Bi kịch của nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Trên thiên đường kí ức” của Nguyễn Thị Hoàng (Nguyễn Hoàng Yến Phụng)

Nguyễn Thị Hoàng là một trong số những cây bút nữ nổi tiếng trước 1975. Nhà văn sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị thuộc các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ. Một trong số những nét riêng biệt, độc đáo ở tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng là việc tác giả tập trung bút lực để nhào nặn, khắc họa nên hình tượng các nhân vật nữ. Đặc biệt, qua tập truyện ngắn Trên thiên đường kí ức, Nguyễn Thị Hoàng đã rất xuất sắc khi tạo dựng thành công bi kịch của các nhân vật nữ. Mỗi câu chuyện bên trong các tác phẩm của bà là mỗi cuộc đời, mỗi số phận nhân vật nữ khác nhau nhưng tựu chung họ đều mang bi kịch trong tình yêu, hôn nhân, gia đình và trong cuộc sống xã hội.

1. Bi kịch trong tình yêu

Bi kịch tình yêu của các nhân vật nữ được Nguyễn Thị Hoàng khắc họa qua nhiều khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn như họ không có được sự thấu hiểu; bị người tình chối từ, phụ bạc. Thậm chí tình yêu của họ còn bị nhiều yếu tố khách quan chi phối, cản trở.

Với Tiếng gọi, Nguyễn Thị Hoàng đã khéo léo tạo ra nhiều bế tắc trong tình yêu của Tiên và Duy. Họ yêu nhau nhưng không có sự cảm thông và thấu hiểu. Ngày trước, Tiên là một ca sĩ nổi tiếng ở các phòng trà, vũ trường. Tiên mê hát, say sưa hát bằng cả chất giọng lẫn tâm hồn. Từ khi Duy xuất hiện, Tiên đem lòng yêu chàng và biết rằng con tim mình đã thuộc về người đàn ông ấy. Nhưng Duy đã mang Tiên đi, mang cô rời bỏ đam mê và khao khát của mình: “Duy kéo Tiên trở về đồn điền, bằng ích kỉ và tàn nhẫn, đày ải nàng trong thân phận và địa vị của một người đàn bà bình thường” [4, tr.95]. Điều này đã giết chết đời sống của Tiên. Bởi lẽ, đồn điền không là nơi cô thuộc về. Tiên không cam chịu sống kiếp đời buồn tẻ, chán ngắt, quắt quay ở chốn này. Hơn hết, Tiên muốn đắm mình vào không gian dưới ánh đèn màu, trong phòng trà và vũ trường đầy tiếng nhạc. Điều đó, Duy hoàn toàn không cho phép. Thế nên, Tiên cảm thấy mình rơi vào bi kịch: “Nhiều mảng trí não tôi đã vỡ ra, rơi xuống. Đầu tôi như chỉ còn là những mảng xương ghép lại bằng những bu lông tuột ốc vặn. Lỏng lẻo và sẵn sàng sụm xuống bất cứ lúc nào. Lâu rồi tôi cũng không nhận ra bóng dáng lờ mờ sống sót của tôi bên chàng, trong đời sống nữa và quen hẳn với trạng thái tàng hình của mình” [4, tr.89]. Sống bên cạnh Duy với sự ràng buộc và cấm đoán, Tiên thấy đời mình không còn niềm vui và ý nghĩa vì điều cô mong muốn không bao giờ có được: “Thỏi son và nụ cười đã hết… Mày chỉ còn một nửa mặt để hướng về đời” [4, tr.90]. Tiên nhận rõ sự chết đang từ từ vây kín đời sống tẻ nhạt của cô. Nó làm cô nặng trĩu ưu phiền: “Nỗi ưu tư nào gậm nhấm cuộc đời và thân thể tôi. Những ước mơ mênh mang u uất không lời diễn tả. Và một sự chết âm thầm nào đó từ từ len lỏi vào những miền ngõ ngách đầy mốc rêu và bóng tối của sự sống” [4, tr.92]. Những chuỗi ngày sống cùng Duy là địa ngục. Người đàn ông ấy đã kìm hãm và dập tắt mọi ước vọng, khát khao được tự do, thỏa nguyện trong đời sống của Tiên. Vì thế, nhân vật nữ phải triền miên bị nhấn chìm trong bi kịch.

