Nguyễn Thị Thanh Tuyền

     Hậu thiên đường là một trong những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Thị Thu Huệ. Bước vào thế giới Hậu thiên đường là bước vào không gian rất riêng tư của phụ nữ. Ở đó, bức tranh đời sống nhiều màu vẻ nhưng mối quan tâm lớn nhất, trở thành tâm điểm hút xoáy những vấn đề khác chính là phụ nữ, những vấn đề xoay quanh nội tâm, suy nghĩ, trăn trở về số phận người phụ nữ. Trong xã hội hiện đại, nỗi ám ảnh phái yếu không phải là tiền tài, danh vọng, không phải là bổn phận và trách nhiệm, càng không phải những giá trị đạo đức mà xã hội mặc nhiên khoác lên vai họ. Nỗi ám ảnh đau đáu, duy nhất chính là tình yêu. Hai nhân vật phụ nữ của truyện một già một trẻ, dù thiếu nữ hay thiếu phụ đều có một điểm chung nhất, đó là những tâm hồn khát yêu, luôn luôn tất tả trên hành trình khám phá, kiếm tìm tình yêu, dâng hiến, hy sinh  cho tình yêu đến kiệt cùng tuổi trẻ và hạnh phúc.

     Nhân vật người mẹ đã bốn mươi tuổi. Ở độ tuổi không còn trẻ và cũng chưa đã quá già để có thể có những trải nghiệm trong tình yêu, về cuộc sống. Người phụ nữ ấy đã từng yêu, từng được ở thiên đường của hạnh phúc với người đàn ông mình yêu thương. Nhưng hiện tại, người thiếu phụ đã và đang ở trong cái gọi là “hậu thiên đường”, phải nếm trải mọi đau khổ, buồn tủi khi bị phụ bạc.“Tiền tài thì vớ vẩn chỉ đủ ăn và sống một cuộc sống đạm bạc. Một vài cái váy, áo để đi dạ hội và nhảy đầm. Công việc diễn ra đều đều và nỗi nghi ngờ đàn ông”. Với đứa con gái là sản phẩm, là kết quả sau niềm vui sướng của thời còn trẻ. Cuộc sống chỉ hai mẹ con nhưng người mẹ chỉ biết đến công việc rồi lại tìm thú vui cho riêng mình, quan hệ với con ngày càng xa cách. Lả lơi trong vòng tay của nhiều người đàn ông khác nhau, trong tiếng nhạc dập dìu và trở về nhà khi đêm đã khuya.“Những người đàn ông đi qua đời tôi như thể bất chợt họ gặp cơn mưa rào, mà họ thì không mang vải nhựa để che. Tôi là một cái hiên rộng để họ chạy vào đó, yên tâm, tưng tửng chờ cho qua cơn mưa, rồi về nhà”.

     Dù yêu thương con nhưng lại không biết cách chăm sóc và quan tâm đến con. Đặc biệt ít chú ý đến tâm trạng, cảm xúc của con gái mình:“chợt thấy tại sao lâu nay mình để tuổi thơ của con trôi qua trong nỗi buồn của sự cô đơn và hứng chịu nỗi cay đắng của một người đàn bà bị phụ bạc. Bỗng nhiên, lâu lắm rồi, tôi mới lại thấy tội nghiệp nó.” Người mẹ cảm thấy ray rứt, dằn vặt vì điều đó. Đến khi cầm đọc trên tay cuốn nhật kí của con, người mẹ mới nhận ra sự vô tâm của mình. “Con tôi lớn thật rồi. Sao đến bây giờ tôi mới biết điều đó nhỉ?” Và càng băn khoăn trăn trở nhiều hơn khi qua những dòng nhật kí, người mẹ mới phát hiện ra con gái mười sáu tuổi bắt đầu biết yêu. “Hóa ra lâu nay, tôi đi đường tôi, còn con gái thì tôi tự tìm đường mà đi. Liệu nó còn đi lại con đường của tôi không?” Đọc thêm nhật kí của con, biết được sự việc qua những cuộc trò chuyện tâm sự của con gái ghi lại khi chia sẻ với bạn của nó – cái Cúc, người mẹ lại càng lo lắng nhiều hơn. Giác quan người mẹ từng bị lừa dối linh tính nhận ra điều không mong muốn về tình yêu của người đàn ông mà con yêu. “Tôi lặng người. Đầu bỗng đau buốt.”, “Tôi cảm giác như mình đang bắt đầu đứng ở cuối con đường, nhìn thấy con mình đang dẫm chân lên những nơi mà tôi đã đi qua, nhưng không ngăn nó dừng lại được.” Càng đọc tiếp thêm tâm sự của con về người đàn ông ấy, người mẹ đau đớn, bất lực và bế tắc nhận ra sự đểu cáng, giả dối của hắn và con gái thì ngây thơ, non dại một cách mù quáng khi yêu. “Giống như người điên. Lại giống như kẻ bị mất của. Cũng như người đánh xổ số, chỉ chệch một số cuối cùng của giải độc đắc”…“Cuồng điên, tiếc nuối và bất lực. Tôi lao ra đường. Con ơi, con ở đâu. Sao khổ thế hả con, ai cứu con tôi bây giờ, ai giúp tôi lôi nó ra khỏi cái thiên đường địa ngục đó bây giờ?” Kết thúc truyện là cái chết vô cùng bi thảm cuả người phụ nữ từng bị phụ bạc và chứng kiến con gái cũng lại đang rơi vào tình cảnh mà mình từng trải qua.

