị bệnh cũng giả nốt thì sống làm sao? Tự dân mình giết nhau!

– Ông giáo cười: Thì người ta cũng sống cả đó thôi. Bịnh tật thì chả sướng ích gì. Tốt nhất là không nên… bịnh!

– Vợ bác sĩ: Các ông bà xem đây (thì ra nãy giờ bà lo quẹt điện thoại): ở nước nọ có con chim bị thương rơi xuống bãi biển, mọi người chạy đến vây bắt rồi gọi ngay cho Tổ chức cứu hộ động vật đến mang đi điều trị… Nếu ở mình thì có lẽ chú chim tội nghiệp nầy sẽ lập tức được hóa kiếp trên bàn nhậu.

– Ông giáo: Mình không đến nỗi thiếu thốn nhưng nhiều người văn hóa ăn uống kém lắm. Có lần hai vợ chồng tôi đi du lịch miền Tây, buổi sáng ở khách sạn ăn uống tự chọn, nhìn quanh chỗ nào cũng thấy bảng viết bằng tiếng Việt (dù khách  nước ngoài ở đó khá đông): “Lấy thức ăn vừa đủ. Nếu để thừa 100g thức ăn trên bàn sẽ bị phạt 100.000 đồng”! Chắc khách sạn cũng chưa từng phạt ai nhưng ngẫm ra thấy buồn quá!

– Ông nhà buôn: Dù sao thì đấy cũng là ở đất nước mình. Tôi đi qua Thái Lan thấy ở phòng ăn tự chọn của khách sạn cũng có câu tương tự viết bằng tiếng Việt thế mới nhục! Còn ở nước kia, có lần tôi thấy ngoài đường người ta cắm bảng viết bằng tiếng Việt: Cấm bóp còi! Và trong thang máy thì dán câu: Không nói chuyện ồn ào! Người có lòng tự trọng dân tộc thấy vậy  không buồn sao được ?

– Bà giáo: Mình cứ giáo dục những chuyện cao siêu viển vông mà bỏ qua những cái thường ngày cụ thể thiết thực và phải giáo dục ngay từ bé để thành thói quen. Bây giờ mình mới yêu cầu cán bộ khi tiếp xúc với dân phải thực hiện bài học giao tiếp vỡ lòng: biết mỉm cười, biết cảm ơn, biết xin lỗi… nghe hài hước thế nào! Cũng giống như việc phân công thanh niên ra đứng ở ngã tư đường phất cờ dừng xe khi đèn đỏ bật lên, tưởng là hay nhưng người ngoài nhìn vào thấy dân mình kém tự giác vì đã có đèn đỏ rồi lại phải có người ra lệnh mới chịu dừng?!

– Ông giáo: Ngay việc giáo dục nếp sống tự lập, ở Nhật người ta cũng bắt đầu từ tuổi mẫu giáo. Buổi sáng thức dậy trẻ tự làm vệ sinh, tự ăn uống, tự xếp quần áo cho vào cặp rồi tự mang đến trường dù bố mẹ đi cạnh đấy chẳng mang gì… Khác ở ta, bố mẹ dỗ con dậy, đưa vào nhà vệ sinh, bón thức ăn tận mồm xếp quần áo cho vào cặp rồi mang tận vào lớp, con chỉ đi tung tăng… Như thế vô tình ta đã làm cho trẻ mang tính ỷ lại từ nhỏ. Và bố mẹ cứ thế “bao cấp” cho con tận đến lúc ra trường chạy việc, dựng vợ gả chồng rồi lại tiếp tục trông cháu cho chúng nó đi làm…

– Ông bác sĩ: Người ta đã so sánh một kĩ sư Việt Nam có thể làm việc tương đương với một kĩ sư Nhật, nhưng khi có đến ba kĩ sư Việt Nam thì chưa chắc đã làm việc bằng một kĩ sư Nhật. Hỏi lí do tại sao thì họ bảo: Vì các anh ấy không biết cách hợp tác mà chỉ giỏi cãi nhau và chẳng anh nào chịu anh nào!

– Ông nhà buôn: Nội cái chuyện xếp hàng khi lên xuống xe buýt của người Nhật đã thấy họ văn minh lắm rồi. Khi xe dừng, người bên dưới đang chờ tự động dạt qua bên, xếp thành hai hàng. Chờ đến người cuối cùng xuống xe thì người dưới mới lên theo thứ tự, vì thế nên dù đông cũng không có cảnh chen lấn xô đẩy. Ôtô của họ đầy ra đấy mà có kẹt xe đâu vì họ đi có hàng có lối không chen lấn phóng nhanh vượt ẩu… Mình thì chỉ cần hai người thì đã cố chen lên đứng trước rồi

– Ông giáo: Thế mới có chuyện vui là ở dưới âm phủ, Diêm Vương cho đun sôi một vạc dầu to rồi bỏ cả Tây Ta vào đấy mà chiên xù. Sáng hôm sau mở vung ra thấy Tây chết hết cả nhưng Ta thì sống nhăn lại còn nhe răng cười thách thức. Diêm Vương giận quá nhưng chưa biết làm cách nào thì quỷ sứ đứng gần đấy mách: Hãy đục một lỗ nhỏ trên nắp chỉ vừa một người chui rồi đậy lại và cứ thế đun lên… Diêm Vương bán tính bán nghi nhưng không còn cách nào khác liền cho thi hành… Lạ thay sáng hôm sau khi mở nắp vung ra thì thấy chết sạch sành sanh, người này nắm chân người kia thành một dây dài, không anh nào trồi lên được, thà chết chùm còn hơn!

