Sáng nay mở mail thấy thông báo họp lớp cựu sinh viên đại học sư phạm Huế khoa ngữ văn khóa 1977-1981, có hơi tí tâm tư. Vèo một cái thế mà đã ba mươi sáu năm rồi… Những chàng trai cô gái trẻ trung năm xưa giờ đã là ông là bà và đang đứng ở bên kia sườn dốc cuộc đời. Buồn nhỉ. Chị em trong lớp thì đã úp máng về vườn ráo trọi, còn anh em thì cũng lục tục kẻ trước người sau tháo giày, cởi áo giũ sạch bụi phấn, ưu tư về nhà với bà vợ già và đám con cháu leo nheo lít nhít. Tất cả đấng mày râu còn lại của khóa này sẽ chính thức giã từ bục giảng, giã từ những cải cách, đổi mới, thao giảng, kiểm tra, bình bầu thi đua khen thưởng… vào năm 2019 (tức là vừa tròn sáu mươi mùa lá rụng) để gia nhập vào thế giới của những người cao tuổi và cố gắng sống vui, sống khỏe… chết nhanh (cho con cháu mừng?!). Nhẩm lại, lớp độ năm mươi người cả nam lẫn nữ, nhưng đã có đến năm anh biến mất khỏi quả đất mà chưa kịp cầm sổ hưu, xếp theo thứ tự lần lượt: Linh, Việt, Trinh, Thương, Hùng toàn là những anh cao to khỏe mạnh cả, riêng chị em thì chưa thấy rục rịch gì (không biết tôi có kê “sót” không?). Hình như phụ nữ ăn ít nói nhiều nên sống dai hơn nam giới (các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm vấn đề này về cả lí luận và thực tiễn nhà mình lẫn nhà hàng xóm để chính thức thông tin cho toàn thế giới biết mà… đề phòng!). Đem chuyện họp lớp ra bàn với vợ, thị bảo: hèn gì mấy hôm nay trông ông có vẻ hăng hái yêu đời, đi vào hát, đi ra hát… đường đường chính chính được nhân dịp ra họp lớp để gặp bồ cũ, phấn khởi quá chứ gì? (lại giở trò rào đón hù dọa cán bộ đây!). Y bảo: bà thừa biết, bây giờ có đem ném tôi ra đường thì chị em chân ngắn cũng chạy dài không dám ngoái đầu lại, còn bồ cũ (nếu có) thì chắc cũng đã đến giai đoạn bốc hỏa vã mồ hôi, giã từ Kotex chuyển kênh chuyển hệ cả rồi, nước non gì nữa. Thị lườm: ông đừng có mà khéo tưởng tượng, ông không thấy các bà nội, bà ngoại thời @ giờ ra đường nhuộm tóc xanh tóc đỏ phóng xe máy vèo vèo, bia bọt vô tư, gào Karaoke cả ngày không biết mệt, còn sung lắm… Mà các ông bước ra khỏi nhà thì cũng không biết đâu mà lần. Vợ còn sống sờ sờ ra đấy nhưng khi gặp các em lại bảo là vợ khuất núi, đi xa hay gì gì đấy… đại loại là điện nước phập phù, hết hạn sử dụng nhưng không thanh lí được, chỉ còn mỗi việc đưa vào bản kê khai tài sản cá nhân hàng năm! Nhưng thôi, ông cứ đi đi khi nào vui chơi chán thì về với bà vợ già này! Y dỗi: thôi không đi nữa, ra đấy không chừng mấy em bá vai bá cổ rồi chết không kịp ngáp như cái ông gì gì bên xứ sở Kim Chi thì có mà nổi tiếng cả thế giới. Tốt nhất ở nhà ăn cơm với vợ cho lành toàn tập!