     Nhân vật người con trong truyện cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng để làm nên toàn bộ tác phẩm. Đó là cô bé mười sáu tuổi, thường cảm thấy cô đơn, trống rỗng, luôn thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của mẹ. Ở cái tuổi trăng tròn đẹp đẽ  “ngực nó đã dội lên sau lớp áo và lưng nó đã nở nang hơn. Khuôn mặt nó đã đầy lên, loáng thoáng có cái trứng cá. Mặt nó vẫn còn trong sáng lắm”, chập chững trên đường kiếm tìm hạnh phúc, chập chững nhưng đầy “liều mạng”, mê đắm trong thiên đường với người đàn ông có vẻ cộc cằn, thô lỗ, người “có mùi khai của nước đái trẻ con”. Số phận thật éo le, khi người con mười sáu tuổi, đã gặp và yêu một người đàn ông đáng tuổi bố mình. Ông ta có một vợ, hai con, đối xử với cô gái keo kiệt, bủn xỉn. Tình cảm giữa họ giống như tình cảm bố con. Tình yêu có thể chỉ là một thứ tình cảm huyền ảo trong suy nghĩ của cô gái mà thôi. Thế nhưng, cô con gái lại cảm thấy mình đang bước vào một thiên đường tình yêu, tràn đầy niềm hạnh phúc và hy vọng về một tương lai đẹp đẽ với người đàn ông ấy. Cô bé chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ ngây thơ, trong sáng và kể nhau nghe những câu chuyện về người đàn ông ấy với cô bạn nhỏ là cái Cúc. Tất cả mọi chuyện lặt vặt, nhỏ nhặt; những suy nghĩ về mẹ; cảm xúc với nguời đàn ông ấy đều được cô bé cẩn thận ghi vào cuốn sổ nhật kí của mình.

     Trong ngày sinh nhật tròn mười sáu tuổi, cô bé được mẹ cho đi chơi. Trở về nhà lúc mười một giờ ba mươi với những biểu hiện rất khác mà không thể qua mắt được người mẹ từng trải. Nó đã bước vào thiên đường, trở thành một người đàn bà khi mới mười sáu tuổi.“Cái mặt nó ngây dại vì hạnh phúc, và ánh mắt nó như người có lỗi. Ngượng ngùng và đờ đẫn”. Nó cảm thấy mình đã lớn, đã tìm được chỗ dựa vững chắc, cảm thấy nhận được nhiều tình yêu  thương của người đàn ông ấy nên ngày càng không còn cần đến mẹ nó. Khó chịu khi mẹ nó ít đi nhảy, hay về sớm hơn để nó được tự do về muộn mà không bị la rầy. Nó háo hức kể với mẹ về một tương lai với người đàn ông đã có vợ con mà không hề giấu giếm “- Đấy là thiên đường, mẹ ạ! – Nó ngẩng nhìn tôi, mắt lóe sáng – Chúng con sẽ đi làm, sẽ chỉcó nhau và những đứa con. Con sẽ không bao giờ phải buồn như mẹ”. “Nó còn hãnh diện mắt sáng lên bảo rằng thằng nhóc quấn nó lắm, và con gái cảm thấy đứa trẻ như con trai của mình”. Nó hoàn toàn không biết gì về suy nghĩ cảm xúc của mẹ nó. Cảm thấy cuộc đời nó không giống mẹ, nó sẽ may mắn, nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn với lựa chọn của mình. Khi mẹ nó đang điên cuồng, thơ thẫn ngoài đường đau khổ và bị tai nạn giao thông đăng lên ti vi để người thân nhận dạng thì nó lại đang đê mê, ngây ngất, chìm đắm trong vòng tay của người đàn ông đó như hạnh phúc cuối cùng trước khi rời khỏi thiên đường.

