Chỉ là mượn cái tựa đề của nhà văn Thanh Tịnh thôi, chứ cái sự kiện tôi đi học thì khác xa chuyện chú bé đi học thuở nọ: không có cái háo hức của ngày đầu đến trường trong một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh, không có cái ngơ ngác rụt rè bên bạn mới, không có… Tôi đi học (sau đại học-1986) khi đã gần ba mươi tuổi, sau năm năm miệt mài bên trang giáo án (ấy là nói cho văn vẻ) ở một trường Sư phạm miền núi. Nói động cơ đi học ư? Đơn giản là độc thân, còn ham hiểu biết, thích bay nhảy đây đó, thích thay đổi không khí… Thế thôi! Nhà cửa không có, tiền bạc cũng không, ứng mấy đồng lương là vui vẻ lên đường. Tôi ra đi vào một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, không có tiếng còi tàu (tất nhiên), không có cảnh bịn rịn người lên ngựa kẻ chia bào… Vậy là lẳng lặng, nhẹ nhàng… hạ sơn!

Lớp tôi học môn chung độ vài mươi người: già, trẻ, sồn sồn, người miền Trung, Nam, Bắc… đủ cả! Người trẻ thì có tôi, Sơn và Nhàn. Chúng tôi đều ở miền Trung, nhưng hồi ấy thấy người trỏng ra thì mọi người đều gọi là người Nam tất và các em sinh viên quý mến thường gọi chúng tôi là các anh giai miền Lam. Đón tôi hôm nhập học là anh Vũ, bạn đồng hương, học trước tôi một khóa. Vừa mới  nhận phòng ở, chưa kịp thay bộ quần áo đã bốc mùi, Vũ đã bảo: đi chơi với mình tí? Đi đâu ? Cứ đi rồi biết… Ừ thì đi! Té ra Vũ đã chuẩn bị sẵn… Ngoài tôi và Vũ còn có hai em sinh viên xinh đẹp nữa (may mà tôi không từ chối). Mỗi anh giai miền Lam đèo một em sinh viên bằng chiếc xe đạp cũ kĩ mà Vũ đã mượn ở đâu đó. Chúng tôi đi chơi công viên Thủ Lệ ở gần trường… Thú thật, lúc đầu tôi cũng cảm thấy lạ, vì con gái miền trong thời bấy giờ ít chịu để người khác giới đèo sau xe, nếu đó không phải là người yêu (phong kiến thế cơ đấy!), nhưng ở đây thì vô tư, vì có gì mà không… vô tư? Đơn giản chỉ là đi chơi, nói những chuyện người trẻ thường nói rồi đàn ca sáo thổi. Thế thôi, quan trọng hóa làm gì cho mau già, chóng chết. Vũ thổi sáo, tôi đệm đàn guitar, các em thì hát đủ loại nhạc: vàng, xanh, đỏ và cả dân ca quan họ Bắc Linh nữa… À! mà các em chu đáo lắm dù chỉ là mấy quả dưa lê, dưa chuột vài cái kẹo lạc bày ra trên một tờ báo… Nhưng đối với sinh viên thời bao cấp vậy là sang lắm rồi. Chúng tôi say sưa đàn hát quên cả thời gian. Cuộc đi chơi chỉ có vậy, rồi chúng tôi chia tay nhau. Thỉnh thoảng, ở trường anh em gặp nhau chào hỏi thân tình vui vẻ… Buổi đầu đi học của tôi là vậy!

