Như chúng ta đã biết, Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn với trái tim luôn đau đớn trước tình trạng con người bị rơi vào thảm cảnh, bị xói mòn về nhân phẩm, bị hủy hoại về nhân tính. Các nhân vật điển hình của Nam Cao thường đấu tranh rất mạnh mẽ về lẽ sống và cũng thường chết trên ngưỡng cửa của những nhận thức mới. Điều này xuất phát từ quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh rất sâu sắc và tiến bộ của Nam Cao. Dù viết về người nông dân hay trí thức thì những trang văn của Nam Cao luôn có sức hấp dẫn riêng so với các nhà văn cùng thời. Phong cách độc đáo của Nam Cao được hội tụ bởi nhiều yếu tố, ngòi bút của Nam Cao có biệt tài viết về cái nhỏ nhặt hằng ngày mà lại đặt ra được những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn và có tầm triết lí mang tính thời đại.

Trong truyện Chí Phèo của mình, Nam Cao đã xây dựng rất nhiều các chi tiết xuất sắc góp phần làm cho tác phẩm trở thành một kiệt tác của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Trong truyện, sau đêm ăn nằm với thị Nở, những âm thanh đầu tiên mà Chí nghe thấy sáng hôm ấy là: “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”. Nếu thoảng qua, chúng ta cứ ngỡ nó đơn giản chỉ là ba câu văn ngắn tham gia vào quá trình miêu tả sự tỉnh giấc của Chí Phèo sau những chuỗi ngày say triền miên vô tận, nhưng đọc chậm lại một chút mới thấy Nam Cao đã khai thác rất triệt để chi tiết âm thanh này trong việc triển khai cốt truyện.

Phương diện thứ nhất, mỗi câu văn là một tầng không gian vang vọng của âm thanh. Câu đầu tiên tả tiếng chim trên cành hót ca rất vui vẻ. Đấy là âm thanh từ trên cao vọng xuống. Câu thứ hai tả tiếng nói tiếng cười của mấy người phụ nữ đi chợ về. Đấy là không gian mặt đất ngang bằng với nhân vật. Câu thứ ba tả âm thanh của anh thuyền chài gõ mái chèo để cá tôm hoảng loạn mắc vào lưới đã giăng. Đó là âm thanh dưới sông nước. Như thế, âm thanh ở cả ba tầng không gian Chí đều nghe thấy rõ. Phương diện thứ hai là tính chất của âm thanh. Âm thanh ở trên cao thì rất vui vẻ. Âm thanh ở mặt đất thì nói cười. Âm thanh ở dưới sông là tiếng gõ mái chèo có vẻ như đang rất háo hức, hăm hở. Như vậy, cả ba âm thanh đều được Chí cảm nhận rất chính xác. Phương diện thứ ba là đối tượng phát ra âm thanh. Âm thanh trên cao là âm thanh của chim chóc, của thiên nhiên. Âm thanh ở mặt đất là âm thanh của con người, của cuộc sống. Âm thanh ở dưới sông là âm thanh của cả thiên nhiên và cuộc sống con người. Như vậy, Chí cũng đã nghe rõ các âm thanh đó được phát ra từ những đối tượng nào.

Từ ba phương diện trên, ta có thể nhận thấy tất cả các góc độ, tầng bậc của âm thanh, tính chất của âm thanh và nguồn tạo ra những âm thanh ấy đều được Chí Phèo phát hiện, lắng nghe và cảm nhận bằng một con người hoàn toàn tỉnh táo. Một người còn say thì chắc chắn không thể phân định âm thanh tường tận được như thế! Cho nên từ cái tỉnh táo ấy, Nam Cao đã tạo ra nền móng vững chắc để xây dựng thành công những diễn biến tiếp theo cho thiên truyện. Có thể nói rằng những âm thanh trong sáng hôm ấy đã đánh dấu một chặng đường hoàn toàn mới cho sự phát triển của nhân vật Chí Phèo. Đây là một sáng tạo rất đắt của Nam Cao cho một tác phẩm đầy tính độc đáo.

