1. Cơ sở lý luận và thực tiễn

Ngày nay các ngành khoa học và các lĩnh vực trong đời sống con người thâm nhập lẫn nhau, kết nối với nhau; biểu hiện trong đời sống ngôn ngữ xuất hiện cấu trúc các cụm từ: Tâm lý học sư phạm, tâm lý học văn học, tâm lý học chính trị, tâm lý học y học, tâm lý học nhân cách,…văn hóa Phật giáo, văn hóa tâm linh, văn hóa tộc người, văn hóa quốc gia, văn hóa vùng miền, văn hóa ẩm thực, văn hóa phi vật thể, văn hóa vật thể, văn hóa xây dựng, văn hóa du lịch, v.v… 

Theo  đó, để phát triển bền vững, vấn đề Du lịch trong mối quan hệ với văn hóa và nhân cách là góc nhìn từ thực tế trên cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý. Thực sự cần thiết, rất cần thiết (ít ra nó chống lại thái độ vô cảm). Vì vậy nội dung bài viết  gồm: 1. Đôi nét về du lịch Việt Nam 2. Văn hóa du lịch 3. Nhân cách.

Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về phát triển ngành du lịch: Nhiều tỉnh, thành phố có chiều dài bờ biển được cải tạo, xây dựng đạt tiêu chuẩn kinh doanh du lịch; nhiều danh lam thắng cảnh, hang động tự nhiên, đồi cỏ, hồ tự nhiên, rừng thông, rừng nguyên sinh, suối nước nóng, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,…; lương thực và thực phẩm nông, lâm, hải sản dồi dào, phong phú; nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được xây dựng ngày càng nhiều; dịch vụ du lịch đa dạng; giá cả sinh hoạt bình thường không; nền an ninh chính. trị ổn định; nhân dân Việt Nam hiền hòa, mến khách, v.v…

2. Du lịch trong mối quan hệ với văn hóa

Những vấn đề về kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, nghệ thuật,…đều quan trọng; ngành du lịch trong hành trình văn hóa du lịch cần đặc biệt lưu ý văn hóa mãi mãi ở vị trí thượng tầng kiến trúc. Theo đó, việc xây dựng những khu du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch,…không chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt mà bất chấp sự tồn tại của các quy luật khách quan. Chẳng hạn, Quy luật giá trị của kinh tế thị trường yêu cầu biểu đồ biến thiên về giá cả phải xoay quanh

giá trị (tức ngang giá); không được có biểu hiện tiêu cực, hiện tượng “chặt chém”, cạnh tranh không đúng luật kinh doanh, không lành mạnh. Hoặc Quy luật quy hoạch tổng thể – bộ phận yêu cầu Quy hoạch tổng thể như thế nào thì Quy hoạch bộ phận phải tương ứng. Chẳng hạn, công viên và cây xanh – lá phổi của thành phố Nha Trang trong nội thành quá ít nên phải giữ đất rừng, và cũng để chống xói mòn sạt lở. Mặc khác, phải tính đến sự an nguy của khu dân cư trong những mùa mưa bão khi phê duyệt công trình xây dựng khu nhà ở cao cấp, khu du lịch triền núi có hồ bơi ở vị trí trên đầu gần sát khu dân cư (Hồ bơi vô cực san bằng khu dâncư ở Nha Trang – Tấn Lộc – Báo Pháp luật, ngày 18.11.2018; VTV1 điểm tin, điểm báo buổi sáng 19.11.2018: Nguyên cả một gia đình 4 người chết – xóa sạch một gia đình 2 vợ chồng, 2 đứa con nhỏ – gia đình giảng viên Tâm lý học Sư phạm của Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương Nha Trang, Nhà giáo Trần Hoàng Phong (hai vợ chồng đều là Nhà giáo) và 10 hộ gia đình trực tiếp bị sạt lở nước cuốn trôi nhà cửa cùng tài sản của họ). Nguyên nhân là chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất: Đất rừng phòng hộ chuyển sang đất xây dựng du lịch (VTV1, tháng 8/2019). Sự việc xảy ra đã 10 tháng mà chưa thấy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa  truy tố trước pháp luật chủ đầu tư Công ty TNHH Thanh Châu  xây dựng khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú tại núi Cô Tiên thuộc P. Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang. Hiện nay, những gia đình trực tiếp bị sạt lở chưa có đất tái định cư phải làm nhà tạm trên triền núi ngay trên những mãnh đất bị sạt lở trong đợt mưa bão ngày 18.11.2018 vừa qua (VTV1, tháng 8/2019). Chuyện gì sẽ xảy ra vào mùa mưa bão năm 2019 tại núi Cô Tiên, thuộc P. Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang, T. Khánh Hòa? Hay Quy luật phục vụ du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện, các bên thực hiện theo cam kết yêu cầu lấy du khách làm trung tâm phục vụ; không được có biểu hiện tiêu cực, hiện tượng “đem con bỏ chợ”, “tiền mất tật mang”, v.v…  