Cùng phòng với tôi có các anh: Quách Công Chấp, Nguyễn Chí Anh, Hoàng Văn Thịnh (cùng ở Phú Thọ), Hoàng Dân (Hà Tây), Vũ Huy Kiếm (Thái Bình) và tôi. Các anh đều lập gia đình cả, chỉ Kiếm và tôi còn độc thân. Anh Chấp có đứa con gái lớn đang học Đại học Ngoại ngữ. Anh Thịnh, Chí Anh thì vợ con ở quê. Anh Dân cùng tuổi với anh Chấp nhưng con còn nhỏ. Chúng tôi chỉ sống với nhau hai năm nhưng có rất nhiều kỉ niệm… Còn nhớ, có lần anh Dân mời chúng tôi đến thăm nhà sau dịp nghỉ tết. Nhà anh cách trường độ vài chục cây số, chúng tôi đạp xe từ sáng sớm nhưng gần đến trưa mới tới nơi. Vợ chồng, con cái đón chúng tôi hết sức vui vẻ, nhiệt tình. Bữa trưa chiêu đãi khách quý có gà luộc, lòng lợn luộc, rau muống xào, lạc rang, cà muối và dĩ nhiên không thể thiếu chai rượu gạo nút lá chuối. Vào cuộc, anh Dân trịnh trọng: Chẳng mấy khi các bác, các chú quản ngại đường sá xa xôi đến thăm, gia đình rất vinh hạnh, chỉ có chén rượu nhạt gọi là… Hỏi mấy cháu nhỏ đâu, anh bảo: trẻ con không được ăn… thịt gà! Về sau, tôi mới được biết, con gà anh đãi chúng tôi hôm ấy đã được gia đình để dành từ trước tết mà cũng chả có gì cho nó ăn nên chỉ rặt những xương là xương!

Tôi và Kiếm nằm chung giường tầng. Tôi ở trên, Kiếm ở dưới và gầm giường của Kiếm la liệt nào là xoong, nồi, mắm, muối, bếp dầu và cả đồ nghề chữa xe đạp… Thời ấy anh em đều tự túc nấu nướng. Sau mỗi buổi học, chúng tôi ghé mua ít đầu đổ vào bếp và cũng chỉ vừa đủ để nấu cơm và luộc rau. Để tiết kiệm dầu, anh em có sáng kiến: cơm vừa cạn nước là nhắc xuống gói cả nồi vào giấy báo và ủ ngay vào chăn bông, còn rau thì luộc vừa chín tới thì cũng vừa… hết dầu! Nước rau muống thì làm canh, nước chấm thì được pha với công thức: một muỗng nước rau cộng một muỗng muối cộng một tí bột ngọt. Vậy là thành nước chấm hảo hạng! Một bó rau muống to đùng tôi và Kiếm phải chia ra ăn mấy ngày mới hết. Bao giờ vừa chia Kiếm cũng vừa nghêu ngao hát: cho ngày nay, cho ngày mai, cho ba ngày sau… Bạn đời ơi, bạn có thấy chăng… Thỉnh thoảng anh em cũng mua được quả trứng vịt luộc để cải thiện. Vậy là sướng lắm rồi! Chả hơn cô Huyền với cô Trâm cùng lớp, muối một vại cà ăn quanh năm suốt tháng.

Chí Anh to con, vạm vỡ đánh bóng chuyền rất hay nên nhiều em mê lắm, nhưng anh chỉ thích em H người Hải Phòng cùng lớp, khốn nỗi em lại không để ý gì đến anh. Một buổi tối nọ, bỗng dưng H đến rủ anh đi chơi. Anh mừng rơn, loay hoay chải đầu thay áo quần và dắt xe đạp ra… H bảo không đi xe vì chỉ chơi loanh quanh trong trường. Hai anh chị vừa ra khỏi cửa, mọi người trong phòng xôn xao bàn tán…  Độ mười lăm phút sau cánh cửa phòng xịch mở, Chí Anh mặt mày đỏ ửng bước vào.. Hỏi ra thì mới biết cô H muốn đi vệ sinh, mà khu vực ấy lại không có điện, vậy nên em ấy mới nhờ đến vệ sĩ… Anh em cười ầm lên. Tôi bảo: Em H quả thật biết chọn mặt gởi… vàng! Anh cú lắm. Thời ấy chúng tôi đều khó khăn như nhau, chỉ có Chí Anh là rủng rẻng vì anh đi học thì ít mà đi đánh hàng lậu qua biên giới thì nhiều. Mỗi lần trúng quả, anh về phòng là rộn cả lên: thịt chó, chè Thái, thuốc lá Điện Biên… Anh sống rất biết điều nên thầy giáo hướng dẫn anh cũng thông cảm bảo: thôi anh cứ lo mà… buôn! Việc học… tôi lo! Cuối cùng thì anh cũng tốt nghiệp, giờ nghe đâu cũng là tiến sĩ rồi. Có anh bạn bảo tôi, chắc ông ấy làm đề tài: Đánh hàng lậu qua biên giới thực trạng và giải pháp