        Cái độc đáo trong tác phẩm lại còn được biểu hiện ở chỗ: trong ba âm thanh đó, tác giả lại tập trung hướng tới âm thanh thứ hai, tiếng nói cười của mấy người phụ nữ một cách cụ thể để gợi về một điều gì đấy từ thời trai trẻ của Chí Phèo. Cách đi đó thật tự nhiên, logic.

– Vải hôm nay bán mấy?

– Kém ba xu, dì ạ!

– Thế thì còn ăn thua gì!

– Có khéo co mới được một tấm năm xu.

– Thật thế đấy. Nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi…

Hóa ra Chí đã từng ao ước về một mái ấm gia đình bình dị. Chồng đi cuốc mướn cày thuê, vợ ở nhà dệt vải nuôi lợn làm vốn liếng… Nhưng thực tại trong sáng hôm ấy Chí đã có gì đâu ngoài sự cô độc khi đã hơn bốn mươi tuổi. Sự xuất hiện của thị Nở vì thế mà trở nên hợp lí. Hơn nữa, sự tỉnh táo còn để Chí nhận ra sức khỏe của mình đã đi xuống thậm tệ, thấy được tuổi già đang đến ngay trước mặt, rồi cái đói cái rét và đau ốm. Ai sẽ ở bên khi Chí rơi vào hoàn cảnh ấy? Như vậy, sự xuất hiện của thị Nở lại càng thêm hợp tình.

Bằng tài năng của mình, Nam Cao lại xử lí rất triệt để về câu chuyện thức tỉnh của Chí. Chí tỉnh táo để nhận thức về sức khỏe của mình chính là điều kiện cần để sự quan tâm của thị Nở trở thành điều kiện đủ cho Chí Phèo muốn hoàn lương. Vì vậy, nếu chỉ nói nhờ sự quan tâm chân thành của thị Nở mà Chí Phèo đã thức tỉnh thì có vẻ còn chưa thấu đáo. Từ một “con quỷ dữ”, một “con vật lạ” mà phải tỉnh táo tự nhận ra mình đang không còn đủ sức để làm việc ác được nữa thì sự thay đổi ấy mới thực sự thuyết phục người đọc. Từ sự tận cùng của đói rét, bệnh tật và cô độc Chí mới thấm thía được tình yêu thương thì nhân vật ấy mới đủ phép biện chứng tâm hồn. Toàn bộ những điều đó đều dường như đều được bắt đầu từ chi tiết những âm thanh trong buổi sáng hôm ấy. Heghen có lí do thật chính đáng khi ông đã từng xem chi tiết như “con mắt mở những cửa sổ” để người ta nhìn vào linh hồn của tác phẩm – nhân vật. Những đường nét dần hình thành một bức họa, những chi tiết dần dựng dậy sống động một hoặc một vài bức chân dung. Nhờ các chi tiết mà hình tượng nhân vật hiện lên cụ thể, rõ nét như những con người thật ngoài đời từ ngoại hình, dáng vẻ đến số phận, tính cách, tâm hồn.

Từ việc lắng nghe những âm thanh của thiên nhiên, những âm thanh của cuộc sống mà Chí Phèo đã lắng nghe được những âm thanh vang vọng trong chính con người mình, trong chính tâm hồn mình một cách chính xác và đầy đủ nhất. Quy luật phát triển tâm trạng ấy cũng là quy luật mà không phải cây bút nào cũng thể hiện sâu sắc được. Do đó càng về cuối tác phẩm thì những diễn biến lại càng trở nên hợp tình hợp lí, hấp dẫn và lôi cuốn. Có thể khẳng định rằng: Cùng với các chi tiết nghệ thuật khác trong tác phẩm (những vết sẹo vằn dọc vằn ngang không thứ tự trên khuôn mặt Chí Phèo, tiếng chửi của Chí Phèo ở đầu truyện, bát cháo hành của thị Nở mang cho Chí Phèo,…), chi tiết âm thanh sau đêm ăn nằm với thị Nở đã góp phần quan trọng để Chí Phèo trở thành nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Qua một chi tiết nhỏ mà chúng ta thấy được ngòi bút bậc thầy về truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Đúng như M.Gorki đã từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.

 Vũ Văn Cương