Ngày trước, lúc kinh tế gia đình khó khăn thì nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo. Heo bỏ ăn người cũng bỏ ăn, heo ốm người cũng ốm, heo đẻ cả nhà cùng thức canh chừng hệt như mẹ lũ nhỏ trở dạ… Người ngủ thì có thể không cần mắc màn nhưng với heo thì phải chu đáo tận tình, nó mà bị muỗi đốt không ngủ được sụt cân hay tệ hại hơn là ngã bệnh rồi âm thầm ra đi không một lời từ biệt thì người có mà ăn cám! Bây giờ khá hơn, ít nhà nuôi heo làm kinh tế mà lại chuyển sang thú chơi tao nhã thời thượng là nuôi chim cảnh, cá cảnh. Nhưng nuôi con gì thì cũng phải chịu khó chăm bẳm dù nó không phải là đầu cơ nghiệp, trừ những người nuôi chim cá cảnh thuộc hàng siêu độc quý hiếm.

       Nhà tôi cũng chạy theo phong trào thời thượng nên phi một phát tiến thẳng lên nuôi cá rồng, bỏ qua giai đoạn quá độ nuôi heo băm bèo trộn cám, nhưng đó là loại cá rồng thuộc hàng thứ dân chứ không phải dòng dõi quí tộc. Nghĩa là con cá rồng nhà tôi rất dễ nuôi không quẫy đuôi ỏng ẹo sang chảnh, có gì ăn nấy: có sâu ăn sâu, có gián ăn gián, kể cả thằn lằn cũng xơi ngon lành và không có gì ăn thì cũng có thể nhịn đến nửa tháng chẳng sao (giá mà chúng ta có được khả năng như thế thì cứ nằm khoèo ở nhà chơi cho khỏe, lúc nào cần ăn thì hãy ra đường)… Tất nhiên là không bao giờ tôi để cho nó đói, trừ trường hợp không mua được thức ăn hoặc là phải cho nó nhịn theo đúng quy trình. Tức là một tháng phải cho nó nhịn vài lần theo phép dưỡng sinh, tránh cái cảnh lười ăn vì no xôi chán chè, suy giảm khả năng chiến đấu… nghe  đâu các nhà cá cảnh học bảo thế.

        Nuôi con gì cũng phải tận tâm. Con cá rồng nhà tôi thỉnh thoảng cũng bỏ ăn làm mình, làm mẩy, lượn lờ chậm chạp với cái đuôi rách te tua như thăm dò tình cảm của gia chủ. Mấy ngày đầu tôi mặc kệ, coi như đó là chuyện bình thường, nhưng thấy qua một tuần mà nó cứ bơi sát đáy bể chứng tỏ không có biểu hiện thèm ăn, dù đó là mẩu thịt bò (món mà nó ưa thích nhất nhưng chả mấy khi được ăn), thì tôi bắt đầu lo. Cá cũng như người, có bệnh cũng phải vái tứ phương, tôi hỏi những người có kinh nghiệm, họ bảo nếu nước trong bể bị bẩn thì thay ngay và chỉ thay một phần ba sau đó thêm nước mới vào (nước đã để qua mười hai tiếng, không được lấy nước trực tiếp từ dưới giếng lên), bỏ thêm tí muối theo tỉ lệ phù hợp với thể tích bể cá. Tiếp tục kiểm tra máy sục ôxy, dụng cụ lọc chất bẩn, đo độ PH… Tốt nhất là nên bỏ một cục đá vôi nhỏ ở dưới đáy bể để cân bằng độ PH. Nếu trời lạnh cần gắn thêm dụng cụ sưởi ấm. Có người còn bày lấy lá bàng khô nhúng qua nước sôi rồi bỏ vào bể để diệt khuẩn… Tôi đã làm đúng như chỉ dẫn và lạ thay chỉ hai hôm sau là cá ăn ngủ bình thường như chưa hề trải qua một trận đấu tranh tuyệt thực quyết liệt để mong được lưu danh muôn thuở. Nhưng đấy là bệnh tình chung của những con cá rồng bất kể chúng xuất thân từ tầng lớp nào, riêng con cá rồng nhà tôi lại có tính hãi người. Hễ nhà có khách, loáng thoáng thấy nhiều bóng người qua lại, nói năng to tiếng là nó hoảng hốt lao vào tấm kiếng làm tróc cả đầu, bong cả vảy. Tôi nghĩ có lẽ vì lâu ngày nhà vắng khách, nó sống trong không gian yên tĩnh mãi nên dị ứng với sự đông đúc ồn ào. Mỗi lần như thế tôi phải lấy tấm vải màu phủ kín bể kính để nó được tự do mà gặm nhấm nỗi buồn trăm năm cô đơn. Quả thật, nghề chơi cũng lắm công phu!