Sơn Chi trong truyện ngắn Bóng lá hồn hoa là một nhân vật nữ mang bi kịch trong tình yêu. Bởi lẽ, nàng đem lòng yêu thương một người đàn ông tài tử chỉ biết vui chơi qua đường. Sau khi đến với nhau, người đàn ông chẳng còn nhớ về nàng nữa. Hắn bỏ mặc nàng và tiếp tục trở về cuộc sống riêng của mình. Vì trót yêu sâu đậm, Sơn Chi nhiều lần tìm kiếm và bày tỏ mong muốn được sống bên cạnh người tình. Nàng làm tất cả mọi thứ với hi vọng có được trái tim chàng. Tuy nhiên, “kẻ qua đường” chỉ muốn trốn chạy. Sơn Chi rơi vào khổ đau, bi kịch:

 “ – …Em cũng nghĩ, nhà em bây giờ chính là ông, dù ông có đối xử thế nào. Em chỉ xin một góc xó nào đó, để hàng ngày, nhìn thấy ông đi vào đi ra” [4, tr.561];

– …em chỉ…yêu ông, muốn nhìn thấy ông, luôn luôn, ra vào, ăn ngủ, nói cười,…” [4, tr.562].

Lời nàng vừa tha thiết vừa như cầu xin một sự chấp thuận. Nhưng mọi thứ Sơn Chi có được chỉ là một sinh linh trong bụng, thái độ vô cảm, tước bỏ mọi ràng buộc và trách nhiệm của người mà nàng dành trao cả trái tim, tâm hồn và thể xác. Điều ấy khiến Sơn Chi dường như điên dại. Trái tim nàng tan nát. Tâm trí nàng cuồng quay. Cõi lòng nàng rã rời, đau đớn:

“-…làm cách nào để đừng phiền ông, em cứ nghĩ là khi nhớ tới em, dù một thoáng thôi, ông bực mình vì em, em chỉ muốn chết đi để đền bù và chuộc lỗi” [4,tr.568].

Không còn cách nào khác, Sơn Chi đành tự sát để chấm dứt cuộc tình đầy oan khiên, ngang trái.

Đến với Vết sương trên ghế đá hồng, độc giả sẽ cảm nhận được những đau thương, bi kịch của Ngàn. Ngàn và Vương yêu nhau nhưng chiến tranh khiến họ phải yêu trong chia xa, cách biệt. Vậy nên, nhân vật nữ thường xuyên phải đối diện với sự trống trải, cô đơn. Nhiều lần, nỗi nhớ nhung người yêu tìm đến choáng ngợp khắp tâm trí Ngàn. Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã thấu cảm được điều đó. Bà để cho nhân vật được thổ lộ những khát khao đang dâng trào mãnh liệt:“Em phải có anh ít nhất là những đêm cuối tuần. Anh phải có em ít nhất là buổi sáng Chủ nhật, mặt trời lên cao chót vót đầu cửa kính, trong hai tay em, trên hai môi em. Không rời thâu đêm. Phải như thế” [4, tr.381]. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện tại, mong ước ấy quả thật hết sức khó khăn, đôi khi là vô vọng. Bởi lẽ, đã lâu lắm rồi, Vương không trở về. Nhìn hình Vương, nỗi nhớ, niềm mong cứ bám riết lấy Ngàn mà không sao có được chàng thực thụ: “Nét mặt tuyệt vời kia, bao nhiêu lần cúi xuống. Cúi xuống. Ngàn nhắm mắt. Nước mắt bỗng dưng nồng nàn trào lên mi. Nỗi nhớ như một cơn sóng lớn phủ trùm lao tới, ngập lụt xác thân, thần trí” [4, tr.373-374]. Nếu những lần trước, Ngàn còn ngập ngừng, do dự thì lần này, Ngàn quyết định sẽ một lần chủ động đến trại lính tìm Vương: “Lần này khác, em vượt qua, bất cứ cách nào, cái khoảng cổng cao đóng kín kia, vào trong đó tìm thấy anh, giữa trăm nghìn khuôn mặt xa lạ và giống nhau. Tìm cho thấy anh, rồi thì…” [4, tr.374]. Ngàn đã tưởng tượng mình sẽ vui sướng và hạnh phúc biết chừng nào khi gặp Vương ở đó. Cả hai sẽ dành cho nhau những phút giây yêu thương dù là ngắn ngủi, vội vàng. Trái lại, cuộc đời không cho nhân vật sở hữu những điều mình đã khắc khoải đợi mong. Người tình của Ngàn nhất quyết không chịu gặp và cũng không chịu về. Vương bỏ mặc nàng với bao não nề thất vọng cùng những day dứt khôn nguôi. Nhân vật chỉ còn biết tự mình ôm lấy nỗi đau của chính mình: “Con đường cũng đã mở, xua đuổi và chia rẻ. Thôi anh đi đi. Còn em thì về, em về nhà em, lại một mình, như xưa kia,…” [4, tr.381-382]. Nguyễn Thị Hoàng đã dẫn dắt người đọc đến với từng trạng thái cảm xúc của nhân vật. Bà hiểu và thể hiện thật sâu sắc sự quặn thắt, đớn đau mà nhân vật nữ phải trải qua trong bi kịch tình yêu.

