Không nhà – Nguyễn Nhật Khoa

– Mẹ đếm từ một đến ba, con hãy mở mắt ra nha. – Bà vừa nói, vừa bịt mắt của tôi lại.
Tôi cười toe toét, tôi đang hóng cái món quà ấy lắm. Bố của tôi mang chiếc bánh kem socola và hộp quà chậm rãi bước đến, ông cũng nóng lòng được thấy vẻ mặt hạnh phúc, vui mừng của thằng con. Ngoài trời mưa đang to, nhưng ông đâu thể để cơn mưa ấy cản trở ngày sinh nhật của tôi được. Ông đội mưa, đi một mạch đến tiệm bánh kem để mua chiếc bánh kem socola mà tôi ưa thích. Sẵn ông mua cho tôi một chiếc hộp mô hình gồm bốn nhân vật người lính mà tôi hay xem trên hoạt hình.
– Một…hai…ba… – Đếm xong người mẹ bỏ đôi tay ra khỏi mắt của tôi.
– Wow! Bánh Socola với mô hình “Đội đặc nhiệm PS”. – Tôi mắt sáng lên.
– Chúc mừng sinh nhật K.!
Tôi nắm chặt hai bàn tay, nhắm mắt của mình lại, thầm ước.
– Con ước được ở bên ba mẹ hoài luôn!
Ước xong, tôi thổi ngọn nến cắm giữa chiếc bánh, vỗ tay cùng với bố mẹ, chúc mừng cho sinh nhật của mình.
Ánh lửa từ ngọn nến vụt tắt cũng là lúc mọi thứ tối dần và khung cảnh chỉ một màu đen. Bản thân là một đứa chúa sợ những thứ tối tăm, tôi hoảng lên, nhìn xung quanh, trong đầu là những thứ lộn xộn. Tôi kêu lên:
– Ba mẹ ơi! Ba mẹ đâu rồi…?
Tôi chợt tỉnh giấc với hai giọt nước mắt lăn trên gò má. Xung quanh không còn là bóng tối, mà là đống đồ bừa bộn hiện lên trong căn phòng chật hẹp của tôi. Trời đã sáng, mọi thứ tĩnh như mặt hồ. Tôi vẫn còn mơ màng với giấc mơ vừa rồi, người mệt mỏi cuộn tròn trong chăn. Tôi lười ra khỏi giường như thể tôi với nó là cặp vợ chồng yêu nhau thấm thía không thể lìa xa, vì ngoài trời lạnh lắm. Nhưng tôi phải dậy, để tiếp tục vật lộn với cuộc sống đầy mệt mỏi.
Tôi chạy xe ôm để kiếm sống qua ngày. Mỗi ngày tôi chạy tầm năm đến sáu cuốc chạy, kiếm được tầm một trăm rưỡi đến hai trăm ngàn. Một con số khá ít ỏi đối với người bình thường nhưng với cuộc sống của tôi như thế là quá đủ
Chiều ấy, chở xong cuốc thứ năm, tôi ghé quán café nhỏ bên đường, ngồi chờ cuốc thứ sáu cho đủ. Tôi ngắm nhìn con phố, chợt thấy có một đứa bé gái té ngã trước mặt. Thấy một đứa trẻ té như thế tôi nỡ lòng nào ngồi im được. Đang định dúi tới đỡ đứa bé nhưng chưa kịp thì đã có người mẹ đỡ lên. Bà ấy xoa đầu cô bé, dỗ dành, an ủi cô bé rằng chỉ là một vết thương nhẹ. Tôi chợt nhớ đến người mẹ đã mất cách đây rất lâu của mình. Tôi nhớ bà ấy. Lúc bà ấy mất, tôi đến sống với ông ngoại. Nhà ông nghèo không thể nuôi tôi ăn học đến nơi đến chốn. Khi ông mất, ông để lại cho tôi chiếc xe. Tôi không thể dùng chiếc xe làm việc gì khác ngoài chạy xe ôm, giao hàng. Bỗng có một vị khách đến bắt xe. Ông ta trông gầy còm, dáng người cao, có vẻ đã lớn tuổi.
– Cho ông bắt xe với.
– Ông đi đâu?
– Chở ta tới nghĩa trang sau bệnh viện đi.
