Ở chỗ tôi (mà chắc nhiều nơi khác cũng thế thôi) mấy ông bà sinh hoạt ở Hội hưu trí hay nói vui: cái đám già mình mà lâu ngày không gặp nhau thì một là chuyển hộ khẩu lên nhập cư tại cây số Chín (nghĩa trang nhân dân Thành phố) hai là đi làm osin cho con cái. Trường hợp thứ nhất miễn bàn. Trường hợp thứ hai còn hy vọng là có ngày “vượt ngục” để trở về hoạt động cùng với đồng đội ở Hội… hết hơi! May mắn cho quý ông (hay cũng buồn thay cho quý ông?), xét theo tính chất, yêu cầu công việc, vị trí việc làm này thường được ưu tiên số một cho phụ nữ: không cần bằng cấp, không cần quá trình rèn luyện phấn đấu tu dưỡng, thành tích thi đua khen thưởng… chỉ cần đủ sức khỏe để trông nhà, chăm cháu. Hỏi sao không thuê osin ngoại, lũ con bảo phải mất công tìm hiểu lai lịch gốc gác lại còn đòi lương bổng hậu hĩnh mới chịu làm. Nhưng nếu là osin có tuổi đứng đắn thì khả dĩ chấp nhận được chứ đưa osin trẻ váy ngắn quần đùi õng ẹo vào ở trong nhà… phức tạp lắm! Osin nội làm việc tận tâm, không yêu sách, không lương bổng, không thời hạn, lí lịch thì đã quá rõ ràng… vậy sao không chọn? Thi thoảng cũng có ông trúng tuyển, nhưng đấy là trường hợp ngoại lệ (bà đang bận việc nước, bà đuổi ruồi không bay, hay bà sớm giác ngộ nên đã đi tắt đón đầu lên cây số Chín trước ông một bước…). Nói chung ưu thế vượt trội vẫn thuộc về các bà.

Và khi bà khăn gói lên kinh kì thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng cao cả thì chuyện cơm nước hàng ngày ở nhà tất nhiên ông phải tự lo lấy. Bước đầu thì cũng có khó khăn, nhưng dần dà rồi sẽ quen. Nếu không quen được thì đặt cơm tháng để khỏi nấu nướng, rửa chén rửa bát, chỉ còn mỗi việc quét nhà… Các bà ra đi có lẽ chỉ băn khoăn mỗi việc ấy, nếu có lo nữa chỉ là chuyện đêm hôm trái gió trở trời, còn chuyện kia thì… yên tâm, ở cái tuổi này (nói trộm vía quý ông) đái không ướt dép đã là may, còn hơi sức đâu mà… Hi hữu lắm mới có ông nhà hỏng ống chưa hỏng, nhưng đấy thuộc loại động vật quý hiếm đã có tên trong sách đỏ cần bảo tồn gien (gen) nên thường xuyên được gắn camera giám sát hành trình. Thời gian các ông phải lăn lộn với chuyện bếp núc bao lâu là tùy thuộc vào lệnh điều động của con cái. Một nhà có vài ba đứa con ở xa cùng có nhu cầu tuyển osin, đứa nào cũng là con nên phải chia đều tình cảm nếu không chúng dỗi, một đứa ở ba bốn tháng, đi cho giáp vòng thì ông nhà coi như cô đơn suốt bốn mùa! Tình hình chung của địa phương tôi là như thế, xin được trân trọng báo cáo với đồng bào, đồng chí cả nước được rõ.

Mỗi lần các bà (ông) được cấp phép hay tự “vượt ngục” về thăm nhà, gặp nhau thì lắm chuyện vui tuôn trào không dứt:

– Cháu tôi ngộ lắm các ông bà, hôm đầy năm, ở nhà soạn ra nào gương lược, sách bút, xôi chè, điện thoại, máy tính, hòn đá… thế là cháu chộp ngay cây bút. Tôi mừng vì thằng bé chắc sau này sẽ làm nghề chữ nghĩa đây, tệ nhất cũng là… giáo viên!

– Cháu tôi thì vớ lấy cục xôi. Bố mẹ nó bảo chỉ được cái ăn! Tôi nói con người ta phải có thực mới vực được đạo. Biết ăn thì sẽ biết làm, chỉ sợ biết ăn mà không biết làm mới là đồ ăn hại.

– Còn cháu tôi hai tay bốc hai món: tay trái cầm nắm xôi cho luôn vào mồm, tay phải cầm hòn đá…

– Vậy cháu bà sẽ là đứa năng động, thích nghi nhanh với cuộc sống bây giờ. Gặp cơ hội là ăn ngay và hòn đá cầm tay là để đề phòng lúc đang ăn mà có đứa nào muốn vào cướp là choảng luôn!

– Cháu tôi khác cháu các ông các bà, nó không quan tâm đến bất kì món gì, đưa xôi thì nó ăn, đưa bút thì nó cầm… Tôi lo quá!

– Lo gì. Cháu bà là có tương lai lắm đấy. Ngồi một chỗ mà có người đút ăn tận miệng, nó chỉ mỗi việc cầm bút… kí. Nói vậy chắc bà có thể đoán được lớn lên nó sẽ làm gì rồi.

– Cháu tôi thì đã đã lên năm, mẹ nó cho học trường Quốc tế tiền bạc tuy có tốn kém đấy, nhưng được cái là môi trường ăn ở học hành trên cả tuyệt vời, đặc biệt họ rất chú trọng việc dạy ngoại ngữ. Cháu tôi bây giờ nói tiếng Anh còn rành hơn cả tiếng Việt, suốt ngày xí xà xí xố vui lắm!