2. Bi kịch trong hôn nhân, gia đình

Trong hôn nhân, gia đình, nhân vật nữ của Nguyễn Thị Hoàng luôn gặp phải nhiều bi kịch. Mỗi nhân vật nữ đối diện với một loại bi kịch khác nhau. Đó là sự buồn khổ vì cãi nhau, không thấu hiểu trong đời sống vợ chồng. Thậm chí, họ còn phải đối mặt với sự vô tâm, tàn nhẫn của chính những người thân thương.

Trong truyện ngắn Cánh cửa đen, nhà văn đã tập trung khắc họa bi kịch trong hôn nhân của nhân vật khi vợ chồng chưa có sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau. Bởi lẽ, người chồng dù đã chọn được người phụ nữ của đời mình và coi người ấy là quan trọng nhất cũng không thể bỏ bê công việc. Một bên là gia đình, một bên là công việc. Nếu như kẻ trong cuộc có quá nhiều thiên lệch sẽ khiến bi kịch bùng nổ. Vì vậy, đời sống hôn nhân của “tôi” trở thành ngục tù tối tăm, ghê rợn: “… chúng tôi trở thành những cái bóng nhạt mờ của nhau. Tại tôi. Và tại chàng. Tôi biết là chàng không thể làm cách nào khác cho hai chúng tôi sinh sống, hơn là vẽ, vẽ liên miên. Mà tôi thì thấy càng vẽ chàng càng chết, và tôi trong đời sống chàng càng vô nghĩa. Làm thế nào để chia xẻ thì giờ đầy đủ và nhất định cho tôi, cho công việc chàng, mà đôi bên không làm lẫn lộn và thiệt hại cho nhau” [4, tr.195]. Mối quan hệ vợ chồng ngày càng  xấu đi, tan vỡ bởi nhiều lần cả hai tranh cãi. Tâm lí “tôi” cứ ngổn ngang, mong ước những điều không thể có: “Tôi không muốn phân chia thì giờ với công việc chàng. Chỉ muốn hoặc người đàn ông chọn công việc để bỏ rơi tôi, hoặc chọn tôi để bỏ rơi công việc. Người đàn ông đã chọn tôi, nhưng để có tôi trong đời sống thực tế người đàn ông phải làm việc. Tôi không thích điều tội nghiệp hợp lí đó. Tôi chỉ muốn có một cách phi thường nào đó làm người đàn ông chọn lựa tôi và đồng thời vẫn có công việc họ mà không xao lãng tôi một phút giây nào. Tôi muốn điều không thể được” [4, tr.196]. Có lẽ, nhân vật nữ không thể sống bên cạnh chồng mà tâm hồn anh ta chỉ dành cho những mối bận tâm khác, hoàn toàn đổ dồn vào công việc mà quên đi cảm xúc của người đối diện: “Tôi không đáng một vệt màu, một nét bút của người đàn ông…” [4, tr.196]. Nhân vật nữ trong truyện được nhà văn khắc họa mang nhiều bi kịch. Bởi “tôi” cảm nhận rằng: mình chỉ là một vật thể, một nơi để người đàn ông trút bỏ mọi bực tức, muộn phiền: “Vậy thì tôi chẳng là gì trong thế giới đó. Chẳng là gì hơn một thùng rác chứa đựng tất cả những bất mãn, bực dọc, dày vò từ cung cách đối xử của người đàn ông ném xuống.” [4, tr.197]. Vì muốn mà không được, “tôi” đã quyết định bỏ đi. Tuy nhiên, việc trốn tránh tình trạng hiện tại vẫn không phải là sự lựa chọn hoàn hảo của nhân vật. Nguyễn Thị Hoàng đã diễn tả nhiều sầu muộn, sự dằn vặt và hối hận đang cào xé trong “tôi”. Cuối cùng, nhà văn cho nhân vật của mình quay trở về: “Tôi muốn trở về. Muốn lạc mất tôi trong đời sống đó còn hơn tan chìm trong thế giới nào im lìm không ai nhìn thấy, không ai làm nhân chứng cho sự sống, chết của tôi.” [4, tr.198]. Dù vậy, kết thúc truyện, nhân vật vẫn không thoát được bi kịch. Vì “tôi” có trở về, có giải quyết vấn đề để gìn giữ cho nhau hạnh phúc thì người chồng cũng đã không còn. Bởi trước mắt “tôi” lúc này chỉ còn là tàn tích sót lại sau khi đám cháy đi qua: mọi thứ đen kịt, không khí ngột ngạt, nồng nặc mùi than cháy và thuốc súng,…

