Trong Xã hội Phong kiến, Nho giáo là quốc giáo nên các tín ngưỡng cổ xưa, trong đó có Tín ngưỡng Phồn thực bị xem là vô văn hoá. Quyền sống tự nhiên của con người bị bóp chết. Nó được xem như một thứ dịch bệnh, xấu xa, thấp kém không được thổ lộ ở chốn công đường, văn chương lại càng không thể đề cập đến. Trong bối cảnh đó, thơ Hồ Xuân Hương là tiếng lòng trắc ẩn của người phụ nữ mang hơi thở nồng nàn da diết của kiếp người; là hoài niệm cháy bỏng về đời sống phồn thực hằn sâu bao đời đã trở thành một tín ngưỡng. Sâu xa hơn, thơ Bà còn là thứ vũ khí dùng để công phá vào thành trì của lễ giáo phong kiến.Bài thơ “ Kiếp tu hành” là một minh chứng:

          “ Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,

          Vị gì một chút tẻo tèo teo.

          Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc

          Trái gió cho nên phải lộn lèo”

Đây là bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã mượn cách cảm, cách nghĩ dân gian để bà bộc bạch những điều chướng tai gai mắt với những kẻ đội lốt tu hành nhưng đa đoan, tráo trở. Nhưng ngẫm ra, bà chỉ mượn ngôn ngữ dân gian mà cách nghĩ thì vô cùng trí huệ, sắc sảo. Có thông tuệ bà mới có sự phân biệt và phê phán rạch ròi giữa giới chân tu và những kẻ đội lốt tu hành.

          “ Cái kiếp tu hành nặng đá đeo”

Ví dân gian mấy ai hiểu được tu là “nặng”. “ Nặng” ở đây là cội rễ của “ngộ”. Chỉ bằng sức mạnh của cơ bắp và ý chí thì khó mà mang nổi cái tâm về vô ngã. Làm sao diệt được “ tham, sân, si”, khi lòng người chất chứa bao ham muốn;  dễ gì thắng được “ hỉ, nộ, ái, ố” khi tâm đầy khát khao dục vọng …

Hồ Xuân Hương nhận định vô cùng sắc sảo nhưng lại vờ đánh giá cái đích đến của kẻ tu hành một cách bỗ bã, thực dụng:

          “ Vị gì một chút tẻo tèo teo”

Bằng bút pháp tài tình, bà đã sử dụng từ láy “ tẻo tèo teo” để hình ảnh hoá cái danh vị hảo huyền vô cùng nhỏ nhoi của kẻ tu hành vô minh nhưng nhiều toan tính, hạng người này nhan nhãn trong xã hội đương thời.

Bước vào cõi tu mà lòng còn mang nhiều dục vọng. Tâm chưa động đến ý kinh mà lòng muốn xuôi Tây Trúc. Cái hãnh tiến trần tục của kẻ tu hành mê muội, ước muốn thấy chốn Phật ngự bằng mắt chứ không phải bằng tâm thức nhập định Thiền môn. Vì thế, bà chúa thơ Nôm mới mỉa mai:

          “ Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc”

Chưa thấu được đời là “ sắc sắc không không” thì sao có thể an nhiên bước đi trong cõi Vô thường. Thế nên, kẻ tu hành mông muội mới dị ứng bởi tiết trời “trái gió”, vì “Trái gió cho nên phải lộn lèo”.

Sự thâm thúy của Hồ Xuân Hương còn ở cách dùng từ. Ở đây, từ “phải” bà dùng rất “đắt”. Bà không nói “mới lộn lèo”, “đã lộn lèo” vì “mới, đã” trong ngữ cảnh này còn mang tính khách quan, đôi khi vượt ra ngoài nỗ lực kìm chế của con người. Nhưng “phải lộn lèo” thì hoàn toàn khác hẵn. Nó mang cả ý chí chủ quan đầy dục vọng của kẻ tu hành chưa thắng được bản ngã.

Đằng sau cái lớp nghĩa trêu chọc, bông đùa là sự phê phán gay gắt, là phản ứng mãnh liệt của kiếp người sống trong tù túng, đọa đầy bởi những đạo lí, giáo điều, là sự phẫn nộ trước bao kẻ lợi dụng cái gọi là quốc giáo, là bao kẻ đội lốt tín đồ làm hoen ố cửa Thiền.

Chỉ trích như thế chưa đủ, Hồ Xuân Hương còn tung hứng ngôn từ với cái tài chơi chữ mà người đời sau gọi Nữ sĩ là Bà Chúa Thơ Nôm. Với lối “nói lái” phổ biến trong ca dao, dân ca như cụm từ “ đá đeo”  hay các từ phức: “ trái gió”; “lộn lèo” nữ sĩ đã thẳng thừng lật mặt, bôi vôi kẻ đội lốt tu hành.

Bài thơ bốn câu bảy chữ được viết đan xen theo nhịp 4/3 rồi 2/5. Ba câu đầu như kể lể, tự tình; lời thơ như bộc bạch, như giải bày:

          Cái kiếp tu hành / nặng đá đeo,

          Vị gì / một chút tẻo tèo teo.

          Thuyền từ / cũng muốn về Tây Trúc

Câu bốn, đột ngột tựa như trái pháo nổ tung làm đổ nhào bao hình nhân đội lốt chân tu:

          Trái gió / cho nên phải lộn lèo.

Kiếp tu hành là một bài thơ mượn cái vỏ của thể loại Thất ngôn tứ tuyệt để tâm tình, ca thán về sự sáo rỗng của tâm hồn, sự xói mòn của đạo đức và chua xót hơn là sự dối trá với chính mình.

Roi Phong Nguyên – Bình Thuận