Hồi nhỏ tôi đã thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Phạm Duy, Từ công Phụng,…nhưng thích nhất vẫn là nhạc Trịnh Công Sơn. Ngồi quán cà phê yên tĩnh nghe chị Khánh Ly hát trong băng thì thích lắm. Hỏi có hiểu nhạc Trịnh không: có bài hiểu bài không, nghịch lý là bài nào hiểu thì không thích bằng bài không hiểu. Lời nhạc Trịnh được cho là bài thơ hay, nhưng có bài cũng thuộc loại “khổ nghe” trong rất nhiều sáng tác của Trịnh Công Sơn. Nó làm cho nhiều người phải đau đầu vì câu từ “độc lạ” chưa từng hiện diện trong văn học cổ kim. Một nghệ thuật dùng chữ mà người đời thán phục, gán cho ông nhiều tên gọi và xưa nay hiếm đối với một nhạc sĩ. Có lẽ ông không cố tình tạo câu từ độc lạ, nhằm gây khó hiểu cho người yêu nhạc của ông, đó chỉ là cảm xúc nhất thời về hiện tượng hay sự vật nào đó mà ông nghĩ đến hoặc nhìn thấy trong lúc sáng tác âm nhạc của mình.

      Nói đến phổ hay phỏng thơ ra nhạc. Thường người nhạc sĩ bắt được cái nhịp hồn của một bài thơ, rồi hà hơi thổi vào bài thơ một làn điệu mới mẻ. Có thể ví thơ là “cánh diều”, nhạc là “cánh gió”… gió nâng cánh diều bay cao tận trời xanh. Lúc này “thơ và nhạc” dễ dàng dẫn dắt người nghe đi đến cảm xúc cao nhất. Nếu tách “giai điệu nhạc” ra khỏi “lời bài thơ”, thì giống như diều bị đứt dây hay gió ngừng thổi. Điều này cho tôi thắc mắc, là tại sao nhạc sĩ đi tìm “nhạc hứng” qua các bài thơ, trong khi thi sĩ không đi tìm “thi hứng” ở những bài nhạc, khi thơ và nhạc được hiểu: trong thơ có nhạc trong nhạc có thơ. Hay đã có người làm công việc này rồi mà tôi chưa biết !? Dù là có. Tôi cũng muốn nói lên quan điểm của mình về việc phỏng nhạc ra thơ.

     Âm nhạc thường dễ gây cảm hứng cho người nghệ sĩ, trừ những người không thích nghe nhạc. Âm nhạc còn là nguồn cảm hứng cho tất cả các ngành nghệ thuật nghiêng về hình dung và tưởng tượng. Tôi có biết họa sĩ Phạm Nam ở Cà Mau, anh được báo giới cho là nguời chép tranh số một Việt Nam. Bước vào phòng tranh của anh, có từ tranh vẽ đến tranh chép. Ấn tượng là bức vẽ nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci. Cạnh nơi anh ngồi vẽ là cây đàn guitar thùng, đàn piano và  máy nghe nhạc…vang lên thứ âm nhạc du dương dễ chịu. Tôi hỏi: “Anh có bị tiếng nhạc làm phiền khi đang vẽ không ?” Anh cười hiền rồi vuốt mái tóc dài nghệ sĩ (tôi trông anh có nét giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn). Anh nói: “Lúc tôi cầm cọ hay không thì âm nhạc luôn vang lên trong phòng gần như 24/24, vì thời gian làm việc đêm của tôi dài hơn ngày. Tôi nghe nhiều thể loại, từ giao hưởng thính phòng đến nhạc trữ tình. Tôi chọn nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng để nghe. Tôi chú ý từng tiếng nhạc cụ, véo von như violon, thánh thót như piano… vì tiếng đàn violon được mệnh danh là Hoàng hậu, piano thì là ông Vua của các loại nhạc cụ. Và tôi cũng chú ý cách phối âm và bối cảnh của một bản nhạc. Mọi thứ tôi vừa nói, điều giúp cho tôi rất nhiều trong việc vẽ và sáng tác nghệ thuật. Tôi không những nghe nhạc mà còn đàn, sáng tác thơ văn và đọc rất nhiều sách. Kể cả những tác phẩm nổi tiếng nước ngoài”. Anh dụi tàn vào gạt thuốc, nói tiếp: “Tôi không dám nhận mình là người chép tranh số một như các báo đã nói. Tôi có nghề nghiệp như hôm nay là cả một quá trình học hỏi, nghe nhạc, đàn và đọc sách… mọi thứ dễ dàng dẫn tôi đến sự hình dung và tưởng tượng. Từ đó cho ra những nét vẽ mà chính bản thân tôi cũng không ngờ là mình đã vẽ được như thế”. Anh trầm ngâm một lúc: “Cái Tâm cái Tài của người nghệ sĩ, phần lớn có được từ những gì tôi vừa nói”. 