        Hôm nọ trên đường đi mua sâu cho cá, ngang qua nhà anh bạn thấy đang xây cổng tiện ghé vào xem. Định bụng là chơi tí rồi đi ngay nhưng lại đúng lúc anh đãi thợ nên mời ở lại làm vài ly, nể tình tôi cũng tham gia nghiệm thu công trình giai đoạn một, nhưng giao hẹn là chỉ ngồi tí rồi đi. Nhưng cái sự bia rượu thì chẳng bao giờ đúng như dự định. Đã ngồi cùng nhau là phải mời và rất nhiều lí do để mời mà lí do nào cũng ở tầm sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố cả, thành ra…  Đến đoạn cuối thì hình như chẳng cần có lí do gì cả, hễ một người nâng ly là tất cả đồng loạt giơ lên rồi lại đồng loạt hạ xuống đều tăm tắp như đã tập luyện đội hình từ trước. Và mặc dù cuộc chiến đang đến hồi cao trào ngọng nghịu líu lưỡi, nhưng nhớ lời vợ dặn, tôi đứng lên xin phép về thì bị ấn xuống mời thêm ly nữa, lại đứng lên, lại ấn xuống, lại mời… Có ai đó lên tiếng: cá nhịn một bữa có chết đâu mà lo, cứ ngồi chơi đã… Nhưng hôm nay tôi còn có nhiệm vụ khác quan trọng hơn là phải vào bếp vì vợ đi làm về muộn. Nghe nhắc đến quý bà, anh nào anh nấy ngẩn người ra, sự hăng hái của bậc nam nhi khi có chút bia rượu như bị chùng xuống hẳn, thì ra cái bệnh sợ vợ đâu phải của riêng ai. Để lấy lại khí thế cho phong trào, chủ nhà giơ cao nắm tay: Hỡi đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe đây, anh nào sợ chứ tôi đây đếch sợ vợ… Anh nói gì nói lại nghe nào – vợ anh từ dưới nhà đi lên đột ngột chen vào – À…  anh nói là anh đếch sợ vợ… hàng xóm! Nó có sinh con cho ta đâu, nó có nuôi nấng dạy dỗ ta khôn lớn nên người đâu mà sợ… phải không các bác? Mọi người đồng thanh: đúng quá! đúng quá! Chớp lấy thời cơ thuận lợi tôi liền đứng dậy: nào cho tôi mời cả nhà một ly rồi về làm nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng. Ừ thì về…

          Thấy đã muộn, tôi không đi mua sâu cho cá nữa mà quay xe về nhà luôn. May quá vợ chưa về. Chẳng kịp thay đồ, tôi lao luôn vào bếp hăng hái như một chiến sĩ ra mặt trận. Việc đầu tiên là nấu cơm, tôi vo gạo rồi đổ nước sôi vào nồi cơm điện nấu cho nhanh. Vậy là xong được công việc cơ bản nhưng dễ dàng nhất. Việc tiếp theo là nấu đồ ăn. Tôi mở tủ lạnh: nào rau nào thịt, nào cá, nào trứng… đã để sẵn nhưng loay hoay không biết nấu nướng thế nào. Tôi bật máy tính cầu cứu ông Google … Trời ạ! Máy bị treo không thể vào được. Tôi gọi điện cho đứa em gái thì nó đi đâu không nghe máy. Sốt ruột, không còn cách nào tôi bèn đánh liều vì phải chạy đua với thời gian, không khéo lại bị phê bình kiểm điểm. Bắt đầu vào trận: tôi đổ dầu vào chảo rồi chiên cá, đơn giản vì món này không phải chế biến tẩm ướp gì. Món thứ hai là rau muống luộc, tuy phải chịu khó nhặt tí nhưng không sao. Tôi tranh thủ loay hoay nhặt rau muống trong khi đang chiên cá, lúc rửa rau xong tôi quay vào bếp thì hỡi ôi cá đã cháy đen hết lớp vảy bên ngoài. Nhưng đã lỡ rồi, cứ để đấy tính sau… Tiếp tục cuộc chiến, tôi bắc nồi luộc rau và cũng không quên bỏ thêm hai quả trứng vịt vào đấy để vừa tiết kiệm được chất đốt, thời gian. Mọi thứ coi như tạm ổn. Lúc chuẩn bị gắp cá ra đĩa, thấy cá  cháy không thể ăn được tôi bèn lấy dao cạo hết lớp vảy bên ngoài, may thay bên trong vẫn không hề gì. Tôi sắp mọi thứ ra mâm: cá chiên, rau muống luộc, trứng luộc, nước rau luộc, mắm ớt… hình như còn thiếu thiếu gì đó… À đúng rồi, phải cho muối và vắt chanh vào nước rau. Tôi cho một muỗng muối và vắt nguyên quả chanh to bự rồi nếm thử… Trời ạ, nước rau vừa chua vừa mặn không thể nào nuốt nổi, không còn cách nào khác hơn là đổ bớt đi một nửa rồi pha nước sôi vào… nếm lại thấy cũng tàm tạm, tự nhủ: có trời mà biết!

          Vợ tôi về nhà thấy mọi thứ đã đâu vào đấy nên vui ra mặt khen ông chồng khéo léo, đảm đang… Tôi hối vợ thay đồ rồi vào ăn kẻo mọi thứ nguội hết mất ngon. Lúc ngồi vào bàn thấy cá không có vảy vợ tôi thắc mắc. Tôi bảo: anh nghe người ta nói cá bây giờ tẩm ướp hóa chất ghê lắm mà nó đọng nhiều nhất là ở dưới lớp vảy nên anh cạo sạch trước khi chiên để ăn cho lành. Vợ bảo tôi chịu khó lại khéo tay, vì chiên cá đã cạo vảy mà không bị cháy là giỏi lắm lắm đấy, ngay cả phụ nữ nhiều người chưa chắc đã làm được. Mô phật! Bữa ăn diễn ra vui vẻ, vợ tôi cứ tấm tắc khen ngon và hứa sẽ có thưởng xứng đáng, tôi sướng rơn như cậu học trò dốt lần đầu tiên được điểm mười. Lúc thu dọn mâm bát thì bỗng đâu con Miu nhà tôi nhảy phóc lên bàn miệng ngậm một vật gì đó đen đen, vợ tôi quát con Miu và đè nó xuống gỡ vật kia ra khỏi miệng. Giời ạ thì ra đó là miếng vảy cá cháy tôi chưa kịp phi tang!