Tôi chở ông ta đi. Đó là một nơi khá ớn lạnh. Có thể ông ta đến đó để thăm mộ ai đó. Tôi có chút khó hiểu khi nhìn thấy ông ta. Một hình bóng quen thuộc nhưng tôi chả quan tâm lắm. Thứ tôi cần là chạy xong cuốc thứ sáu này và nhận tiền.
Hai người chúng tôi đến với nghĩa trang. Trời thoảng cơn gió lạnh, lạnh cả sống lưng. Tôi có chút nhạy cảm khi nghĩ tới những hình ảnh đó. Nói thẳng là tôi bị dị ứng với những thứ chết chóc đó. Tôi chỉ lo nhận tiền rồi chạy thật nhanh về phòng.
– Của ông năm mươi ngàn.
Nhận tiền xong, tôi chỉ muốn về phòng vào nằm ào lên chiếc giường tận hưởng cảm giác êm ái thoải mái đấy. Khi về, tôi phát hiện có gì đó dưới chân. Tôi cúi xuống nhặt, có ai đó nhét phong bì thư dưới khe cửa phòng tôi, trên đó viết:
“Trong giấc mơ, mẹ thấy con, cùng với nụ cười bé bỏng ấy.
Sao lâu nay con không về, mẹ buồn lắm.
Mẹ chờ con, chờ mãi.
Nhưng chẳng thấy con về.
Để mẹ một mình trong căn nhà đã cũ.
Mẹ mong con về, từng ngày.
Về đi con nhé.
Gửi K. con của mẹ.”
Có ai đó đang chơi khăm tôi chăng? Một trò đùa ác ý. Người mẹ đã mất gửi tôi một bức thư. Tôi về phòng, rửa mặt cho tỉnh táo. Rồi quay sang chuẩn bị đồ đạc. Tôi không quên mang theo bức thư, để làm rõ chuyện này. Từ chỗ tôi sống về quê khá xa. Mất tầm mười tiếng đi bằng xe máy. Tôi đi vào tối đó luôn, tôi thích đi buổi tối, đi nhanh hơn buổi sáng. Đường xá vắng vẻ đi mới nhanh, đặc biệt với một người thích bóng tối như tôi thì đi vào thời điểm đó là lựa chọn số một. Cảm xúc tôi bắt đầu lẫn lộn. Tôi lên xe, chạy một mạch về nhà. Con đường về vắng vẻ, tối mịch, lác đác vài ánh đèn của vài chiếc xe trên đường và cả đèn điện. Tôi nghĩ về bức thư. Những ký ức của tôi với mẹ ngày xưa ùa về, nó đẹp lắm nhưng không hiểu sao tôi chẳng muốn nhớ về nó. Đã lâu tôi không về nhà. Tôi ám ảnh về những chuyện ngày xưa, lúc nào tôi cũng thấy nó, cả trong mơ. Tôi không muốn trốn tránh, cũng chẳng muốn đối diện. Nó cứ bám lấy tôi. Có gì đó đang thôi thúc tôi quay về nhà. Tôi chợt nghĩ, có thể đó là một trò chơi khăm của ai đó nhắm vào tôi, nhưng tại sao tôi lại muốn quay về.
Đi được tầm sáu tiếng, đã là nửa đêm. Tôi ghé vào nhà nghỉ để ngủ qua đêm. Tôi không thể chạy xe khi trong đầu cứ nghĩ loạn xà bần lên về bức thư. Nó khiến tôi mệt đầu kinh khủng, đành ghé tạm vào một nhà nghỉ, ngủ một giấc cho nhẹ đi. Tôi hơi cảm thấy bất ổn chút, người chủ này là một tên nghiện rượu. Vừa mới bước vào tôi đã thấy ông ta đang nói chuyện cùng với chai rượu của mình. Nhưng tôi đành chịu thôi. Nhà nghỉ nằm trên con đường khá vắng vẻ. Trên con đường dài hàng chục cây số ấy, chỉ tìm được duy nhất cái nhà nghỉ này. Nhà nghỉ chỉ có một tiếp tân làm việc và là chủ của nhà nghỉ này. Hôm ấy cả nhà nghỉ chỉ có vị khách thuê phòng duy nhất là tôi cho nên phòng nào cũng đang trống. Tôi định ở dưới tầng trệt nhưng chỉ có một căn phòng gần quầy tiếp tân của người chủ. Tôi thì ghét cay ghét đắng mùi rượu, hắn ta uống rượu nồng nặc mùi cả cái dãy nên tầng hai là hợp lí nhất để tôi có thể làm dịu cơn đau đầu ngay lúc này. Một phần nguyên nhân làm tôi né cái mùi rượu là vì nó làm tôi nhớ đến người cha nghiện rượu. Tôi không muốn nhắc cũng không muốn trong đầu hiện lên một tí gì về người cha bội bạc ấy. Chạy suốt đêm không nghỉ nên khi vào phòng là tôi đã vồ ngay tới chiếc giường, nằm sấp xuống, thả lỏng người đi, lim dim đôi mắt, mọi thứ bắt đầu chìm dần trong bóng tối.
