Từ thi pháp đến ký hiệu (kỳ 1)

 Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói mỗi nhà văn có cách nhìn riêng, có cái tạng riêng – Ông dẫn một thuật ngữ tiếng Pháp, chúng tôi không biết tiếng Pháp nên không dám “nói chữ”. Mấy anh nghiên cứu giảng dạy văn học không chịu (Xin lỗi – nguyên văn ông dùng từ rất nôm na), tìm hiểu cái đó, lại cứ chủ nghĩa này, thi pháp nọ. (Dẫn theo Nguyễn Đăng Mạnh: Nhà văn – tư tưởng và phong cách).

Một học giả nước ngoài, Giáo sư Tô-đô-rốp, cũng nói, đại ý, nghiên cứu văn học là đi tìm hiểu kinh nghiệm sống của con người. Nhưng nhiều người lại đi truyền giảng tư tưởng của mình hơn là tác phẩm của nhà văn (Tô-đô-rốp: Văn chương lâm nguy). Đọc Dẫn luận Thi pháp học văn học của Trần Đình Sử (NXB Đại học Sư phạm. H.2017) và Phê bình Ký hiệu học – Đọc văn như là quá trình tái thiết ngôn ngữ – của Lã Nguyên (NXB Phụ nữ. H.2018), thấy rất rõ tình trạng đó. Dẫu rất vui mừng thấy chị em phụ nữ của chúng ta ngày nay đã quan tâm đến những vấn đề rất phức tạp của khoa học văn học bên cạnh khoa học gia đình và nội trợ, cũng phải nhắc lại phát biểu của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh rằng: “Thi pháp học ngày nay đang là một “cơn sốt” trong nghiên cứu, phê bình văn học ở nước ta” (Lời nói đầu. Giáo trình Thi pháp học của Trần Đình Sử. TP.HCM – 1993). Hơn một phần tư thế kỷ qua, cơn sốt Thi pháp học vẫn đang tăng tiến. Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh – thực ra do Đoàn trưởng Văn đoàn độc lập cầm trịch – trao cho Trần Đình Sử năm 2017 và Lã Nguyên sau đó, chắc chắn tăng thêm lòng tự tin cho hai tác giả này. Và trước đó nữa, cũng Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải Sách hay cho Miền hoang, cuốn tiểu thuyết mà Lã Nguyên và Trần Đình Sử đều đánh giá rất cao, coi là văn liệu quý giá quan trọng cho Phê bình Ký hiệu học và Thi pháp học. Chúng tôi rất nghi ngờ Giải thưởng này. Song vì Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã tuyên bố chấm dứt hoạt động nên chúng tôi cũng không bình luận gì thêm. Dưới đây chúng tôi chỉ xem xét Cơn sốt Thi pháp học là cơn sốt vỡ da – dậy thì hay là cơn ngoại cảm đã nhập lý.

Một nhà Thi pháp học trẻ, TS. Phạm Ngọc Hiền, Đại học Sài Gòn, cho biết: “Thi pháp học là bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu hình thức nghệ thuật tác phẩm văn chương. Bộ môn này xuất hiện từ thời Cổ đại… Đầu thế kỷ XX, Thi pháp học hiện đại hình thành và chia làm nhiều khuynh hướng. Thi pháp học thể loại; Ngôn ngữ – Hình thức; Cấu trúc – Ký hiệu học; Phê bình mới; Thi pháp học Văn hóa – Lịch sử. Thi pháp học ở Việt Nam cũng có đầy đủ các khuynh hướng trên…” (Thi pháp học. NXB Tổng hợp TP.HCM – 2019). Nếu có một phong trào nghiên cứu sâu rộng, nghiêm túc, theo tinh thần khoa học thì phải hoan nghênh, khích lệ. Để thấy được phong trào, lại phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Theo chúng tôi, Thi pháp học của Trần Đình Sử và Phê bình Ký hiệu học của Lã Nguyên có rất nhiều bất cập cần phải trao đổi, như tinh thần của chính Trần Đình Sử, là phải đối thoại.

Trước khi đi vào tác giả cụ thể, xin nói những điểm chung giữa hai tác giả. GS.TS Trần Đình Sử và PGS.TS Lã Nguyên tức Lã Khắc Hòa đều là đồng nghiệp đồng sự với nhau ở Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Quan hệ trực tiếp về chuyên môn học thuật lại kề vai sát cánh trong không gian và thời gian hành sự chuyên môn khiến họ có quan hệ đặc biệt tốt lành, luôn dành cho nhau những lời có cánh. Đó là điều bình thường, đáng mừng trong quan hệ nhân sinh. Nhưng trong học thuật lại phải tỉnh táo, qua đoạn trích dưới đây:

“Sự giải mã của Lã Nguyên đối với văn học giai đoạn trước không phải là giải mã của kẻ đương thời, mà là kẻ giải mã của người thời đại sau, khi dòng thác ký hiệu của một thời đã đi qua, nó có ý vị như một sự phản tỉnh, một tái nhận thức, một lời chào biệt. Ông không đứng ở vị trí của người đam mê đương thời, không ở vị trí của “fan” hâm mộ Nguyễn Tuân. Sự giải mã đối với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Xuân Khánh… lại có ý vị khác. Nó là giải mã đồng thời là chào mừng, mời gọi một ngôn ngữ mới, thúc giục chúng nảy sinh. Chính ở đây thể hiện bản chất của phê bình” (Phê bình Ký hiệu học. Lời bạt… Sđd. Trg.403).