Anh Chấp nghiện chè nặng. Quanh chỗ anh nằm nào là tàn thuốc, xác chè, và những vệt nước chè khô loang lỗ như bản đồ thế giới. Mỗi lần anh pha chè, phải đợi đến nước thứ ba tôi mới dám uống. Anh bảo phải uống chè đặc cắm tăm mới thích. Thỉnh thoảng anh mới đun nước bằng bếp dầu, còn phần lớn là nhặt lá quanh trường hoặc câu điện trộm. Về sau bị phát hiện ra anh mới chuyển sang sử dụng vạt giường để nấu. Anh lấy cách quãng, nên vạt giường vẫn nằm được. Hết giường anh thì đến các giường khác, hết vạt thì đến thanh ngang, cách lấy cũng tương tự. Tôi ngạc nhiên và hãi lắm. Có lần tôi buộc miệng: cuối khóa Ban Kí túc xá kiểm tra thì làm thế nào? Anh cười khà khà… chú yên tâm đã có cách… Trước khi kết thúc khóa học mấy hôm, anh bảo chúng tôi góp tiền lại mua rượu, chè, thuốc lá, lạc rang và mời Ban Kí túc xá đến chia tay. Thay mặt anh em trong phòng, anh Chấp nói lời cảm ơn, đại loại: nhờ sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của nhà trường, đặc biệt là của Ban Kí túc xá nên anh em đã hoàn thành nhiệm vụ khóa học, trước khi chia tay chỉ có chén trà, điếu thuốc gọi là… Có gì mong các bác thông cảm… Vậy là huề cả làng!

Vũ ở tầng trên, tối tối hay xuống phòng tôi tán gẫu. Vũ học chuyên ngành Văn học phương Tây. Giáo sư hướng dẫn Vũ đặc biệt quý mến cậu học trò xứ Quảng hiền lành, chăm chỉ này. Nhiều lần thầy đã đạp xe đưa Vũ ra tận ga và không quên dúi cho vài đồng để uống nước dọc đường. Vũ có nhiều tài: làm thơ, thổi sáo, chơi đàn, vẽ tranh và viết chữ rất đẹp nên các em sinh viên hay đến nhờ mỗi khi làm báo tường. Chính những cái tài vặt đó đã giúp Vũ rất nhiều trong cuộc sống sau này… Mỗi lần không có tiền mua thuốc lá, Vũ lại rủ tôi đến chỗ anh phụ trách trang trí của trường kẻ giúp vài khẩu hiệu, tô vài bức tranh cổ động … Vậy là trà thuốc thoải mái. Vũ sống vừa lãng đãng nhưng cũng vừa thực tế. Có lần, đoàn văn công về diễn tại trường, tôi và Vũ đều không có tiền mua vé. Vũ bảo hãy đợi đấy! Khi xe chở đoàn văn công vừa đến, anh đã nhanh chóng vào phụ giúp khiêng máy móc, đàn địch… Vậy là trót lọt. Sau đó không biết bằng cách nào Vũ lại xin được vé và chìa ra cửa sổ cho tôi… Nhớ nhất là hôm về tết, bị soát vé tàu, Vũ loay hoay móc hết túi này đến túi khác và cuối cùng chìa ra bài thơ đang viết dở… Nhìn bộ dạng của anh, người soát vé thông cảm cho vào và dặn phải trốn thật kĩ. Nhưng khi vừa lên tàu Vũ bỗng trở nên hoạt bát. Anh bảo mọi người gom hết tiền lại để mua sách. Anh chọn mua lại sách của những người bán dạo trên tàu. Đó là những sách về chăn nuôi, trồng trọt, sách bói toán, sách chữa bệnh xã hội… Anh đi từ đầu tàu đến cuối tàu, nhờ vào tài ăn nói khéo léo, anh đã bán hết số sách đã mua và lãi được chút ít để anh em trà thuốc… Khi ra trường về lại QN, vì khó khăn quá, Vũ phải đi vẽ tranh quảng cáo cho mấy đoàn cải lương, bán bánh mì trước cổng trường (điều mà không phải thầy giáo nào cũng dám làm). Một dịp ghé thăm, nhìn Vũ làm thoăn thoắt tôi thầm nghĩ: bản lĩnh lắm, con người này nhất định sẽ thành công trong cuộc sống. Mà thật vậy, bây giờ anh đã là giám đốc của một Sở nọ, nhà cửa khang trang êm ấm, con cái thành đạt…