     Một điều dễ thấy: nhạc – thơ – họa ví như chiếc ghế ba chân, không thể thiếu trong tâm hồn của người họa sĩ tài hoa Phạm Nam. Có lẽ họa sĩ Phạm Nam là người truyền ý tưởng và cảm hứng cho tôi về việc “phỏng nhạc ra thơ”. Nhưng khổ thay, tôi không phải là nhà thơ, chỉ là người thích làm thơ cho vui nhà vui cửa.

     Tới đây xin nói vui cũng là nói thiệt: kể từ ngày “bình điện thơ” trong tui nó cạn sạch, đi sạt mấy lần nhưng nó vẫn không chịu nạp điện, bất đắc dĩ tui phải mượn “bình điện nhạc” thử coi có đề cái “máy thơ” chạy được không. Thế là tui lấy nhạc của ông Trịnh Công Sơn, làm con chuột bạch thí nghiệm, cho ý tưởng không mấy hay ho của mình. Tui chọn phương án thứ nhất: tự đàn tự hát một bài nhạc yêu thích nào đó để gây cảm hứng. Sau đó thì phỏng ý nhạc ra thơ theo cảm xúc của mình. Tui lấy giấy viết để sẵn cho tiện việc ghi chép… Rồi so dây nấn phím cất giọng vịt cồ ồ ồ, tui hát mấy bài liền mà không phê phiếc gì. Thế là tui đổi qua phương án hai: lấy cuồn băng “Sơn ca 7” cho vào máy thâu băng đời cổ lỗ sĩ, bắt chị Khánh Ly hát. Tui thầm xin chị…chị hát sao cho em có cảm hứng để phỏng nhạc ra thơ, chứ không thì ý tưởng khùng điên của em sẽ không thành hiện thực. Đúng là chị hát như nhéo vào tim. Chị hát tới đâu thì tui cảm tác tới đó trong trạng thái hưng phấn vô cùng !… Đến khi chị ngừng hát, thì niềm thi hứng trong tui cũng lập tức ngừng như đạp thắng xe. May là ông Trịnh Công Sơn đã qua đời, nếu không, ông có thể kiện tui ra tòa vì làm “nhục” nhạc của ông, hoặc ông mắng cho một trận nên thân: “Sao mi dám phỏng nhạc của ta ra thơ, nhạc của ta là thơ, thơ của ta là nhạc, mọi thứ đều có sẵn trong đó, mi quả là thằng điên.” Biết rằng mình sai, nhưng tui cũng vặn vẹo lại ông: “Tại sao mấy ông nhạc sĩ hay mượn thơ của mấy ông thi sĩ để phổ nhạc, còn tui chỉ mượn ý nhạc của mấy ông để phỏng thơ, hỏi tại sao không !?” Có lẽ Trịnh Công Sơn thở phào trút giận mà nghĩ: “Ừ, nó nói có lý, nghệ thuật là tự do mà, đâu ai cấm ai. Thôi mặc kệ thằng điên đó, nó làm sao thì làm, miễn đừng ăn cắp hoặc sửa lời nhạc của ta là được rồi.” Nhưng ông vẫn ấm ức: “Ta đố mi phỏng được nhạc của ta ra thơ, nghe hay hơn thì ta mới phục. Không thì ta sẽ kiện mi ở tòa án Diêm Vương, chờ ngày mi rụm nụ thì xét xử.” Nếu ông Trịnh nói câu này, mồ tổ tui còn hổng dám đụng tới nhạc của ổng. Nhưng ông Trịnh không nói thì tui cứ làm thử coi sao ! Làm được thì tới luôn bác tài, không thì…bác tài ơi cho em xuống xe rồi chuồn là thượng sách !

   …Vài ngày sau thì việc thử nghiệm cũng đã kết thúc. Kết quả phỏng nhạc ra thơ là “hoàn toàn thất bại thảm thương !”. Tui xấu hổ hổng dám trình làng những bài thơ đã phỏng. Đúng như lời ông Trịnh thách thức: “Nghe hay hơn thì ta mới phục”. Nhưng tui không mất niềm tin: dở là tại tui dở nên thơ mới dở, gặp phải cao thủ thì họ sẽ phỏng hay hơn là điều tất nhiên.

     Biết rằng nhạc phỏng thơ của tui nó dở thiệt. Nhưng được cái nó cho tui có thêm trải nghiệm và rút ra một điều: đừng bao giờ đi theo lối mòn, đừng bao giờ ngại cái mới mẻ và đừng bao giờ ngại dư luận. Sau cùng là nó giúp cho tui có thêm niềm vui trí óc và bớt đi sự lú lẫn của tuổi già. Được như vậy là quý lắm rồi !

Phan Thanh Tâm