     Cả hai nhân vật nữ chính đều mang số phận dường như tương đồng. Tính cách nhân vật khá nhất quán, số phận nhân vật được đặt trong mối quan hệ nhân quả, có thể đoán biết trước. Người đọc có thể nhận ra con gái đang đi lại con đường của mẹ nó và cũng có thể họ cùng bước vào thiên đường cùng với một người đàn ông. Người mà mười sáu năm trước mẹ đã gặp và yêu khi hai mươi bốn tuổi. Đến bây giờ con gái nhỏ dại có thể lại gặp và yêu chính bố của nó. Đối với hai mẹ con, thiên đường chỉ có một cánh cửa duy nhất mở ra để bước vào đó chính là tình yêu: “như đi trên chín tầng mây mười tầng gió. Tôi không nhìn ai hết, không biết ai hết ngoài việc là tôi đang hạnh phúc. Tôi vừa bước vào thiên đường của đời người mà anh – người đàn ông đầu tiên trong đời đã mở cho tôi và đã dìu tôi vào đó.”

     Người đàn ông trong truyện tuy chỉ là một nhân vật phụ nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định số phận của nhân vật chính, làm nên diễn biến trong toàn bộ tác phẩm. Cùng là một người đàn ông nhưng trong mắt hai mẹ con có cách nhìn hoàn toàn trái ngược nhau. Đối với cô con gái “mình thích anh vì mắt anh ấy rất đẹp. Mặt thì lúc nào cũng buồn buồn như nghĩ ngợi điều gì”. Yêu thương mù quáng, lo lắng cho nguời đàn ông đang sống cùng mụ vợ và hai con:“Sao anh ấy khổ thế nhỉ? Ước gì mình có thể chia sẻ cho anh ấy được.” Người đàn ông cầm lấy tiền thối của cô khi cô mua xà phòng cho vào túi mình, dứt khoát không ăn bún riêu cua mà chỉ ăn xôi cho chắc dạ. Cô không quan tâm đến những điều đó, tình yêu khiến cô chẳng suy nghĩ nhiều, “thế nào cũng được, miễn anh ấy vui vẻ thôi.” Còn với người mẹ, bà đau đớn nhận ra “con lú mất rồi”, “đàn ông một loài đểu cả, chẳng nên tin ai”, muốn lôi con ra khỏi cái thiên đường địa ngục ấy ngay lập tức với người đàn ông keo kiệt, xấu xa, bòn rút con gái từng đồng một.

     Tất cả các nhân vật trong truyện đều có mối liên quan với nhau, dần dần xuất hiện trong tác phẩm tạo thành chuỗi các sự việc trong câu chuyện của người mẹ với mạch kể của nhân vật “tôi”, của cô con gái trong những trang nhật kí mà “mình” ghi lại và của một người kể chuyện toàn tri ở cuối tác phẩm. Đó là người đàn ông mà người mẹ tìm đến tận nhà vì nhớ nhung, chứng kiến cuộc sống gia đình đầm ấm của anh ta khi ở cạnh vợ con. Là cái Cúc mà trong nhật kí cô con gái kể lại nhiều lần, là cặp đôi cùng nhau vừa từ thiên đường trở về đang ngồi ăn phở, là bà bán hàng xôi buổi sáng… Bao gồm trong truyện là mối quan hệ giữa các nhân vật: quan hệ mẹ – con, quan hệ bạn bè, quan hệ cha – con (như một giả thiết),…Các nhân vật ấy đều gợi ra những cảm xúc, suy nghĩ về câu chuyện của hai nhân vật nữ chính, hé mở càng ngày càng rộng cánh cổng của cái gọi là thiên đường và dẫn dắt người đọc nhận phía sau đó (hậu thiên đường).