Tôi học văn học Châu Á và may mắn  cũng có được giáo sư hướng dẫn đức độ và tận tâm với học trò. Vì thầy ở một mình nên rủ tôi đến ở cùng. Thầy ở tận trên tầng năm của khu chung cư. Hỏi vì sao thầy chọn ở cao thế?  Thầy bảo tiền nó chọn đấy chứ! Hơn nữa ở đây được cái là… gần trời xa đất! Tôi ở phòng ngoài, thầy phòng trong. Suốt đêm thường nghe thầy mở đài. Tôi hỏi: Thầy không ngủ được à? Thầy bảo: muốn có tiếng người! Mỗi sáng sớm, sau tuần trà là đến giờ vào lớp. Bàn uống nước trà trở thành bàn học, cánh cửa nhà được dùng làm bảng (và cũng chỉ để ghi những thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài). Lớp học chỉ có hai người: anh Phùng Hoài Ngọc và tôi. Anh Ngọc ở tận ngoài cầu Giấy hàng ngày đạp xe vào học (anh rất mê nhảy nên anh em thường gọi là Ngọc “nhảy” để phân biệt với anh Ngọc khác). Nói là học, nhưng chủ yếu là thầy trò cùng trao đổi ý kiến theo từng chuyên đề mà thầy đã giao để đọc trước (theo cách nói bây giờ là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của người học!) và thầy trò làm việc rất nghiêm túc thường thì hay quá giờ ăn trưa. Cũng có những hôm đi dã ngoại, gọi là thâm nhập thực tế, thầy trò đạp xe ra ngoại thành về các miền quê để được tận hưởng cái không khí trong lành, thoáng đãng và yên tĩnh mà mai nầy không biết có còn nữa hay không?! Rồi khóa học cũng mãn và mặc dù rất quý mến tôi, muốn tôi ở lại Hà Nội, nhưng lực bất tòng tâm, thầy trò đành bùi ngùi chia tay nhau …

Một người thầy mà tôi được học dự thính về văn học cổ Việt Nam đó là giáo sư BVN. Nhà của giáo sư (nếu có thể gọi là nhà) như một cái chuồng chim cu ở tít trên cùng của một khu chung cư, kế bên cũng là chuồng cu của giáo sư HMĐ. Muốn vào “nhà” hai sư phụ thì từ ngoài đường phải chui vào trong hẻm sâu hun hút chỉ vừa lọt một người, nếu có người đi ngược lại thì một trong hai phải lùi lại. Vậy mà đã hết đâu, chui qua khỏi cái hầm tối tăm ấy lại phải trèo mấy lượt cầu thang dựng đứng như lên cổng trời mới tới… thiên đường chim cu! Đi bộ đã bở hơi tai huống hồ các thầy còn vác cả xe đạp ngày lên xuống vài bận…Thầy ở một mình nên mỗi ngày chỉ nấu ăn một lần và nấu theo phương pháp rất BVN. Một tí rau, một tí cà chua môt tí trứng hoặc một tí thịt thêm tí muối mắm đổ hầm bà lằng vào xoong đun sôi lên là Ok. Mùi thức ăn hỗn hợp đó bay sang tận “nhà” giáo sư HMĐ đang lúc học sinh luyện thi. Giáo sư HMĐ sang bảo: bác thông cảm nấu vào giờ khác giúp em, các cháu… Giáo sư BVN: Ông tưởng tôi không bị ông tra tấn à? Ngày nào ông cũng “Đất nước đứng lên”, “Ra trận” rồi “ Người mẹ cầm súng” chỉa sang đây ai mà chịu được (?!). Lại có chuyện rằng: trong một hội nghị Quốc gia về Nguyễn Trãi, giáo sư BVN được mời lên phát biểu, ông nói đại ý: cả đời nghiên cứu về Nguyễn Trãi, ông mới tóm được chân Ngài. Bây giờ ông đưa chân ra vậy mà chẳng ai sờ. Có hai cán bộ nghiên cứu trẻ được trường phân công để ông bồi dưỡng thì đã bỏ ông mà chạy sang xứ sở Bạch Dương nắm chân ông Ivan nào đó! Điều này làm ông buồn và tự ái nên khi có lời đề nghị cử ông sang đó để học tập, trao đổi, ông bảo: tôi sang đấy để bọn trẻ xoa đầu à? tôi không xoa đầu chúng nó thì thôi chứ chúng nó thì làm sao mà… Thật đúng khẩu khí ông “đồ gàn” xứ Nghệ!

Tôi, Sơn và Nhàn dù học khác chuyên ngành nhưng chúng tôi thường gặp nhau luôn. Sơn cao to, mạnh mẽ, nam tính, luôn hết lòng vì bạn bè. Mỗi lần Sơn về quê ra, có đồng nào là anh tập trung hết cả anh em lại để bù khú, chỉ chừa lại chút ít đủ để mua vài kí khoai tây dúi vào gầm giường và luộc ăn dần… Nhàn cũng “để ý” đến Sơn, nhưng anh chàng này đang mải mê nhảy nhót với các em sinh viên khoa Văn trẻ trung, xinh đẹp nên Nhàn có vẻ buồn. Rất nhiều đêm, Sơn đi chơi, Nhàn lên tầng thượng nhà A4 (khu tập thể học viên sau đại học) ngắm sao trời, rồi hát một mình… Nhàn có giọng hát như ca sĩ chuyên nghiệp. Giọng hát đầy nội lực với cách luyến láy nhả chữ không chê vào đâu được, nhất là khi Nhàn hát các bài tình ca Nga. Nếu chọn nghiệp ca hát, tôi chắc chắn Nhàn sẽ là một ca sĩ có tên tuổi. Nhưng Nhàn đã chọn con đường khác và cũng đã thành công. Chỉ có con đường tình duyên là còn mãi lận đận với người bạn tài năng này…

Tôi rời Hà Nội cũng vào một buổi chiều đông lạnh lẽo. Anh em lên tàu hồi hương, phút chia tay đầy lưu luyến, mỗi người một tâm trạng… Dẫu biết rằng, mai nầy còn nhiều dịp trở lại Hà Nội, nhưng còn đâu cái thuở được làm “học trò” với biết bao nhiêu kỉ niệm vui buồn… Tàu hụ một hồi dài rồi lầm lủi trườn mình ra khỏi ga như một con trăn khổng lồ… Hà Nội lùi xa dần rồi chìm trong mênh mông sương đêm… Tàu ngang qua Thanh Hóa, nhìn ánh đèn vàng vọt soi những bóng người lặng lẽ, hiu hắt trên sân ga, chợt nhớ đến H, nhớ bài hát Thời hoa đỏ mà em vẫn  hay hát, nhớ đến những chiều hồ Gươm, nhớ lần em đạp xe ngược gió trong bóng chiều tà để đón tôi từ Hà Nội vào, nhớ… Không biết giờ này H sống ra sao? Có còn những bữa cơm chan đầy nước mắt như có lần em viết trong thư gởi cho tôi?! Mỗi con người một cuộc đời, một số phận. Những bông hoa rồi cũng úa tàn nhưng làm sao để được một lần được khoe sắc trong ánh bình minh?

Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi
Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối
Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui
Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời

                                                                       (Nguyệt ca – Trịnh Công Sơn)

                                                                      Kon Tum, mùa mưa 2016