Tôi yêu đêm. Yêu bằng cái lòng yêu của một kẻ khát khao những cơn mộng mị. Đêm mang lại cho tôi cảm giác an toàn như tất cả thế giới này thuộc về một kẻ cô đơn. Nó tĩnh mịch, nó sâu lắng, nó thuộc về riêng tôi ở một góc nào đó, mà trong đêm, mọi thứ sẽ chẳng phô bày được, và tôi, cứ tự nhiên giữ lấy cho riêng mình. Tôi yêu đêm bao nhiêu thì mẹ tôi lại ghét đêm bấy nhiêu. Trái tim của những người mẹ chỉ biết nghĩ đến con mình và với mẹ đêm lúc nào cũng là bóng tối, là không an toàn. Khi hãy còn bé, mẹ vẫn dọa khi tôi cùng lũ nhóc đi soi ếch buổi đêm là ma sẽ bắt, hay người xấu rình. Đến khi lớn lên lần đầu đến phố thị, mẹ cứ nằng nặc bắt về vì đêm xô bồ quá, nguy hiểm quá. Đến nỗi tôi bật cười:

– Mẹ này, ngày bé cấm con đi đêm vì sợ ma, sợ tối, thế giờ phố sáng trưng đèn thì sao cấm?

Mẹ cứ lắc lắc:

– Nay cấm vì nhiều xe cộ quá, đi đêm nguy hiểm lắm con ơi. Về quê mình cho yên con ạ.

Ngày tôi lến phố, ba cấm rồi giận dỗi mỗi khi tôi về thăm. Tuốt tận mấy năm sau vẫn chường ra không thèm nói chuyện. Cũng chẳng phải vì tôi cãi lời ba mà vì kế sinh nhau tôi buộc phải dứt áo ra đi như thế. Làng quê nghèo lúa trắng đồng vì mùa lũ, miếng ăn trở thành những món quà chỉ có trong cổ tích, cả cá còn ngửa bụng lên trời bạc thếch những con sông. Ba quát tôi ngay khi thấy tôi vác balo lên vai chọn cách đi làm lẽ sống:

– Mày đi thì đừng có về nữa con ạ. Mày thử bước ra cái cửa ấy xem.

Tôi vẫn đi, đi bằng cái lòng đau của một người con. Cái lòng đau của người mẹ nhìn con mình ra đi và thấu hiểu. Cái lòng đau của một người cha bất lực không nuôi nổi gia đình. Ba tôi yêu quê và muốn cả cuộc đời bám trụ tại mảnh đất quê hương. Mẹ cũng vậy. Ngày nhớ con quá mẹ lên phố, ở được dăm hôm cứ đòi về, bảo nhớ nhà nhớ quê dữ lắm. Người ở quê có cái lẽ như thế, lên phố, cảm giác ban đầu là lạ lẫm, sau tới tò mò rồi cuối cùng là sợ. Họ choáng ngợp với sự đổi thay của phố phường và luôn có cảm giác quê cha đất tổ là chốn an toàn để tựa nương.

Tôi lên phố làm cô nuôi dạy trẻ, nhìn đám nhỏ thấy rất bình yên. Lương chẳng bao nhiêu nhưng dành dụm cũng được ít đồng ra đồng vào. Tôi yêu anh công nhân ở cùng dãy trọ, chúng tôi hay đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch anh sắm khi nhận tháng lương đầu tiên. Anh hay chở tôi ra nhà thờ Đức Bà rồi ngồi nghe mấy cậu chàng sinh viên đàn hát. Chúng tôi đã đi qua cái thời mộng mơ tuổi trẻ, chỉ yêu tiếng đàn như thú giải trí duy nhất những hôm bộn bề công việc. Tiếng đàn bây giờ không còn để nghe, để thẩm thấu, để giải tỏa cảm xúc mà chỉ đơn giản dủ là bất cứ bài nào không rõ lời chỉ cần có nhạc, nghe vui tai là đủ rồi. Anh hay cười:

– Anh chẳng giỏi đàn cũng chẳng biết hát, nhưng làm chồng thì tốt lắm đấy nhé.

– Ôi cái anh, giỏi tinh tướng, ai mà thèm lấy anh.

Rồi chúng tôi cười xòa. Khi rảnh, con Chi hay bảo tôi:

– Anh Trúc thế mà được lắm đấy mày, phải tội chung thủy quá chứ không thì hấp dãn rồi.

Tôi phì cười:

– Anh mà không chung thủy thì thành mẫu người của mày à?

– Chứ sao, tao thích đàn ông như thế, có chút hấp dãn khi chinh phục mày ơi.

– Con này quái!

Con Chi thích thế bởi nó thích chinh phục. Còn anh ra đi cũng bởi bị hấp dãn bởi cái tính đó của nó. Chẳng hiểu sao ngày anh chia tay, tôi không lạ. Cái dáng con Chi nấp sau lưng anh như kẻ tội đồ.

– Anh xin lỗi. Anh với Chi…

Tôi chỉ quay đi, thậm chí tôi còn không khóc. Có lẽ tôi chưa yêu anh như mình tưởng, khi giọt nước mắt tôi rơi chỉ vì tôi đã mất một đứa bạn thân và một người tôi- nghĩ- mình- đã- yêu. Thực ra với tôi lúc ấy việc xâất hiện của người thứ ba không quan trọng bằng việc tôi mất đi hai người bạn. Có Đôi lúc bất chợt cũng rơi nước mắt nhớ về những kỉ niệm đẹp. Lúc ấy Lố- chàng trai cùng làm có gương mặt rất ngố hay nói với tôi:

– Hương đừng có khóc, bình thường đã xấu rồi, khóc còn …hổng đẹp hơn.