Qua truyện ngắn Bóng sao chìm, nhà văn đã khắc họa thành công nhân vật bà Hậu. Bà là một người phụ nữ gặp phải tấn bi kịch trong hôn nhân. Suốt đời, bà luôn âm thầm, lặng lẽ yêu thương và hi sinh cho chồng. Đổi lại, người phụ nữ ấy không bao giờ có được hạnh phúc thật sự cho riêng mình. Ngày qua ngày, bà thui thủi một mình bởi ông Hậu thỉnh thoảng mới trở về nhà. Cuộc đời chỉ dành cho bà những góc khuất tối tăm, lạnh lẽo, thiếu vắng tình yêu thương và quan tâm của chồng. Nghịch cảnh ấy đã đọa đày và làm tan nát trái tim người đàn bà: “Còn tôi. Bao nhiêu phức tạp rộn ràng ở bề ngoài đời sống và ở bên trong tâm hồn. Tôi có gì không? Còn gì nữa. Nắng vàng hoe ngoài ấy, và hai con mắt cay mỏi mê không thèm khóc nữa lệ vẫn muốn tràn. Cái gì làm đau, cái gì làm tủi. Nỗi cô đơn. Hay niềm tức tửi. Hay gì gì nữa. Tôi không hiểu mình. Không ai hiểu tôi. Những điều chỉ cảm thấy không thể nói” [4, tr.398]. Bà Hậu sống như một sinh thể bị giam lỏng trong ngục tù hôn nhân. Mỗi khi ông về nhà, trái tim bà thêm quặn thắt, lòng bà càng tái tê: “Không có gì ngoài tiếng giày của ông Hậu lâu lâu trở về, khua động ngoài hiên. Về chỉ để ra đi, và đi là lôi thốc cả ngày tháng, hi vọng, ruột gan của bà theo. Trông đợi một cái gì không thể trông đợi được nữa” [4, tr.398]. Quá thiếu vắng trong tình cảm vợ chồng, trong chiêm bao, bà Hậu vẫn không ngừng khao khát. Nguyễn Thị Hoàng cho nhân vật nữ của mình được gặp và thỏa nguyện với người tình trong mộng. Nhưng điều đó lại càng làm cho bi kịch của nhân vật thêm chồng chất. Bởi lẽ, người tình chỉ đến và chỉ khỏa lấp sự trống trải trong chiêm bao mà với nhân vật, chiêm bao không bao giờ là đủ đầy, trọn vẹn. Mọi cảm giác, ham muốn của bà đều cần phải thật. Vậy nên, bà Hậu như nửa tỉnh nửa mê. Người đàn bà khốn khổ ấy bắt gặp cô gái đi ngang nhà mình và bộc bạch bao thèm khát đã từ lâu bà không thể nào thỏa nguyện. Nhà văn đã tạo điều kiện cho nhân vật thốt ra những nỗi niềm sâu kín nhất:

“- …nếu cả đời chưa ai hôn ta trên môi, nghĩa là chưa ai biết hôn, thì người đó trong chiêm bao ấy nhé, sẽ hôn ta trên môi, và…em nghĩ có thể không, có chứ” [4, tr.410];

“ – Em à, ta cao hơn em. Mà trong chiêm bao, người ấy cao hơn ta, vậy ta phải quỳ xuống nếu thí dụ em là người đó, để em cao hơn ta, đêm trên đầu, sao trong đêm, và ta đang trong chiêm bao. Em… thử hôn ta đi, trên trán cũng được. Này…” [4, tr.411].

Nhưng cô gái nào có hiểu cho nỗi lòng bà. Vậy là mọi thứ đều không có thực, không thể chạm đến được dù chỉ một lần. Tác phẩm khép lại bằng việc cô gái sợ hãi bỏ đi, để lại người đàn bà trong cùng cực cô đơn và buông xuôi bất lực: “…người đàn bà gục xuống, lặng im, nhẫn nại, dịu dàng, và không bao giờ, không bao giờ còn vươn tay lên lần nữa để quàng lấy bờ vai nào yêu dấu, dù chỉ trong chiêm bao” [4, tr.411]. Quả thực, qua từng trang văn chất chứa bi kịch, nhân vật nữ của Nguyễn Thị Hoàng luôn khiến người đọc phải xót xa, trăn trở, day dứt không ngừng.

Quyên trong truyện Miền trú ẩn là một cô gái phải gánh chịu bi kịch gia đình. Quyên không có ba mẹ, người thân duy nhất của cô là chị Phúc. Nhưng để chiếm hữu gia tài, chị cần có giấy chứng nhận của bác sĩ rằng Quyên là một đứa điên. Quyên như bị giam lỏng hết ngày tháng ở bệnh viện. Có lúc, Quyên tưởng mình như một con quái thú, bị nhốt bên trong song sắt chỉ chờ có ai qua lại để nhe nanh cười, làm cho người ta kinh khiếp, hoảng sợ: “Những phút trong sáng và tỉnh táo nhất Quyên nghĩ ra như vậy, và cố bám víu vào những lí lẽ mơ hồ của mình, để hé lên một nụ cười, khờ dại và ngẩn ngơ, đủ cho những người đi qua ngoài khung cửa nhỏ có chấn song sắt dày tình cờ bắt gặp bước nhanh hơn như chạy trốn một con quái vật rình mồi” [4, tr.273]. Quyên cảm thấy mình thật lẻ loi, cô độc. Nơi này như địa ngục trần gian mà Quyên phải trú ngụ. Cảm giác khó chịu, tù túng, ngột ngạt làm tâm trí Quyên như cuồng quay: “Quyên không biết gì về mình nữa cả. Phần còn lại cho những ngày bít bùng giam hãm là nỗi mong mỏi, cuối cùng và độc nhất, được đi khỏi căn phòng đóng kín, đến đâu cũng được, hỏa ngục hay tù đày, dơ bẩn hay tối tăm, gì cũng được miễn là khỏi nơi này” [4, tr.275]. Những ngày bị nhốt trong nhà thương điên, Quyên chờ đợi, trông ngóng đến hao gầy, mòn mỏi người chị duy nhất sẽ đến thăm mình. Thấy chị Phúc, Quyên mừng rỡ và khẩn khoản van nài, cầu mong chị đưa Quyên thoát khỏi địa ngục này:

“ -Dạ, em thấy chị, em mừng quá hóa điên” [4, tr.276];

“ -Em lạy chị, chị cho em ra, chị cho em về, chị bắt làm bất cứ gì cũng được, nhưng đừng ở đây, đừng đi Biên Hòa” [4, tr.277].

Trái lại với bao khát khao, mong chờ của Quyên là sự vô tâm, thiếu tình thương của chị Phúc. Quyên càng van nài, chị Phúc càng nhẫn tâm, tàn ác. Nhân vật dường như muốn điên thật sự để vượt thoát ra ngoài:

“ -Không sao, em ăn luôn cả vỏ cũng được, miễn là chị xin cho em về nhà” [4, tr.279].