          Nói vậy, nhưng đúng ngày giờ như trong thông báo, y đã làm một cuộc hành hương về Cố đô để được gặp những người bạn cũ sau bao nhiêu năm xa cách và cũng để tìm lại mình, tìm lại những kỉ niệm của một thời sinh viên nghèo đói thiếu thốn nhưng thừa mộng mơ. Năm ấy, một chàng trai quê mùa như y lần đầu tiên ra khỏi lũy tre làng nên thấy cái gì cũng mới lạ, ngơ ngác… Y vốn nhỏ con lại suy dinh dưỡng độ ba cộng thêm tính rụt rè, nhút nhát nên chả dám tâm tư tình cảm với ai cả. Đấy là chuyện thật gần… một trăm phần trăm! Lộ trình bốn năm đại học của y đơn giản chỉ là con đường từ nhà trọ đến lớp, từ lớp xuống nhà ăn tập thể rồi từ nhà ăn tập thể về nhà trọ, cứ thế… Cái công thức ấy chỉ bổ sung: hôm nào không đến lớp thì đi thư viện hay đi học đàn. Vậy thôi! Người ta bảo: Học trò trong Quảng ra thi/ thấy O gái Huế chân đi không đành quả không sai. Gã trai trẻ nào khi nhìn những cô gái Huế thướt tha trong tà áo dài trắng thong dong đạp xe hay thả bước qua cầu Tràng Tiền tóc dài bay trong gió mà mọi thứ trong người không rung rinh như con tinh tinh thì nên đem thiến quách cho rồi. Y cũng không ngoại lệ. Hai mươi tuổi dù là còi xương, thấp bé nhẹ cân nhưng đâu phải là gỗ đá vậy mà y đành lặng câm, chỉ biết đêm đêm gởi nỗi niềm trong tiếng tơ đồng. Người ta không thể yêu nhau với một cái túi rỗng mà y thì rỗng túi kinh niên! Nhà ăn tập thể của sinh viên nằm trong khuôn viên trường sát bên kí túc xá Đội Cung. Đến bữa ăn, mỗi người cầm theo một cái phiếu (giống con tem dán thư) được xé ra từ một tờ phiếu cơm tháng in trên giấy đen với hai buổi sáng chiều, cứ bốn người góp lại thành một mâm. Sung sướng nhất là khi có bạn về nhà không cắt cơm mà cho vài cái tem phiếu thì được một bữa no, hệt như bà lão trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao… Thường thì anh em hay chọn những người chơi thân ăn cùng, nếu một người đi trễ thì phải chờ, còn không thì ghép với ai đó. Mỗi bữa chỉ được chén cơm hẩm hoặc bo bo còn lại là sắn lát nửa sống nửa chín (chúng tôi thường gọi là bánh xe lịch sử), chỉ gặm được phần chín bên ngoài rồi bỏ, những người nấu bếp gom lại mang về cho heo, mỗi bữa phải vài bao tải. Thức ăn thì chỉ có mấy con cá khô hoặc tép kho nước lỏng bỏng, chút canh bí đỏ còn nguyên cả vỏ và nước mắm “đại dương” được chế biến với công thức đặc biệt gồm nước lã cộng với muối thêm chút dầu mỡ và được đựng trong một thùng inox to. Khi nhà ăn mở cửa, sinh viên thường chen nhau vào để vớt váng dầu mỡ nổi lên phía trên, bên dưới chỉ còn lại nước muối mặn chát. Một anh bạn tôi bảo, khi nhìn vào thùng nước mắm thấy lờ mờ hiện ra khuôn mặt mình bỗng nhớ tới mẹ… Khi đói triền miên, con người ta dễ bộc lộ ra nhiều tật xấu trong khi ăn uống, nhưng xét đến cùng thì đáng thương hơn đáng trách vì tất cả chúng tôi đang tuổi đôi mươi tuổi ăn, tuổi lớn… Đói quá nên có anh nghĩ ra cách dùng cái bát tráng men to bự chảng mà chúng tôi thường gọi vui là cái bát ôto để chiến đấu. Mỗi lần xới vun lên thì nó phải gấp đôi chén ăn cơm bình thường. Vì thế thấy anh nào cầm cái bát khổng lồ này đứng trước cửa nhà ăn tìm đối tác để ghép thì ai cũng lãng xa. Một bữa nọ, trong bàn ăn chỉ vỏn vẹn có mấy con tép, nhưng anh kia tranh thủ gắp như gần hết, mấy anh còn lại dỗi không thèm gắp, anh kia thấy thế hỏi sao không ăn, một anh đáp: thôi cho nó đi theo luôn cho có đàn!