– Cháu tôi ăn đồ ăn của Nhật từ nhỏ nên giờ quen rồi, cơm canh cá thịt tôi nấu nó nó chê không ăn.. Mẹ nó bảo đồ ăn Nhật rất giàu dinh dưỡng dễ hấp thụ và đặc biệt không tẩm ướp hóa chất độc hại.

– Nghe các ông các bà nói mà thấy thương mấy đứa cháu nhà tôi, quanh năm suốt tháng cũng chỉ cơm canh như mọi người trong nhà, thỉnh thoảng mới có được lon sữa ngoại, bố mẹ cháu là viên chức quèn lương ba cọc ba đồng, gởi con đi nhà trẻ tháng hai triệu bạc đã phải đắn đo chắt bóp chi tiêu thì lấy đâu ra tiền mà ăn thứ này thứ nọ, học trường nầy trường kia…   

…………………

Trong mạch chuyện đời lai láng, các ông bà còn thi nhau khoe thằng rể tôi làm ở công ty của nước này, con dâu tôi làm ở công ty của nước kia, lương tháng mỗi đứa mấy ngàn đô, chi tiêu thoải mái, chỉ riêng cái chuyện gởi cháu nhỏ thôi, mỗi tháng cũng đã mất hai mươi triệu, nhưng đấy cũng chỉ là trường mầm non hạng năm, hạng sáu… Tôi giật mình khi nghĩ tới đồng lương hưu của hai vợ chồng, mỗi người công tác gần bốn chục năm trời, nếu khâu miệng treo niêu (tất nhiên không được phép ốm đau dặt dẹo) đem góp lại cũng chỉ đủ nộp học phí được nửa tháng! Hèn chi tụi trẻ bây giờ học xong là tìm cách ở luôn trong các thành phố lớn để tìm việc làm và cái đích hướng đến là các công ty nước ngoài. Theo lời chúng, khi dự tuyển ở các công ty nầy, chỉ cần qua mấy vòng phỏng vấn mà họ thấy mình có năng lực thật sự là nhận ngay, không cần phải quà cáp biếu xén thụt thò cửa trước cửa sau, không cần hồ sơ thủ tục rườm rà! Một bản hợp đồng với nội dung ngắn gọn: vị trí việc làm, yêu cầu công việc, thời gian làm, mức lương thử việc được hưởng… nếu đồng ý kí cái rẹt, xong cứ thế mà mần. Các công ty nước ngoài không quan tâm chuyện bằng cấp, lí lịch trích ngang trích dọc của người đến xin việc, cái họ cần là năng lực thực tế đáp ứng được yêu cầu công việc cộng với trình độ ngoại ngữ, tin học tốt là ok. Tất nhiên ăn đồng lương của họ không dễ, phải làm việc như vắt kiệt cả sức lực chứ không thể cắp ô đi, cắp ô về rồi đến tháng nhận lương. Nhưng được cái là họ cho hưởng lương theo sản phẩm, theo chất lượng công việc và không phải họp hành kiểm điểm bình bầu xếp loại thi đua… Thời gian đối với họ vô cùng quý giá đâu rỗi hơi mà tổ chức họp hành liên miên như mình, nay học tập cái này, mai học tập cái kia trong khi công việc đầy ra đấy không ai làm.

Rồi một ngày kia, từ thành phố trung ương con gái lớn tôi gọi điện về… Sau khi hỏi thăm sức khỏe, thăm dò tình hình địa phương cho phải phép, nó đi thẳng vào vấn đề thời sự nóng bỏng: tụi con làm ở công ty nước ngoài bận lắm, từ mờ sáng đã phải ra khỏi nhà đến tối mịt mới về, nhà cửa không ai trông coi. Ba cố gắng thu xếp vào giúp chúng con, sớm được ngày nào hay ngày đó, nhớ báo thời gian cụ thể để con đặt vé máy bay đi cho khỏe, tiền bạc không phải lo. À nhà con mới mua cái ti vi hiệu Sony 65 inch đời mới nhất công nghệ Oled và dàn Karaoke xịn âm thanh tuyệt hảo, máy tính đã cài sẵn rất nhiều trò chơi hấp dẫn, ba vào đây thì tha hồ… Tôi bảo: để ba bàn lại với mẹ rồi tính.

Sau mấy ngày đêm trăn trở bàn bạc, bà nhà tôi quyết định lên chùa nhờ thầy xem giúp… Hai vợ chồng tôi đều đã hưu, sức khỏe tuy có giảm sút so với vài năm trước đây nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, vì vậy có thể phục vụ sự nghiệp trông nhà giữ trẻ trong vòng năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa, ai mà biết trước được… Các con tôi, khi cân nhắc “một trong hai” chúng cho tôi một suất ưu tiên, đơn giản là vì ngày ngày tôi chỉ làm bạn với bàn trà cờ tướng, trong khi bà nhà lại bận bịu với cơm nước, heo gà vườn tược… Chọn được ngày lành tháng tốt, tôi khăn gói lên đường Nam tiến theo lời hiệu triệu, giã từ làng quê thân yêu mà lòng đầy lưu luyến… “Tôi không thể nào quênđược…buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, vợ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi cảm thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, chính vì lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi làm… osin!

 Tái bút: Xin chân thành cảm ơn cụ Thanh Tịnh đã giúp tôi thay lời muốn nói! Chúc cụ khỏe… vĩnh viễn!