Tuy vậy, chị Phúc vẫn chẳng chút động lòng trừ khi mục đích chiếm đoạt đã nằm chắc trong lòng bàn tay chị. Kết thúc truyện, chị đến đưa Quyên về. Lần này, Quyên lại không muốn trở về nhà nữa: “Quyên la lên thất thanh, không không, tôi không về, không bao giờ về đâu” [4, tr.287]. Nơi đây, Quyên đã bắt gặp một ánh mắt và bàn tay quan tâm khẽ đặt nhẹ lên vai mình từ một người con trai lạ bị điên. Điều ấy khiến Quyên nghe trong mình cháy rực như ngọn đuốc ngầm. Cô thà ở lại đây còn hơn về sống trong sự ghẻ lạnh của chị Phúc. Tuy nhiên, bi kịch vẫn đeo bám. Nhân vật không thể nào được tự do với những ước vọng của riêng mình.

3. Bi kịch trong cuộc sống xã hội

Nhiều nhân vật nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Hoàng mang nặng nỗi đau bi kịch do cuộc sống xã hội mang lại.

Đến với Rừng lao xao, nhân vật Uyên luôn làm trái tim độc giả phải thổn thức, rung động. Uyên là một cô gái trẻ trung, tràn đầy ước vọng. Vậy mà, bất hạnh đã tìm đến và nhất quyết không chịu buông tha cô. Trước đây, khi căn bệnh tim quái ác chưa xuất hiện, Uyên hồn hiên, vô tư và đẹp một cách rạng ngời. Kể từ khi bệnh, cô luôn sống bằng trạng thái bi quan cùng với ý định đi tu. Khi bệnh tim trở nặng, Hải đưa Uyên về đồn điền để tiện việc chăm sóc. Cô chỉ còn biết sống với những khoảng thời gian âm u, sầu não. Lòng cô nặng trĩu và tưởng chừng như mình đang thuộc về cõi chết. Đời sống của cô là những tháng ngày không niềm tin, không ý nghĩa. Căn bệnh đã cướp hết, chiếm đoạt hết của Uyên tất cả mọi thứ. Nó làm cô suy sụp và luôn sống trong sự tự ti, mặc cảm. Không chỉ có thế, bi kịch trong Uyên càng chất chồng khi cô bắt gặp được vẻ đẹp lung linh, đầy mời gọi của khu rừng lao xao. Hằng ngày, Uyên đều ngắm nhìn khu rừng tuyệt đẹp ấy với niềm khao khát sục sôi: một lần mình được đặt chân đến đó. Vậy mà, ước mơ tưởng chừng giản đơn ấy lại hết sức xa vời và khó lòng thực hiện, nhất là với một người đang mang bệnh tật như Uyên. Nhà văn để cho nhân vật nữ của mình phải sống với sự thèm khát, nung nấu ước vọng khôn nguôi mà không tài nào chạm đến được: “Tưởng tượng chỉ đi dạo một vòng là đến đó, hình ảnh gần như có thể chỉ rướn người là với được trong tay. Nhưng Hải, mọi người cứ bảo là xa lắm, xa lắm hai tiếng mời mọc và đe dọa” [4, tr.31-32]. Vậy nên, mỗi ngày trôi qua với cô đều là một cực hình. Khu rừng lao xao vẫn cứ lung linh xao động trong nắng mà Uyên thì không làm sao có thể đến được nơi này. Đêm đến, nỗi mong muốn lại “sống dậy” trong cô qua những cơn sốt mơ hồ: “…Uyên thấy cỗ xe bốn ngựa đưa nàng đến đó… Giấc mơ đứt đoạn nửa chừng và Uyên tỉnh dậy trong mịt mù của đêm miền núi” [4, tr.32]. Uyên nói với Hải trong tuyệt vọng:

– Anh Hải, suốt đời, suốt những ngày còn lại Uyên chỉ nhìn thấy đỉnh rừng lao xao mà không bao giờ đến đó được sao. Không có một con đường nào nối liền giữa mỗi con người với ước vọng xa xăm của mình sao.” [4; tr.37].

