Có người nói: “Văn hóa là chìa khóa mở ra cánh cửa nghệ thuật; con người làm ra nghệ thuật chính từ văn hóa.”. Muốn thưởng thức loại hình nghệ thuật của một vùng miền hay một dân tộc, có lẽ, điều trước tiên là phải hiểu về văn hóa và ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên, ở lãnh vực âm nhạc thì ít đòi hỏi ngôn ngữ hay văn hóa: biết thì tốt, không thì… âm nhạc được mệnh danh là người bạn không biên giới, hoặc ngôn ngữ của các dân tộc.

Thường thì người nghe thuận tai hay hiểu biết một thứ ngôn ngữ nào đó, hoặc thích giai điệu nhạc nào mà làm cho họ thích thú là được. Như ngôn ngữ Anh, Pháp được nhiều người hát và nghe, vì là ngôn ngữ phổ biến, dễ nghe dễ hát hơn các ngôn ngữ khác, nhất là tiếng Pháp nghe êm tai và truyền cảm. Vì vậy khi nghe một bản nhạc nước ngoài, dù không hiểu lời nhạc nhưng cảm rất thích, bởi giai điệu và âm hưởng của bài nhạc như người phiên dịch về mặt cảm xúc và độ truyền cảm.

Có lúc rầm rộ, một bộ phận giới trẻ rất thích nghe nhạc Hàn Quốc….vì gần gũi văn hóa và tính cách người Việt. Nói vui, nghe nhạc nước ngoài còn dễ hơn nghe nhạc Việt, vì sự truyền cảm hứng thường bắt nguồn từ giai điệu và kỹ xảo âm thanh đỉnh cao, nên cho rất nhiều cung bậc phấn khích đến thác loạn. Rồi cũng nhanh quên, trừ những người sành ngôn ngữ và văn hóa ngoại.

Người Việt nghe nhạc Việt là bản năng tự nhiên. Phần lớn văn hóa ca hát đã ngấm sâu vào máu qua bao thế hệ đời người. Từ trong ký ức, tiềm thức đã in đậm lời ru của mẹ, của bà, kể cả lúc đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Âm thanh dịu dàng, lời ru ngọt ngào như bầu sữa tinh thần giúp đứa trẻ an lành trong giấc ngủ dài: tiếng võng kẽo kẹt, tiếng mưa rơi tí tách, tiếng chim hót líu lo bên hè, tiếng vỗ chanh chách vào mông đứa trẻ, tiếng gió xào xạt vv…như là tiếng âm thanh của loại nhạc cụ, hòa cùng tiếng ru trở thành bản nhạc dân gian nghìn đời; vì vậy đứa trẻ đã biết thưởng thức rất sớm loại hình âm nhạc nhân gian thuần túy: đó là tiếng ru của mẹ, của bà và các loại âm thanh thiên nhiên chung quanh.

Thưởng thức âm nhạc không những nghe lời ca tiếng hát mà còn nghe âm thanh. Người ta cho lời ca tiếng hát chiếm 50% độ truyền cảm, còn lại thuộc về phối âm phối khí của các nhạc sĩ hòa âm. Ngày xưa ít chú trọng đến công việc phối âm, ngày nay phối âm là một nghề có chuyên môn cao và học hành đàng hoàng. Lời hát có hay cũng không thể nâng hòa âm hay hơn, nhưng hòa âm thì nâng tiếng hát hay lên rất nhiều. Nó khuyến khích và giúp người ca sĩ hát phiu bay hơn trong lúc ca diễn.

Như vậy thưởng thức âm nhạc không chỉ bằng lời ca tiếng hát, mà còn thưởng thức phần hòa âm phối khí. Nhạc sĩ hòa âm là người tinh tế về âm thanh. Họ biết tính chất vui buồn của từng loại âm thanh nhạc cụ, nên ở phiên khúc, điệp khúc… họ chọn loại nhạc cụ nào đó, cho thích hợp bối cảnh âm nhạc và tình cảm của nhạc sĩ đã gửi vào ca khúc của mình bằng giai điệu, ca từ, cùng tình cảm của người ca sĩ thể hiện, nhằm đạt hiệu quả về tai nghe. Và chuyển tải tình cảm từ người hát đến người nghe cao nhất. Một chuỗi tiếng đàn piano thánh thót như tiếng mưa rơi, chuỗi vun vút violon véo von như gió thổi, hợp âm rải của đàn guitar thùng ấp áp, cái nhấn nhá của guitar điện như nhéo tim, cộng kỹ thuật âm thanh đỉnh cao sẽ cho nhiều cung bậc cảm xúc… Nên người nghe nhạc cũng cần tìm hiểu tính năng, sắc thái của từng loại âm thanh nhạc cụ, từ đó dẫn đến việc nghe nhạc phổ thông và giao hưởng dễ dàng hơn.

Người ta cho nhạc giao hưởng là nhạc hàn lâm, chỉ dành cho những người có học thức thì mới hiểu. Không hẳn là vậy. Vì người học thức đâu phải chỉ nghe nhạc giao hưởng, nếu như anh ta không thích. Hoặc anh ta không có óc tưởng tượng, cũng chịu thua một anh không học thức lại thích nghe nhạc giao hưởng, vì sự tưởng tượng của anh ta trội và phong phú hơn.

Nghe nói người Việt là một trong những dân tộc thích ca hát. Nếu đúng, thì điều đó có thể bắt nguồn từ nền văn hóa nông nghiệp xa xưa: thời đó người ta hay hát hò để thư giãn trong lao động, nam nữ trêu ghẹo nhau. Và cũng do tập quán sinh hoạt gia đình theo tam đại đồng đường: mẹ ru con, bà ru cháu, chị ru em… cứ vậy mà đời này nối đời kia, là thứ văn hóa ngấm ngầm trong bản thể mỗi con người, nên khi sinh ra đã có sẵn tố chất âm nhạc.

Từ lúc nằm trong bụng mẹ cho đến khi ta già rồi chết, ta vẫn phải nghe nhạc: đó là thứ âm nhạc tiễn đưa ta về thiêng đàng hay địa ngục của các vị sư thầy, phụ thuộc vào lối sống và đức hạnh của ta lúc sinh thời. Âm nhạc gắn liền đời sống tinh thần từ xa xưa, ít nhiều làm nên tính cách và tình cảm của mỗi con người. Dù khác nhau về “Gu”, nhưng giống nhau về văn hóa hưởng thụ nghệ thuật của một sắc dân, một vùng miền, một dân tộc. Như hát Ả Đào ở miền Bắc, hát Bài Chồi ở miền Trung, hát Cải Lương ở miền Nam.

Phan Thanh Tâm