CHIM CHÓP MÀO

                                                        (Quách Tấn)

Con chóp mào

Đậu trên cây đào

Trông xinh làm sao.

Con chóp mào

Kêu trên cây đào

Nghe hay làm sao.

Em nỡ nào?

Đi tìm cây sào

Đánh con chóp mào.

Em nỡ nào?

Tay cầm cây sào

Đánh con chóp mào

Hở em?

Em hỡi em

Để cho chim

Đi tìm

Con sâu con bọ

Đem về nuôi

Bầy con nhỏ

Bên cửa tổ

Nằm há mỏ

Chờ mong mẹ về.

Bầy con nhỏ

Bên cửa tổ

Chờ mong mẹ về.

Bầy con nhỏ

Nằm há mỏ

Chờ mong mẹ về.

Bầy con nhỏ

Chờ mong mẹ về.

Lời bình của Th.S Lê Trung Kiệt:

Chim chóp mào trong tập thơ Vui với trẻ em (1945 – 1953), in trong Quách Tấn Tuyển tập thơ – Quách Giao giới thiệu và tuyển chọn – Nxb Hội Nhà Văn, 2006, là một bài thơ tự sự – trữ tình, viết cho trẻ em. Bài thơ gồm nhiều khổ, có nhiều yếu tố trùng điệp tạo nên nhạc tính tràn đầy, mỗi dòng thơ ngắn gọn từ 2 đến 4 tiếng phù hợp với giọng đọc của trẻ em. Tính chất tự sự và trữ tình trong bài thơ xoắn kết với nhau. 

Hãy nghe tác giả kể chuyện: Vào một ngày đẹp trời “Con chóp mào đậu trên cây đào trông xinh làm sao; con chóp mào kêu trên cây đào nghe hay làm sao. Em nỡ nào đi tìm cây sào đánh con chóp mào; em nỡ nào tay cầm cây sào đánh con chóp mào, hở em, em hỡi em”. Vì một lẽ vô cùng trọng yếu có ý nghĩa sinh tồn, nặng tình mẹ con: “để cho chim đi tìm con sâu con bọ đem về nuôi bầy con nhỏ, bên cửa tổ, nằm há mỏ, chờ mong mẹ về”. 

Truyện xưa kể rằng: Vào thời kì cổ đại xa xưa, có một đứa trẻ (sau này trở thành hoàng đế) lúc đó khoảng 9 hoặc 10 tuổi, chơi ác nắm đầu gà chặt cổ gà nghe cái “phụp”, máu vọt lên cao vài thước. Ghê biết mấy! Điệp khúc: “Bầy con nhỏ, bên cửa tổ, nằm há mỏ, chờ mong mẹ về” là hình ảnh thương tâm, xoáy sâu vào trái tim người đọc. Thương biết mấy! 

Chim chóp mào là một bài thơ văn xuôi hay, theo lối kể chuyện dễ hiểu, phù hợp với đối tượng người đọc là trẻ em; giàu chất trữ tình: bảo vệ chim chóp mào, bảo vệ cái đẹp; và có ý nghĩa giáo dục hướng thiện rất lớn (vì tính ác là nguồn gốc của mọi tội phạm), giáo dục con trẻ đừng làm việc ác. Quý biết mấy!