Đấy là cái ăn, còn cái mặc thì cũng tương tự, y chỉ có một cái áo kaki rộng thùng thình mặc quanh năm suốt tháng. Hôm nào giặt thì nghỉ ở nhà như Chử Đồng Tử trốn trong bãi cát. Cái áo này y mua bằng tem phiếu (loại quần áo may sẵn hàng loạt, bày bán ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, khác với loại quần áo may đo, tức là đo rồi mới may theo kích cỡ từng người). Khổ nhất là mùa mưa, xứ Huế mà mưa thì ôi thôi sùi sụt dai dẳng ngày ni qua ngày tê như cô gái thất tình hạng nặng, áo quần phơi không biết khi mô cho khô, mưa như rắc bụi trên thành cổ, buồn đến tím lịm chao ui! Không hiểu mấy ông văn nghệ sĩ thích thú gì với cảnh này, chứ cái đám sinh viên thì vô cùng đau khổ vì vừa đói, vừa rét đúng theo nghĩa đen của những từ này. Có được hai khúc sắn luộc chấm muối ớt giá năm hào vào mỗi chiều sau khi ăn cơm tập thể xong là cả niềm mơ ước. Một anh bạn cùng lớp hay trêu y: một chàng traituổi vừa đôi mươicònđộc thân,yêu những chiều mây bay ở nhà ăn tập thể, thích màu trắng của khoai mì (luộc), màu vàng của bánh rán, thích những sợi khói phiêu bồng của điếu thuốc rê (thuốc lá tự cuốn), thích lang thang vào những cửa hàng bách hóa… Thời đó hình ảnh những con người chắp tay sau lưng đến những cửa hàng gọi là “bách hóa” (nhưng chỉ bán những thứ lặt vặt) để ngắm (vì không có tiền mua) đã trở nên quen thuộc và là cái bệnh chung của nhiều người!

           Nhưng thôi, đấy là chuyện của những ngày xưa thân ái, chỉ là một chút gợi nhớ khi về thăm lại sông Hương núi Ngự. Năm nay, bạn bè về họp lớp chưa đến vài mươi người, toàn lão và cận lão, tức là sắp đi và gần đi cả rồi. Hầu hết đã lên chức ông bà, tuy vậy gặp nhau vẫn vui vẻ hồn nhiên như người điên. Điểm qua: những anh trông hồng hào béo tốt thì phần lớn đã chuyển nghề, còn những anh vẫn quần tây áo sơ mi, bút giắt túi, mắt kính dày cộm đích thị là thầy giáo tháo giày tháo cả ủng thủng cả áo xé giáo án dán áo nhưng vẫn một lòng một dạ kiên định với cái nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý cho đến ngày nhận được chút lương hưu… lưu hương! Các chị thì cũng có thể phân biệt tương tự dù không hoàn toàn chính xác lắm. Váy ngắn như có thể được phép ngắn (dù chẳng còn gì để khoe mà có khoe thì cũng chẳng dám nhìn) hay quần bò áo phông, phấn son đậm màu là của phe bên kia; còn váy hoa, váy công sở đi lại thướt tha, nói năng nhẹ nhàng là phe bên này. Đùa vậy thôi chứ ngồi lại với nhau thì vẫn thân tình ào ào chuyện xưa tích cũ. Mấy cặp trong lớp yêu nhau mà phải đường ai nấy đi thì khỏi phải nói, phấn khởi, hăng hái mạnh mồm, mạnh miệng lắm. Ai cũng bảo tiếc quá, giá như… (không biết đùa hay thật?!) Y nghĩ: nếu có được phép màu cho trở lại ngày xưa để mấy ông bà này đến được với nhau thì vui nhỉ, mà chắc gì đã hạnh phúc. Con nai vàng ngơ ngác ngày nào giờ có thể đã biến thành sư tử. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, tình mất vui khi đã… ở một nhà! Tâm lí chung chỉ là con cá sẩy thường là con cá to. Cái gì ngoài tầm với mà chả đẹp?! Nói chuyện với nhau mới biết là con cái của các anh chị trong lớp hầu như không theo ngành giáo mà có theo thì cũng không học môn văn. Kể cũng lạ. Họ bảo thấm lắm rồi, cho con theo nghề giáo làm gì cho cực, nhất là môn văn. Y ngẫm lại quả đúng thế thật, một nghịch lí đang phổ biến bây giờ là con thầy giáo ít đứa theo nghề giáo, con thầy dạy môn xã hội lại đổ xô vào học môn tự nhiên để rộng đường đi, còn những người trên diễn đàn luôn ca tụng nghề giáo bằng những lời lẽ tốt đẹp nhất thì cũng chẳng mấy ai cho con đi học sư phạm. Tuổi trẻ bây giờ thực tế hơn thế hệ cha anh nhiều lắm, đứa nào cũng lao vào học ngành kinh tế, học vi tính, ngoại ngữ để ra đời dễ kiếm tiền, chứ cứ bằng bằng trắc trắc bằng bằng thì theo chúng chỉ dùng vào việc ngâm vịnh thù tạc cho vui chứ chẳng cơm cháo gì mà không khéo lại rước họa vào thân vì cái tội ưa nói cho sướng mồm. Chợt nghĩ đến tủ sách ở nhà, bao nhiêu năm y tích góp tiền bạc sưu tầm nâng niu giờ thì cũng đang nằm im lìm phủ bụi, vợ con thì chẳng ai màng. Nói dại mồm nếu y sớm lên đường theo các cụ thì có lẽ chúng sẽ được cân giấy vụn, mà cũng đành vậy, biết làm sao được. Nhớ hồi còn đi học, đang giờ phương pháp thầy giáo thao thao bất tuyệt: Các anh học văn là đúng lắm,văn chương là sáng tạo, văn chương ca ngợi vẻ đẹp sâu kín của tâm hồn con người, văn học là nhân học, dạy văn là dạy người… bỗng một thầy giáo khác đi ngang (không biết có vấn đề gì với thầy này không) thò đầu vào cửa lớp: vậy dạy toán là dạy chó à?! Bạn cùng lớp là tiến sĩ văn có lần bảo y: anh học văn và anh học toán cùng đi trên một con đường gặp hòn đá to ngáng lối, anh học toán sẽ tìm cách bẩy nó hoặc trèo qua mà đi, trong khi anh học văn thì đứng lại nhìn hòn đá rồi ngậm ngùi than thân trách phận, thậm chí nhân đấy mà vịnh thơ! Hình như có ai đó đã nói: giọt nước mắt của ông Nguyễn Du bất quá chỉ to hơn giọt nước mắt của người khác mà thôi. Không lẽ thế chăng?!           

      Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến hồi phải kết thúc chia tay. Bịn rịn lắm: nào lưu số điện thoại, nào mail, nào facebook… mọi người nhắc nhau phải cố gắng có mặt vào dịp họp lớp lần sau, tức là kỉ niệm bốn mươi năm ngày ra trường để còn được nhìn thấy nhau bằng xương bằng thịt thêm lần nữa, mà thêm được lần nào quý lần ấy, còn không thì thắp nhang mà vọng. Y nghĩ: từ năm thứ bốn mươi trở đi chắc phải phân chia chỗ ngồi như thế này:

     – Kỉ niệm 40 năm: răng thật ngồi 1 bàn, răng giả ngồi 1 bàn.

     – Kỉ niệm 45 năm: ai tự đến được ngồi 1 bàn, ai có người dìu đến ngồi 1 bàn.

     – Kỉ niệm 50 năm: nói đến là đến ngồi 1 bàn, nói đến mà không đến để trống1 bàn.

     – Kỉ niệm 55 năm: đến được ngồi 1 bàn, không đến được để ảnh 1 bàn.

     – Kỉ niệm 60 năm: gom lại chưa đủ 1 bàn

          Sợ quá, gặp nhau như thế thì còn vui nỗi gì. Mà không gặp ở đây rồi cũng sẽ gặp ở chỗ khác… Đang lúc cao trào chia tay hoàng hôn thì điện thoại y có tin nhắn: anh nhớ mua mấy lọ mắm tôm chua và chiếc nón bài thơ rồi về ngay với bà vợ già này nhé… Hỡi con gà trống thiến yêu quý của em!