     Tác phẩm đã thật sự thành công khi phác họa bức tranh cuộc sống của người phụ nữ. Bức tranh ấy được thể hiện bằng điểm nhìn nhân vật người mẹ để diễn đạt tình cảm một cách chân thực, sinh động; cách nghĩ, lối sống, số phận của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Với thể loại truyện ngắn, số lượng các nhân vật không nhiều, xuất hiện trong không gian và thời gian hạn chế. Truyện chỉ tập trung xoáy vào một tình huống kịch tính là người con gái yêu một người đàn ông có thể là cha nó. Từ đó câu chuyện diễn biến theo cảm xúc trái ngược của hai mẹ con. Cách bố trí, sắp xếp truyện chặt chẽ, ít có yếu tố thừa. Với ngòi bút luôn đứng về phía nữ giới, truyện giúp người đọc đi sâu vào thế giới nội tâm của người phụ nữ, cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của họ. Sôi nổi, nồng nàn, nồng nàn ngay cả trong hoàn cảnh cay đắng và chua chát nhất là giọng điệu chính chi phối tác phẩm. Giọng điệu ấy khiến truyện ngắn dù đề cập đến nhiều đổ vỡ, mất mát nhưng vẫn là sợi dây neo đậu niềm tin vào hạnh phúc và tình yêu. Một đề tài chung quen thuộc và muôn thuở của loài người là tình yêu, truyện đã xây dựng chuyện tình của hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ khác nhau với những cảm xúc, suy nghĩ rất riêng tư của các nhân vật gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc về hạnh phúc và đau khổ của con người khi yêu.

     Truyện được viết bằng ngôn ngữ văn xuôi tự sự hết sức bình dị, gần gũi với ngôn ngữ đời sống hiện thực hàng ngày. Ngôn ngữ của người kể chuyện xưng “tôi” và cũng là người mẹ – một nhân vật chính của tác phẩm. Câu chuyện là lời tự sự đan xen của người mẹ, đồng thời cũng có lời kể của nguời con gái qua những dòng nhật kí cô viết ra. Chính bởi sự đa dạng trong nghệ thuật trần thuật nên trong truyện có sự kết hợp sử dụng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau, có đối thoại, độc thoại và kể cả độc thoại nội tâm góp phần diễn tả tâm lí nhân vật thêm sâu sắc, tinh tế, chạm đến cảm xúc của người đọc. Đặc biệt, trong truyện có hàng loạt câu hỏi liên tục được đặt ra khi nhân vật – người mẹ bộc lộ sự trăn trở, ray rứt, dằn vặt, đau đớn… “Ai sướng. Ai hạnh phúc?” Đó là câu hỏi khi người mẹ cay đắng nhận ra nỗi khổ của một đứa con được sinh ra bởi một người đàn bà bị phụ bạc. “Nhưng tôi, tôi có gieo gì đâu mà sao đời tôi gặt toàn cỏ dại. Chẳng lẽ, một phút xiêu lòng mà lại khốn khổ đến thế này sao?” là dấu hỏi được đưa ra khi nghĩ đến cuộc đời của chính mình. Hay tấm lòng của người mẹ khi lo lắng cho cô con gái: “Liệu nó còn đi lại con đường của tôi không?”, “Lại vẫn như vòng hào quang như tôi đã gặp. Đến lúc nào, sẽ là một cái hang sâu hun hút?”, “Ấy vậy mà con tôi, ngỡ rằng, nó đang ở thiên đường?”

     Một tình huống với sự xuất hiện của người đàn ông trong cuộc đời của cô con gái mà ở hai nhân vật lại mang hoàn cảnh, tâm trạng hoàn toàn khác nhau. Người con thì đang bước vào thiên đường của nó với bao nhiêu mơ mộng, cảm thấy hạnh phúc, vui sướng vô cùng và tràn đầy niềm tin, hi vọng. Còn người mẹ đã từng trải qua thiên đường ấy lại đau khổ, bất lực, tiếc nuối về bi kịch của con, sắp rơi vào hang sâu tăm tối như cuộc đời của mẹ nó, từ từ bước vào hậu thiên đường đầy rẫy đau thương. Kết cấu truyện đơn giản, ngôn ngữ truyện súc tích, hàm ẩn, có tính gợi mở cao và có kết thúc bất ngờ, để lại dư âm. Cuối truyện nhân vật người mẹ chết trong một vụ tai nạn giao thông thê thảm trái ngược với cô con gái đang hạnh phúc trong vòng tay của người yêu mà không còn biết đến mọi thứ xung quanh.

