/

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Á Nam Trần Tuấn Khải sáng tác phong dao vào những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1963, trong Giảng luận về Tản Đà, Thanh Vân Trần Mộng Hải viết: Phần phong thi trong thơ văn Tản Đà tuy số lượng ít ỏi nhưng có một giá trị đặc biệt, vì qua đó chúng ta nhận thấy rõ tính chất thuần túy Việt Nam của thi sĩ núi Tản sông Đà [5, tr.43]. Và trong bài viết Á Nam Trần Tuấn Khải, anh khóa với những vần thơ nước non, Đoàn Lê Giang đã viết: Phong dao là một trong những cống hiến đặc sắc của Á Nam. Hồn ca dao của dân tộc đã thấm sâu vào anh Khóa bình dân, khiến cho thi sĩ viết ra những bài ca như của một chị nhà quê, một anh trai cày đích thực… [6 , tr.408]. Phong dao Tản Đà và Á Nam ghi dấu ấn với người đọc bởi sự kế thừa mạch nguồn dân gian về nội dung và nghệ thuật; bởi sự sáng tạo trong ở nhiều phương diện khác nhau. Một trong những sáng tạo đó là việc Tản Đà và Á Nam sử dụng sáng tạo câu chữ Truyện Kiều – Nguyễn Du trong phong dao.

 

Bài phong dao sau đây được Á Nam viết để diễn tả nỗi nhớ thương của người con gái khi người thương xa vắng:
Vành giăng ai xẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng?
Đưa nhau một bước lên đàng,
Cỏ xanh hai dẫy, mấy hàng châu sa!
Bài phong dao làm người đọc nhớ tới những câu thơ trong Truyện Kiều diễn tả tâm trạng của Kiều khi chia tay chàng Thúc, trong không gian chia ly, trong nỗi cô đơn, sự nhớ nhung tha thiết:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
Cả hai ý thơ đều tỏ rõ nỗi niềm của những người yêu nhau mà phải chịu sự cách trở, đều là nỗi niềm của người con gái khi chịu cảnh chia ly. Hình ảnh vầng trăng mang tính chất biểu tượng, chỉ những hẹn ước thề nguyền, chỉ sự tinh tế, lãng mạn trong tình yêu. Vầng trăng đã chứng kiến những mối tình, những đêm hò hẹn. Vầng trăng là sự tròn đầy, là ánh sáng dịu dàng đem đến sự ấm áp, hạnh phúc cho những đôi lứa yêu nhau. Thế nhưng trong bài phong dao trên, vầng trăng bị xẻ đôi, như niềm hạnh phúc đang bị chia cắt. Cũng giống câu thơ trong Truyện Kiều, vầng trăng chia đôi đi cùng với hình ảnh con đường, với sự cô độc của bóng hình người ra đi. Và sự trách móc, những nỗi xót xa vì đâu phải chịu cảnh chia ly này. Hình ảnh người ra đi với người đưa tiễn, những giọt lệ chan chứa theo bước chân đi làm trái tim người đọc phải thổn thức. Vì đó có thể là cuộc chia ly lần cuối, không hẹn ngày về. Cái không gian đường trần và cỏ xanh gợi sự mênh mông vô tận, làm con người chợt nhỏ bé, mất hút. Cuộc chia ly làm ta liên tưởng tới khung cảnh trong Chinh phụ ngâm, khi người vợ tiễn đưa chồng ra trận:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Không gian rợn ngợp quá, hình ảnh người ra đi thật oai phong lẫm liệt nhưng mà đó là cuộc ra đi không ai mong muốn bởi nó chia cắt con người, chia cắt lứa đôi. Không gian ấy thấm đẫm nỗi lòng người ở lại:
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền.
Tương tự, bài phong dao sau được Tản Đà viết về tình bạn và dùng ý thơ trong Truyện Kiều:
Lâu lâu nhớ bạn thi đàn
Câu thơ để đó ai bàn cùng ai?
Ngày xuân ngắn lắm ai ơi,
Khổ cho cái én đưa thoi hết ngày.
Bài phong dao mượn lại của đại thi hào Nguyễn Du những câu chữ đã đi vào lòng biết bao thế hệ:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Chỉ khác, Nguyễn Du miêu tả một bức tranh mùa xuân đầy sức sống, Tản Đà thể hiện nỗi khát khao tình bạn, người bạn tâm giao trong lúc tuổi xuân trôi nhanh. Ngày xuân ở đây là tuổi trẻ, là tình yêu và hạnh phúc. Ý thơ trên được Tản Đà nhắc lại trong bài phong dao:
Ngày xuân con én con oanh,
Ve ngâm vượn hót để dành đêm thu.
Đầu xanh chưa dễ ai tu,
Bao giờ tóc bạc chơi chùa có chăng.
Tản Đà mượn ý thơ Truyện Kiều để diễn tả quy luật thời gian, nói lên một nỗi lòng trong tình duyên. Hai câu đầu, bằng những hình ảnh khác nhau, tác giả cho thời gian trải dài trong ba mùa đầu: xuân, hạ, thu. Trong sự tuần hoàn, trôi chảy của thời gian, con người vẫn giữ vững sự kiên định: Đầu xanh chưa dễ ai tu. Và dù thời gian có trôi gấp gáp hơn nữa, con người theo quy luật đó từ đầu xanh đến tóc bạc thì vẫn không hề thay đổi quan niệm cuộc đời, tình yêu, hạnh phúc. Có chăng chỉ là người khách thích đi đây đó, yêu cảnh đẹp ghé chơi nơi cõi Phật từ bi. Lòng người vững vàng toát lên từ hệ thống ngôn từ và hình ảnh của bài phong dao.
Nhờ chất liệu Truyện Kiều, những bài phong dao trên trở nên quen thuộc như chính Truyện Kiều trong đời sống. Cách hai tác giả mượn câu chữ Truyện Kiều để viết phong dao thể hiện tình yêu đối với tác phẩm vô giá của dân tộc. Bản thân điều đó là một sự sáng tạo, và may thay, sự sáng tạo đó khiến cho các bài phong dao có được giá trị riêng, không nhầm lẫn, không pha tạp. Người đời sau nhận ra sợi dây vô hình mà mãnh liệt kết nối những con người, những tác phẩm ở những thời đại khác nhau. Mối giao hòa, đồng cảm đó giúp văn học ở bất kỳ thời đại nào cũng gần gũi hơn, giúp con người tiến dần hơn đến những giá trị nhân văn.
Đào Thủy Hậu –
Học viên Cao học VH Việt Nam K17, ĐH Quy Nhơn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Xuân Diệu, Lữ Huy Nguyên (1993), Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, Nxb, TP. Hồ Chí Minh.
[2] Tầm Dương (2003), Tản Đà – khối mâu thuẫn lớn, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
[3] Trịnh Bá Đĩnh – Nguyễn Đức Mậu (2001), Tản Đà – Về tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Bùi Giáng (2001), Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, NxbVăn học, TP. Hồ Chí Minh.
[5] Thanh Vân Trần Mộng Hải (1963), Giảng luận về Tản Đà, Văn học tùng thư Sài Gòn, Sài Gòn.
[6] Lan Hinh Trần Thị Lan (2015), Kim Sinh Lụy Á Nam Trần Tuấn Khải tác phẩm, nhận định và tư liệu, Nxb văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
[7] Mã Giang Lân (1998), Tục ngữ ca dao Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[8] Phong Lê (2002), Thời kỳ 1900-1932 và cuộc chuyển giao từ văn học trung đại sang văn học hiện đại TCVH (8)