3. Du lịch trong mối quan hệ với nhân cách

Nhân cách trong bài viết này trước hết được hiểu ở phạm vi ngôn ngữ học. Tiếng Anh, từ personality (n), nghĩa gốc, chỉ những đặc điểm và phẩm chất của một người nhìn như một tổng thể, ví dụ: a likeable personality: một nhân cách đáng yêu (Tự điển Anh-Việt – Trung tâm Khoa học xã hội và nhân vân quốc gia, thuộc Viện ngôn ngữ học, 1993, tr.1220); và  từ ngữ gốc Hán, nhân cách, nghĩa chuyển, là sự thay đi đổi lại, sự hoàn thiện con người (Lạc thiện, 1994, tr.32). 

Văn hóa (culture) được hiểu là quá trình hình thành nhân cách. Hay nói như một nhà văn hóa nào đó đại ý rằng: sau khi quên hết, cái còn lại là văn hóa. Và  thêm nữa, sát với vấn đề Du lịch đang thảo luận, văn hóa là cầu nối giữa du lịch nhân cách. Do đó, trong hoạt  động thực tiễn, nếu không chú trọng về  hành trình văn hóa du lịch thì ngành du lịch của một quốc gia nào đó không thể trở thành  một nhân cách đáng yêu, một nhân cách có văn hóa (a cultured personality). văn hóa (theo nghĩa từ Hán Việt ) là làm cho nó trở nên đẹp (nghĩa rộng). 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề Nhân cách. Về phương diện đạo đức, Người đặt mối quan hệ hữu cơ giữa nhân cách và đạo đức (nhân cách – đạo đức). Người dạy cán bộ cách mạng phải lấy đạo đức cách mạng: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công Vô tư” làm gốc. Đặc biệt, về tư tưởng triết học và tư tưởng chính trị, Người đặt mối quan hệ hữu cơ giữa nhân cách và hành động cao đẹp (nhân cách – hành động cao đẹp).  

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, một trong những Thiên tài Chính trị của thế kỷ 20. Chỉ cần điểm qua một sự kiện lịch sử: Sự kiện lịch sử Việt Nam năm 1946. Trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, Chính quyền Việt Minh còn non trẻ, thù trong, giặc ngoài, Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vừa mới ra đời bị đặt trong tình huống nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc. Một trong những minh chứng đầy sức thuyết phục, có ý nghĩa khẳng định là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chịu trách nhiệm trước quốc dân, đồng bào giải quyết tình hình chính trị năm 1946 bằng giải pháp hòa bình, ngoại giao, không xung đột vũ trang đã thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt cuộc đời vì nước –  vì dân, nổi lên xuyên suốt hai tư tưởng chủ đạo: Độc lập dân tộc hạnh phúc của nhân dân. Nhân cách – hành động cao đẹp đó đã được minh chứng trong câu nói nổi tiếng của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”); qua lời huấn thị cán bộ tại buổi tiếp đại biểu nhân dân ngày 16.10.1954 khi Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội: “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình chính phủ. Chính phủ thì việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ chính phủ, theo đúng kỷ luật của chính phủ và làm đúng chính sách của chính phủ, để chính phủ làm tròn nhiệm vụ mà nhân dân đã giao phó cho.” (Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 7, tr.368), và còn nhiều minh chứng khác…

Kết luận:

Tóm lại, theo hướng phát triển bền vững, để trở thành một nhân cách đáng yêu, một nhân cách có văn hóa thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài, ngành du lịch Việt Nam cần lấy văn hóa du lịch làm nền móng và lấy pháp chế về du lịch, về xây dựng làm trụ cột. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
  2. Lạc Thiện, Tự học 1200 chữ Hán thông dụng, NXB Hội ngôn ngữ học TP. HCM, 1994.
  3. Phóng Sự VTV1 về việc sạt lở gây chết người và thiệt hại tài sản của nhân dân tại núi Cô Tiên, P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang, T. Khánh Hòa; tháng 8/2019 (2 lần).
  4. Tấn Lộc – Phóng viên thường trú Báo Pháp Luật – Hồ bơi vô cực san bằng khu dân cư ở NhaTrang – Ngày 18.11.2018.
  5. Từ điển Anh-Việt – Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, thuộc Viện ngôn ngữ học, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1993.
  6. VTV1 điểm tin, điểm báo buổi sáng; 19.11.2018.