Tôi thấy bà, mẹ của tôi. Bà đang ngồi trong phòng của bà, hướng ánh mắt về phía cửa sổ, như đang ngắm nhìn một điều gì đó đẹp đẽ. Tôi chạy đến ôm bà. Cảm giác thật dễ chịu, ấm áp. Rồi bà đứng đậy, xô tôi ngã xuống. Mặt bà dữ tợn, bà chạy ào tới chỗ tôi, bóp cổ. Một lần nữa tôi lại cảm thấy tuyệt vọng. Tôi như sắp ngất, mọi thứ một lần nữa lại chìm vào trong bóng tối. Tôi bừng tỉnh giấc, mồ hôi nhễ nhại. Lại nữa, tôi lại nằm mơ thấy mẹ tôi. Nó cứ gấp gáp, như nhịp thở của tôi. Tôi định thần lại, đã là 2 giờ sáng, tôi tiếp tục lim dim, mơ màng, rồi lại tỉnh giấc khi nghe thấy tiếng động ở phòng bên cạnh. Tiếng động làm tôi khá khó chịu, không thể nào mà vào giấc. Tôi nghĩ có lẽ là tên chủ nghiện rượu đang làm gì đó ở phòng kế bên. Có thể hắn ta đang tận hưởng cơn say ở phòng bên. Tôi ra ngoài, đến căn phòng kêu cửa. Đúng như mình đã nghĩ, tên chủ mở cửa với cơ thể trần truồng và nồng nặc mùi rượu. Tôi kêu:
– Ông hơi ồn rồi đấy!
Ông ta chẳng nói gì mà ra hiệu kêu tôi vào bên trong. Hắn mở toang cửa ra, bên trong là một cô gái, là gái ngành. Hắn đẩy tôi vào phòng. Cô gái ngành trên giường bỗng đứng dậy tiến đến chỗ tôi, xoa lên môi, làm những hành động gợi dục với tôi rồi đẩy tôi xuống giường. Một đêm dài.
Trời đã sáng, ánh nắng từ ngoài cửa sổ chiếu vào mặt làm tôi tỉnh giấc, đầu đau như búa bổ. Tôi nhìn xung quanh, vẫn là căn phòng đó, nhưng hai người kia đã biến đi đâu mất. Căn phòng gọn gàng, ngăn nắp như đêm qua chưa từng xảy ra chuyện gì. Tôi sửa soạn đồ chuẩn bị lên đường. Tôi xuống quầy tiếp tân để trả phòng, vẫn là ông ta nhưng tôi cảm thấy gì đó lạ. Ông ta trông khác với đêm hôm qua, làm tôi có hơi ngơ ngác. Tôi xoa xoa đầu, bảo:
– Đêm qua ông…
Ông ta cũng ngơ ngác, hỏi lại:
– Chuyện gì vậy cậu?
Tôi nhìn vẻ mặt của ông ta, suy nghĩ lại:
– Không sao hết, hôm nay ông không uống rượu à?
– Không, sáng ai lại uống rượu. Với lại, tôi ghét rượu bia lắm.