Vì quá khát khao, Uyên cuối cùng cũng đến được khu rừng lao xao ấy bằng sự giúp đỡ của Thường. Tuy vậy, chuyến đi này không mang lại những điều tốt đẹp như cô hằng mong đợi. Mọi cảm giác háo hức, vui tươi mà Uyên từng tưởng tượng đều thay bằng trạng thái buồn bã, ủ dột, thất vọng tràn trề. Đây là chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời của nhân vật. Uyên đã kết thúc sự sống của mình trong hành trình quay trở lại đồn điền.

Với Nhạc tím, bi kịch của Châu là mong muốn sở hữu một thứ mà cô vĩnh viễn không thể có được. Dù sống trong gia đình đủ đầy, sung túc, Châu vẫn bị thứ đó ám ảnh và lớn dần trong cô theo thời gian: “…ban đêm, buổi chiều thường bị cái ấy ám ảnh liên miên. Nhiều hôm Châu mở cửa ra ngoài đêm tối chạy lên nhà thờ vào quỳ ở đó, chỉ để được nhìn thấy điều mong muốn. Nhưng đâu phải chỉ nhìn. Xa tầm tay quá. Mà Châu thì muốn có lâu dài, vĩnh viễn trong tay thôi” [4, tr.266]. Châu nhờ người yêu của mình đem nó đến cho cô trước khi hai người thuộc về nhau mãi mãi: đó là bức tượng nhỏ có hào quang màu tím ở nhà thờ. Tuy nhiên, điều nhân vật muốn lại là cái vô hình, cái cảm thấy chứ không phải là cái hữu hình: “Màu tím làm hai mí mắt mình chìm xuống khoảng không nào lặng ngắt và tiếng nhạc làm hồn mình bay lên cao khoảng không mát lạnh chơi vơi.” [4, tr.268]. Châu cảm thấy mình hoàn toàn bất lực: “Châu lẩm nhẩm, thôi không phải rồi, không phải rồi.”; “Như thế, bức tượng chỉ tím trong ánh sáng của nhà thờ, và màu tím chỉ tím trong tiếng nhạc hư hư ảo ảo huyền hoặc của nhà thờ.” [4, tr.269]. Như vậy, dù có tìm cách sở hữu, chiếm đoạt để vĩnh viễn có cho riêng mình, Châu vẫn không thể chìm ngập vào điều mà cô mơ ước.