Và thể nào anh chàng cũng bị mấy chị em phụ nữ tụ tập lại đánh cho ra trò. Được cái Lố hiền và ngố y chang cái biệt danh của anh chàng. Tôi biết Lố thương tôi, kể từ khi tôi còn là người yêu anh Trúc, nhưng Lố nhát chẳng bao giờ nói lên trái tim mình.

Lúc này tôi càng yêu đêm hơn, chẳng phải vì tôi thấy cuộc đời mình tăm tối, tôi chẳng bao giờ để nỗi đau lấn át những niềm tin. Tôi yêu đêm bởi nó che gương mặt tôi, bởi tôi có thể nghe được những âm thanh của đêm rõ ràng giữa sự tĩnh mịch. Có khi là tiếng rao yếu ớt của những gánh chè đêm, mà cô chủ quán chỉ còn đủ sức theo vô thức quơ vội cái nón đuổi nhặng rồi gà gật. Có khi đó là âm thanh của những chiếc xe chở rác khuya bắt đầu guồng quay của mình. Có khi là những cô bán hủ tiếu muộn chỉ còn tiếng leng keng thay lời nói. Thậm chí có khi là tiếng con ếch nào đó vô tình thoát khỏi cái ao nhân tạo lạc lên lề đường. Cũng chẳng biết từ khi nào Lố lại hay cùng tôi đi dạo đêm:

– Lố thích dạo đêm lắm Hương ơi. Lúc ấy Lố sẽ được ăn rất nhiều chè bưởi buổi đêm mà mẹ hông cấm, tại mẹ ngủ mất rồi.

– Ơ, chỉ vì cái lí do đó à? Con trai mà thèm ngọt kinh nhỉ?

– Ngon mà Hương, Lố dẫn Hương đi.

Quán chè bưởi năm im lìm trên con đường vắng, những chiếc ghế nhỏ và chị chủ đang khiêm tốn ngồi một góc như chợt tỉnh giấc ngủ khi Lố gọi to:

– 2 bưởi chị ơi

– Gớm, cái thằng, to tướng cả phố nó dậy.

– Không to sao kêu chị? Thế giờ có làm em ăn không đây?

– Nay có người yêu đi cùng nên mạnh miệng gớm he.

Tôi còn chưa kịp lên tiếng thì Lố đã bật cười:

– Không phải người yêu mà là vợ. Vợ nhỉ?

Tôi cốc đầu Lố một cái rõ đau. Đang ăn tôi để ý Lố hay nhìn phía chị, xong thấy đứa nhỏ té cái phịch, Lố lại bế ngay, rồi nhìn tôi:

– Chị nghèo lắm, tối dẫn con ra đây luôn, vì chồng thì bỏ đi rồi, để nó ở nhà không ai trông cả.

– thế Lố thích chè bưởi hay vì thương chị?

Lố lúc lắc đầu chẳng trả lời, điệu cười trẻ con giòn tan. Tự nhiên trong lồng ngực tôi, một thanh âm của đêm nghe thật đều…” thình thich…thình thịch…”

Lăn lộn chừng ấy tôi lên chức phó tổ trưởng. Ở một ngôi trường nhỏ và với cái nghề cô nuôi dạy trẻ, chức ấy không khác những giáo viên bình thường là bao nhưng cũng đủ khiến người ta ganh tị. Được hiệu trưởng khen vài lần tôi bỗng thành kẻ thù của cô tổ trường. Cô giao tôi lập ra bảng ké hoạch chăm nom trẻ, vất vả ngày đêm tôi cố công hoàn thành, nộp lên, cớ sự nào khi tiến hành lại lỗ mất dăm ba triệu.  Số tiền ấy không phải là quá lớn nhưng đủ định đoạt nhân cách một con người, điều tiếng dèm pha tôi bỏ túi riêng. Lúc ấy Lố nói thẳng :

– Lố không tin. Lố tin Hương không phải người như vậy. Những chi tiêu Hương tính rất kĩ mà.

Tôi nghỉ việc. Điện thoại cho ba :” Ba ơi, con về quê ít ngày ba nhé”. Đầu dây bên kia không nói gì rồi chợt đằng hắng rõ to :” Có việc gì thì về nhà, ba đợi”. Rồi cúp máy. Tôi chào từ biệt Lố, Lố đưa tôi ra bến xe rồi nắm tay tôi thật chặt:

– Hương có quay lại không? Lố đợi.

Tôi mỉm cười gật nhẹ, tất nhiên là tôi sẽ về, tôi vẫn còn muốn làm một cô nuôi dạy trẻ. Tôi không bao giờ vì những vấp ngã trong cuộc sống mà cho phép mình ngã quỵ. Tôi không chấp nhận tình cảm của Lố, đơn giản vì tôi chưa sẵn sàng cho tình yêu mới, nhưng biết đâu một ngày nào đó, một ngày nào đó… Tôi trở về với làng quê, với ngôi nhà bình yên của mình để tìm chút bình yên sau những mệt mỏi. Chắc chắn tôi sẽ quay lại phố thị để thực hiện mơ ước của mình vì tôi không cho phép mình gục ngã, chỉ đơn giản là tôi đang muốn ngả lưng, ở nơi đầy thanh âm của đêm. Mà giờ đây thanh âm duy nhất của đêm là tiếng tim đập thật dội của người cha đang đợi con gái về.