Câu cuối của đoạn trích trên bộc lộ tính nôn nóng hiếu thắng của Trần Đình Sử. Bản chất của phê bình chỉ là chào biệt văn học giai đoạn trước và chào mừng, mời gọi, thúc giục một ngôn ngữ mới như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài thôi ư? Sao lại có thứ phê bình biệt người cửa trước rước người cửa sau thế nhỉ. Một quan niệm, một thái độ học thuật như thế đủ để bạn đọc không cần mất thời gian về Thi pháp Trần Đình Sử và Ký hiệu Lã Nguyên làm gì. Nhưng như thế sợ hai Thầy ấm ức. Nên chi cũng cần sự tại văn bản.

Nếu phải chào biệt thì vì sao mà phải chào biệt. Nếu được đón mời thì vì sao mà được đón mời. Rất hay, chính Trần Đình Sử đã tóm tắt bản chất của Ký hiệu học mà hiểu rộng ra cũng là của Thi pháp học trong đoạn văn này:

Phê bình Ký hiệu học chính là phát hiện, kiến tạo ký hiệu, giải mã ký hiệu, phiên dịch ký hiệu, là giải thích ý nghĩa của các ký hiệu. Ký hiệu học cũng là nghĩa học. Từ nghĩa của người phát, sang nghĩa của văn bản đến nghĩa của người giải thích đều đã có sự thay thế, sự đổi thay. Văn bản bao giờ cũng đa mã, đa nghĩa, mã văn bản và mã giải thích không đồng nhất, đồng thời trong quá trình tồn tại của văn bản có những ý nghĩa chết đi và ý nghĩa mới sinh thành theo ngữ cảnh mới. Một sự giải mã mới sẽ khiến cho cách giải mã cũ trở nên vô hiệu và khi chưa có cách giải mã khác thì nó vẫn là cách đọc hợp lý. Đây chính là thực chất của lịch sử phê bình và tiếp nhận và cũng là ý nghĩa của Phê bình Ký hiệu học hôm nay” (Trần Đình Sử. Lời bạt… cho Phê bình Ký hiệu học của Lã Nguyên. NXB Phụ nữ. H.2018. Trg.403-404).

Ta có thể lấy Trần Đình Sử rán Trần Đình Sử như sau: “Thi pháp học không phải là hướng nghiên cứu văn học duy nhất trong thời gian qua…” (Thi pháp học văn học. NXB ĐHSP. H.2017. Trg.448).

Nhưng như thế, sự ấm ức sẽ lại tăng hơn. Nên chi cũng cần phân tích cho hai năm rõ mười. Nếu Thi pháp học không phải là hướng nghiên cứu duy nhất thì không nên rậm lời. Vì các hướng nghiên cứu khác cũng có cái lý của nó. Và dưới đây mới là vấn đề chính của Phê bình Ký hiệu học. Quan niệm về phê bình văn học của chúng tôi rất khác, thậm chí đối lập với Trần Đình Sử. Phê bình văn học phải chiếm lĩnh được giá trị của tác phẩm, tức là đánh giá được tác phẩm. Giá trị của tác phẩm trước hết phải được xác định bởi tác phẩm – tác giả và thời đại (ngữ cảnh, như cách nói của Trần Đình Sử) của nó. Nếu có tác phẩm – tác giả còn có giá trị cho nhiều thời đại sau thì không phải ngữ cảnh mới (hoàn cảnh xã hội mới) đem lại giá trị cho nó mà chính là con người có những khát vọng giống nhau, tương đồng nhau, vượt không gian và thời gian. Đó là khát vọng Chân – Thiện – Mỹ. Người Việt Nam hôm nay tiếp nhận được Đỗ Phủ, Lý Bạch, Puskin hay Gô-gôn, Sếchxpia hay Xéc-văng-téc… chính là khát vọng chung trên cái nền của lý tưởng thẩm mỹ. Nếu mỗi ngữ cảnh lại nhìn thấy một giá trị khác với các ngữ cảnh trước đó thì tác phẩm – tác giả sẽ có vô vàn giá trị tùy theo cách đọc của nhà phê bình. Điều đó chỉ có đối với thứ học thuật cơ hội, theo gió trở cờ. Vì tác phẩm được cố định bằng văn bản dù theo những văn tự khác nhau. Dù gọi là Ký hiệu hay siêu Ký hiệu hay gì gì đi nữa, thì nội dung của tác phẩm, tư tưởng của tác giả vẫn có tính ổn định nhất định. Tác giả dù là siêu thiên tài thì vẫn chỉ có một hay hơn một tư tưởng mà thôi. Họ đâu phải là thánh. Phê bình hay lịch sử của phê bình chỉ có thể làm phong phú hơn sâu sắc hơn giá trị của tác phẩm – tác giả mà không thể gán cho tác phẩm – tác giả theo ngữ cảnh mới được. Chúng tôi hiểu như thế.

Về Ký hiệu, cũng đừng làm xiếc, tung hứng cho thỏa sở thích. Con người đã biết quy ước với nhau những Ký hiệu cần cho giao tiếp trong cuộc sống từ rất lâu đời. Nhìn vào lá cờ hiệu, nghe tiếng trống tiếng kèn theo điệu nào người ta nhận biết được đó là đám tang hay đám hội. Người Việt xưa chưa có Ký hiệu – biển hiệu giao thông như thời hiện đại. Nhưng khách bộ hành thấy trước mặt có một chà rào (ngọn tre) hay cành cây hay mấy hòn đá chắn ngang thì hiểu có trở ngại, cần phải thận trọng… Đại để như thế. Tiếng nói lời nói là Ký hiệu của tư tưởng. Chữ viết là Ký hiệu của lời nói. Văn bản là Ký hiệu của tư tưởng tác giả, tức là của nội dung tác phẩm. Có sự khác nhau là Ký hiệu giao thông hay y tế thì đơn nghĩa, chỉ có một nghĩa. Thấy biển hiệu có chữ thập đỏ thì biết đó có cơ sở y tế. Thấy biển hiệu đầu lâu trên hai khúc xương bắt chéo thì chớ có xông vào. Còn Ký hiệu ngôn ngữ – văn tự thì rất phong phú phức tạp, đa nghĩa lắm. Tại sao như thế thì phải cậy nhờ các nhà Ngôn ngữ học, Ký hiệu học. Ngọt như mật mà cũng đắng như mật. Nước lên to lắm (lũ lụt) khác với anh ta (hay ả ta) xuống nước rồi. Nước ăn. Nước cờ. Đường đi nước bước… Lá buồm dương to như mảnh hồn làng (Tế Hanh), nhưng nhà báo Đặng Minh Phương hay trêu tác giả bằng cách đọc lái lại – họ vốn là bạn thân với nhau. Cũng như câu của Tú Mỡ: Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn / Ngọc nát thương tình kẻ cố đeo… Ký hiệu văn bản nó phong phú đa dạng như thế nhưng vẫn có một nghĩa chủ đạo, xác định. Nghĩa này không chỉ nằm trong văn bản mà còn phải tìm ở những quan hệ ngoài văn bản. Trước hết phải tìm ở tác giả. Ở tư tưởng và thái độ của tác giả. Dù ngữ cảnh có thay đổi đến đâu thì ý nghĩa của Ký hiệu vẫn được xác định bởi tư tưởng của tác giả, của chủ thể sáng tạo, của thời đại của tác giả – tác phẩm. Ký hiệu học cực đoan ở phương Tây cho rằng tác giả đã chết, Trần Đình Sử đã dẫn ra như thế. Chỉ còn có văn bản – cách đọc; kiến tạo ký hiệu – giải mã… mã văn bản (của tác giả) và mã giải thích (của nhà phê bình) không đồng nhất, trong quá trình tồn tại của văn bản có những ý nghĩa chết đi và ý nghĩa mới sinh thành theo ngữ cảnh mới. Như thế thì tác giả đã chết là đúng rồi. Từ nay giá trị tác phẩm tùy thuộc vào mã giả thích và ngữ cảnh mới. Nhà phê bình Ký hiệu tạo sinh (kiến tạo) ra giá trị văn học, không phải tác giả – tác phẩm (văn bản). Hay đấy nhưng mà nghịch lý lắm. Người thưởng thức, tiếp nhận mong tiếp nhận giá trị văn học của tác phẩm đó – tác giả đó ở ngữ cảnh đó. Những giá trị nào còn phù hợp với thời đại mới – ngữ cảnh mới, những giá trị nào không còn phù hợp… Nghĩa là giá trị của tác phẩm – tác giả chứ không phải giá trị do nhà phê bình gán cho ở những ngữ cảnh mới. Quan điểm của Trần Đình Sử là biến phê bình văn học thành trò chơi chữ nghĩa, ký hiệu. Một trò chơi có dụng ý, mượn tính đa thanh đa nghĩa đa mã của văn bản để lồng vào ý đồ của mình. Là chào biệt văn học 1945-1975, xếp Tố Hữu vào kho lưu trữ rất cẩn thận. Và đón mừng, mời gọi, thúc giục… những Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Phê bình Ký hiệu học của Lã Nguyên tiếp tục ý đồ cơ hội của Trần Đình Sử. Chúng tôi sẽ diễn giải điều đó ở các bài tiếp theo.

Đồng Nai Hạ, 18-12- 2019

Chu Giang
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 578, ngày 26/12/2019

http://tuanbaovannghetphcm.vn/tu-thi-phap-den-ky-hieu-so-578/

 
Từ thi pháp đến ký hiệu (kỳ 2)

Lý luận bây giờ chính là con voi mà hầu hết các nhà lý luận Việt Nam hiện đại thường chỉ mới là mấy anh mù tội nghiệp đang bắt đầu sờ soạng…”.

“Đây là cuốn sách của một người làm lý luận. Coi như là mấy câu trả lời của tôi đối với một số vấn đề lý luận văn học hiện đại”.

(GS.TS.NGND Trần Đình Sử. Trên đường biên của lý luận văn học. NXB Phụ nữ. H.2016. Các trang 281-282 và trang gấp bìa 4)

Đoạn trích trên là ở bản in lần thứ 2. Lần đầu in năm 2014, do NXB Văn học – Hội Nhà văn Hà Nội mà Phạm Xuân Nguyên cầm trịch, trao giải thưởng năm 2017. Có dự giải ở Hội Nhà văn Việt Nam nhưng không có hồi âm.

Xuất xứ trên cho thấy ánh sáng từ Con voi lý luận Trần Đình Sử là một chủ định nhằm soi rọi cho các nhà lý luận Việt Nam hiện đại mù mờ tội nghiệp đang bắt đầu sờ soạng. Là một độc giả quan tâm đến lý luận, chúng tôi rất hoan hỉ Trên đường biên của lý luận văn học và Dẫn luận Thi pháp học văn học (NXB Đại học Sư phạm. H.2017), mong được sáng láng đôi điều.

Trước hết xin lỗi GS.TS.NGND Trần Đình Sử được viết tắt tên tác giả, là TG.TĐS. Nếu viết đầy đủ thì dài quá và phải lặp lại nhiều lần.

TG.TĐS quy mọi sự nghèo nàn, lạc hậu, tình trạng khủng hoảng của lý luận văn học hiện nay là do hình thái lý luận Nhà nước. Ông viết: “Một thời đại lý luận văn học do Nhà nước hoàn toàn bao cấp đã đi qua. Và thời đại lý luận văn học của những người làm lý luận văn học, nghiên cứu về học thuật đã đến” (Sđd. Trg.278). Ở đoạn khác, ông cho rằng: “Thành tựu lý luận văn học lớn nhất trong thời gian 30 năm qua là phê phán các giáo điều lý luận xơ cứng và làm cho chúng mất thiêng. Đó là một điều kỳ diệu do thời đại ban tặng” (Sđd. Trg.275).

Ông kín kẽ lắm. Ở bản in trước, ông viết: “Lý luận văn học Marxist cũng trở nên bơ vơ, hầu như không còn nơi nương tựa” (Sđd. Bản 2014. Trg.277). Hoặc: “Có thể nói cả một hệ thống nguyên lý lý luận văn học chặt chẽ đã mất thiêng, không còn sức ràng buộc” (Sđd. Bản 2014. Trg.264).

Và còn nhiều nữa. Đại loại như thế. Ông cho rằng lý luận văn học là lý luận thứ phát dựa vào lý luận nguyên phát (triết học Marx). Vì vậy khi Liên Xô và hệ thống XHCN sụp đổ thì lý luận văn nghệ Marxist cũng sụp đổ theo. Lý luận văn học ở Việt Nam do lấy học thuyết Marx – Lenin làm nền tảng nên cũng… theo nhau “về trời”.

Như thế, điểm nhìn, điểm xuất phát của TG.TĐS là Liên Xô và hệ thống CNXH sụp đổ đồng nghĩa với học thuyết Marx – Lenin sụp đổ, lý luận văn nghệ Marxist sụp đổ và lý luận văn học Việt Nam do Nhà nước hoàn toàn bao cấp cũng sụp nốt. Đó là phương pháp tư duy theo hiệu ứng đôminô. Ba bề bốn bên lửa cháy cả rồi. Nhanh chân lên. Có phải bỏ của cũng đành…

Chúng tôi thấy cần bình tĩnh xem xét lại, từ các vấn đề sau:

Học thuyết Marx – Lenin – Tư tưởng Hồ Chí Minh có còn giá trị lý luận và thực tiễn không? Đây là chủ đề rất lớn. Chỉ xin nêu mấy tiểu tiết để cùng tham khảo.

Chủ nghĩa tư bản đã có lịch sử hơn 500 năm (từ 1500 đến nay) và bản chất của nó không thay đổi. Việt Nam đã có các tỷ phú tỷ đô. Người cao nhất hơn 7 tỷ USD. Thấp nhất trên 1 tỷ USD. Còn tỷ phú VND thì nhiều lắm. Các vụ đại án nghìn tỷ. Tỷ lệ người nghèo khoảng 1,5% trên 100 triệu dân. Chấp nhận kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ định hướng XHCN. Thực tế này có ảnh hưởng đến lý luận văn học không?

Khi GS. Nguyễn Mạnh Tường trở lại thăm Paris (Pháp) sau Đổi Mới, bạn bè hỏi ông suy nghĩ gì về chủ nghĩa Cộng sản. Ông đáp: Cần phân biệt học thuyết của Marx và những người thực hiện chủ nghĩa Cộng sản.

Đã và đang có nhiều Hội nghị Quốc tế, nhiều công trình nghiên cứu về chủ nghĩa Marx trên phạm vi thế giới. Học thuyết Marx vẫn được đánh giá cao, có giá trị đối với tương lai nhân loại. Xem Vì sao Marx đúng? NXB Lý luận Chính trị. H.2015.

Như vậy, sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là chưa đủ cơ sở để tin rằng chủ nghĩa Marx đã sụp đổ, lý luận văn nghệ Marxist trở nên bơ vơ không còn nơi nương tựa. Nhà lý luận không nên và không thể là con bài đôminô!

Nếu thật sự học thuật thì không nên đặt ra khái niệm Hình thái lý luận Nhà nước. Cần nhớ và nhất quán là Công cuộc Đổi Mới xã hội toàn diện trong đó có văn học – nghệ thuật và lý luận văn học. Không phải là đoạn tuyệt toàn diện và triệt để với giai đoạn trước, với lý luận Nhà nước. Do đó phải xem xét lý luận văn học trước đó như thế nào. Cái gì còn tiếp tục. Cái gì phải đổi mới. Không nên xem trước và sau đổi mới là hai thời đại khác nhau đến đối lập nhau.

Văn học Việt Nam 1945-1975 đã hoàn thành sứ mệnh của nó, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của nước Việt Nam hôm nay. Không thể xem giai đoạn văn học đó là vô giá trị. Nhà Lý luận văn học, nhà Thi pháp học Trần Đình Sử và nhà Ký hiệu học Lã Nguyên có thể không thích, không hâm mộ Tố Hữu hay Nguyễn Tuân. Đấy là quan điểm và học thuật của hai ông. Nhưng Tố Hữu và Nguyễn Tuân là những giá trị tiêu biểu của văn học cách mạng và kháng chiến. Lịch sử văn học đã khẳng định như thế. Vì vậy, nhìn nhận và giải quyết vấn đề lý luận văn học Việt Nam sau đổi mới không thể phủ nhận thời đại văn học trước Đổi Mới, dù từ bất kỳ thứ lý luận nào.

Nhà nước của mỗi quốc gia, mỗi xã hội phải tổ chức – điều hành đời sống văn hóa của quốc gia đó, xã hội đó. Đấy là nguyên lý triết học và là thực tiễn lịch sử từ Cổ Kim Đông Tây. Dân chủ đến đâu cũng không thể đối lập với Nhà nước trong tính lịch sử – cụ thể của nó. Vấn đề phải xem xét bản chất, thực tế lý luận văn học của Nhà nước đó để khắc phục, làm cho tốt hơn lên, phù hợp hơn, học thuật hơn. Không phải là làm cho nó mất thiêng, kết tử nó.

Nếu có những nhà lãnh đạo Nhà nước am hiểu văn hóa, văn học – nghệ thuật, đề xuất lý luận và điều hành hoạt động thực tiễn thì đó là điều đáng mừng, điều may mắn. Nếu lý luận của họ có chỗ không còn phù hợp với thực tiễn thì cần phân tích để khắc phục. Không thể quy vào hình thái lý luận Nhà nước để đoạn tuyệt.

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… cũng là những nhà văn hóa kiệt xuất. Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là Danh nhân Văn hóa. Các yếu nhân của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của nền học thuật Việt Nam mới như Đặng Thai Mai, Vũ Đình Hòe, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Trần Văn Giàu, Ca Văn Thỉnh… Di sản của họ là vốn quý, là nền tảng lý luận của nền văn hóa Việt Nam mới, sao có thể làm cho mất thiêng được, trừ phi người ta cố tình nhắm mắt, quay lưng ngoảnh mặt.

Đọc các cuốn sách trên của TG.TĐS, nhất là Lời bạt cho Phê bình Ký hiệu học của Lã Nguyên mà chúng tôi sẽ đề cập tới trong bài viết sau, chúng tôi thấy TG.TĐS tỏ ra là người đứng ngoài, đứng trên đời sống văn học trước Đổi Mới (1986). Từng trang từng dòng toát lên giọng điệu của những Việt kiều chống Cộng quá khích… Một giọng điệu hoàn toàn xa lạ với những danh hiệu mà Hình thái lý luận Nhà nước đã phong tặng cho ông. Xin được dẫn lại để bạn đọc cùng thưởng thức:

GS.TS Trần Đình Sử, sinh năm 1940.

Quê quán: Phú Lễ, Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế.

Giảng viên ĐHSP Hà Nội (1961-2007).

Giảng viên ĐHSP Vinh (1966-1975).

Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (2010).

Giải thưởng Nhà nước (2000).

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1997).

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (2015).

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (2017).

Nội dung trên in kèm chân dung TG.TĐS ở trang gấp bìa 1 cuốn Trên đường biên của lý luận văn học, ngoài những tác phẩm tiêu biểu, ông còn ghi rõ: “Tổng chủ biên, biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông, chủ biên, viết chung và dịch thuật nhiều công trình khoa học khác”.

Chỉ có một Điệp viên lý luận văn học cỡ Phạm Xuân Ẩn mới có thể tồn tại song trùng như thế được.

Có thể TG.TĐS là một “con voi” đã thồ được khối lượng lớn lý thuyết của Bakhtin, Lốtman, của nhiều học giả Trung Quốc về Việt Nam. Chúng tôi ghi nhận điều đó. Nhưng cái quan trọng hơn là vận dụng lý thuyết đó vào đời sống văn học Việt Nam. Điều đó, trong bài viết sau chúng tôi sẽ nói đến vận dụng Thi pháp học, Ký hiệu học để đánh giá thơ Tố Hữu hay tiểu thuyết Miền hoang.

Trong bài Tính nhân văn trong phê bình văn học hôm nay (Trên đường biên của lý luận văn học), TG.TĐS nói rất hay mọi nhẽ, nhất là tinh thần đối thoại dựa trên nền tảng tôn trọng sự tồn tại của mỗi người, xem con người là chủ thể, không phải đồ vật… (Sđd. Trg.322). Quả thật, chúng tôi phải cố gắng lắm để không bị chói lòa, quáng mắt trước con voi lý luận Trần Đình Sử. Ông nói: Là chủ thể, con người không chấp nhận người khác kết luận về mình một cách tùy tiện… (Sđd. Trg. 322). Chúng tôi sẽ cố gắng xem xét những kết luận của TG.TĐS và Lã Nguyên về Tố Hữu là có cơ sở như thế nào. Xin trình bạn đọc ở phần tiếp theo.

Đồng Nai Hạ, 20-12-2019

Chu Giang
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 579, ngày 2/1/2020 

Từ Thi pháp đến Ký hiệu (kỳ 3)

Ký hiệu học nằm trong Thi pháp học và Thi pháp học là bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu hình thức của tác phẩm nghệ thuật. Khoa học này đã có từ thời cổ đại, ngày nay nó đang phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, chúng tôi không nói đến lịch sử bộ môn này mà chỉ nói đến Thi pháp học qua sự vận dụng vào Việt Nam của Trần Đình Sử và Lã Nguyên. Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu Thi pháp học hiện nay có thể tìm đọc Dẫn luận Thi pháp học của Trần Đình Sử, NXB Đại học Sư phạm. H.2017 và Thi pháp học của Phạm Ngọc Hiền, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019. Qua hai công trình này, nhất là Thi pháp học của Phạm Ngọc Hiền trình bày rõ quá trình tiếp nhận Thi pháp học ở Việt Nam thời hiện đại, trên cả hai miền Bắc và Nam trước 1975 cho đến nay, với một thư mục sách tham khảo phong phú, tới 930 tên sách và bài báo.

Qua “bộ lọc Thi pháp Trần Đình Sử” thì văn học Việt Nam trước 1975 được hiểu như sau:

“Vấn đề nổi bật trong giao tiếp là ai nói, nói gì, nói với ai, nói thế nào, vạch ra các yếu tố ấy với trật tự của chúng trong một trào lưu văn học, ta có mô hình giao tiếp của trào lưu ấy (C.G nhấn mạnh). Trong trường hợp văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam… ta nghe được tiếng nói của kẻ chiến thắng, nói về bốn nhân vật – ký hiệu: lãnh tụ anh minh, mẹ vĩ đại, chúng con chiến đấu anh hùng, bên cạnh đó là kẻ thù – bầy thú man rợ, đã khái quát được các nhân vật chính của một nền văn học… Điều thú vị là không chỉ thơ mà cả văn xuôi hiện thực xã hội chủ nghĩa trên các nét lớn đều đặt vừa khít vào cái mô hình giao tiếp đó, nó chính là từ vựng cơ bản trong ngôn ngữ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước 1975. Nói đúng hơn đó là siêu ngôn ngữ của văn học tuyên truyền… Đó là siêu ngôn ngữ của một thời lạm phát các loại ký hiệu để động viên con người, tạo thêm động lực bổ sung khi trong thực tế con người chỉ có thiếu thốn và đau khổ, khi “tiếng hát át tiếng bom”, “một người làm việc bằng hai”, “một ngày bằng hai mươi năm”, “lịch sử chọn ta làm điểm tựa”, “trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”. Văn học ấy là sản phẩm của trường ký hiệu ấy. Con người đương thời sống và cảm xúc trong dòng thác ký hiệu ấy mà phần nào cách ly với thực tế khắc nghiệt coi mô hình ấy là cuộc sống thật. Theo tôi, không chỉ văn học mà cả hội họa, điêu khắc, sân khấu và đặc biệt âm nhạc, ca khúc thời ấy cũng đều sáng tác theo mô hình giao tiếp này. Bạn sẽ hỏi: Vậy độc giả đương thời có hiểu nền văn học này theo mô hình giao tiếp kia hay không? Tôi nghĩ là họ vẫn hiểu như thế, nhưng xem đấy là chân lý duy nhất đúng và chân thật, đồng thời cảm thấy nó đẹp đẽ và ngọt ngào. Nhưng khi bạn đọc đã có ngữ cảnh khác, một mô hình giao tiếp khác, thì cái mô hình kia mới lộ ra sự khuôn sáo và sơ lược” (Trần Đình Sử. Lời bạt cho Phê bình ký hiệu học của Lã Nguyên. NXB Phụ nữ. H.2018. Trg.400-401).

Đoạn trích hơi dài. Nhưng chúng tôi nghĩ, bạn đọc thà đọc kỹ đoạn trích này (một trang in 13x19cm), còn hơn bỏ công sức ra đọc toàn bộ tác phẩm của Trần Đình Sử, dày phải đến hàng ngàn trang. Riêng Dẫn luận Thi pháp học văn học cũng đã dày 450 trang khổ lớn chữ nhỏ (17x24cm). Vì đoạn trích trên tiêu biểu cho toàn bộ học thuật của Trần Đình Sử, nhất là Thi pháp học. Thiết nghĩ đọc văn, nhất là văn khoa học, càng nên học tập phương pháp của cuộc sống. Dũng mãnh như Trâu chọi Đồ Sơn cũng chỉ sợi thừng xỏ mũi là dắt đi được. Tung chài nắm lấy chóp khiến con tuấn mã phải nắm chắc dây cương, đại loại thế.

Đoạn trích trên đặt ra bốn vấn đề:

– Ký hiệu học và văn học.

– Ngôn ngữ của văn học tuyên truyền.

– Lạm phát ký hiệu để động viên con người.

– Ngữ cảnh và giá trị của văn học.

Giải quyết được bốn vấn đề trên là dắt được “con voi lý luận Trần Đình Sử”. Xin được lần lượt.

Ký hiệu (ngôn ngữ) và văn học

Theo Trần Đình Sử, “phê bình ký hiệu học chính là phát hiện, kiến tạo ký hiệu, giải mã ký hiệu, phiên dịch ký hiệu, là giải thích ý nghĩa của các ký hiệu” (Phê bình ký hiệu học. Lời bạt. Sđd. Trg.403).

Hiện nay ký hiệu học được tung hô ghê lắm. Thậm chí những nhà thi pháp học hay ký hiệu học cực đoan còn cho rằng tác giả đã chết. Chỉ còn có văn bản và sự giải mã của nhà ký hiệu học, như phụ đề tên sách của Lã Nguyên: Phê bình ký hiệu học – Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ. Như thế người đọc, trước hết là nhà phê bình, không tìm nghĩa và giá trị, ý nghĩa của ngôn ngữ tác giả tại văn bản, cũng là ký hiệu của tác giả tại văn bản tác phẩm. Mà phải tìm ra ký hiệu của ký hiệu rồi giải thích ý nghĩa cho nó. Ký hiệu trước là của tác giả văn bản. Ký hiệu sau là của nhà phê bình ký hiệu học. Đây chính là con dao hai lưỡi (lưỡi ở hai phía) của phê bình ký hiệu học. Vì sao vậy? Vì ký hiệu do nhà phê bình kiến tạo và sự giải thích ý nghĩa của họ có thể không phản ánh đúng ý nghĩa của tác giả – văn bản, thậm chí rất khác đến đối lập.

Rất rõ ràng, trong toàn bộ thơ của Tố Hữu, Trần Đình Sử và Lã Nguyên trừu xuất hay là kiến tạo ra ký hiệu mới là bốn nhân vật – ký hiệu: lãnh tụ, mẹ, chúng con và kẻ thù, theo đó, ký hiệu này bị lạm phát, không phản ánh đúng bản chất của con người và xã hội như thực tại vốn có (?).

Chúng tôi thiết nghĩ, từ ký hiệu trong đời sống đến ký hiệu trong văn học không phải mới được phát hiện. Con người đã có khái niệm ký hiệu từ xa xưa. Không có lửa tại sao có khói. Như vậy, khói là ký hiệu (hay tín hiệu) cho biết có lửa. Lá cờ Hội hay cờ tang là ký hiệu để loan báo một thông tin. Tiếng nói là ký hiệu để giao tiếp. Chữ viết là ký hiệu cho tiếng nói. Ngày nay người ta có thể mua một quyển sách kèm theo một đĩa CD. Họ có thể đọc. Hoặc nghe đọc. Vậy thì không nên cường điệu hóa ký hiệu học trong văn học. Văn bản tác phẩm là ký hiệu của tác giả gửi thông tin đến cho bạn đọc rồi. Nhà phê bình văn học dù theo trường phái nào cũng nên làm phong phú nhưng phải trung thực cách hiểu về nghĩa – ý nghĩa mà ký hiệu của tác giả (văn bản) đã đưa ra. Nếu lại kiến tạo ra một ký hiệu mới trên nền ký hiệu của văn bản tác phẩm – tức của tác giả, sẽ có hai khả năng. Một là, kiến tạo được ký hiệu mới phản ánh chân thật hệ thống ký hiệu của tác giả – tác phẩm. Hai là, không phản ánh đúng, thậm chí xuyên tạc, áp đặt “ý nghĩa” của nhà phê bình lên ý nghĩa của tác giả – tác phẩm. Trường hợp này thể hiện rất rõ qua Thi pháp – Ký hiệu của Trần Đình Sử – Lã Nguyên với Thơ Tố Hữu và mở rộng ra là văn học hiện thực XHCN Việt Nam trước 1975.

Văn học tuyên truyền

Trần Đình Sử – Lã Nguyên và hơn thế nữa tỏ ra rất dị ứng với chức năng tuyên truyền của văn học. Quả là sáo chê chích chòe hay hót. Vì Trần Đình Sử đang tuyên truyền Thi pháp học của mình, tuy ông lấy nội dung đó của các nhà Thi pháp học nước ngoài. Và ông tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền: lên lớp cho sinh viên, hướng dẫn các luận án luận văn, soạn giáo trình, viết sách và các bài báo, tổ chức Hội thảo, phát biểu trong Hội nghị, tọa đàm, đưa nội dung tuyên truyền lên blogger của mình, tận dụng từng dòng từng chữ trên trang gấp bìa 1 bìa 4… Sao lại tự hài hước thế nhỉ. Có thể nói tuyên truyền là phương thức tồn tại của con người trong cuộc sống được tổ chức thành xã hội. Tuyên truyền để hiểu biết nhau. Để khẳng định và bảo vệ mình. Để giành được mục đích của mình. Các cá nhân tuyên truyền với nhau. Các cộng đồng đang tuyên truyền cho nhau. Các dân tộc đang tuyên truyền. Các hệ tư tưởng đang tuyên truyền tư tưởng của mình. Các tôn giáo đang tuyên truyền giáo lý và đức tin của họ. Nhà xuất bản Giáo dục đang tuyên truyền bốn bộ sách Giáo khoa (cấp I) mới. Các ông Ngô Trần Ái, Nguyễn Minh Thuyết, Đỗ Đức Thái đang tuyên truyền cho bộ SGK Cánh Diều. PGS.TS Tôn Phương Lan đang tuyên truyền cho đổi mới Phê bình văn học và các tác giả tiên phong như GS.TS Trần Đình Sử… Các bà nội trợ đang tuyên truyền với nhau. Các nhà đầu tư đang tuyên truyền sản phẩm của họ… v.v. và v.v… Vấn đề là xem xét nội dung của tuyên truyền, mục đích của tuyên truyền và trình độ (nghệ thuật) của tuyên truyền. Thông tin và công nghệ thông tin là phương tiện duy nhất của tuyên truyền. Về quan hệ giữa nghệ thuật với tuyên truyền thì ông Trường Chinh đã nói rõ từ năm 1948 rồi. Bây giờ ta hãy xem nhà Thi pháp học – con voi lý luận – Trần Đình Sử hiểu như thế nào về con người – cuộc sống và giá trị tuyên truyền của văn học trước 1975.

Lạm phát ký hiệu để động viên con người

Chúng tôi đặc biệt lưu ý luận điểm sau đây của Trần Đình Sử: “Đó là siêu ngôn ngữ của một thời lạm phát các loại ký hiệu để động viên con người, tạo thêm động lực bổ sung trong khi thực tế con người chỉ có thiếu thốn và đau khổ, khi “tiếng hát át tiếng bom”… (Trần Đình Sử. Lời bạt… Sđd trên).