     Bên cạnh điểm nhìn nhân vật, trong truyện còn đan xen ngôn ngữ khác của tác giả. Khi đó, lời văn của nhân vật không chỉ kể chuyện mà còn đưa ra cách nhìn nhận, đánh giá suy nghĩ, cảm nhận về sự việc, con người: “Thiên đường. Hình như ai trong đời cũng đã từng đặt chân tới đó. Chỉ khác nhau là thiên đường của họ là cái gì, và đem lại hạnh phúc cho họ ra sao. Có người thì chạy hết thiên đường này đến thiên đường khác, có khi vừa lao vào rồi chạy vọt ra ngay vì kinh hãi”, “Hóa ra đàn bà ai cũng có những khả năng giống nhau: yêu đương, ghen tuông và cuồng si”,“Phải chăng đó là điều may mắn cuối cùng của cô trước khi bước vào… hậu thiên đường?” …

     Ngoài ra, còn có các nhân vật khác cũng đóng góp vào việc xây dựng hệ thống ngôn ngữ trong truyện một cách hoàn chỉnh và phong phú. Đó là lời cái Cúc với những lời nói ngây ngô của một thiếu nữ vừa bước vào những trải nghiệm trong tình yêu, cũng thường chú ý, quan tâm, nhận xét đánh giá về những người đàn ông như bao cô gái trẻ khác. Đó là một cặp bỏ vợ, bỏ chồng để đến với nhau, cùng tìm đến thiên đường để rồi vừa lên thiên đường rồi đi đâu? Người đàn ông lẩm bẩm: “Địa ngục”. Các nhân vật xuất hiện thoáng qua để lại những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc cho người đọc. Truyện được kể theo trình tự thời gian, theo dòng suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật nguời mẹ. Trong căn nhà cô đơn, trống trải, vào ban đêm khi chỉ có một mình, người mẹ đọc nhật kí của con và tưởng tượng bao nhiêu sự việc đang diễn ra trước mắt. Kim đồng hồ vẫn chạy, thời gian càng về khuya thì tâm trạng lo lắng, hoảng sợ càng dâng lên. Kết thúc truyện, người mẹ đi tìm con gái giữa phố đông đầy ắp người. Bao nhiêu gương mặt đi qua nhưng tìm con như mò kim đáy bể. Người mẹ rơi vào hoàn cảnh bế tắc, bất lực. Không gian và thời gian trong tác phẩm đã góp đã làm tô đậm rõ nét thêm nỗi đau của nhân vật. Quả thực, tất cả các yếu tố đã tạo nên một hệ thống giúp người đọc nhận ra rất nhẹ nhàng, sâu lắng khi truyện viết về những cảnh huống nghịch lý của đời sống hay những khao khát kiếm tìm cái gọi là hạnh phúc ở đời của người phụ nữ.

    Truyện ngắn Hậu thiên đường đã nhắn gửi tới người đọc một thông điệp thông qua việc xây dựng hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Đó là trên con đường theo đuổi tình yêu và hạnh phúc, người phụ nữ Việt Nam thường phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả. Họ ao ước có một tình yêu hạnh phúc, ngọt ngào, nhưng vì sống trong một xã hội phức tạp hiện đại, điều đó thật không phải dễ dàng mà có được. Trong sự giao thoa, hội nhập văn hóa hiện nay, càng ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam đặc biệt là nữ giới đã hình thành ý thức mới về tự do, bình đẳng. Quan niệm đạo đức của họ cũng có sự thay đổi. Không ít phụ nữ không muốn bị trói buộc, mà đòi hỏi quyền bình đẳng trong quan hệ gia đình, quan hệ giới và rộng ra là quan hệ xã hội. Họ khao khát quyền tự do yêu và được yêu, sống hết mình với tình yêu bằng cả trái tim mà không cần suy nghĩ của lí trí. Đi sâu vào thế giới phụ nữ, truyện còn là những phát hiện về tổ ấm thời hiện đại với những vết rạn trong tế bào xã hội. Không đề cập tới những sóng gió và biến cố nhưng cũng mở ra hình ảnh một tổ ấm không vẹn nguyên. Những gia đình tan vỡ, những ông bố, bà mẹ ngoại tình, những người mẹ đơn thân, những đứa trẻ bơ vơ, cô độc. Mỗi gia đình nhỏ như con thuyền tròng trành trong bão, có thể lật úp, có thể rạn vỡ, có thể tan tác mà rất ít khả năng giữ được nguyên lành. Đó có phải là hệ quả tất yếu của xã hội hiện đại ngày càng đầy lên những giá trị vật chất mà nghèo nàn, thảm hại những giá trị tinh thần. Những nếp nhà hiện đại hoang vu trong ồn ã tiếng người. Đáng thương hay đáng giận, đáng trách? Truyện ngắn là một vết cứa sắc vào lòng độc giả, đầy gợi mở suy tư về thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