– Vợ nhà buôn: Các ông đừng nói chuyện bên Tây bên Tàu, ngay ở mình đây cũng khối chuyện. Này nhé, mới hôm qua đi ngang qua con mương đầu ngõ thấy người đứng lố nhố, nghĩ có tai nạn gì đây, tôi tò mò đến xem thì ra có một anh Tây đang bì bõm lội dưới sình đen kịt hôi thối dọn rác còn đám thanh niên của ta thì đứng trên bờ vỗ tay reo hò động viên rồi quay phim chụp ảnh…

– Bà giáo: Đúng là xấu hổ quá. Nhà mình xả rác họ lại đi dọn! Mà nói chuyện xả rác thì người mình rất hồn nhiên, đụng đâu vứt đấy. Bây giờ đến các khu du lịch thấy đầy rác. Vài người dọn nhưng trăm người xả thì làm sao xuể. Tối nọ tôi xem ti vi thấy những người dân sống gần ga tàu lại có sáng kiến đổ rác lạ đời nhất thế giới. Khi tàu dừng họ mang những bao rác to tướng ra treo lủng lẳng bên hông các toa tàu và lúc tàu rời ga cũng có nghĩa là công việc rải rác đã hoàn thành!

Vợ bác sĩ: Ý thức văn minh nơi công cộng, ý thức cộng đồng của dân mình còn kém lắm. Có ai đời đi làm “từ thiện” lại đem tặng toàn sữa hư, gạo mốc, người nghèo, trẻ em ăn uống xong là đi thẳng tới bệnh viện luôn… thế thì làm sao mà hội nhập sống chung với thiên hạ được. Nhiều người cứ nghĩ là muốn hội nhập thì phải lo tập trung học ngoại ngữ cho thật giỏi để giao tiếp, làm việc vậy là OK. Đâu đơn giản thế, hãy còn nhiều thứ lắm… không ai thích chơi với kẻ ăn gian làm dối, sống cơ hội, chụp giật.

– Ông bác sĩ: Ông bà giáo thấy việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của mình lần này thế nào?

– Ông giáo: Cái đó thì phải sau một thời gian thực hiện mới đánh giá được. Cơ sở vật chất, tài liệu, chương trình là một chuyện, nhưng quan trọng nhất vẫn là đội ngũ. Ông thấy rồi đấy, điểm tuyển vào trường sư phạm chỉ ở tầm trung so với các ngành nghề khác, mà lẽ ra phải nằm trong tốp cao nhất mới đúng. Thế thì liệu rằng sau ba bốn năm đào tạo các trường có thể “hô biến” những sinh viên học lực trung bình này thành những giáo viên có đủ năng lực, trình độ để giảng dạy các môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới? Đó là chưa kể đến số giáo viên hiện đang dạy vốn được đào tạo theo chương trình cũ với đủ các loại hình: chính quy, chuyên tu, tại chức, liên thông, từ xa, cử tuyển… Tóm lại là… ngổn ngang lắm!

– Ông bác sĩ: Nói thế thôi chứ người ta làm gì cũng có họp hành, bàn bạc, có quy trình, lộ trình hẳn hoi, lăn tăn làm gì…

– Ông nhà buôn: Các ông đừng nói chuyện riêng nữa, trưa nay gia đình tôi mời các ông bà sang ăn cơm, khi đi nhớ mang theo đồ ăn, thức uống…

– Vợ nhà buôn: Ông đừng đùa không khéo lại mang tiếng keo kiệt, các bác đến chơi là quý rồi, cứ vô tư…

–  Vợ bác sĩ: Thôi bà đừng có sĩ diện, đãi khách một bữa no say, bắt chồng nhịn ba bữa bù vào.

– Ông bác sĩ: Bệnh sĩ đâu chỉ của riêng ai!

Mọi người chuẩn bị ra về thì trời bỗng đổ mưa to, chẳng ai mang theo áo mưa… Chết thật!

– Ông nhà buôn: Chớ lo. Đây, nhà tôi đã chuẩn bị sẵn áo đi mưa cho mọi người. Làm nghề kinh doanh là phải biết nghe ngóng, biết đi tắt đón đầu! Sáng nay trong mục dự báo thời tiết cô phát thanh viên xinh đẹp đã căn dặn rõ ràng nhưng chắc chẳng ai chịu nghe. Xin mọi người lưu ý: dạo nầy thời tiết hay mưa thất thường, quý vị ra đường nhớ mang theo áo mưa, áo ấm để khỏi bị ướt và bị cảm lạnh… Các bác nông dân mùa nầy gặt lúa về nên trải ra ngay và phơi chỗ thoáng đãng để tránh cho lúa không bị mọc mầm và tuyệt đối không nên bón phân cho cây lúc trời đang mưa vì phân sẽ trôi hết…  Chu đáo thế rồi còn gì! Chỉ tại các ông bà cứ lo nghĩ những chuyện to tát đâu đâu…