Chỉ mấy dòng ngắn ngủi nhưng bộc lộ bản chất học thuật của Trần Đình Sử: Hoặc là ông không hiểu gì về cuộc sống chiến đấu, con người Việt Nam trong chiến đấu và văn học cũng đang tham gia vào cuộc chiến đấu đó. Hoặc là ông cố tình hiểu sai, cố tình xuyên tạc con người và cuộc sống và văn học trước 1975. Về ký hiệu (ngôn ngữ) thì nhà văn thời kỳ này đang bất lực về ngôn ngữ, đang rất thiếu hụt ngôn ngữ để diễn tả con người và cuộc sống kháng chiến. Làm sao đủ ngôn từ để phản ánh, ca ngợi những con người chân trần chí thép, chiến đấu anh dũng, hy sinh quả cảm, đến tính mạng cũng hiến dâng nhẹ tựa lông hồng. Chế Lan Viên không hề lạm phát ký hiệu nào mà ông đến với Đảng khi tận mắt chứng kiến sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trong trận đánh đồn Tà Cơn (Quảng Trị) hồi kháng chiến chống Pháp. Và sau này, biết bao nhiêu tấm gương hy sinh oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, từ chiến trường “nhằm thẳng quân thù mà bắn” đến trong tù ngục, thà chết để giữ trọn khí tiết người cách mạng. Người Việt Nam của thời đại đó rất thiếu thốn về vật chất, sống và chiến đấu rất gian khổ nhưng không đau khổ! Nếu đau khổ thì không ký hiệu ngôn ngữ nào vực họ đứng lên được. Chỉ có lòng yêu nước và niềm tin mới đem lại cho họ sức mạnh. “Tiếng hát át tiếng bom” là tiếng nói của sức mạnh tinh thần, của ý chí của niềm tin, đâu phải hát to lên cho khỏi sợ! Lịch sử chứng tỏ như thế. Tiếc thay, “con voi lý luận” Trần Đình Sử lại không biết đến hay cố tình không biết đến. Lý Tự Trọng, Lê Hồng Phong đã nói thế nào trước lúc hy sinh. Chị Huỳnh Thị Kiểng hai lần bị chặt chân – chặt cùng một bên chân – nhưng không khuất phục. Anh hùng Nguyễn Văn Thương bị CIA cưa chân sáu lần nhưng không khuất phục. Cuối cùng, một trung tá CIA phải thốt lên: “Ôi! Một sinh vật bằng thép! Chúng tôi đã thua ông!” (Mã Thiện Đồng. Người bị CIA cưa chân sáu lần. Tái bản lần thứ 11. NXB Tổng hợp TP.HCM – 2018). Mọi thủ đoạn tra tấn tinh vi tàn ác của CIA đã không khuất phục được Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Tài – con trai nhà văn Nguyễn Công Hoan, cháu gọi người Cộng sản Anh hùng Lê Văn Lương là chú ruột.

Nếu là ký hiệu, là tuyên truyền mà được ký hiệu, được tuyên truyền cho những con người như thế, cho một dân tộc, một sự nghiệp như thế thì dẫu ở ngữ cảnh nào, giá trị nhân văn của nền văn học đó vẫn không thay đổi.

Ngữ cảnh và giá trị văn học

Phần cuối của đoạn trích trên cho thấy quan điểm nghệ thuật của Trần Đình Sử: Khi ngữ cảnh (hoàn cảnh xã hội – hiện thực) thay đổi, khi xuất hiện mô hình giao tiếp mới thì mô hình giao tiếp cũ không còn giá trị. Khi Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh đem đến một hệ thống ký hiệu mới, mô hình giao tiếp mới thì Tố Hữu, Chế Lan Viên cũng… viên tịch! Đấy là quan điểm lấy hình thức nghệ thuật, lấy câu chữ làm cứu cánh chứ không phải giá trị nhân văn. Học thuật của Trần Đình Sử không nằm trong phạm trù “phò chính trừ tà, khuyến thiện trừng ác”, thiết tưởng không cần dài dòng biện biệt.

Chỉ mắc cười chỗ này: Ông cho thơ Tố Hữu có giọng quyền uy và các nhà thơ cách mạng khác cũng có giọng quyền uy, phải có giọng quyền uy (Xem Giáo trình Thi pháp học. Trường ĐHSP TP.HCM – 1993).

“Chỉ có một người cách mạng quyền uy như thế mới nói được tiếng nói quyền uy như thế… vì cách mạng rất cần quyền uy, phải có một tiếng “hô” cho muôn tiếng “ứng”. Quyền uy này không phải là của cá nhân Tố Hữu mà là của cách mạng” (Sđd. Trg.69).

Xin thưa, đã tuyên truyền thì không thể có giọng quyền uy được. Cùng với lạm phát ký hiệu để động viên… quả thực “con voi lý luận Trần Đình Sử” đã sáng tạo ra những cuộn tóc rối tự quấn vào chân mình.

Nhưng cái nguy hiểm nhất của Thi pháp Trần Đình Sử mà Lã Nguyên chỉ là cái bóng, là ở chỗ, nhà phê bình Ký hiệu học phải kiến tạo ra ký hiệu mới rồi giải thích nó mà không phải là giải thích ý nghĩa ở ngay ký hiệu của tác giả được định hình trong văn bản tác phẩm. Đây là chỗ chúng tôi đã nói, là con dao hai lưỡi, là tính hai mặt của Thi pháp Trần Đình Sử.

Thi pháp học chân chính nghiên cứu nghệ thuật sáng tạo của nhà nghệ sĩ thì đời nào cũng phải được trân trọng. Nhưng Thi pháp Trần Đình Sử – Lã Nguyên chỉ nói đến hình thức mà lảng tránh nội dung, thậm chí hiểu sai cả sự thực đời sống – là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm lý thuyết. Có phải “con người đương thời (trước 1975) sống và cảm xúc trong dòng thác ký hiệu ấy mà phần nào cách ly với thực tế khắc nghiệt, coi mô hình ấy là cuộc sống thực”? Cuộc sống tạo ra cảm xúc cho văn học, cho mô hình và ký hiệu hay mô hình và ký hiệu của văn học tạo ra cuộc sống? Hãy đặt Miền hoang (Sương Nguyệt Minh) bên cạnh Chuyện lính Tây Nam (Trung Sĩ), nhất là Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Minh Tuấn) xem sự kiến tạo ký hiệu rồi giải nghĩa ký hiệu của Lã Nguyên – Trần Đình Sử đã xuyên tạc đến như thế nào!

Học thuật vô cùng, khiêm tốn lắm may ra… GS.TS.NGND Trần Đình Sử lại rất ngạo mạn. Ví von ngầm cho mình là “con voi lý luận”, khinh bỉ thương hại bạn đồng nghiệp. Một cái lông voi đã thành câu chuyện. Cả một con voi thì… lẽ nào không cúi đầu ngả mũ mà rằng: Thưa GS! Thầy minh lắm ạ! 

Đồng Nai Hạ. Mùa Giáng sinh 2019

Chu Giang
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 580, ngày 9/1/2019