Qua truyện ngắn Tiếng còi trong kẽ đá, Sao cũng là một cô bé đầy bi kịch. Sao sống cùng với một ông lão – người đã nhặt con bé về nuôi, con Bạch và con khỉ để lập thành gánh hát rong. Hàng ngày, Sao mang tiếng hát của mình để góp vui cho đời, cùng ông lão và hai con vật – hai người bạn thân thiết, rong ruổi khắp đó đây. Vậy mà, giọng hát ngọt ngào của con bé đành mất đi vĩnh viễn bởi một cục hạch phồng lên phía dưới cổ. Đây là một cú sốc tinh thần quá khủng khiếp đối với nhân vật. Bệnh tật đến quá bất ngờ khiến Sao bàng hoàng, sợ hãi. Hơn nữa, do vô tình, Sao đã gián tiếp gây ra cái chết của Bạch chỉ vì tập cho nó đứng thẳng bằng hai chân. Lão già giết Bạch vì sợ nó thành tinh sẽ mang xui xẻo cho gánh hát. Một mình Sao phải gánh chịu gấp đôi nỗi buồn: vừa mất bạn vừa bị bệnh tật hành hạ. Thế nên, Sao rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần: “Một lúc, nó hoảng hốt quắt quay nhận ra mình mất đi quá nhiều thứ, con Bạch thân yêu, và tiếng hát đã có được bằng những trận đòn roi quắn da, những bữa nhịn cơm nguội bới trong mo cau, những nước mắt và hình phạt của lão già trong những giờ tập dượt.” [4, tr.290]. Sao cảm thấy mình bơ vơ, trơ trọi và không còn mục đích sống cho những ngày sắp đến: “…và bây giờ mùa hè đã khuất, hơi thu vừa tới, họ cùng rủ nhau về ngủ im lìm suốt một năm dài trong màn trời xám đục đìu hiu kia, bỏ lại Sao có một mình trên quãng đường quen thuộc vẫn dừng chân giữa hai chuyến đi bồng bềnh bất định” [4, tr.292]. Chẳng còn ai bên đời, Sao chỉ biết làm bạn với mỗi tiếng kèn. Tuy nhiên, bi kịch lại bủa vây con bé. Bởi tiếng kèn là một thứ âm thanh đáng nguyền rủa đối với lão già. Nó nhắc lão nhớ về quá khứ đau thương của mình. Lão cấm đoán và đánh đập con bé tàn nhẫn mỗi khi nó thổi lên những thanh âm ấy: “Lão xốc nó lên, kéo lại gần gốc cây dương liễu gần nhất, buộc dán người nó vào thân cây bằng một sợi dây dừa và chiếc roi gân lại tiếp tục vung lên rít xuống cũng nhịp nhàng và đay nghiến như những lời nguyền rủa của lão” [4, tr.294]. Nhưng lão càng cấm đoán Sao càng muốn thổi. Bởi tiếng kèn mang nó vào một xứ sở khác. Ở đó, cuộc sống tuyệt vời và tốt đẹp hơn hiện tại biết bao! Ở đó, Sao có thể gặp lại tiếng hát mình xưa và con Bạch yêu dấu. Để trốn tránh lão già và duy trì những thanh âm tuyệt diệu đó, Sao đã phát hiện ra một cái hầm kín để trốn Tây đi lùng. Nhưng Sao đâu ngờ rằng vì muốn thổi chiếc tù và ấy, nó đã đưa mình vào chỗ chết. Bởi miệng hầm là một cái cửa bẫy. Nó có thể sập và bịt kín đường lên: “Sao ngồi bệt xuống nền hầm lõng bõng nước, duỗi hai chân, tựa lưng áo rách vào vách đất trơn nhớt lổm ngổm những thứ trùn đất bò âm thầm trong tối tăm, nâng cái tù và lên môi, rúc lên một hồi và dừng lại nghe ngóng. Không, không có gì không có ai đây” [4, tr.298]. Tiếng kèn đã cất lên và rồi từ đây, nó đưa sao về với cõi vĩnh hằng. Cứ thế, con bé cứ thổi và chết ngạt trong đó, trên môi vẫn ngậm lấy chiếc tù và…

Bằng lời văn giàu cảm xúc và lối diễn đạt tinh tế, Nguyễn Thị Hoàng đã dựng xây nhiều hình tượng nhân vật nữ khác nhau mang đầy bi kịch. Chứng kiến từng con người, từng mảnh đời chồng chất đau thương, ai oán, độc giả không khỏi xót xa, ngậm ngùi và ám ảnh cho dù thời gian trong các truyện đều đã lùi xa so với hiện tại. Tuy nhiên, phần lớn bi kịch mà những nhân vật nữ của Nguyễn Thị Hoàng trải qua đều là những bi kịch không hề cũ. Bi kịch đó vẫn có thể tồn tại, hiện hữu ngay cả trong thời điểm hiện tại và tương lai. Bởi lẽ, con người muôn thuở sẽ không bao giờ thoát được vòng vây của tình yêu, hôn nhân, gia đình và cuộc sống xã hội.

Nguyễn Hoàng Yến Phụng

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Hoài Anh (2009), Lí luận – Phê bình văn học ở đô thị Miền Nam 1954 – 1975, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
  2. Trịnh Bá Đĩnh (2013), Phê bình Văn học Việt Nam hiện đại, NXB Văn học, Hà Nội.
  3. Phạm Ngọc Hiền (2018), Thi pháp học, NXB Tổng hợp TP.HCM.
  4. Nguyễn Thị Hoàng (2020), Trên thiên đường kí ức, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
  5. Nguyễn Vy Khanh (2019), Văn học Miền Nam 1954 – 1975, Nhân ảnh xuất bản, Hoa Kì.
  6. Võ Phiến (1999), Văn học Miền Nam (truyện), Cuốn 2, Văn nghệ xuất bản, California, Hoa Kỳ.
  7. Nguyễn Thị Thu Trang (2015), Văn xuôi đô thị Miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 nhìn từ các giá trị văn hóa truyền thống, NXB Đại học Quốc gia, TP.HCM.

Vannghemoi.com.vn − 19:29, ngày 10/05/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền