/

Hướng tới ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề Mái ấm gia đình, cô tổng phụ trách có một thông báo gửi về các lớp. Mỗi lớp chọn từ ba đến năm em vẽ tranh gửi tham dự cuộc thi do thành đoàn tổ chức.
Trong suốt những năm theo học dưới mái trường phổ thông, cô Châu và các thầy cô khác đều biết rõ khả năng hội họa của các em. Nhưng để cho công bằng trong việc tuyển chọn các bạn có năng khiếu tham dự cuộc thi thành phố sắp tới, cô tổng phụ trách hướng dẫn giáo viên mỹ thuật cho một đề tài để khảo sát lại khả năng thiên phú của học sinh. Hoài An được biết đến như một ứng viên sáng giá cho tất cả các kì thi liên quan đến hội họa. An có đôi tay nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và khả năng phối màu tuyệt vời. Em đã vẽ và đạt rất nhiều giải cao trong các phong trào như: giải nhì cuộc thi vẽ về môi trường với chủ đề Trái Đất là nhà cấp thành phố; giải nhất cuộc thi Toyota với chủ đề Chiếc xe mơ ước cấp quận; giải nhất cuộc thi hành tinh xanh… và rất nhiều giải thưởng khác. Em có đôi bàn tay diệu kì, nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì đôi bàn tay em chắc hẳn sẽ có đến mười hoa tay. An là niềm tự hào của bạn bè, thầy cô, nhất là với gia đình em. Ngoài vẽ, em ấy còn đam mê thiết kế, phát thảo rất nhiều logo thời trang rất ấn tượng. Do đó, cô Tuyền đã không ngần ngại khi chọn lựa mỗi lớp năm em để khảo sát, đương nhiên là có Hoài An.
Hai mươi bức vẽ, với màu sắc, đường nét, và hình ảnh thân quen đã mang đến cho người xem một không gian ấm áp của gia đình. Hình ảnh một vườn hoa cúc, phía trên bầu trời cao lồng lộng với bảy sắc cầu vòng, mà phía góc dưới khung nền tuyệt đẹp đó là hình ảnh người cha cõng đứa con trai rượt đuổi theo mẹ và cô con gái. Một bức vẽ khác, từ phía đằng xa là ánh sáng vừa mới ló dạng của ông mặt trời, ánh bình minh tuyệt vời ấy có cái nắm tay rất chặt của hai người lớn, một chú bé đứng giữa, tiến về phía trước. Bức tranh đơn giản hơn, nhưng mang lại cho người xem cảm giác yêu thương ấm áp đến vô cùng. Một trái tim trên nền đỏ rộng, bên trong là ba bàn tay được quyện chặt và nhau, ôm ấp nâng niu một bàn tay nhỏ bé, bầu bĩnh, tròn chịa nhất quả đất này. Bằng những tưởng tượng khác nhau, những cảm xúc khác nhau và bằng những tin yêu từ cuộc sống hạnh phúc, các em đã vẽ nên cái không gian đang có, hoặc các em mơ về. Mỗi bức tranh là một gia đình, không chỉ đủ thành viên, mà ở đó còn có một tình yêu, tình yêu thiêng liêng ấm áp như ánh mặt trời, nồng thơm như hương hoa cúc, đỏ thắm như trái tim trong lồng ngực của mỗi người.
Nhà trường chọn năm tác phẩm ấn tượng nhất dự thi. Một điều bất ngờ trong đợt thi này không có bức tranh nào của Hoài An. An không dám cho mẹ biết. An lầm lũi trong suốt thời gian từ khi có kết quả. Nhưng An không biết rằng, mẹ mình đã biết từ lâu. Bà không buồn, không trách gì An. Một buổi chiều, khi rước An từ lớp học đàn chở về nhà, mẹ nói với An.
– Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, chỉ khi nào con đi trọn hết ước mơ cuộc đời, con mới thấy hết ý nghĩa của cuộc sống.
An chỉ dạ một tiếng rồi im lặng.
Là một cô bé có vóc người nhỏ nhắn, trầm tính, sống khép kín, và luôn có ý thức tự lập từ rất sớm. Trong bức vẽ khảo sát của nhà trường, An không dùng kĩ năng hội họa, An không dùng thủ thuật màu sắc, An cũng không tưởng tưởng ra những khung ảnh tuyệt đẹp của hai từ hạnh phúc. Mà An chọn cách vẽ theo suy nghĩa của mình, bức vẽ thiên về ước mơ với sắc màu đơn điệu, có lẽ không mang đến cho mọi người chút ấn tượng gì từ cái nhìn đầu tiên. An trang trí cho bức tranh của mình cũng khác hẳn những bức vẽ đang treo trên phòng trưng bày của nhà trường. Hai tờ giấy bìa cứng được dán thật khít lại với nhau, tờ giấy ngoài, An dùng để vẽ, tờ giấy sau An muốn ép cho bức tranh mình cứng cáp, vững vàng và An trang trí như một cái khung.
Khi treo bức tranh lên tường, vô tình rớt xuống, cô chủ nhiệm đọc được lời bài hát, cộng thêm việc hiểu được gia đình của An. An sống cùng mẹ, cha và mẹ An đã ly hôn lúc An bốn tuổi. Từ khi chia tay, mẹ An vất vả hơn nhiều khi vừa nuôi An, và lo cho công việc. Người phụ nữ đơn thân chật vật với mọi thứ mà lo cho con gái mình từng chút, từng chút một.
Lặng đi với những cảm xúc bật lên từng hàng chữ của cô học trò nhỏ nhắn đáng thương của mình, cô chủ nhiệm đã chạy vội đến phòng thầy hiệu trưởng.
Ba là cây nến vàngMẹ là cây nến xanhCon là cây nến hồngBa ngọn nến lung linhThắp sáng một gia đình
Hình ảnh ba ngọn nến, góc trái là màu vàng, góc phải là xanh, ở giữa là hồng. Một điều đặc biệt khi mọi người nhìn kĩ, với hai chi tiết rất ấn tượng trong bức vẽ, ba ngọn nến đang rực cháy. Ba ngọn nến được đặt trên một đám mây màu trắng, phía bên trong đám mây, hình như có một đôi mắt ẩn mình bên trong một cô bé đang mơ.
Nhìn kỹ bức tranh, thầy hiệu trưởng nghẹn lòng, cô chủ nhiệm của An cũng ứa nước mắt. Quay sang thầy, cô nói.
– Muộn rồi phải không thầy ạ?
Thầy bảo.
– Không, chúng ta không ai muộn cả. Vẫn còn kịp mà.
Phòng triễn lãm đã sẵn sàng, các bức tranh vào chung kết đã có vị trí trưng bày cho riêng mình. Giám khảo là những nhà hội họa lớn của thành phố đã bắt tay vào làm việc. Thầy hiệu trưởng hớt hãi ôm bức tranh trước ngực chạy đến. Cô chủ nhiệm xách guốc chạy theo sau. Thầy gọi điện cho ai đó vội vã, gấp gáp. Cửa phòng bật mở, cô gái mặc chiếc áo dài kịp nâng trên tay bức vẽ và đem đặt nó lên một chiếc ghế cao trong góc cuối phòng trưng bày một cách cẩn thận.
Cuộc thi có hai phần, chấm tranh vẽ và phần thuyết trình. Ban giám khảo chọn ra mười bức tranh đẹp, sắc sảo, ý nghĩa trong số ba mươi tranh trong phòng trưng bày.
Mười bức tranh được đặt trang trọng trên sân khấu, lần này sẽ chấm điểm hai phần thi cộng lại. Phần thi thuyết trình diễn ra với rất nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc, ấm áp của các bậc phụ huynh và cả nhiều người đứng trong khán phòng. Không ít những giọt nước mắt nhẹ rơi vì những ước mơ khát vọng của các em về một gia đình trong tương lai.
An cùng mẹ thở dốc chạy vừa đến nơi, cũng là lúc người dẫn chương trình tiến lại micro nói lớn.
– Và bây giờ mời chủ nhân của bức tranh BA NGỌN NẾN – Nguyễn Hoài An.
An nắm thật chặt tay cô chủ nhiệm, ánh mắt run run, ngước nhìn sang mẹ, nghe rõ lời động viên của mẹ và cô Không sao đâu con, cứ nói những gì con nghĩ.
An chậm rãi tiến về phía trước, trong bộ quần áo cũ kỹ, úa màu, một chiếc nút cuối cùng cũng sứt từ lâu, hai vạt áo hở ra, hất nhẹ lên từ ngọn gió của chiếc quạt trần. An bước lên sàn sân khấu nhỏ, cúi đầu chào. Thầy hiệu trưởng mở cái điện thoại của mình và truy cập bài ca của nhạc sĩ Ngọc Lễ, nền nhạc không lời vang lên, nhưng mỗi người đều nghe rõ từng câu hát hòa trong lời ấm áp của An.
– Bất kì ai khi xuất hiện trên trái đất này, đều là một sự ban ơn. Một sinh mệnh dần lớn lên và trưởng thành đều do tình yêu của cha và mẹ ban cho. Ai trong chúng ta cũng có một gia đình. Chúng con biết ơn cha mẹ về tất cả. Mỗi gia đình, cũng có niềm hạnh phúc riêng. Đủ hay không đầy hạnh phúc, không phải do chúng con chọn lựa. Con chỉ có một mơ ước, một khát khao, dù không sống cùng chung một mái nhà, nhưng mỗi thành viên đều là ngọn nến thắp sáng tình yêu và mơ ước. Con luôn khao khát được một gia đình trọn vẹn, mơ giấc mơ về ngày đầu tiên khi Cha mẹ vẫn nhớ mãi về ngày cưới, ngày hạnh phúc nhất trên đời để con được mãi nói lời này: Con yêu cha mẹ rất nhiều. BA NGỌN NẾN của con là như vậy đó.
Em cúi đầu chào, cả một không gian đang lặng yên bỗng vỡ òa những tiếng vỗ tay không dứt. Tiếng vỗ tay hạnh phúc của những người đang ngăn giọt nước mắt mình rơi.
Ngoài kia, nắng lên cao, trải vàng khoảng sân thềm cỏ, nắng nhảy nhót tạo ba màu thật đẹp, thật lung linh.

 

NGUYỄN NGỌC NHIÊN