Tôi trông như bị ngớ, đành im lặng bỏ đi. Trông ông ta như chẳng có chuyện gì xảy ra. Dù tôi nhớ rất rõ đã thấy ông ta cùng với một cô gái ngành. Tôi tự nghĩ có lẽ mình đau đầu quá đâm ra áo giác nên mặc kệ mà đi tiếp. Rời khỏi nhà nghỉ với suy nghĩ mông lung.
***
Tôi đã về, về lại ngôi nhà xưa tôi từng coi là mái ấm. Nhà tôi ở một khu vắng vẻ ở ngoại ô, sương mù dày đặc. Căn nhà bây giờ nhìn hoang sơ, chả khác gì một căn nhà hoang. Tôi đứng trước nhà, bao nhiêu hình ảnh của quá khứ hiện về. Nó lại càng hiện rõ hơn khi tôi vào trong nhà, đến nghe cả tiếng mẹ tôi kêu. Như đang được quay trở về ngày xưa, nhưng lần này là cảm giác trống vắng đến tuyệt vọng. Tôi nhìn thấy tấm ảnh chụp gia đình mình hồi xưa. Ảo giác cứ thế hiện lên trước mắt, ảo giác về một hạnh phúc, về một gia đình đã mất. Tôi lên trên tầng hai, đi đến phòng của mẹ tôi ngày xưa. Mở nhẹ cửa, tiếng cửa kêu cót két vì đã cũ mục. Tôi thấy ba của tôi, người ba đã biệt tích bấy lâu nay bỗng trở về.
– Con đã nhận được bức thư. Ta cứ nghĩ con không về chứ, K.
– Tôi không phải con ông. – Tôi lạnh lùng đáp.
– Lúc nào ta cũng nhớ về con và mẹ con. Mẹ con cứ xuất hiện ở khắp mọi nơi, kể cả trong giấc ngủ. Ta biết tội lỗi của ta chẳng thể nào tha thứ từ một ai, kể cả con.
– Sao ông lại quay về?
– Ta muốn xin lỗi con. Ta biết, mình gây ra tội lớn, làm con phải khổ.
Mọi thứ trở nên im bặt, im đến đáng sợ.
– Ta hối hận lắm, ta đau lắm. Nếu ngày đó…ta không đối xử tệ bạc với mẹ con…thì mẹ con…đã không tự đốt căn nhà để thiêu mình… – Ông ta khóc nức nở.
Ông ấy đứng dậy, chậm rãi những bước khập khiễng đến chỗ tôi. Mắt ông nhòa đi giọt lệ. Đầu ông chảy máu, cả mắt và mũi. Tôi vội lui bước như thể đang đề phòng điều gì đó kinh tởm. Cả căn phòng bùng lên ngọn lửa, cháy trụi. Ông ta cố vồ lấy tôi, đầu chảy máu càng ngày càng nhiều. Cảnh tượng trước mắt diễn ra như cái đêm mẹ tôi bị thiêu. Ông đè tôi xuống, cố bóp cổ tôi.
– M. ơi, anh xin lỗi… – Ông ta vừa bóp cổ tôi, vừa kêu tên mẹ tôi.
Tôi bất chợt tỉnh dậy trước nhà. Căn nhà không còn cũ mục mà đã cháy rụi. Tôi không biết vừa rồi là thật hay mơ. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Tôi lờ đờ đứng dậy, đầu hơi choáng. Bỗng tôi nghe tiếng khóc của một đứa bé. Tôi lần theo tiếng khóc để tìm kiếm đứa bé. Tiếng khóc ngày một to hơn, tôi đến một cái nghĩa trang. Tiếp tục tìm kiếm, là tiếng khóc của một đứa bé sơ sinh. Đứa bé nằm ở ngay mộ của mẹ tôi. Tôi chạy đến, bế đứa bé lên. Tôi nhìn xung quanh xem ai đã để một đứa bé sơ sinh tội nghiệp ở đây. Tôi nhìn đứa bé, nó cũng nhìn tôi và nín khóc, thay vào đó là nụ cười. Nhìn nụ cười của đứa bé, lòng tôi cảm nhận được phần nào sự ấm áp nó mang đến. Rồi tôi nhìn sang phần mộ của mẹ, thầm nghĩ về điều gì đó, một động lực.
– Ta sẽ gọi con là M. nhé.

Vannghemoi.com.vn − 17:47, ngày 14/04/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền